Ðức Thánh cha gặp gỡ

các giáo sư Ðại học Công giáo Leuven, Bỉ

 

Ðức Thánh cha gặp gỡ các giáo sư Ðại học Công giáo Leuven, Bỉ.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Brussels (RVA News 28-09-2024) - Ðại học Leuven-Louvain: Cơ hội chính yếu để Ðức Thánh cha Phanxicô viếng thăm Bỉ là dịp kỷ niệm 600 năm thành lập Ðại học Công giáo ở Leuven.

Ðại học Công giáo này được thành lập năm 1425 cổ kính nhất trong số các Ðại học Công giáo trên thế giới. Nguyên thủy, đại học này tọa lạc tại Leuven thuộc miền nói tiếng Flamand, nhưng do sự tranh chấp ngôn ngữ giữa vùng nói tiếng Flamand và tiếng Pháp, nên năm 1968, đại học này quyết định tách ra làm hai và: năm 1971, Ðại học tiếng Pháp được chuyển đến thành phố tân lập, gọi là Louvain-la-Neuve, cách Leuven 30 cây số và có 30,000 dân cư.

Theo thống kê hiện nay, Ðại học Leuven có khoảng 60,000 sinh viên, học tại bốn chi nhánh khác nhau và trong đó, có 21,000 là người nước ngoài và tại đây, một vài ngành như thần học cũng được dạy bằng tiếng Anh. Còn Ðại học Louvain có 40,000 sinh viên.

Viếng thăm

Lúc 4 giờ chiều, ngày 27 tháng Chín năm 2024, Ðức Thánh cha đã từ Tòa Sứ thần Tòa Thánh đến Ðại học Leuven, cách đó gần 27 cây số. Thành phố cổ kính này, có từ thế kỷ thứ IX, cùng tên thuộc vùng nói tiếng Flamand và có 104,000 dân.

Khi đến nơi vào lúc 4 giờ 30 chiều, Ðức Thánh cha đã được ông Viện trưởng Ðại học Leuven, bà Viện trưởng Ðại học Louvain cùng với Ðức Tổng giám mục Giáo phận thủ đô Bruxelles-Malines, trong tư cách là Ðại Chưởng ấn của cả hai đại học, và thủ tướng miền Flandre cùng chính quyền địa phương chào đón.

Sau khi Ðức Thánh cha ký tên vào sổ vàng của Ðại học, ngài đến Hội trường Promotion Hall, ở lầu I để gặp gỡ các giáo sư.

Diễn văn của Viện trưởng

Giáo sư Viện trưởng đã ngỏ lời chào mừng Ðức Thánh cha. Ông gợi lại 600 năm lịch sử của đại học và hoạt động hiện nay. Ông nói: "Công việc khoa học của đại học là cởi mở, không thành kiến hoặc hàng rào. Có lẽ giá trị lớn nhất của đại học này đối với Giáo hội là ở nơi sự độc lập. Ðại học chúng tôi có thể là một người đối tác tranh biện, một nơi thảo luận cởi mở về các vấn đề luân lý đạo đức, xã hội và triết học, một trung tâm suy tư phê bình và trung thành, gợi hứng và thách đố đối với cộng đoàn Công giáo. Ðây là một trung tâm suy tư, dám thách đố xã hội trên căn bản vũ trụ quan Kitô giáo".

Trong số các thách đố hiện nay, có vấn đề những người di dân và tị nạn. Tình trạng này cũng gọi hỏi sứ mạng của đại học trước những lập trường khác nhau: có người chủ trương phải chứng tỏ sự liên đới nhiều hơn, nhưng cũng có những người chủ trương cần phải tăng cường kiểm soát biên giới. Trong tư cách là một cộng đoàn học thuật, Ðại học Leuven chống lại chủ trương hoàn cầu hóa sự dửng dưng, chống lại những ý thức hệ phá hủy sự khác biệt và chịu sự đồng hóa chung, là điều kiện để chấp nhận những người di dân và tị nạn.

Uy tín tinh thần của Giáo hội

Giáo sư Viện trưởng cũng đề cập đến uy tín tinh thần của Giáo hội và Ðại học. Ông nhận định rằng: "Giáo hội đang đứng trước một công tác rất lớn lao. Cú sốc do những vụ lạm dụng tính dục và cách thức đối phó với chúng, trong quá khứ, đã làm suy yếu uy tín luân lý của Giáo hội trong thế giới tây phương. Ðể tái lập, ít là một phần uy tín nhiệm đã bị phá vỡ, cần có một cuộc đối thoại thẳng thắn, cam kết và chân thành với các nạn nhân, công khai nhìn nhận những lỗi lầm đã phạm.

"Uy tín của Giáo hội cũng tùy thuộc mức độ đón nhận những khác biệt trong xã hội. Tại sao chúng ta dung dưỡng sự cách biệt rất rộng lớn giữa nam và nữ, trong một Giáo hội thường được phụ nữ hướng dẫn? Tôi nghĩ đến sự dấn thân rất lớn của bao nhiêu phụ nữ trong giáo xứ đại học chúng tôi. Ðức Tổng giám mục Terlinden, Tổng giám mục Bruxelles mới đây đã thay thế Giám mục Phụ tá miền Brabante Vallone bằng một phụ nữ dấn thân. Phải chăng Giáo hội sẽ không nồng nhiệt hơn, nếu dành cho phụ nữ một chỗ đứng quan trọng hơn, kể cả trong chức linh mục?"

Giáo sư Viện trưởng cũng kêu gọi Giáo hội cởi mở hơn và chấp nhận những người LGBT+, đồng tính luyến ái, nam, nữ, đổi giống, lưỡng tính....

Sau lời chào mừng của giáo sư Viện trưởng, mọi người đã xem một băng video về việc đón tiếp và giúp đỡ những người tị nạn, cũng như chứng từ của vài người tị nạn.

Diễn văn của Ðức Thánh cha

Trong diễn văn tại cuộc gặp gỡ các giáo sư Ðại học Leuven-Louvain, Ðức Thánh cha nói đến sứ mạng của đại học là tạo nên văn hóa, các ý tưởng, nhưng nhất là cổ võ sự hăng say tìm kiếm chân lý, phục vụ sự tiến bộ của con người. Ðặc biệt, các Ðại học Công giáo, như đại học này, được kêu gọi đóng góp phần quyết định làm men, muối và ánh sáng Tin mừng của Chúa Giêsu Kitô và truyền thống sinh động của Giáo hội, luôn cởi mở đối với những bối cảnh và những đề nghị mới" (Veritatis gaudium, 3).

Ngài nói: "Tôi muốn gửi đến anh chị em một lời mời gọi đơn giản: hãy mở rộng những biên cương kiến thức! Ðây không phải là gia tăng những ý niệm và lý thuyết, nhưng là biến việc huấn luyện học thuật và văn hóa thành một không gian sinh động, hiểu cuộc sống và nói với đời sống... Mở rộng các biên cương và trở thành một không gian cởi mở đối với con người và xã hội chính là sứ mạng lớn lao của đại học".

Ðức Thánh cha đặc biệt cảm ơn các giáo sư vì đã mở rộng biên cương, đón tiếp những người tị nạn phải rời bỏ quê hương, giữa bao nhiêu bất trắc, bao nhiêu cơ cực và đau khổ, nhiều khi khủng khiếp. "Trong băng Video chúng ta vừa xem, có một chứng từ rất cảm động. Trong khi một số người kêu gọi tăng cường biên giới, thì anh chị em, trong tư cách là cộng đồng đại học, kêu gọi mở rộng biên cương, mở rộng vòng tay đón tiếp những người đau khổ ấy và giúp đỡ họ học hành và tăng trưởng. Chúng ta cần một nền văn hóa mở rộng biên cương, không phe phái, cũng chẳng đặt mình trên người khác, trái lại, đi vào trong đấu bột của thế giới, mang vào đó một men tốt, góp phần vào thiện ích của nhân loại. Công tác này, niềm hy vọng lớn lao hơn, được ủy thác cho anh chị em".

Kết thúc cuộc gặp gỡ với các giáo sư Ðại học Leuven-Louvain, lúc 5 giờ 30 chiều, Ðức Thánh cha tiến ra quảng trường chợ, là quảng trường chính của thành phố Leuven để chào thăm khoảng 20,000 người, rồi Ðức Thánh cha trở về Tòa Sứ thần Tòa Thánh.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page