Lễ khai mạc Olympic 2024:
Một số phản ứng trước sự nhạo báng Ki-tô Giáo
Lễ khai mạc Olympic 2024: Một số phản ứng trước sự nhạo báng Ki-tô Giáo.
Lm
Phê rô Nguyễn Văn Khải
Lễ khai mạc Olympic 2024: Một số phản ứng trước sự nhạo báng Ki-tô Giáo. |
Lần đầu tiên kể từ khi Thế vận hội Olympique được tái lập, lễ khai mạc không diễn ra ở sân vận động, nhưng trên một tuyến sông dài khoảng 6 km, từ cầu Austerlitz đến cầu Iéna với các khán đài dọc hai bên bờ cho 300 nghìn khán giả. Buổi lễ kéo dài khoảng 3 tiếng rưỡi với 12 chủ đề được trình diễn nối tiếp nhau với sự tham gia 85 chiếc thuyền, 3,500 vũ công và 10,500 vận động viên của 206 quốc gia, dưới sự điều khiển của Thomas Jolly, Giám đốc nghệ thuật. Kitô hữu có thể thấy bóng dáng của tên phản Kitô trong nhân vật vật bí ẩn, đại diện cho "siêu anh hùng Pháp", tay cầm đuốc, đeo mặt nạ bằng gạc trắng, xuất hiện giữa các bức tranh trên sông Seine cũng như trên các mái nhà Paris, xuyên suốt chương trình. Kitô hữu có thể thấy mùi nhạo báng Chúa của mình khi diễn viên hài Jamel Debbouze mang ngọn đuốc vào sân Stade de France vắng vẻ rồi kêu lên "Zizou- Christ!" chứ không phải là "Jésus Christ!"...
Kitô hữu có thể thấy bức tranh lớn trước dinh Conciergerie như đang gợi lại và đề cao những tiếng gầm thét bạo lực và chết chóc của ma quỷ khi vẽ hoàng hậu Marie-Antoinette không đầu trong khi tay đang bưng cái đầu đầy máu của chính mình.
Kitô hữu cảm thấy phẫn nộ khi xem chủ đề thứ 8 có tên "Lễ Hội" (Festivité) được trình diễn trên cây cầu đi bộ Debilly. Trọng tâm của phần này là cảnh ca sĩ Philippe Katerine, nằm ngửa trên một khay hoa trái sặc sỡ, như một lễ vật đặt giữa phòng tiệc, trong khi phía sau anh ta là hơn 1 chục các nữ hoàng chuyển giới, ăn mặc rất kỳ quái và hở hang.
Toàn bộ cảnh này, các nhân vật cũng như cách bài trí, rõ ràng có ý nhại lại Bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu như dược Leonardo Da Vinci vẽ trên tường nhà ăn tu viện Dòng Ða Minh ở Milano....
Trước sự kiện báng bổ Kitô giáo này, nhiều tổ chức và cá nhân trên thế giới đã lên tiếng chỉ trích:
Thông cáo của Hội đồng Giám mục Pháp viết: "Chúng tôi vô cùng lấy làm tiếc vì buổi lễ này bao gồm những cảnh chế giễu và nhạo báng Kitô giáo. Sáng nay chúng tôi nghĩ đến tất cả các Kitô hữu trên khắp các châu lục đã bị tổn thương vì một số cảnh đã đi quá giới hạn và có tính khiêu khích".
Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Mike Johnson viết: "Các kitô hữu trên khắp thế giới theo dõi lễ khai mạc Thế vận hội Olympique đêm hôm qua đã bị sốc và bị xúc phạm khi thấy Bữa Tiệc Ly bị nhạo báng. Cuộc chiến bảo vệ đức tin và các giá trị truyền thống của chúng ta ngày nay không có giới hạn, nhưng chúng ta biết rằng sự thật và nhân đức sẽ luôn chiến thắng".
Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Marco Rubio đã phản ứng lại cái mà ông gọi là "màn trình diễn quái đản" kia bằng cách trích dẫn Thư của Thánh Giuđa 1:18 "Trong thời kỳ cuối cùng sẽ có những kẻ chế giễu sống theo những ham muốn vô luân của mình".
Tỷ phú Elon Musk nói: "Ðiều này cực kỳ thiếu tôn trọng đối với các Kitô hữu".
Ðức cha Robert Barron, Giám mục Winona-Rochester, Hoa Kỳ, giận dữ nói rằng "cảnh nhại lại Bữa Tiệc Ly đêm qua là một sự chế giễu trắng trợn đối với Ðức tin Kitô giáo".
Ðức Tổng Giám mục Vincenzo Paglia, chủ tịch Hàn lâm viện Giáo hoàng về Sự sống nói: "Lý tưởng cao cả này đã bị hoen ố bởi sự xúc phạm tục tĩu đối với một trong những khoảnh khắc thiêng liêng nhất của Kitô giáo".
Thủ tướng Viktor Orban của Hungary đánh giá buổi lễ là triệu chứng của "sự thiếu vắng đạo đức công cộng" của các quốc gia phương Tây.
Chính trị gia người Pháp và là thành viên của Nghị viện châu Âu Marion Maréchal cho rằng lễ khai mạc Olympique là "sự tuyên truyền thô thiển và bênh vực cho phong trào chuyển giới" và là sự minh họa cho một hình thức "ly khai khỏi tinh hoa chính trị và văn hóa"....
Philippe de Villiers, một tiểu thuyết gia, một doanh nhân và là thành viên Nghị viện Châu Âu viết: "Mọi thứ trong lễ khai mạc thế vận hội đều xấu xí, mọi thứ đều gợi đến phong trào chuyển giới". Nó biến dạng, điên rồ, méo mó, khó coi. Chúng tôi đã ghi nhận trước toàn thế giới vụ tự sát của nước Pháp..."
Nhà triết học Alain Finkielkraut cho rằng " Ðiều đáng chú ý ...trong lễ khai mạc Thế vận hội Olympique là ...sự vắng mặt của ...thiên tài Pháp" và cảnh dàn dựng cảnh nhạo báng trên đây là tục tĩu.
Tiến sĩ Eli David, một người Do Thái, cho biết: "Ngay cả với tư cách là một người Do Thái, tôi vô cùng tức giận trước sự xúc phạm trắng trợn này đối với Chúa Giêsu và Kitô giáo". Ông coi lễ khai mạc Olympique phản ánh một châu Âu đang "chết về mặt văn hóa".
Nghệ sĩ nhạc Rap người Pháp là Rohff chỉ trích: "Bất hạnh thay lễ khai mạc thế vận hội lại là màn trình diễn của Satan giáo được phổ biến công khai công cộng trước con mắt của toàn thế giới".
Anh nói thêm: "Một nghi thức huyền bí đáng lẽ phải diễn ra ở chốn riêng tư thì lại đã được phơi bày trước mắt bàn dân thiên hạ! Nói một cách chi tiết, đó là một bộ phim kinh dị đầy những biểu tượng bệnh hoạn!"
Danh sách phản đối còn dài.
Nhật báo La Corriere della Sera của Ý nhận xét: "Paris đã trình bày với thế giới một phiên bản lịch sử nhẹ nhàng, buồn tẻ và lý tưởng hóa ".
Báo The Telegraph của Anh cho rằng toàn bộ buổi lễ là một "thất bại". Kênh truyền hình Anh GB News tuyên bố rằng lễ khai mạc Thế vận hội Paris là "tồi tệ nhất từ trước đến nay".
Trong tư cách là người Công giáo, Ðức cha Barron nói: "Người Công giáo không được hèn nhát" và cần phải "phản kháng" và lên tiếng.
Roma 28 tháng 7 năm 2024
Lm Phê rô Nguyễn Văn Khải
(Tổng hợp từ một số báo chí Tây Phương)