Ta không thể vừa tham dự thánh lễ xong,

ngay sau đó lại nói hành nói xấu

 

Kinh Truyền tin với Ðức Thánh cha: Ta không thể vừa tham dự thánh lễ xong, ngay sau đó lại nói hành nói xấu.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 02-09-2024) - Lúc 12 giờ trưa, Chúa nhật ngày 01 tháng Chín năm 2024, gần mười ngàn tín hữu đã đến tham dự buổi đọc kinh Truyền tin do Ðức Thánh cha Phanxicô chủ sự, tại Quảng trường thánh Phêrô.

Trong bài suy niệm ngắn trước khi đọc kinh, Ðức Thánh cha đã diễn giải lời Chúa Giêsu trong bài Tin mừng Chúa nhật thứ XXII Thường niên năm B.

Huấn từ của Ðức Thánh cha

Mở đầu bài huấn dụ, Ðức Thánh cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay, trong bài Tin mừng của phụng vụ (Xc Mc 7,1-8.14-15.21-21-23), Chúa Giêsu nói về điều thanh tịnh và điều ô uế: một đề tài rất được những người đồng thời của Ngài nói tới, chủ yếu liên hệ tới việc tuân giữ các nghi thức và quy luật hành xử, để tránh bất kỳ tiếp xúc nào với những sự vật hoặc những người bị coi là ô uế, và trong trường hợp nó xảy ra, thì xóa bỏ "vết nhơ" (Xc Lv 11-15).

Một số nhà thông luật và biệt phái, là những người tuân giữ nhiệm nhặt những luật lệ ấy, cáo buộc Chúa Giêsu là để cho các môn đệ của Ngài dùng lương thực "với những bàn tay ô uế, nghĩa là không rửa tay" (Mc 7,2), và nhân cơ hội đó, Ngài mời gọi họ hãy suy tư về nghĩa của "thanh khiết".

Chúa Giêsu nói: thanh khiết không gắn liền với những nghi thức bên ngoài, nhưng trước tiên gắn liền với tâm trạng bên trong. Vì thế, để được thanh khiết, không cần phải rửa tay nhiều lần, rồi lại nuôi những tâm tình gian ác, như tham lam, ghen tuông và kiêu căng, hoặc những chủ ý xấu xa như lừa đảo, trộm cắp, phản bội và vu khống (Xc Mc 7,21-22). Ðó là thái độ vụ nghi thức, nó không làm ta tăng trưởng trong điều thiện, trái lại, nhiều khi có thể làm ta lơ là, hoặc thậm chí biện minh nơi mình hoặc những người khác, những chọn lựa hoặc những thái độ trái ngược với đức bác ái, làm thương tổn linh hồn và khép kín cửa lòng.

Và một điều cũng quan trọng đối với chúng ta: ví dụ, ta không thể vừa tham dự thánh lễ xong, và ngay ở cuối nhà thờ đã dừng lại để nói hành nói xấu, thiếu lòng thương xót về mọi sự và mọi người. Hoặc tỏ ra mình đạo đức trong khi cầu nguyện, nhưng rồi ở nhà đối xử lạnh lùng với những người thân trong gia đình, hoặc lơ là với cha mẹ già, đang cần được giúp đỡ và đồng hành (Xc 7,10-13). Hoặc có vẻ rất ngay chính đối với mọi người, thậm chí còn làm một chút việc thiện nguyện hoặc vài cử chỉ thương người, nhưng rồi trong tâm hồn, lại vun trồng oán thù với những người khác, coi rẻ những người nghèo và những người rốt cùng, hoặc cư xử một cách thiếu lương thiện trong công việc làm của mình.

Khi làm như vậy ta thu hẹp tương quan với Thiên Chúa vào những cử chỉ bên ngoài, còn bên trong thì không cởi mở đối với tác động thanh tẩy của ơn thánh Chúa, trì hoãn trong những tư tưởng, sứ điệp và những lối cư xử thiếu tình thương.

Không, chúng ta không được dựng nên để làm như vậy, nhưng là để sống thanh khiết chân thực: sự thanh khiết mà Thiên Chúa ban cho chúng ta, nếu chúng ta để cho Ngài xua đuổi khỏi chúng ta mọi bóng đen của ích kỷ, kiêu căng và xét đoán, để được uốn nắn theo hình ảnh của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa (Xc Rm 8,29), Ðấng ban sự sống cho chúng ta (Xc 1 Ga 3,16).

Xét mình

Vậy, chúng ta hãy tự hỏi: tôi có sống đức tin của mình một cách nhất quán hay không? Với những tâm tình, lời nói và việc làm, cụ thể hóa trong sự gần gũi và tôn trọng các anh chị em điều mà tôi nói trong kinh nguyện hay không?

Lạy Mẹ Maria rất tinh tuyền, xin giúp chúng con biến cuộc sống, trong tình thương chân thành và được thực hành như một việc thờ phượng đẹp lòng Chúa. (Xc Rm 12,1)

Chào thăm và kêu gọi

Sau khi đọc kinh Truyền tin và ban phép lành cho các tín hữu, Ðức Thánh cha đã đề cập đến một số vấn đề thời sự:

Trước tiên là lễ phong chân phước, hôm thứ Bảy, ngày 31 tháng Tám năm 2024 tại Ðền thánh Ðức Mẹ Sastin, thuộc Cộng hòa Slovakia, cho tu sinh Jan Havlik, Dòng Lazarist, bị tù ngục dưới thời cộng sản Tiệp Khắc và qua đời vì hậu quả của sự bách hại này.

Cùng với nhiều tu sĩ khác, từ năm 1951, thầy bị chế độ cộng sản Tiệp Khắc bách hại: bắt giam, tra tấn và cầm tù, lao động khổ sai trong 14 năm trời, và nhiều lần bị chích thuốc làm thương tổn tâm thần. Ba năm sau khi được trả tự do, thầy Jan Havlik qua đời đột ngột, tại Skalica ngày 27 tháng Mười Hai năm 1965, lúc mới được 37 tuổi. Ðức Thánh cha mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho các tín hữu Kitô còn đang bị bách hại vì đức tin.

Biến cố thứ hai được Ðức Thánh cha nhắc đến là vụ quân khủng bố đã sát hại hàng trăm người tại Barsalogho, bên Burkina Faso, Phi châu và đông đảo những người khác bị thương. Ngài liên đới với toàn thể người dân nước này và đặc biệt chia buồn với gia đình các nạn nhân.

Ðức Thánh cha nhắc đến vụ, trong những ngày qua, các trung tâm điện lực ở Ucraina bị tấn công ồ ạt làm cho một triệu người tại nước này không có điện. Ngài lo âu vì chiến cuộc giữa Palestine và Israel, đồng thời tái kêu gọi ngưng chiến, trả tự do cho các nạn nhân, thương thuyết và tái lập hòa bình cho Thánh địa và Jerusalem, thành của hòa bình.

Ðức Thánh cha cũng nhắc nhở rằng ngày 01 tháng Chín là ngày cầu cho việc bảo vệ thiên nhiên, gìn giữ trái đất như căn nhà chung của nhân loại trước những đe dọa trái đất, làm cho nó bị thương tổn.

Sau cùng, Ðức Thánh cha chúc mọi người một Chúa nhật an lành, đồng thời xin họ đừng quên cầu nguyện cho ngài.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page