Tiểu ban điều hợp đối thoại thần học
Công giáo và Chính thống kết thúc khóa họp
Tiểu ban điều hợp đối thoại thần học Công giáo và Chính thống kết thúc khóa họp.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Bari (RVA News 09-06-2024) - Từ ngày 03 đến 07 tháng Sáu năm 2024, Tiểu ban điều hợp thuộc Ủy ban hỗn hợp quốc tế đối thoại thần học giữa Công giáo và Chính thống đã kết thúc khóa họp tại thành phố Bari, nam Ý.
Hai vị đồng Chủ tịch của Ủy ban là Ðức Hồng y Kurt Koch, Bộ trưởng Bộ Hiệp nhất các tín hữu Kitô và Ðức Tổng giám mục Giobbe của Giáo phận Pisidia, thuộc Tòa Thượng phụ Chính thống Constantinople, đã chủ tọa khóa họp, với sự tham dự hai mươi hai thành viên, tại Trung tâm Linh đạo "Ốc đảo thánh Maria", thuộc Tổng giáo phận Bari-Bitondo.
Trong năm ngày họp, Ủy ban điều hợp đã cứu xét một dự thảo văn kiện, tựa đề: "Tiến tới sự hiệp nhất đức tin: các vấn đề thần học và giáo luật", tóm tắt các thành quả đã đạt được cho đến nay trong cuộc đối thoại giữa Công giáo và Chính thống. Cụ thể hơn, Ủy ban đã bàn về các vấn đề lịch sử và thần học, liên quan đến đạo lý về Filioque và tín điều bất khả ngộ.
Thông cáo kết thúc cho biết: "Các vấn đề còn phải giải quyết sẽ được cứu xét trong hai tiểu ban, mỗi tiểu ban được yêu cầu soạn một dự thảo văn kiện về một trong hai đề tài. Sau khi có hai dự thảo này, Ủy ban điều hợp sẽ tái nhóm, với hy vọng là vào năm tới, vào thời điểm và địa điểm sẽ được xác định sau, với mục đích thảo luận chi tiết về văn kiện". Các thành viên này nóng lòng chờ đợi dịp kỷ niệm 1,700 năm Công đồng chung Nicea, năm 325 và cầu nguyện để biến cố này gợi hứng cho hành trình tiến về sự hiệp nhất trọn vẹn giữa hai khối Giáo hội.
Ủy ban hỗn hợp quốc tế đối thoại thần học được thánh Gioan Phaolô II và Ðức Thượng phụ Dimitrios, Giáo chủ Chính thống Constantinople, thành lập cách đây 45 năm (1979), trong cuộc viếng thăm của thánh nhân tại Tòa Thượng phụ ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Khóa họp toàn thể của Ủy ban này đã tiến hành từ ngày 01 đến ngày 07 tháng Bảy năm 2023, tại Alessandria, bên Ai Cập, với sự tham dự của tám thành viên Công giáo và đại diện của mười Giáo hội Chính thống. Nhiều Giáo hội Chính thống không gửi đại biểu đến họp, như Chính thống Nga, Ucraina, Bulgari, Serbia, v.v.
Chính thống giáo, gồm mười bảy Giáo hội, hiện đang bị chia rẽ trong nội bộ, xung khắc giữa Chính thống Nga và Tòa Thượng phụ Chính thống Constantinople, vấn đề Giáo hội Chính thống Ucraina tách rời khỏi Chính thống Nga và được Tòa Thượng phụ Chính thống Constantinople nhìn nhận sự độc lập này.
(Sir 7-6-2024)