Những nhận định về những Hồng y mới

được Ðức Phanxicô lựa chọn

 

Những nhận định về những Hồng y mới được Ðức Phanxicô lựa chọn.

Tuyết Nguyễn

Vatican (NCR 10-10-2024) - Sau đây là sáu góc nhìn để hiểu các hồng y mới là ai và tại sao Ðức Giáo hoàng Phanxicô có thể đã chọn họ. Bất cứ khi nào Ðức Giáo hoàng Phanxicô công bố danh sách các hồng y mới, các phóng viên thường đưa ra lăng kính diễn giải về sự lựa chọn này. Tuy nhiên, sự thật, thường có nhiều cách giải thích về danh sách các hồng y mới, và thường là trong chính từng cá nhân đã được chọn lựa.

Ðiều này có vẻ như vậy đối với 21 hồng y mới được Ðức Giáo hoàng Phanxicô công bố vào ngày 6 tháng 10 năm 2024. Các chủ đề như sự đa dạng về mặt địa lý, các mối quan hệ cá nhân và việc ban thưởng những giám mục cùng quan điểm các ưu tiên của Ðức Giáo hoàng và không ban thưởng những người không cùng quan điểm, sẽ nhận mũ đỏ tại công nghị được tổ chức vào ngày 8 tháng 12 năm 2024, công nghị thứ 10 trong 11 năm giáo hoàng của Ðức Phanxicô.

Sau đây là sáu góc nhìn để hiểu các hồng y mới là ai và tại sao Ðức Giáo hoàng Phanxicô có thể đã chọn họ.

1. Những lựa chọn bất ngờ đối với Úc và Ukraine.

Trước khi danh sách được đưa ra, một số nhà quan sát ghi nhận rằng Hồng y đoàn không có bất kỳ đại diện nào từ Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraine - một sự thiếu sót đáng chú ý, xét đến cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine - hoặc Giáo hội ở Úc, nơi không có hồng y kể từ khi Ðức Hồng y George Pell qua đời vào tháng 1 năm 2023.

Lần này Ðức Phanxicô đã bù đắp điều này, nhưng không theo cách mà nhiều người mong đợi, đặc biệt đối với người Úc hoặc người Công giáo Hy Lạp Ukraine.

Một trong những lựa chọn bất ngờ, Ðức Phanxicô đã bổ nhiệm Ðức Giám mục Mykola Bychok, 44 tuổi, của giáo phận Công giáo Ukraine tại Melbourne, Úc, làm hồng y. Khi làm như vậy, ngài đã bỏ qua hai giáo sĩ cấp cao khác: Tổng giám mục Sviatoslav Shevchuk, giáo chủ của Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraine có trụ sở tại Kyiv, một người đã chỉ trích thái độ xử lý chiến tranh tại Ukraine của Ðức Phanxicô, và Tổng giám mục Anthony Fisher, người kế nhiệm Hồng y Pell với tư cách là Giám mục của Sydney và là nhà lãnh đạo Công giáo uy tín của Úc.

Nói cách khác, mặc dầu những người Công giáo Hy Lạp Ukraine có một hồng y, nhưng đó không phải là người lãnh đạo của họ; và Úc cũng có một hồng y, nhưng lại không đại diện cho 5 triệu người Công giáo của Úc, những người theo Nghi lễ Latinh.

Ðức cha Bychok có thể là một nhà lãnh đạo tốt nhưng việc chọn ngài có thể bị một số người Công giáo Hy Lạp Ukraine và Úc xem là không lý tưởng, vì điều đó báo hiệu rằng cả Ðức Tổng giám mục Shevchuk và Ðức Tổng giám mục Fisher sẽ không có khả thể để nhận được chiếc mũ đỏ trong một thời gian gần.

2. Lăng kính của Fiducia Suplicans.

Fiducia Supplicans, văn kiện gây tranh cãi của Vatican vào tháng 12 năm 2023 về việc chúc lành cho người đồng tính, là một lăng kính quan trọng khác để hiểu rõ ai được lọt vào danh sách các hồng y mới, và ai bị loại.

Trong danh sách hồng y lần này, Ðức Phanxicô đã chọn Tổng giám mục Jean-Paul Vesco, người Pháp dòng Ðaminh lãnh đạo Giáo hội tại Algiers, một người đã đưa ra lời bảo vệ đối với văn kiện này.

Tương tự như vậy, Hồng y tân cử người Serbia, Tổng giám mục Ladislav Nemet, cũng đón nhận Fiducia Supplicans nồng nhiệt hơn so với các giáo mục Ðông Âu. Trong khi đó, Giáo hội Công giáo ở Châu Phi cận Sahara, nơi mà sự phản kháng đối với Fiducia Supplicans diễn ra mạnh mẽ và sôi nổi nhất, lần này chỉ có một hồng y được thêm vào danh cách, đó là Tổng giám mục Ignace Bessi Dogbo của Abidjan, Bờ Biển Ngà.

Trong thực tế, trong khi Châu Á và Châu Mỹ Latinh có thêm năm hồng y mới, điều này sẽ mở rộng sự đại diện theo tỷ lệ của cả hai châu lục trong Hội đồng Hồng y, thì sự lựa chọn ít ỏi ở Châu Phi sẽ làm giảm đi tiếng nói của châu lục này trong hội đồng Hồng Y và trong mật nghị bầu giáo hoàng. Tỷ lệ phiếu bầu của châu lục này giảm từ 13.1% xuống 12.7%, một sự đảo ngược rõ ràng so với ý muốn trước đây của Ðức Phanxicô là trao cho Nam Bán cầu này nhiều tiếng nói hơn trong các vấn đề của Giáo hội.

Sự vắng mặt của các giám mục châu Phi là một điều đáng chú ý, cùng với sự đón nhận không mấy nồng nhiệt của lục địa này đối với Fiducia Supplicans có thể có liên quan đến điều này.

3. Các giáo phận Hồng y.

Khi nói đến việc trao mũ đỏ, Ðức Phanxicô đã có thói quen bỏ qua các nhà lãnh đạo của cái gọi là các giáo phận hồng y, các tổng giáo phận quan trọng mà theo truyền thống do một hồng y lãnh đạo. Ngài đã làm điều đó một lần nữa, các giáo phận lớn như Paris, Milan và Los Angeles một lần nữa bị bỏ qua. Ba giáo phận này đã không có hồng y trong hơn bảy năm.

Mặt khác, người đứng đầu giáo phận hồng y ở Lima, Ðức Tổng giám mục Carlos Castillo Mattasoglio, lại được bổ nhiệm làm hồng y, mặc dù ngài chỉ được bổ nhiệm mới được bốn năm. Thời gian chờ đợi của Tổng giám mục Francis Leo của Toronto ngắn hơn nhiều: Vị giám mục 53 tuổi này chỉ mới được bổ nhiệm vào ngày 25 tháng 3 năm 2023, nghĩa là chỉ được một năm. Và Tổng giám mục Roberto Repole cũng sẽ được tấn phong hồng y sau chưa đầy ba năm lãnh đạo Turin, Ý, mặc dù người tiền nhiệm của ngài, Ðức Tổng giám mục Cesare Nosiglia, chưa bao giờ nhận được mũ đỏ trong 12 năm.

Ðức Phanxicô không phải là hoàn toàn ngừng việc nâng cao các nhà lãnh đạo của các giáo phận hồng y. Thay vào đó, ngài chọn lọc và quyết định xem trong số những giáo mục này, ai là người mà ngài muốn trao mũ đỏ, một điều mà các nhà phê bình cho rằng hoàn toàn đi ngược lại mục đích về ý tưởng các giáo phận hồng y truyền thống. Ý tưởng rằng bằng cách có các giáo phận nơi các nhà lãnh đạo trở thành hồng y theo mặc định, nền chính trị giáo hoàng sẽ ít bị ảnh hưởng hơn, cho phép một Giáo hội cân bằng tự nhiên hơn.

Trừ khi người nắm giữ một giáo phận hồng y hoàn toàn không đủ tiêu chuẩn, nếu không, ngài sẽ nhận được chiếc mũ đỏ của mình đúng thời hạn, bất kể những điểm nhấn về thần học hoặc mục vụ cụ thể của ngài có phù hợp với giáo hoàng hiện tại hay không. Nhưng Ðức Phanxicô đã thay đổi thông lệ này, điều này có thể sẽ có những tác động vượt xa nhiệm kỳ giáo hoàng của chính ngài.

4. Nhìn vào Di sản và 20 năm tới

Các phân tích cho rằng Ðức Phanxicô đang sắp xếp Hồng y đoàn để bảo đảm rằng người thừa kế tư tưởng của ngài sẽ được bầu lên để tiếp tục công việc của ngài không hẵn là đúng. Thực tế là bằng cách mở rộng địa lý của hồng y đoàn, Ðức Phanxicô bảo đảm rằng mật nghị tiếp theo sẽ khó đoán hơn bình thường. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là Ðức Phanxicô không để lại dấu ấn của mình trên Hồng y đoàn với công nghị sắp tới.

Bảy trong số 21 hồng y được ngài bổ nhiệm đều dưới 60 tuổi. Ðiều này có nghĩa là một số thành viên của nhóm hồng y này sẽ bỏ phiếu trong các mật nghị giáo hoàng trong hơn 20 năm tới. Mặc dù họ có thể không chia sẻ tất cả các quan điểm của Ðức Phanxicô, nhưng họ sẽ mãi mãi gắn bó với ngài về mặt tiểu sử, bảo đảm rằng giáo hội sẽ nói về vị giáo hoàng hiện tại và tác động của ngài trong nhiều năm tới.

Cuối cùng, với tư cách là giáo hoàng đầu tiên đến từ Mỹ Latinh, một người đã dựa rất nhiều vào việc thực hành Công giáo của khu vực này trong việc quản lý Giáo hội hoàn vũ, Ðức Phanxicô bảo đảm rằng lục địa quê hương của mình sẽ tiếp tục có ảnh hưởng tại Rome, bằng cách bổ nhiệm các hồng y mới từ Brazil, Peru, Ecuador, Chile và quê hương Argentina của ngài.

5. Các ưu tiên của Ðức Phanxicô

Nhiều ưu tiên khác của Ðức Phanxicô được phản ánh một cách tượng trưng trong việc ngài chọn các hồng y mới.

Cụ thể ngài đã thực hiện một việc làm chưa từng có là bổ nhiệm viên chức Quốc vụ khanh chịu trách nhiệm tổ chức các chuyến công du của mình, Ðức ông George Jacob Koovakad, làm hồng y.

Ngoài ra, Ðức Phanxicô đã nhấn mạnh cam kết của mình trong việc giải quyết hoàn cảnh khó khăn của những người di cư bằng cách bổ nhiệm thứ trưởng chuyên về vấn đề nhập cư của Bộ Phát triển Con người Toàn diện, Cha Fabbio Baggio, làm hồng y. Ðức Phanxicô đã làm điều tương tự vào năm 2020, với Hồng y Michael Czerny, khi đó là thứ trưởng của bộ nhưng sau đó đã được thăng chức làm giám đốc.

Vị giáo hoàng Dòng Tên đầu tiên cũng nhấn mạnh đến việc nâng cao vị thế của các thành viên trong các cộng đồng tôn giáo, vì 10 trong số 21 vị hồng y mới là tu sĩ.

Ngài cũng bổ nhiệm Cha Timothy Radcliffe, một tu sĩ dòng Ðaminh người Anh mà Ðức Phanxicô đã chọn làm "giám đốc tâm linh" của Thượng hội đồng về tính đồng hành, nhấn mạnh tầm quan trọng của Thượng hội đồng đối với di sản của ngài và tiếp tục phục hồi các nhà thần học trước đây bị gạt ra ngoài lề. Trước đây, Hồng y tân cử Radcliffe đã từng khiến cho các giáo hoàng trước đây khó chịu vì ông ủng hộ các mối quan hệ đồng tính trong nhiều năm.

Ðức Tổng Giám mục người Brazil Jaime Spengler, OFM, một trong 21 người được Ðức Phanxicô chọn để trở thành hồng y trong công nghị tiếp theo vào ngày 8 tháng 12, một người kêu gọi "cởi mở" với ý tưởng về các linh mục lập gia đình để phục vụ một số cộng đồng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu linh mục.

6. Không có người Mỹ nào được chọn

Mỗi khi một công nghị mới được công bố, người Mỹ đều để ý xem tổng giám mục Los Angeles có nằm trong số đó không. Và giống như mọi công nghị khác được tổ chức kể từ khi Ðức Phanxicô trở thành giáo hoàng vào năm 2013, tên của Tổng giám mục José Gomez không được liệt kê, mặc cho ngài là giám mục của một giáo phận lớn nhất nước Mỹ.

Mặc dù việc Tổng giám mục Gomez không có trong danh sách đã được dự đoán trước tại thời điểm này, nhưng làm một điều đáng ngạc nhiên khi không có một người Mỹ nào trong danh sách của đức Phanxicô. Ðức Hồng y Sean O'Malley của Boston đã bước sang tuổi 80 vào mùa hè năm 2023 và hiện không còn đủ điều kiện để tham gia mật nghị giáo hoàng, nên đã có suy đoán rằng đức Phanxicô có thể bổ nhiệm một hồng y mới người Mỹ tại công nghị này. Ðức Phanxicô đã sử dụng chiếc mũ đỏ để cố gắng định hình lại ảnh hưởng trong giám mục đoàn Hoa Kỳ, bổ nhiệm các hồng y có xu hướng cấp tiến nhiều hơn so với giám mục người Mỹ bình thường, chẳng hạn như Hồng y Blase Cupich của Chicago và Hồng y Robert McElroy của San Diego.

Lần này ngài không chỉ định một hồng y người Mỹ nào cho thấy hoặc ngài không thể tìm được một ứng cử viên nào theo phong cách của Hồng y Cupich, hoặc ngài không còn hứng thú với việc định hình lại Giáo hội Hoa Kỳ thông qua việc bổ nhiệm hồng y. Dù lý do là gì đi nữa, điều đó có nghĩa là đại diện của Hoa Kỳ trong Hồng y đoàn sẽ giảm tại công nghị ngày 8 tháng 12 năm 2024, xuống còn 7% từ 8.2% hiện nay và từ 9.4% năm 2013.

Nguồn: National Catholic Register

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page