Các vị lãnh đạo tôn giáo tại Phi châu
kêu gọi giảm nợ nước ngoài,
nhân Năm Thánh 2025
Các vị lãnh đạo tôn giáo tại Phi châu kêu gọi giảm nợ nước ngoài, nhân Năm Thánh 2025.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Kigali (RVA News 27-07-2024) - Nhân dịp Năm Thánh 2025 đến gần, các vị lãnh đạo các tôn giáo tại Phi châu, như: Kitô và Hồi giáo, công bố tuyên ngôn chung, gửi khối G7, G20, Liên Hiệp Quốc, Quỹ tiền tệ quốc tế - IMF và Ngân hàng thế giới, kêu gọi giảm nợ cho các nước Phi châu.
Tuyên ngôn được đại diện của các Giáo hội Kitô, Cộng đồng Hồi giáo, Hội đồng các Giáo hội Kitô và Hội đồng Liên tôn của 13 quốc gia Phi châu cùng đưa ra, nhân dịp nhóm họp hồi tuần trước tại Kigali, thủ đô Rwanda, để thảo luận về vấn đề chủ yếu là nợ nần nước ngoài mà Ðức Thánh cha Phanxicô nhiều lần đề cập đến.
Tuyên ngôn có đoạn viết: "Các nước chúng tôi lại phải đương đầu với những chọn lựa đau lòng giữa một bên là chi tiêu và đầu tư cho dân, và bên kia là trả các món nợ nước ngoài. Nguyên trong năm 2024 này, Phi châu phải trả 90 tỷ đôla Mỹ cho các món công nợ, trong khi những chi phí của một nước Phi châu trung bình trong lãnh vực sức khỏe, giáo dục và bảo vệ xã hội chỉ chiếm một phần ba số tiền phải dùng để trả nợ".
Các vị lãnh đạo tôn giáo nhắc lại rằng chiến dịch do các cộng đồng tín ngưỡng và những người bênh vực nhân quyền, vào dịp gần Năm Thánh 2000 đã đưa tới một sáng kiến cộng động lớn để giảm các món nợ nước ngoài. Ý tưởng này được gợi hứng từ Năm Hưu lễ trong Kinh thánh Cựu ước, cứ 50 năm một lần, với việc tha nợ, và Giáo hội Công giáo cử hành Năm Thánh cứ 25 năm một lần, như một thời điểm để canh tân tinh thần, tha thứ và hòa giải với Thiên Chúa và tha nhân. Sáng kiến Năm Thánh 2000 đã động viên được 130 tỷ đôla Mỹ để giảm nợ, nhờ đó đã có những cuộc đầu tư quan trọng tại nhiều nước.
Tuyên ngôn của các vị lãnh đạo Phi châu có đoạn viết: "Rất tiếc là những chênh lệch trong các hệ thống thuế khóa, tài chánh và mậu dịch quốc tế, cũng như những thiếu sót trong cách cai trị của nhiều nước, tiếp tục tạo điều kiện gây nên những món nợ không thể chịu nổi". Những thách đố tài chính này càng trở nên trầm trọng hơn vì các cuộc chiến tranh xung đột, và những cú sốc khác, như "Covid-19 và sự thay đổi khí hậu, thiếu lương thực và nạn vật giá tăng vọt".
Tuyên ngôn của các vị lãnh đạo tôn giáo kêu gọi các nước chủ nợ và các tổ chức tài chính quốc tế qui hướng các hoạt động và quyết định của mình trong những tháng tới đây, theo các giá trị Năm Thánh, "đặt con người và trái đất lên trên nợ nần". Và các vị kêu gọi trước tiên "bãi bỏ các món nợ không thể trả được, mà không gây nguy hiểm cho việc thực hiện những mục tiêu phát triển và khí hậu của Liên Hiệp Quốc vào năm 2030".
Theo các vị lãnh đạo tôn giáo, các nước đang trên đường phát triển phải được tham phần vào những tiến trình trường kỳ, dựa trên các qui luật, có thể lường trước được, buộc mọi các nước chủ nợ giảm nợ, "giới hạn những đau khổ vô ích và hãy giảm bớt phí tổn các cuộc khủng hoảng cho tất cả mọi người".
(Vatican News 25-7-2024)