Ðức Thánh cha kêu gọi

cảnh giác về trí tuệ nhân tạo

 

Ðức Thánh cha kêu gọi cảnh giác về trí tuệ nhân tạo.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 23-06-2024) - Ðức Thánh cha Phanxicô kêu gọi cảnh giác về trí tuệ nhân tạo hầu đừng để kỹ thuật thống trị con người.

Ngài đưa ra lời mời gọi trên đây, trong buổi tiếp kiến sáng hôm 22 tháng Sáu năm 2024, dành cho các tham dự viên vừa kết thúc Hội nghị do Quỹ "Centesimus Annus, Năm thứ 100 Phò Giáo hoàng", tổ chức tại Học viện Augustinianum, gần Vatican về chủ đề: "Trí tuệ nhân tạo sáng tạo và mô hình kỹ thuật trị: làm sao thăng tiến an ninh của nhân loại, chăm sóc thiên nhiên và một thế giới hòa bình".

Diễn văn của Ðức Thánh cha

Trong diễn văn, Ðức Thánh cha nhắc lại là ngài đã mấy lần lên tiếng về vấn đề trí tuệ nhân tạo. Ví dụ, trong Sứ điệp đầu năm 2024, nhân ngày Hòa bình Thế giới và bài tham luận mới đây, ngày 14 tháng Sáu năm 2024, tại Hội nghị của khối G7. Ðức Thánh cha ca ngợi nỗ lực trong Hội nghị của Quỹ Năm thứ 100 Phò Giáo hoàng nhắm mời gọi sự cộng tác của nhiều chuyên gia đa ngành, để cứu xét tất cả những khía cạnh hiện nay và viễn tượng của trí tuệ nhân tạo, những lợi điểm nó có thể mang lại về phương diện sản xuất và tăng trưởng, nhưng cả những rủi ro nguy hiểm có thể đi kèm, để xác định rõ những phương thức đúng đắn hầu phát triển hợp luân lý đạo đức, sử dụng và quản lý trí tuệ nhân tạo.

Ðức Thánh cha đặc biệt nhắc đến lời khẳng định của ông Stephen Hawking (1942-2018), nhà vũ trụ luận, vật lý và toán học người Anh, đã nói rằng: "Sự phát triển trí tuệ nhân tạo hoàn toàn có thể có nghĩa là sự chấm dứt loài người... Nó sẽ tự phát triển và tự thiết kế theo một tốc độ ngày càng gia tăng. Con người thì bị giới hạn do tiến trình tiến hóa sinh học chậm chạp, không thể cạnh tranh và sẽ bị qua mặt" (Phỏng vấn dành cho BBC). Phải chăng đó là điều chúng ta muốn?

"Câu hỏi cơ bản mà anh chị em tự hỏi là: trí tuệ nhân tạo dùng làm gì? Phải chăng nó đáp ứng các nhu cầu của nhân loại, cải tiến an sinh và sự phát triển toàn diện con người, hay nhắm làm giàu và gia tăng quyền lực, vốn đã cao của một thiểu số các chuyên gia kỹ thuật vĩ đại, dù có gây nguy hiểm cho nhân loại?"

Câu trả cho vấn nạn trên đây tùy thuộc bao nhiêu yếu tố và nhiều khía cạnh được nghiên cứu. Và Ðức Thánh cha đề nghị một số câu hỏi để khích lệ các chuyên gia tham dự hội nghị đào sâu thêm. Ví dụ:

Cần đào sâu vấn đề tế nhị và chiến lược liên quan đến trách nhiệm các quyết định được đề ra, khi sử dụng trí tuệ nhân tạo...

Cần xác định những cơ may khuyến khích và có một sự quy luật hóa hữu hiệu, một đàng, kích thích sự canh tân luân lý đạo đức hữu ích cho sự tiến bộ của nhân loại, đàng khác, để cấm hoặc giới hạn những công hiệu không được mong muốn.

Tất cả giới giáo dục, huấn luyện và truyền thông cần khởi sự tiến trình có phối hợp, để gia tăng sự hiểu biết và ý thức cách thức sử dụng đúng đắn trí tuệ nhân tạo và để thông truyền cho các thế hệ trẻ, từ tuổi thơ, khả năng phê bình đối với các dụng cụ ấy.

Cần thẩm định những hậu quả của trí tuệ nhân tạo đối với giới lao động. Cần đôn đốc một quy trình đào tạo lại chuyên môn và chấp nhận những hình thức thích hợp để tạo điều kiện di chuyển những người bị dư thừa sang các hoạt động khác.

Cần cứu xét kỹ lưỡng các công hiệu tích cực và tiêu cực của trí tuệ nhân tạo trong lãnh vực an ninh và quyền riêng tư.

Cần cứu xét và đào sâu những hậu quả của trí tuệ nhân tạo trên khả năng tương quan và nhận thức của con người, và cách hành xử của họ. Chúng ta không thể chấp nhận để cho những khả năng này bị thu hẹp hoặc bị ảnh hưởng của một dụng cụ kỹ thuật, nghĩa là tùy thuộc người sở hữu và sử dụng chúng.

Ðức Thánh cha nhấn mạnh rằng: "Tương lai của nền kinh tế, văn minh, và của chính nhân loại sẽ được định hình trong lãnh vực đổi mới kỹ thuật. Chúng ta không được bỏ lỡ cơ hội suy tư và hành động một cách mới mẻ, với tâm trí và đôi tay, để hướng sự đổi mới tới một cấu hình tập trung vào sự tối thượng của phẩm giá con người".

Sau cùng, Ðức Thánh cha đặt ra một sự khiêu khích: "Chúng ta có chắc chắn muốn tiếp tục gọi là "Sự thông minh" điều không phải là thông minh hay không? Chúng ta hãy suy nghĩ và tự hỏi xem việc sử dụng không thích hợp từ quan trọng như thế, một từ rất hợp với con người, phải chăng đó đã là một sự nhượng bộ đối với quyền lực kỹ thuật trị hay không?"

(Sala Stampa 22-6-2024)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page