Ðức Thánh cha kỷ niệm mười năm

cuộc gặp gỡ hòa bình với hai lãnh tụ Thánh địa

 

Ðức Thánh cha kỷ niệm mười năm cuộc gặp gỡ hòa bình với hai lãnh tụ Thánh địa.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 02-06-2024) - Lúc 9 giờ 30, sáng thứ Bảy, ngày 08 tháng Sáu năm 2024, Ðức Thánh cha Phanxicô sẽ kỷ niệm cuộc gặp gỡ giữa ngài với Tổng thống Israel, ông Shimon Peres, và Tổng thống Palestine, ông Mahmoud Abbas, và cầu nguyện cho hòa bình cho Trung Ðông.

Hiện diện tại cuộc gặp gỡ, chiều ngày 08 tháng Sáu cách đây đúng mười năm, cũng có Ðức Thượng phụ Bartolomaios I, Giáo chủ Chính thống Constantinople, và các đại diện của Kitô giáo, Do thái và Hồi giáo tại Thánh địa. Ðó là lần đầu tiên hai lãnh tụ Israel và Palestine gặp gỡ nhau.

Chương trình cầu nguyện diễn ra lần lượt theo thứ tự: Do thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo, với phần âm nhạc, kinh nguyện, suy tư và khẩn cầu hòa bình. Cả ba đều theo cùng một cơ cấu: trước tiên là ca ngợi Thiên Chúa, Ðấng sáng tạo và ban cho con người công trình tạo dựng của Ngài, tất cả chúng ta là con cái Thiên Chúa. Tiếp đến là lời khẩn cầu ơn tha thứ vì những tội chống lại Thiên Chúa và tha nhân, đã không cư xử với nhau như anh chị em con của cùng một Cha, và sau cùng là khẩn cầu Thiên Chúa ban bình an cho Thánh địa, cho Trung Ðông và thế giới.

Trong phần cuối, hai vị tổng thống lần lượt lên tiếng và nói lên những lời nguyện cầu xin Thiên Chúa ban hòa bình.

Cuối buổi cử hành dài một tiếng rưỡi đồng hồ khi ấy, Ðức Thánh cha, rồi hai tổng thống và Ðức Thượng phụ đứng cạnh nhau và các phái đoàn tiến qua để chào các vị.

Bốn vị cũng cùng nhau trồng một cây Oliu để lưu niệm, trước khi tiến vào trụ sở Hàn lâm viện khoa học Tòa Thánh cạnh đó, để gặp gỡ riêng.

Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, ông Matteo Bruni, nói rằng: cuộc kỷ niệm lần này diễn ra trong thời điểm khó khăn và lo âu hiện nay vì chiến tranh giữa người Israel và Palestine.

Phát biểu của Ðức Thánh cha

Lên tiếng trong buổi cầu nguyện hồi đó, cách đây mười năm, Ðức Thánh cha nói rằng: "Cuộc gặp gỡ này của chúng ta, khẩn cầu hòa bình cho Thánh địa, Trung Ðông và toàn thế giới, được tháp tùng bằng lời cầu nguyện của rất nhiều người, thuộc các nền văn hóa, tổ quốc, ngôn ngữ và tôn giáo khác nhau: những người đã cầu nguyện cho cuộc gặp gỡ này và giờ đây họ liên kết với chúng ta trong cùng một lời khẩn cầu. Ðây là một cuộc gặp gỡ đáp ứng ước muốn nồng nhiệt của bao nhiêu người đang khao khát hòa bình và mơ ước một thế giới, trong đó mọi người nam nữ có thể sống như anh chị em với nhau chứ không phải như đối thủ hoặc kẻ thù.

Thưa nhị vị tổng thống, thế giới là một gia sản mà chúng ta đã nhận lãnh từ tiền nhân: đúng vậy, nhưng đó cũng là một của mượn của con cháu chúng ta: những người con đã mỏi mệt và kiệt lực vì những cuộc xung đột và mong ước đạt tới bình minh hòa bình; những người con đang yêu cầu chúng ta phá đổ những bức tường thù hận và tiến bước trên con đường đối thoại và hòa bình để tình thương và tình thân hữu chiến thắng.

Nhiều người, rất tiếc là quá nhiều người con ấy đã ngã gục như nạn nhân vô tội của chiến tranh và bạo lực. Họ như những cây đầy sức sống bị nhổ bỏ. Nghĩa vụ của chúng ta là làm sao để sự hy sinh của họ không vô ích. Việc tưởng niệm họ đổ tràn trong chúng ta lòng can đảm hòa bình, sức mạnh kiên trì trong đối thoại với bất kỳ giá nào, sự kiên nhẫn kết dệt mỗi ngày những đường chỉ ngày càng vững mạnh để dệt nên một cuộc sống chung hòa bình trong sự tôn trọng nhau và an bình, để làm vinh danh Thiên Chúa và mưu ích cho mọi người.

Lịch sử dạy chúng ta rằng sức riêng của chúng ta vẫn không đủ. Hơn một lần chúng ta đến gần hòa bình, nhưng ma quỷ bằng nhiều phương thế, đã ngăn cản được hòa bình. Vì thế, chúng ta ở đây, là vì chúng ta biết và tin rằng chúng ta cần ơn phù trợ của Thiên Chúa. Chúng ta không từ khước trách nhiệm của mình, nhưng chúng ta cầu khẩn Thiên Chúa như một hành vi trách nhiệm tối cao, đứng trước lương tâm chúng ta và trước dân tộc chúng ta. Chúng ta đã nghe một lời kêu gọi, và chúng ta phải đáp lại: lời kêu gọi phá vỡ cái vòng luẩn quẩn bạo lực và oán thù, phá vỡ nó bằng một lời duy nhất, đó là "người anh em". Nhưng để nói lời này, tất cả chúng ta phải hướng cái nhìn lên Trời, nhìn nhận mình là con cái của người Cha duy nhất."

(Tổng hợp, Vatican News 31-5-2024)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page