Nhờ Thánh Thể,
chúng ta trở thành những ngôn sứ
và những người xây dựng một thế giới mới
Kinh Truyền tin với Ðức Thánh cha: Nhờ Thánh Thể, chúng ta trở thành những ngôn sứ và những người xây dựng một thế giới mới.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (RVA News 02-06-2024) - Trưa Chúa nhật, ngày 02 tháng Sáu năm 2024, trời Roma có mưa, nhưng cũng có hơn năm ngàn người đến tham dự buổi đọc kinh Truyền tin với Ðức Thánh cha Phanxicô, tại Quảng trường thánh Phêrô. Nhân dịp này, Ðức Thánh cha lên tiếng kêu gọi hòa bình cho dân nước Sudan, bên Phi châu, từ hơn một năm nay bị nội chiến.
Huấn từ của Ðức Thánh cha
Trước khi đọc kinh, Ðức Thánh cha đã diễn giải ý nghĩa bài Tin mừng Ðại lễ Mình Thánh Chúa và nói:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Tại Ý và các nước khác, hôm nay là Lễ Mình Thánh Chúa. Tin mừng phụng vụ hôm nay kể lại cho chúng ta Bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu (Mc 14,12-16), trong đó Chúa thực hiện một cử chỉ hiến mình: thực vậy, trong việc bánh bẻ ra và qua chén trao cho các môn đệ, chính bản thân Chúa hiến cho toàn thể nhân loại và hiến mình để thế giới được sống.
Qua cử chỉ Chúa Giêsu bẻ bánh, có một khía cạnh quan trọng mà Tin mừng nhấn mạnh qua câu "Ngài ban cho họ" (v.24). Chúng ta hãy ghi tạc những lời này: "Ngài ban cho họ". Thực vậy, Thánh Thể trước tiên nhắc nhở chúng ta chiều kích trao tặng. Chúa Giêsu cầm lấy bánh không phải để ăn một mình, nhưng để bẻ ra và trao ban cho các môn đệ, qua đó, Ngài tỏ lộ căn tính và sứ mạng của Ngài. Chúa không giữ lại mạng sống cho mình, nhưng ban cho chúng ta; Ngài không coi bản tính của mình như Thiên Chúa là một kho báu riêng, nhưng cởi bỏ vinh quang bản thân để chia sẻ nhân tính của chúng ta và cho chúng ta được tiến vào cuộc sống đời đời (Xc Pl 2,11-11). Chúa Giêsu biến trọn cuộc sống của Ngài thành một món quà tặng.
Ý nghĩa việc cử hành Thánh Thể
Vì thế, chúng ta hiểu rằng cử hành Thánh Thể và nuôi dưỡng mình bằng Bánh ấy, như chúng ta đặc biệt vẫn làm vào các Chúa nhật, không phải là cử hành một việc phụng tự tách biệt khỏi cuộc sống hoặc như một lúc an ủi cho bản thân; chúng ta phải luôn nhớ rằng Chúa Giêsu, khi cầm lấy bánh, Ngài bẻ ra và trao cho các môn đệ, và vì thế, sự hiệp thông với Ngài làm cho chúng ta cũng có khả năng bẻ bánh cho tha nhân, chia sẻ con người chúng ta và điều chúng ta có. Thánh Lêô Cả đã nói: "Sự tham dự của chúng ta vào Mình và Máu Chúa Kitô không nhắm điều gì khác hơn là làm cho chúng ta trở thành điều mà chúng ta ăn" (Bài giảng 12 về Khổ Nạn, 7).
Trở thành "thánh thể"
Vì vậy, điều mà chúng ta được kêu gọi, đó là trở thành điều mà chúng ta ăn, trở thành "thánh thể", eucharistici, nghĩa là thành những người không còn sống cho mình nữa (Xc Rm 14,7), theo kiểu chiếm hữu và tiêu thụ, nhưng là biết biến cuộc sống của mình thành quà tặng cho tha nhân. Như thế, nhờ Thánh Thể, chúng ta trở thành những ngôn sứ và những người xây dựng một thế giới mới: khi chúng ta vượt thắng sự ích kỷ và cởi mở đối với tình thương, khi chúng ta vun trồng những liên hệ huynh đệ, khi chúng ta chia sẻ những đau khổ của anh chị em và chia sẻ bánh cũng như những của cải với người túng thiếu, khi chúng ta dùng những tài năng của mình để giúp đỡ người khác, khi ấy chúng ta bẻ bánh cuộc sống của chúng ta như Chúa Giêsu.
Xét mình
"Vậy, chúng ta hãy tự hỏi: tôi có giữ lại mạng sống bản thân cho mình hay là trao tặng như Chúa Giêsu? Tôi có xả thân cho tha nhân hay là khép kín trong cái tôi của mình? Và trong những hoàn cảnh mỗi ngày, tôi có biết chia sẻ hay luôn luôn tìm kiếm lợi lộc cho mình?
Rồi Ðức Thánh cha kết luận: Xin Mẹ Maria, Mẹ đã đón nhận Chúa Giêsu là Bánh từ Trời, và Mẹ đã hiến trọn thân mình cùng với Chúa, xin Mẹ cũng giúp chúng ta trở thành một món quà Tình Thương, hiệp với Chúa Giêsu Thánh Thể.
Chào thăm và kêu gọi
Sau khi đọc kinh và ban phép lành cho các tín hữu, Ðức Thánh cha đưa ra lời kêu gọi cho Sudan bên Phi châu và nói rằng:
"Từ hơn một năm nay, Sudan phải chịu tình trạng nội chiến mà không có giải pháp nào. Chúng ta hãy cầu nguyện để có một giải pháp cho cuộc chiến tại nước này, nhiều người đã phải tị nạn trong và ngoài nước."
Chiến tranh tại Sudan bắt đầu từ ngày 15 tháng Tư năm 2023 giữa hai nhóm thuộc Hội đồng lãnh đạo lâm thời: một bên là quân đội và bên kia là Lực lượng triển khai nhanh. Quân đội được sự hỗ trợ của Ai Cập, còn lực lượng triển khai nhanh được sự ủng hộ của Nga. Theo tổ chức Các bác sĩ không biên giới, Sudan với hơn tám triệu bốn trăm ngàn dân, đang gặp phải tình trạng khủng hoảng về nhân đạo: 16% dân chúng, trong đó có hai triệu trẻ em dưới 5 tuổi phải tị nạn trong và ngoài nước. Nạn đói tập thể đang đe dọa Sudan.
Ðức Thánh cha cũng lập lại lời kêu gọi hòa bình cho Ucraina đau thương, Palestine, Israel và Myanmar. Ngài nói: "Chúng ta hãy cầu nguyện cho các nhà cầm quyền được ơn khôn ngoan, để họ biết đối thoại tìm giải pháp hòa bình cho đất nước".
Sau cùng, Ðức Thánh cha chào thăm các nhóm tín hữu từ Croatia cũng như các tín hữu ở Roma. Ngài cầu chúc mọi người một Chúa nhật an lành, đồng thời xin họ đừng quên cầu nguyện cho ngài.