Khoảnh khắc Chúa Giêsu chịu phép rửa

biểu lộ mạc khải và lịch sử cứu độ

 

Tiếp kiến chung của Ðức Thánh cha: Khoảnh khắc Chúa Giêsu chịu phép rửa biểu lộ mạc khải và lịch sử cứu độ.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 23-08-2024) - Toàn thể Chúa Ba Ngôi hẹn nhau trong lúc đó, bên bờ sông Giordan! Có Chúa Cha hiện diện qua tiếng nói; Chúa Thánh Linh ngự xuống trên Chúa Giêsu dưới hình chim câu và có Vị mà Chúa Cha công bố là Con yêu dấu của Ngài. Ðó là lúc cơ bản của Mạc Khải và lịch sử ơn cứu độ.

Sáng thứ Tư, ngày 21 tháng Tám năm 2024, Ðức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến sáu ngàn tín hữu hành hương, tại Ðại thính đường Phaolô VI, ở nội thành Vatican, vì thời tiết vẫn còn rất nóng tại Roma, chưa thể thực hiện tại Quảng trường thánh Phêrô bên ngoài được.

Như thường lệ, buổi tiếp kiến được bắt đầu với phần lắng nghe Lời Chúa, qua một đoạn trích từ Tông đồ Công vụ (10,34.37-38):

"Bấy giờ Phêrô lên tiếng nói: [...] Quý vị biết rõ biến cố đã xảy ra trong toàn miền Giuđêa, bắt đầu từ Galilêa, sau phép mà ông Gioan rao giảng: nghĩa là như Thiên Chúa đã thánh hiến Ðức Giêsu thành Nazareth trong Thánh Thần và quyền năng, Người đi tới đâu thì thi ân giáng phúc đến đó và chữa lành tất cả những người ở dưới quyền lực của ma quỷ, vì Thiên Chúa ở cùng Người".

Bài huấn giáo

Trong bài huấn giáo tiếp đó, Ðức Thánh cha tiếp tục loạt bài về "Thánh Thần và Hôn Thê. Chúa Thánh Linh hướng dẫn Dân Chúa gặp gỡ Chúa Giêsu là niềm hy vọng của chúng ta". Bài thứ sáu này có tựa đề: "Thánh Thần Chúa ngự xuống trên tôi". Chúa Thánh Linh trong biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa".

Mở đầu bài huấn giáo, Ðức Thánh cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay, chúng ta suy tư về Chúa Thánh Linh, Ðấng ngự xuống trên Chúa Giêsu trong khi Người chịu phép rửa ở sông Giordan và từ Người, Thánh Linh lan tỏa trong chi thể Người, là Giáo hội. Trong Tin mừng theo thánh Marco, cảnh tượng Chúa Giêsu chịu phép rửa được mô tả thế này: "Trong những ngày ấy, Chúa Giêsu đến từ Nazareth miền Galilea và được Gioan rửa tại sông Giordan. Và vừa khi ra khỏi nước, Người thấy các tầng trời mở ra và Thánh Thần ngự xuống trên Người như một con chim bồ câu. Và có tiếng nói từ trời: "Con là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Con" (Mc 1,9-11).

Toàn thể Chúa Ba Ngôi hẹn nhau trong lúc đó, bên bờ sông Giordan! Có Chúa Cha hiện diện qua tiếng nói; Chúa Thánh Linh ngự xuống trên Chúa Giêsu dưới hình chim câu và có Vị mà Chúa Cha công bố là Con yêu dấu của Ngài. Ðó là lúc cơ bản của Mạc Khải và lịch sử ơn cứu độ.

Ý nghĩa Chúa Giêsu chịu phép rửa

Ðiều gì đã xảy ra quan trọng dường ấy trong phép rửa Chúa Giêsu đến độ được tất cả các thánh sử Tin mừng kể lại như vậy? Câu trả lời chúng ta thấy trong những lời Chúa Giêsu phán, ít lâu sau đó, trong Hội đường ở thành Nazareth, tham chiếu rõ ràng biến cố ở sông Giordan: "Thánh Thần Chúa ngự xuống trên tôi; vì thế Ngài đã xức dầu thánh hiến tôi" (Lc 4,18).

Nơi sông Giordan, Thiên Chúa Cha "đã xức dầu bằng Thánh Linh", nghĩa là thánh hiến Chúa Giêsu như Vua, Ngôn Sứ và Tư Tế. Thực vậy, với dầu hương thảo trong Cựu ước, các vua, ngôn sứ và tư tế được thánh hiến. Trong trường hợp Chúa Giêsu, thay vì dầu thể lý, có dầu thiêng liêng là Thánh Linh, thay vì biểu tượng thì có thực tại.

Chúa Giêsu đầy Thánh Linh ngay từ lúc đầu tiên từ khi nhập thể. Ðó là "ơn riêng" không thể thông truyền được; nhưng giờ đây, Người lãnh nhận trọn vẹn ơn Chúa Thánh Linh để chu toàn sứ mạng của Người: trong tư cách là thủ lãnh, Người thông ban cho thân mình Người là Giáo hội. Vì thế, Giáo hội là "dân vương giả, ngôn sứ và tư tế" mới. Từ Messia trong tiếng Do thái Messia và là Kitô trong tiếng Hy Lạp, cả hai đều chỉ Chúa Giêsu, nghĩa là "Vị được xức dầu". Chính tên chúng ta "Kitô hữu" được các Giáo phụ về sau giải thích theo nghĩa đen, nghĩa là "Ðược xức dầu theo gương Chúa Kitô" (Xc S. Cirillo di Gerusalemme, Catechesi mistagogica, III,1).

Dầu hương thảo (crisma)

Có một thánh vịnh trong Kinh thánh nói về dầu hương thảo, được đổ xuống trên đầu vị thượng tế Aaron, và chảy xuống vạt áo của ông (Xc Tv 133,2). Hình ảnh thi vị này được dùng để mô tả hạnh phúc được sống cùng với anh chị em, trở thành thực tại thiêng liêng và huyền nhiệm trong Chúa Kitô và trong thân mình Chúa Giêsu trong đó Người tỏa lan.

Chúa Thánh Linh

Chúng ta đã thấy tại sao Chúa Thánh Linh, trong Kinh thánh, được biểu tượng bằng gió, và đúng hơn, từ đó lấy chính tên của Người là Ruah. Ta cũng nên tự hỏi tại sao Người được biểu tượng bằng dầu và đây là bài học thực hành chúng ta có thể rút ra từ biểu tượng ấy. Trong thánh lễ Thứ Năm Tuần Thánh, khi làm phép dầu gọi là Crisma, Ðức giám mục ám chỉ đến những người đã được xức dầu trong bí tích Rửa tội và Thêm sức, nói rằng: "Ước vì việc xức dầu này thấu nhập và thánh hóa họ, để được giải thoát khỏi sự hư hỏng nguyên thủy và được thánh hiến như đền thờ vinh quang của Người, lan tỏa hương thơm đời sống thánh thiện". Ðó là một áp dụng có từ thánh Phaolô, thánh nhân viết cho các tín hữu Côrintô: "Thực vậy, chúng ta ở trước Thiên Chúa, là hương thơm của Chúa Kitô" (2 Cr 2,15).

Chúng ta biết rằng rất tiếc là nhiều khi Kitô hữu không tỏa lan hương thơm của Chúa Kitô, nhưng là xú uế của tội lỗi bản thân. Nhưng điều này không được tước khỏi chúng ta quyết tâm thực hiện bao nhiêu có thể - và mỗi người trong môi trường của mình, - ơn gọi cao quý là hương thơm của Chúa Kitô trong trần thế. Hương thơm của Chúa Giêsu tỏa lan từ "các hoa trái của Thánh Linh", là "tình thương, vui mừng, an bình, đại đảm, từ nhân, tốt lành, trung tín, dịu dàng, tự chủ" (Gl 5,22). Nếu chúng ta cố gắng vun trồng những hoa trái ấy, thì dù chúng ta không nhận thấy, nhưng người nào đó quanh chúng ta sẽ cảm thấy một chút hương thơm của Thánh Linh Chúa Kitô.

Chào thăm và kêu gọi

Bài huấn giáo của Ðức Thánh cha bằng tiếng Ý lần lượt được các độc viên trình bày phần tóm tắt bằng tám thứ tiếng, kèm theo những lời chào thăm và nhắn nhủ của Ðức Thánh cha.

Khi chào các nhóm nói tiếng Pháp, Ðức Thánh cha đặc biệt nhắc đến các tín hữu từ các giáo xứ miền Rives de la Bruche, bên Pháp, và các tín hữu hành hương từ Burkina Faso, bên Phi châu và Abidjan, thuộc Côte d'Ivoire hay còn gọi là Bờ Biển Ngà.

Với các tín hữu Ba Lan, Ðức Thánh cha nói: "Thế giới chúng ta đang bị chiến tranh và chia rẽ, đang cần các ơn của Chúa Thánh Linh hơn bao giờ hết. Từ gia đình và môi trường làm việc, anh chị em hãy mang tình thương, an bình và từ nhân vào trong đời sống thường nhật của mình. Ước gì những lời cầu nguyện của anh chị em xin Ðức Mẹ Jasna Góra chuyển cầu, Ðấng mà đông đảo anh chị em đang hành hương đi bộ đến Ðền thánh của Mẹ, trong những tuần lễ này, ban cho thế giới hồng ân hòa bình hằng mong ước. Tôi phó thác anh chị em cho sự phù hộ của Mẹ Maria và chúc lành cho tổ quốc của anh chị em.

Sau cùng, bằng tiếng Ý, sau khi nhắc đến vài giáo xứ hiện diện, Ðức Thánh cha nói: "Tôi nghĩ đến các bạn trẻ, bệnh nhân và người cao niên cũng như các đôi tân hôn. Theo gương thánh Piô X Giáo hoàng chúng ta mừng kính hôm nay, tôi khuyến khích anh chị em hãy gắn bó với Chúa Kitô, lắng nghe lời Chúa và làm chứng bằng những công việc lành.

Buổi Tiếp kiến chung của Ðức Thánh cha được kết thúc bằng kinh Lạy Cha và phép lành của Ðức Thánh cha trên mọi người hiện diện.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page