Xin cho chúng ta sống mỗi thánh lễ

với niềm tin và nếm hưởng hằng ngày

các "phép lạ" ơn Chúa

 

Kinh Truyền tin với Ðức Thánh cha: Xin cho chúng ta sống mỗi thánh lễ với niềm tin và nếm hưởng hằng ngày các "phép lạ" ơn Chúa.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 28-07-2024) - Lúc 12 giờ trưa, Chúa nhật ngày 28 tháng Bảy năm 2024, khoảng năm ngàn tín hữu đã đến tham dự buổi đọc kinh Truyền tin do Ðức Thánh cha Phanxicô chủ sự, tại Quảng trường thánh Phêrô, dưới bầu trời nắng gắt. Nhiều người mang theo dù để che. Một số khác đứng xa xa, dưới những hàng cột ở vòng cung quảng trường. Trong dịp này, Ðức Thánh cha bày tỏ tình liên đới với các nạn nhân vụ đất lở ở Ethiopia và tái lên án nạn chế tạo và buôn bán vũ khí, nuôi dưỡng chiến tranh.

Huấn từ của Ðức Thánh cha

Trong bài suy niệm ngắn trước khi đọc kinh, Ðức Thánh cha đã đề cập đến bài Tin mừng Chúa nhật thứ XVII Thường niên Năm B, kể lại phép lạ Chúa hóa bánh và cá ra nhiều để nuôi dân chúng.

Ðức Thánh cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay, bài Tin mừng trong phụng vụ nói với chúng ta về phép lạ bánh và cá (Xc Ga 6,1-15). Một phép lạ, tức là "một dấu lạ" trong đó các nhân vật chính thực hiện ba cử chỉ mà Chúa Giêsu sẽ lập lại trong Bữa Tiệc ly: "dâng hiến, cảm tạ và chia sẻ". Ðó là những hành động mà chúng ta cũng làm khi cử hành thánh lễ. Chúng ta hãy suy tư một chút về những cử chỉ này.

Trước tiên là dâng hiến. Tin mừng nói về một thiếu niên có năm chiếc bánh và hai con cá (Xc Ga 6,9). Ðó là cử chỉ qua đó chúng ta nhìn nhận ta có một cái gì tốt đẹp để cho đi và chúng ta biểu lộ sự "đồng thuận", cho dù điều chúng ta có là quá ít ỏi so với các nhu cầu hiện thực. Ðiều này cần được nhấn mạnh trong thánh lễ, khi linh mục dâng bánh và rượu trên bàn thờ, và mỗi người dâng hiến bản thân, dâng cuộc sống của mình. Ðó là một cử chỉ có thể có vẻ ít ỏi, nếu chúng ta nghĩ đến những nhu cầu bao la của nhân loại, như năm chiếc bánh và hai con cá đối với một đám đông hàng ngàn người; nhưng Thiên Chúa đã biến nó thành chất liệu cho phép lạ cao cả nhất: phép lạ, trong đó chính Chúa trở nên hiện diện giữa chúng ta, để cứu độ thế giới.

Và qua đó, chúng ta hiểu cử chỉ thứ hai là cảm tạ (Xc Ga 6,11). Nghĩa là thân thưa với Chúa một cách khiêm tốn nhưng hân hoan: "Tất cả những gì con có chính là ơn của Chúa và để cảm tạ Chúa, con chỉ có thể dâng lại cho Chúa điều mà chính Chúa đã ban cho con trước, cùng với Ðức Giêsu, Con Chúa, thêm vào đó điều mà con có thể: đó là tình yêu nghèo nàn của con". Ðó là một khoảnh khắc chúc tụng, qua đó chúng ta chúc tụng Thiên Chúa vì lòng từ nhân, trong khi Chúa thánh hóa, làm phép và gia bội "hai đồng xu nhỏ" những cố gắng mong manh của chúng ta (Xc Lc 21,1-4).

Và chúng ta đến cử chỉ thứ ba là chia sẻ (Xc Ga 6,11). Trong thánh lễ, chính sự rước lễ, khi chúng ta cùng nhau đến gần bàn thánh để lãnh nhận Mình và Máu Chúa Kitô: kết quả sự dâng hiến của mọi người được Chúa biến thành lương thực cho tất cả mọi người. Ðó là một lúc rất đẹp, dạy chúng ta sống mỗi cử chỉ yêu thương như một hồng ân của ân thánh, cho người trao ban cũng như người nhận lãnh: một cơ hội để cùng nhau tăng trưởng như anh chị em, luôn hiệp nhất với nhau trong đức bác ái.

Áp dụng vào thực tế

Ðức Thánh cha nói: Bây giờ chúng ta có thể tự hỏi: tôi có thực sự tin rằng, nhờ ơn Chúa, tôi cũng có cái gì đó đặc biệt để trao ban cho các anh chị em, hoặc tôi cảm thấy mình chỉ là một người vô danh trong số bao nhiêu anh chị em khác? Tôi có biết ơn Chúa vì những ơn lành, qua đó Ngài liên tục bày tỏ tình thương của Ngài cho chúng ta hay không? Tôi có sống sự chia sẻ với những người khác, như một lúc gặp gỡ và làm cho nhau được phong phú hay không?

Và Ðức Thánh cha kết luận với lời nguyện: Xin Ðức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta sống mỗi thánh lễ với niềm tin, nhìn nhận và nếm hưởng hằng ngày các "phép lạ" ơn Chúa.

Chào thăm và kêu gọi

Sau khi đọc kinh và ban phép lành cho các tín hữu, Ðức Thánh cha bày tỏ tình liên đới với các nạn nhân vụ đất lở, vì mưa lũ ở vùng Gafa, miền nam Ethiopia, từ ngày 23 tháng Bảy vừa qua, làm cho ít nhất 260 người chết. Tổ chức Save the Children, Hãy cứu các trẻ em, báo động rằng hàng trăm trẻ em ở vùng gặp nạn này, tuy sống sót sau thiên tai, nhưng có nguy cơ bị thiệt mạng hoặc bị thương. Theo Liên Hiệp Quốc, có hơn 15.000 người đang sống tại những vùng gặp nạn, trong đó có 1,320 trẻ em dưới 5 tuổi và gần 5,300 phụ nữ đang mang thai hoặc mới sinh con. Tổ chức từ thiện này kêu gọi trợ giúp các nạn nhân.

Tiếp đến, Ðức Thánh cha tái lên án việc chế tạo và buôn bán vũ khí, nuôi dưỡng chiến tranh, trái ngược với tinh thần huynh đệ của Thế vận hội Olympic đang diễn ra tại Paris, nước Pháp. Ðức Thánh cha nói: "Trong khi trên thế giới còn bao nhiêu người đau khổ vì thiên tai và đói kém, người ta tiếp tục sản xuất và buôn bán vũ khí, thiêu hủy bao nhiêu tài nguyên, nuôi chiến tranh lớn nhỏ. Ðây là gương mù mà cộng đồng quốc tế không thể bao dung và nói trái ngược với tinh thần huynh đệ của Thế vận hội Olympic mới bắt đầu. Chúng ta đừng quên rằng "Chiến tranh luôn luôn là một thất bại".

Ðức Thánh cha nhắc nhở Chúa nhật, ngày 28 tháng Bảy năm 2024 là Ngày Thế giới các Ông Bà và người cao niên, với chủ đề "Trong tuổi già, xin đừng bỏ rơi con". Và ngài lưu ý thảm cảnh cô đơn của người già, đặc biệt trong kỳ nghỉ hè này. Ðức Thánh cha kêu gọi các tín hữu hãy giúp chống lại nỗi cô đơn mà người cao tuổi và các ông bà phải chịu.

Sau cùng, Ðức Thánh cha cầu chúc mọi người một Chúa nhật an lành, đồng thời xin họ đừng quên cầu nguyện cho ngài.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page