Các thánh vịnh là bản hợp tấu
kinh nguyện trong Kinh thánh
Tiếp kiến chung của Ðức Thánh cha: Các thánh vịnh là bản hợp tấu kinh nguyện trong Kinh thánh.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (RVA News 20-06-2024) - Trong buổi Tiếp kiến chung, lúc gần 9 giờ, sáng thứ Tư, ngày 19 tháng Sáu năm 2024, đã có gần hai mươi ngàn tín hữu hành hương đến tham dự với Ðức Thánh cha Phanxicô.
Như thói quen, Ðức Thánh cha đã dành mười phút, đi xe tiến qua các lối đi để chào thăm mọi người, thỉnh thoảng dừng lại để chào thăm các em bé, và đặc biệt có một phụ nữ Argentina đưa tặng ngài bình trà maté truyền thống của dân tộc, ngài cũng dừng lại để uống!
Lên bục ở thềm đền thờ, Ðức Thánh cha mở đầu buổi tiếp kiến với thánh giá và lời chào phụng vụ, trước khi mọi người lắng nghe Lời Chúa, qua đoạn thư thánh Phaolô gửi tín hữu Colossê (3,16-17):
"Ước chi lời Chúa Kitô ngự giữa anh chị em thật dồi dào phong phú. Với tất cả sự khôn ngoan, anh em hãy giáo huấn và khuyên bảo nhau với các thánh vịnh, thánh thi và thánh ca được linh hứng, trong tâm tình biết ơn".
Bài huấn giáo
Trong bài huấn giáo tiếp đó, Ðức Thánh cha tiếp tục loạt bài về "Thánh Thần và Hôn Thê. Chúa Thánh Linh hướng dẫn Dân Chúa gặp gỡ Chúa Giêsu là niềm hy vọng của chúng ta". Bài thứ tư này có tựa đề là: "Thánh Linh dạy Hiền Thê cầu nguyện. Các thánh vịnh, bản hợp tấu kinh nguyện trong Kinh thánh".
Ðức Thánh cha nói:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Khi chuẩn bị Năm Thánh sắp tới, tôi đã mời gọi dành năm 2024 này "làm một bản đại hợp tấu kinh nguyện". Với bài huấn giáo hôm nay, tôi muốn nhắc nhở rằng Giáo hội đã có một bản kinh nguyện hợp tấu mà vị sáng tác là Chúa Thánh Linh, và sách thánh vịnh.
Như trong mọi bản hợp tấu có nhiều "chuyển động", nghĩa là nhiều loại kinh nguyện: ngợi khen, cảm tạ, khẩn cầu, than vãn, trình thuật, suy tư khôn ngoan và những thứ khác, hoặc dưới hình thức cá nhân, hoặc dưới hình thức cộng đồng, toàn dân. Ðó là những thánh ca được chính Thánh Linh đặt trên môi của Hiền Thê. Tất cả các sách Kinh thánh, như tôi đã nhắc nhớ lần trước, đều được Thần Khí linh hứng, nhưng sách thánh vịnh cũng được linh hướng theo nghĩa đầy sắc thái thơ phú.
Các thánh vịnh có một chỗ đứng ưu tiên trong Tân ước. Thực vậy, đã và còn có những ấn bản, gồm cả Tân ước lẫn các thánh vịnh. Không phải tất cả các thánh vịnh và không phải trọn mỗi thánh vịnh đều có thể được lập lại và được các tín hữu Kitô nhận làm của riêng mình và càng không phải do người thời đại hiện nay. Các thánh vịnh, nhiều khi phản ánh một tình trạng lịch sử và một tâm thức tôn giáo không còn là của chúng ta nữa. Ðiều này không có nghĩa là chúng không được linh hứng, nhưng về một khía cạnh nào đó, chúng gắn liền với một thời đại và một giai đoạn tạm thời của mạc khải, cũng như bao nhiêu phần của luật lệ xưa kia.
Thánh vịnh từng là kinh nguyện của Chúa Giêsu, Mẹ Maria
Chúng ta được khuyến khích đón nhận các thánh vịnh, vì đây từng là kinh nguyện của Chúa Giêsu, Mẹ Maria, các tông đồ và toàn thể các thế hệ Kitô đi trước chúng ta. Khi chúng ta đọc các thánh vịnh Thiên Chúa lắng nghe chúng với một sự hòa hợp tuyệt vời là sự hiệp thông của các thánh. Theo thư gửi tín hữu Do thái, Chúa Giêsu đi vào thế giới với một câu thánh vịnh trong tâm hồn: "Lạy Thiên Chúa, này con đến để thực thi thánh ý Cha" (Xc Dt 10,7; Tv 40,9); và Ngài giã từ trần thế, theo Tin mừng thánh Luca, với một câu khác trên môi; "Lạy Cha, con xin phó linh hồn con trong tay Cha" (Lv 23,46; Xc Tv 31,6).
Sau việc sử dụng thánh vịnh trong Tân ước, là sự sử dụng của các Giáo phụ và toàn thể Giáo hội. Các vị đã biến chúng thành một yếu tố cố định trong việc cử hành thánh lễ và Phụng vụ Các Giờ Kinh. Toàn thể Kinh thánh phản ánh lòng nhân từ của Thiên Chúa - như thánh Ambrosio đã viết, và đặc biệt là sách thánh vịnh ngọt ngào".
Hiện đại và bản thân hóa thánh vịnh
Nhưng chúng ta không thể chỉ sống bằng gia sản quá khứ: cần biến các thánh vịnh thành kinh nguyện của chúng ta. Có thể nói, theo một nghĩa nào đó, chính chúng ta phải trở thành những "tác giả" của thánh vịnh, biến chúng thành của chúng ta và cầu nguyện với các thánh vịnh. Nếu có những thánh vịnh hoặc các câu của thánh vịnh nào đánh động con tim chúng ta, thì thật là đẹp khi lập lại chúng, và cầu nguyện bằng thánh vịnh trong ngày. Các thánh vịnh là những kinh nguyện trong tất cả mọi mùa: không có một tâm trạng hoặc nhu cầu nào mà không tìm được trong đó những lời tốt đẹp nhất để biến chúng thành kinh nguyện. Khác với mọi kinh nguyện khác, các thánh vịnh không mất hiệu năng vì lập đi lập lại, trái lại, chúng càng gia tăng hiệu năng. Tại sao? Thưa, vì chúng được Thiên Chúa linh hứng và là hơi thở của Thiên Chúa, mỗi lần chúng ta đọc, với tinh thần đức tin.
Áp dụng thánh vịnh
Nếu chúng ta cảm thấy bị hối hận hoặc bị tội lỗi đè nén, chúng ta có thể lập lại với vua Ðavít: "Lạy Chúa, xin thương con, theo tình thương của Chúa; theo lượng từ bi của Chúa" (Tv 51,3). Nếu chúng ta muốn biểu lộ một mối liên hệ mạnh mẽ giữa bản thân với Thiên Chúa, thì chúng ta nói: "Lạy Chúa, là Chúa của con, từ hừng đông con tìm kiếm Chúa, linh hồn con khát mong Chúa, thân xác con mong ước Chúa, như đất khô cằn mong nước" (Tv 63,2). Không phải vô lý mà phụng vụ đặt thánh vịnh này trong kinh Ngợi khen Chúa nhật và những ngày lễ trọng. Và nếu chúng ta bị sợ hãi và lo lắng vây bủa, thì những lời tuyệt vời này đến cứu giúp chúng ta: Chúa là mục tử săn sóc tôi. Dù con bước qua thung lũng tối, con không sợ tai ương nào" (Tv 23,1.4).
Công hiệu của thánh vịnh
Các thánh vịnh giúp chúng ta không trở nên nghèo nàn trong kinh nguyện, tránh biến kinh nguyện thành những lời cầu xin, bằng những lời liên tục mà thôi: xin ban cho con, ban cho con... Chúng ta học từ kinh Lạy Chúa rằng trước khi xin lương thực hằng ngày, chúng ta nói: xin cho danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện". Các thánh vịnh giúp chúng ta cởi mở đối với một kinh nguyện bớt tập trung vào chính mình; một kinh nguyện ngợi khen, chúc tụng, cảm tạ; và giúp chúng ta trở thành tiếng nói của các loài thụ tạo, đưa chúng vào những lời chúc tụng của chúng ta.
Và Ðức Thánh cha kết luận rằng: Anh chị em, Chúa Thánh Linh, đã tặng cho Giáo hội Hiền Thê những lời để cầu nguyện với Chúa là vị Hôn Phu, xin Ngài giúp chúng ta để cho những kinh nguyện ấy âm vang trong Giáo hội ngày nay và biến năm chuẩn bị cho Năm Thánh này thành một bản hợp tấu kinh nguyện.
Chào thăm và kêu gọi
Bài giáo lý bằng tiếng Ý của Ðức Thánh cha được lần lượt tóm ý bằng các thứ tiếng khác nhau, kèm theo những lời chào thăm và nhắn nhủ của ngài.
Khi chào bằng tiếng Pháp, Ðức Thánh cha đặc biệt nhắc đến các học sinh trường thánh Nizier và các nữ tu Dòng Ðức Bà La Lasalette và cầu chúc "đại hợp tấu kinh nguyện" của các thánh vịnh giúp anh chị em cảm nghiệm vẻ đẹp của sự hiệp thông với Giáo hội là Hiền Thê, đang cầu nguyện với Hôn Phu thần linh là Chúa Thánh Linh".
Bằng tiếng Anh, Ðức Thánh cha chào các tín hữu đến từ Australia, Ấn Ðộ, Indonesia, Philippines, Nam Phi, Hàn Quốc, Thụy Ðiển, Anh Quốc, Ðài Loan, Tanzania, Mỹ và Việt Nam. Ngài cầu xin Chúa Giêsu ban an vui cho tất cả mọi người.
Bằng tiếng Ba Lan, Ðức Thánh cha nói rằng: "Trong khi cảm tạ Chúa vì vị chân phước mới, người Ba Lan, là cha Micae Rapacz, tử đạo dưới thời cộng sản, chúng ta hãy cầu xin Chúa để chứng tá của cha trở thành một dấu chỉ an ủi của Chúa, trong thời đại có nhiều chiến tranh hiện nay. Ước gì tấm gương của cha dạy chúng ta hãy trung thành với Thiên Chúa, lấy thiện báo ác, góp phần xây dựng một thế giới huynh đệ và an bình. Xin chân phước Micae chuyển cầu cho Ba Lan và xin cho thế giới được hòa bình!
Sau cùng bằng tiếng Ý, Ðức Thánh cha đặc biệt chào thăm hiệp hội các bạn hữu của Ðức Hồng y Celso Costantini, vị Khâm sứ Tòa Thánh đầu tiên tại Trung Hoa, được Ðức cha Giuseppe Pellegrini, Giám mục Giáo phận Concordia-Pordenone tháp tùng, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Công đồng Trung Hoa đầu tiên ở Thượng Hải. Ngài cũng ca ngợi dân tộc Trung Hoa là dân tộc cao quí và can đảm.
Ðức Thánh cha cũng nhắc đến nhiều nhóm tín hữu khác người Ý, và sau cùng ngài chào thăm các bệnh nhân, người cao tuổi, các đôi tân hôn và đặc biệt là những người trẻ. Ðức Thánh cha nói: "ngày 21 tháng Sáu này, chúng ta sẽ kính nhớ thánh Luigi Gonzaga, người đã yêu mến sự sống và vì thế đã cống hiến trọn cuộc sống cho những lý tưởng cao cả của Kitô giáo. Ước gì thánh nhân giúp các con tái khám phá ơn gọi nên thánh trong sự quảng đại hiến dâng cho Thiên Chúa và anh chị em."
Và Ðức Thánh cha nhắn nhủ rằng: "Chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho hòa bình tại Ucraina, Thánh địa, Sudan, Myanmar và tại những nơi đang chịu đau khổ vì chiến tranh".
Buổi Tiếp kiến chung được kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Ðức Thánh cha.