Công bố văn kiện

về "Giám Mục Roma"

 

Công bố văn kiện về "Giám Mục Roma".

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 14-06-2024) - Sáng ngày 13 tháng Sáu năm 2024, Bộ Hiệp nhất các tín hữu Kitô đã công bố văn kiện tựa đề "Giám Mục Roma, Quyền tối thượng và sự đồng nghị trong các cuộc đối thoại đại kết và trong các câu trả lời về Thông điệp "Ut unum sint".

Văn kiện dài 150 trang, được Ðức Hồng y Bộ trưởng Kurt Koch giới thiệu trong cuộc họp báo, tại Phòng Báo chí Tòa Thánh.

Ðây là một văn kiện nghiên cứu, được công bố với sự chấp thuận của Ðức Thánh cha, tổng hợp lần đầu tiên các câu trả lời cho Thông điệp về sự hiệp nhất, do Ðức Giáo hoàng Gioan Phaolô II công bố ngày 25 tháng Năm năm 1995, và các cuộc đối thoại đại kết về vấn đề quyền tối thượng của Ðức Giáo hoàng và đồng nghị tính, vốn là đặc tính của các Giáo hội Ðông phương.

Văn kiện khẳng định rằng mặc dù tất cả các cuộc đối thoại đại kết không bàn về đề tài này ở cùng mức độ hoặc với cùng một chiều sâu, nhưng ta vẫn có thể ghi nhận một vài lối tiếp cận mới về những vấn đề thần học gây tranh luận nhiều nhất giữa các hệ phái Kitô. Một trong những thành quả của các cuộc đối thoại thần học là một sự đọc lại, với tinh thần mới mẻ, các văn bản liên quan đến vai trò của thánh Phêrô, việc hiểu, giải thích và áp dụng những đoạn mà trong lịch sử đã trở thành một chướng ngại cản trở sự hiệp nhất giữa các tín hữu Kitô. "Các đối tác trong các cuộc đối thoại được kêu gọi tránh những phóng dọi lỗi thời về những phát triển giáo lý sau này và xét lại vai trò của thánh Phêrô giữa các tông đồ".

Quyền tối thượng (Primato)

Một vấn đề tranh luận là quan niệm của Công giáo về quyền tối thượng của Giám mục Roma như một định chế do Thiên Chúa ấn định, trong khi phần lớn các hệ phái Kitô khác coi đây chỉ là một định chế của con người. Văn kiện mới của Bộ Hiệp nhất viết: "Những giải thích rõ ràng đã góp phần đặt hai giải thích đối nghịch này trong một viễn tượng mới, nghĩa là xét quyền tối thượng, dù là một qui luật của Thiên Chúa hay của loài người, đều thuộc thành phần ý Thiên Chúa đối với Giáo hội, qua trung gian của lịch sử loài người".

Công đồng chung Vatican I

Một chướng ngại lớn là những định tín của Công đồng chung Vatican I. Một số cuộc đối thoại đại kết đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc đọc lại Công đồng này, kể cả dưới ánh sáng các bối cảnh lịch sử và giáo huấn của Công đồng chung Vatican II. Vì thế, có một cách hiểu khác đối với tín điều về quyền tài phán hoàn vũ của Ðức Giáo hoàng, xác định trương độ và giới hạn của quyền này. Cũng vậy, người ta có thể minh định "Công thức tín điều Ðức Giáo hoàng bất khả ngộ và thậm chí thỏa thuận về một số khía cạnh liên quan đến mục đích của nó, nhìn nhận sự cần thiết, trong một số hoàn cảnh, việc thực thi cá nhân sứ vụ giáo huấn của Ðức Giáo hoàng, xét vì sự hiệp nhất Kitô là một sự hiệp nhất trong sự thật và tình thương".

Tuy có sự minh định như thế, nhưng các cuộc đối thoại đại kết vẫn còn bày tỏ những lo âu về tương quan giữa sự bất khả ngộ và quyền tối thượng của Tin mừng, sự không sai lầm của toàn thể Giáo hội, việc thực thi đoàn thể tính của hàng giám mục và cần thiết của việc đón nhận".

Quyền tối thượng và tính đồng nghị (Primato e sinodalità)

Văn kiện của Bộ Hiệp nhất nói đến một số nguyên tắc để thực thi quyền tối thượng của Ðức Giáo hoàng trong thế kỷ XXI: "Thỏa thuận chung giữa các Giáo hội Kitô là sự lệ thuộc hỗ tương giữa quyền tối thượng và tính đồng nghị trên mọi cấp độ của Giáo hội và sự cần thực thi quyền tối thượng trong tinh thần đồng nghị".

Tiếp đến, có sự thỏa thuận về tương quan giữa chiều kích cộng đoàn, dựa trên cảm thức đức tin của tất cả các tín hữu đã chịu phép rửa, chiều kích đoàn thể của hàng Giám mục, và chiều kích cá nhân được biểu lộ qua chức vụ đứng đầu". Trong nhiều cuộc đối thoại, có sự nhấn mạnh về sự cần có một quân bình giữa việc thực thi quyền tối thượng trên bình diện miền và hoàn vũ. Mời gọi tản quyền từ trung ương về địa phương, theo kiểu mẫu các Giáo hội thượng phụ xưa kia. Ngoài ra, nguyên tắc phụ đới (sussidiarietà) cũng được nhấn mạnh: "Hễ vấn đề nào có thể được xử lý thích hợp ở cấp độ thấp hơn thì không cần phải đệ lên cấp cao hơn". Một số cuộc đối thoại đại kết áp dụng nguyên tắc này để xác định một kiểu mẫu có thể chấp nhận được, đó là "hiệp nhất trong sự khác biệt với Giáo hội Công giáo".

Những đề nghị thực hành

Ðề nghị đầu tiên là Giáo hội Công giáo thực hiện một giải thích mới về giáo huấn của Công đồng chung Vatican I. Ðề nghị phân biệt rõ ràng hơn giữa các trách nhiệm của Giám mục Roma, đặc biệt là "giữa sứ vụ tối thượng trong Giáo hội Tây phương và sứ vụ hiệp nhất trong cộng đồng hiệp thông của các Giáo hội". Tiếp đến, người ta mong có một sự nhấn mạnh nhiều hơn về việc thực thi sứ vụ của Ðức Giáo hoàng trong Giáo hội địa phương của ngài, Giáo phận Roma.

Ðề nghị thứ ba là phát triển sự đồng hành hay hiệp hành trong Giáo hội Công giáo. Ðặc biệt, đề nghị "suy tư sâu hơn về thẩm quyền của các Hội đồng Giám mục quốc gia và miền, về tương quan giữa Thượng Hội đồng Giám mục với Giáo triều Roma. Trên bình diện hoàn vũ, nhấn mạnh việc cần có sự can dự nhiều hơn của toàn thể dân Chúa trong các tiến trình thượng Hội đồng". Sau cùng là đề nghị liên quan đến sự thăng tiến hiệp thông hoàn vũ, qua các cuộc gặp gỡ đều đặn giữa các thủ lãnh các Giáo hội trên bình diện thế giới".

(Vatican News 13-6-2024)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page