Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ phê bình

Ðức Thượng phụ Bartolomaios

 

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ phê bình Ðức Thượng phụ Bartolomaios.

G. Trần Ðức Anh, O.P. | RVA

Istanbul (RVA News 24-06-2024) - Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ phê bình Ðức Thượng phụ Bartolomaios, Giáo chủ Giáo hội Chính thống Constantinople ở Istanbul, vì đã ký vào Tuyên ngôn chung kết hội nghị về hòa bình Ucraina, nhóm tại Thụy Sĩ trong hai ngày, 15 và 16 tháng Sáu vừa qua.

Hôm 21 tháng Sáu năm 2024, trang mạng "OrthodoxTimes", Chính thống Thời báo, đưa tin: Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố: Tin nói rằng Tòa Thượng phụ chung đã tham dự, với quy chế một quốc gia, hội nghị Thượng đỉnh về hòa bình Ucraina (...) và tin nói là Bộ trưởng chúng tôi đã có một cuộc gặp gỡ với Ðức Thượng phụ Bartolomaios bên lề Hội nghị Thượng đỉnh, đó là điều không tương ứng với sự thật".

"Chúng tôi cũng kêu cầu những nước tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh, Thụy Sĩ và Ucraina, hãy làm sáng tỏ điều này là: dưới hình thức nào đã coi Tòa Thượng phụ là người đã ký tên vào tuyên ngôn. Thêm vào đó, chúng tôi nhấn mạnh rằng chính sách của nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ về quy chế của Tòa Thượng phụ chung không thay đổi.

Trong tuần qua, theo lời thỉnh cầu của Ucraina, Thụy Sĩ đã tổ chức Hội nghị về hòa bình. Trong số những vị đến tham dự, có Tổng thống Pháp và Ucraina, Phó Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Ðức, Chủ tịch Ủy ban hành pháp của Liên hiệp Âu châu, Thủ tướng Áo, v.v. Ngoài Ðức Thượng phụ Bartolomaios, cũng có Ðức Hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin, nhân vật thứ hai tại Vatican.

Trong số những điều được khẳng định trong tuyên ngôn chung kết của Hội nghị, có vấn đề an ninh của các trung tâm năng lượng hạt nhân ở Ucraina, bảo vệ các tàu hàng và các cảng dân sự chống lại các cuộc tấn công, việc trao đổi tù binh chiến tranh và hồi hương các trẻ em Ucraina bị bắt đưa sang Nga... Có 83 nước đã ký vào tuyên ngôn chung. Ðức Thượng phụ Bartolomaios và Ðức Hồng y Parolin, tuy ca ngợi Tuyên ngôn nhưng không ký vào văn kiện này. Ðức Hồng y Parolin chỉ tham dự chính thức với tư cách là quan sát viên.

Tuy nhiên, sau đó, ngày 18 tháng Sáu, Ðức Thượng phụ Chính thống đã ký tuyên ngôn chung. Ngay từ đầu, ban tổ chức đã minh định rằng không phải chỉ có các quốc gia, nhưng cả các tổ chức khác cũng có thể ký vào Tuyên ngôn ấy.

Hãng tin Công giáo Áo nhận định rằng phản ứng của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy rõ vai trò tế nhị của Tòa Thượng phụ Chính thống chung trong các vấn đề quốc tế. Theo quan điểm pháp lý của Thổ Nhĩ Kỳ, Ðức Thượng phụ ở Istanbul chỉ là thủ lãnh tinh thần của các tín hữu Chính thống còn lại ở Istanbul, tức là khoảng 4,500 người, chứ không phải là Thượng phụ chung có một tầm quan trọng và qui chế rộng lớn trên thế giới.

Trong thực tế, Ðức Thượng phụ Bartolomaios được coi là Giáo chủ danh dự của toàn Chính thống giáo, đồng thời có quyền tài phán trên các cộng đoàn Chính thống thuộc quyền của ngài tại nhiều quốc gia. Nhà nước Thổ bắt buộc vị Thượng phụ Chính thống tại đây phải là người có quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ.

(KAP 21-6-2024)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page