Ðức Thánh cha viếng thăm Quốc vương
và gặp gỡ chính quyền Bỉ
Ðức Thánh cha viếng thăm Quốc vương và gặp gỡ chính quyền Bỉ.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Brussels (RVA News 27-09-2024) - Sáng thứ Sáu, ngày 27 tháng Chín năm 2024, Ðức Thánh cha Phanxicô viếng thăm Quốc vương Bỉ và gặp gỡ chính quyền cũng như đại diện các tầng lớp xã hội tại nước này. Ðức Thánh cha đề cao vai trò quan trọng của Bỉ trong cộng đồng Âu châu và kêu gọi các nước học bài học lịch sử để tránh rơi vào tình trạng xung đột.
Chiều tối thứ Năm, ngày 26 tháng Chín năm 2024, Ðức Thánh cha đã kết thúc một ngày viếng thăm Luxemburg và bay sang Bỉ. Tại phi trường quân sự Melsbroek, Ðức Thánh cha đã được Quốc vương và Hoàng hậu Bỉ đón tiếp. Sau đó, Ðức Thánh cha về Tòa Sứ thần Tòa Thánh đã dùng bữa tối và nghỉ đêm.
Ðất nước và Giáo hội tại Bỉ
Vương quốc Bỉ chỉ rộng 30,000 cây số vuông, với dân số gần 12 triệu người, trong đó 60% nói tiếng Flamand hay tiếng Hòa Lan, và 40% nói tiếng Pháp. 57% dân số là tín hữu Công giáo, 2.8% theo các hệ phái Kitô khác, 20% không theo tôn giáo nào, và 9% cho biết mình là người vô thần. Số người Hồi giáo cũng là một nhóm quan trọng, với 6.8% dân số. Các tín hữu Công giáo Bỉ họp thành một Giáo tỉnh, gồm Tổng giáo phận Malines-Bruxelles và bảy giáo phận thuộc hạt.
Gặp Quốc vương và chính quyền Bỉ
Sáng ngày 27 tháng Chín năm 2024, sau khi dâng lễ riêng tại nguyện đường Tòa Sứ thần, Ðức Thánh cha đã đến hoàng cung Bỉ, ở lâu dài Laeken, cách đó 12 cây số, thuộc khu vực ngoài Bruxelles. Tại đây, ngài đã được nhà vua Bỉ đón tiếp và hội kiến riêng.
Vua Filippo Leopoldo Lodewijk Maria năm nay 64 tuổi (1960), trưởng nam của Vua Alberto II và Hoàng hậu Paola Ruffo, lên ngôi năm 2013, sau khi phụ vương thoái vị. Hoàng hậu hiện nay là Mathilde d'Udekem d'Acoz, có bốn người con.
Trong khi Ðức Thánh cha hội kiến riêng với nhà vua, thì thủ tướng Bỉ trao đổi với Ðức Tổng giám mục Pe#a Parra, Phụ tá Quốc vụ khanh Tòa Thánh, tương đương với Bộ trưởng Nội vụ của Vatican, và Ðức Tổng giám mục Ngoại trưởng Gallagher.
Gặp chính quyền
Sau cuộc hội kiến, Ðức Thánh cha cùng với Quốc vương và Hoàng hậu tiến sang sảnh đường "Grande Galerie" để gặp gỡ 300 người, gồm chính quyền, các vị đại diện tôn giáo, doanh nhân, xã hội và văn hóa.
Diễn văn của Ðức Thánh cha
Lên tiếng sau lời chào mừng của Vua Leopoldo, Ðức Thánh cha đề cao vai trò của nước Bỉ trong lịch sử và hiện nay, như biên cương giữa thế giới Ðức và Latinh, "một nơi lý tưởng sau thế chiến, như một tổng hợp của Âu châu từ đó tái khởi hành để tái thiết về thể lý, luân lý và tinh thần. Người ta cũng nói nước Bỉ là một cây cầu giữa đại lục và các đảo Anh quốc, một cây cầu trên đó mỗi người, với ngôn ngữ, tâm thức và xác tín riêng, gặp gỡ người khác và chọn lựa lời nói, đối thoại, chia sẻ như những phương thế để thể hiện bản thân. Ðó là một nơi mà người ta học cách biến căn tính của mình, không phải thành một thần tượng hoặc hàng rào, nhưng như một không gian hiếu khách, từ đó ra đi và trở lại; biến thành nơi thăng tiến các trao đổi giá trị và cùng nhau tìm kiếm những quân bình mới, xây dựng những tổng hợp mới".
Trong bối cảnh đó, "Âu châu đang cần nước Bỉ để tiến bước trên con đường hòa bình và huynh đệ giữa các dân tộc họp thành đại lục này. Ðất nước Bỉ nhắc nhở cho tất cả các nước khác rằng, khi người ta viện những cớ khác nhau, để rồi bắt đầu không tôn trọng những biên cương và hiệp định, và để cho võ khí được quyền tạo ra quy luật, đảo lộn các quy luật hiện hành, tức là người ta tạo ra những tai ương và tất cả các luồng gió tái bắt đầu thổi mạnh, làm rung chuyển nhà và đe dọa phá hủy nó".
"Thực vậy, hòa hợp và hòa bình không phải là một chinh phục ta đạt được một lần cho tất cả, nhưng là một nghĩa vụ và một sứ mạng cần không ngừng vun trồng, bền chí và kiên trì chăm sóc".
"Từ nước Bỉ, lịch sử là thầy dạy cuộc sống, nhắc nhở Âu châu hãy tái lên đường, tìm lại khuôn mặt thật của mình, tái đầu tư vào tương lai bằng cách cởi mở đối với cuộc sống, hy vọng, để đánh bại mùa đông dân số và hỏa ngục chiến tranh!"
Vai trò của Giáo hội Công giáo
Ðề cập đến vai trò của Giáo hội Công giáo, Ðức Thánh cha khẳng định rằng "qua việc làm chứng về chính niềm tin của mình nơi Chúa Kitô Phục sinh, Giáo hội cống hiến cho con người, các cá nhân, xã hội và quốc gia một niềm hy vọng luôn mới mẻ, một sự hiện diện giúp tất cả mọi người đương đầu với những thách đố và thử thách, không hăng say nhất thời và cũng chẳng bi quan u sầu, nhưng với xác tín rằng con người, được Thiên Chúa yêu thương, có một ơn gọi vĩnh cửu sống hòa bình, và thiện hảo, không phải chịu định mệnh đi tới tan rã và hư vô".
Giáo hội thánh thiện và tội lỗi
Giáo hội ý thức mình thánh thiện xét về được Chúa Giêsu thiết lập nhưng đồng thời cũng mong manh và thiếu sót nơi các phần tử của mình, không bao giờ hoàn toàn thích hợp với nhiệm vụ đã được ủy thác cho mình, một nhiệm vụ luôn vượt lên trên Giáo hội".
Trong bối cảnh này, Ðức Thánh cha nói rằng Giáo hội loan báo Tin mừng có thể làm cho các tâm hồn đầy vui mừng và với những hoạt động bác ái và vô số chứng tá yêu thương tha nhân, Giáo hội tìm cách cống hiến những dấu chỉ cụ thể và bằng chứng về tình yêu thúc đẩy Giáo hội. Nhưng Giáo hội sống trong tình trạng cụ thể của các văn hóa và não trạng của một thời đại nào đó, bị nhào nặn hoặc bị ảnh ảnh hưởng và Giáo hội không luôn luôn hiểu và sống sứ điệp Tin mừng trong sự tinh tuyền và trọn vẹn".
Trong bối cảnh đó, Ðức Thánh cha nhắc đến những sự kiện đau thương, như những vụ lạm dụng trẻ vị thành niên, một tai ương mà Giáo hội đang đương đầu một cách quyết liệt và cương quyết", lắng nghe và đồng hành với những người bị thương tổn và thực hiện trên khắp thế giới một chương trình bao quát để phòng ngừa".
Ngoài ra, có những vụ cưỡng bách cho con nuôi, trong những thập niên từ 1950 đến 1970 của thế kỷ XX ở Bỉ: 30,000 trẻ sơ sinh của những phụ nữ không kết hôn mà có thai bị giao cho những gia đình khác để nhận làm con nuôi, với sự đồng lõa của các tu sĩ nam nữ. Những thiếu nữ mang thai, được đón nhận trong các gia đình, và nhiều khi họ bị lạm dụng. Sau khi sinh con, họ bị gây mê toàn diện, và khi tỉnh dậy thì không thấy con mới sinh của mình nữa.
Ðức Thánh cha ứng khẩu xin lỗi vì những vụ đau thương như thế và ngài nói thêm rằng: "Trong tư cách là người kế nhiệm thánh Phêrô tông đồ, tôi cầu xin Chúa để Giáo hội luôn tìm được can đảm để làm sáng tỏ và không chiều theo thứ văn hóa thịnh hành, cả khi thứ văn hóa ấy lạm dụng, lèo lái các giá trị xuất phát từ Tin mừng, nhưng để rồi rút ra những kết luận sai trái, gây đau khổ và loại trừ".
Kết thúc cuộc gặp gỡ lúc gần 11 giờ, Ðức Thánh cha đã trở về Tòa Sứ thần Tòa Thánh.