Ðức Thánh cha gặp gỡ các sinh viên đại học Louvain
Ðức Thánh cha gặp gỡ các sinh viên đại học Louvain.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Bruxelles (RVA News 29-09-2024) - Chiều thứ Bảy ngày 28 tháng Chín năm 2024, Ðức Thánh cha Phanxicô đã đến Ðại học Công giáo Louvain, vùng tiếng Pháp, cách Tòa Sứ thần gần 30 cây số.
Ðại học Louvain-la-neuve tọa lạc tại một thành phố hơn 30,000 dân, cách thủ đô Bruxelles 30 cây số, được thành lập năm 1968, để đón tiếp Ðại học Louvain tiếng Pháp. Hiện nay, đại học này có hơn 30,000 sinh viên, với 19 phân khoa, bao gồm hầu hết các lãnh vực nghiên cứu. Phần lớn các khoa ở thành phố mới này, ngoại trừ phân khoa y khoa ở Woluwe-Saint-Lamber, ở ngoại ô Bruxelles. Trung tâm thành phố Louvain-la-neuve được hoàn toàn dành cho người đi bộ.
Ðến trường đại học vào lúc 4 giờ 03 chiều, Ðức Thánh cha đã được bà giáo sư Viện trưởng, cùng với giáo sư Viện trưởng Ðại học Leuven, Ðức Tổng giám mục Giáo phận Bruxelles, trong tư cách là Ðại Chưởng ấn của hai đại học, và ông thị trưởng và tỉnh trưởng địa phương, đón tiếp và dẫn ngài tới Ðại thính đường của đại học. Tại đây, sau lời chào mừng của bà giáo sư Francoise Smets, Viện trưởng, một lá thư dài gửi Ðức Thánh cha đã được tuyên đọc.
Lá thư gửi Ðức Thánh cha
Lá thư này là kết quả công việc tập thể của các giáo xứ, các nhà nghiên cứu trẻ và các sinh viên. Họ họp nhau để thảo luận về Thông điệp Laudato sì của Ðức Thánh cha về việc bảo vệ trái đất như căn nhà chung của nhân loại. Họ đào sâu năm lãnh vực là những căn cội triết học và thần học của cuộc khủng hoảng khí hậu, chỗ đứng của những cảm xúc và sự dấn thân, vấn đề những chênh lệch, chỗ đứng của phụ nữ và những thái độ điều độ và liên đới đứng trước tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Mỗi nhóm soạn ra một văn bản làm cơ bản cho lá thư này để gửi đến Ðức Thánh cha.
Diễn văn của Ðức Thánh cha
Lên tiếng trong dịp này, Ðức Thánh cha cho biết ngài có "ấn tượng mạnh về những vấn đề lo âu trong tương lai mà các giáo sư và sinh viên bày tỏ trong lá thư. Người ta thấy rõ sự ác hung bạo và kiêu căng đang tàn phá môi trường và các dân nước. Dường như nó không biết cầm hãm là gì. Chiến tranh là lối diễn tả tàn bạo nhất của sự ác ấy, cũng như sự tham nhũng và những hình thức nô lệ. Nhiều khi những sự ác ấy làm ô nhiễm cả tôn giáo, biến tôn giáo thành dụng cụ cho sự ác thống trị. Nhưng đó là một sự phạm thượng. Sự kết hiệp của con người với Thiên Chúa, Ðấng là Tình Thương cứu độ, trở thành nô lệ.
Ðức Thánh cha nói: "Các Kitô hữu chúng ta biết rằng sự ác không có tiếng nói cuối cùng. Hắn có những ngày đã được đếm rồi! Nhưng điều này không bãi bỏ sự dấn thân của chúng ta, trái lại càng gia tăng: hy vọng là một trách nhiệm của chúng ta".
Về tương quan của Kitô giáo với sinh thái học, đức tin của chúng ta có dự phóng nào liên quan đến căn nhà chung của toàn thể nhân loại, Ðức Thánh cha đề nghị ba thái độ, là: biết ơn, sứ mạng và trung thành.
Biết ơn vì căn nhà chung được ban cho chúng ta. Chúng ta không phải là chủ nhân, nhưng là những lữ hành trên trái đất. Vị đầu tiên chăm sóc trái đất này chính là Thiên Chúa.
Thái độ thứ hai là sứ mạng: chúng ta ở trong thế giới để giữ gìn vẻ đẹp và vun trồng trái đất để mưu ích cho tất cả mọi người, nhất là các thế hệ tiếp theo. Ðó chính là chương trình sinh thái của Giáo hội. Nhưng không kế hoạch phát triển nào có thể thành công nếu tiếp tục là kiêu căng, bạo lực, cạnh tranh trong các ý thức lương tâm của chúng ta. Cần đi tới nguồn mạch của vấn đề là trái tim của con người. Từ đó, cũng nảy sinh sự cấp thiết của đề tài sinh thái: thái độ dửng dưng của những kẻ cường quyền, luôn đặt lợi lộc kinh tế lên trước. Bao lâu còn như thế, thì mọi lời kêu gọi sẽ bị bó buộc im tiếng hoặc chỉ được tiếp nhận tùy theo nó thích hợp với thị trường. Và bao lâu thị trường còn tiếp tục chiếm chỗ nhất, thì căn nhà chung của chúng ta còn phải chịu bất công.
Thứ ba là sự trung thành với Thiên Chúa và con người. Thực vậy, sự phát triển này liên hệ tới tất cả mọi người trong mọi khía cạnh của cuộc sống: thể lý, luân lý, văn hóa, xã hội chính trị và bất kỳ hình thức đàn áp và gạt bỏ đều chống lại sự phát triển ấy. Giáo hội tố giác những vụ lạm dụng ấy, bằng cách trước tiên, dấn thân trong việc hoán cải mọi thành phần của mình, hoán cải chính chúng ta, theo công lý và sự thật. Theo nghĩa đó, sự phát triển toàn diện kêu gọi sự thánh thiện của chúng ta: đó là ơn gọi sống công chính và hạnh phúc cho tất cả mọi người".
Vì thế, sự chọn lựa cần thực hiện là giữa sự lèo lái thiên nhiên và vun trồng thiên nhiên. Bắt đầu từ bản chất con người chúng ta. Chúng ta hãy nghĩ đến sự chọn lựa giống tốt (Eugenetica) hay là ưu sinh, trí tuệ nhân tạo. Sự chọn lựa giữa sự lèo lái hay vun trồng, liên quan đến cả thế giới nội tâm của chúng ta..."
Sau diễn văn của Ðức Thánh cha, có một cử chỉ tượng trưng được thực hiện, nhân kỷ niệm 600 năm thành lập đại học là trồng cây các ước muốn, rồi Ðức Thánh cha ban phép lành cho mọi người.
Tiếp đó, Ðức Thánh cha còn tiến ra sân thượng trước đại thính đường ở lầu I, nhận một món quà của bà Viện trưởng và hai sinh viên, là cái nón, rồi ngài dùng xe golf nhỏ tiến ra sân trước đại học để chào thăm khoảng 4,000 sinh viên hiện diện.
Giã từ đại học lúc gần 6 giờ chiều, Ðức Thánh cha đã dùng xe tới Học viện thánh Micae của Dòng Tên, cách đó gần 30 cây số, để gặp gỡ riêng các tu sĩ Dòng Tên ở Bỉ, trước khi trở về Tòa Sứ thần Tòa Thánh, chỉ cách đó hơn hai cây số.