Lo âu và hy vọng của Ðức Hồng y Muller

về Thượng Hội đồng Giám mục

 

Lo âu và hy vọng của Ðức Hồng y Muller về Thượng Hội đồng Giám mục.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 29-05-2024) - Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Kai của Công giáo Ba Lan, truyền đi ngày 29 tháng Năm năm 2024, Ðức Hồng y Gerhard Muller, người Ðức, nguyên Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin, tái phê bình Con đường Công nghị ở Ðức, đồng thời bày tỏ lo âu và hy vọng về Thượng Hội đồng Giám mục thứ XVI sẽ nhóm khóa hai, vào tháng Mười năm 2024 tại Roma.

Cha Stanislaw Tasiemski, Dòng Ða Minh, của hãng Kai, hỏi Ðức Hồng y: trong giai đoạn hiện nay, các Hội đồng Giám mục trên thế giới đang gửi phúc trình về Văn phòng Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục. Trong phúc trình, Hội đồng Giám mục Ðức nhấn mạnh yêu cầu đã được Con đường Công nghị của Giáo hội này đề ra, trong đó có việc truyền chức linh mục cho phụ nữ, tự do hóa luân lý tính dục và để cho giáo dân bình quyền với các giám mục trong việc quyết định về Giáo hội. Vậy theo Ðức Hồng y, chúng ta đang ở đâu và đâu là hy vọng và lo sợ về tiến trình Thượng Hội đồng Giám mục hiệp hành trong Giáo hội hoàn vũ?

Ðức Hồng y Muller nhận định rằng những yêu cầu này chứng tỏ chúng ta hoàn toàn bị tục hóa, và một lần nữa Giáo hội lại bị coi như một tổ chức Phi chính quyền (NGO), trong đó chương trình được tự do thay đổi tùy theo những người bỏ phiếu. Những vấn đề cha vừa nêu lên đã được giải quyết và là kết quả của chính mạc khải, từ bản chất của bí tích truyền chức thánh, và chúng ta phải chống lại sự tự tục hóa và tự hủy hoại Giáo hội bằng mọi cách. Thượng Hội đồng Giám mục không phải là một nghị viện và không thể có một sự áp đặt ý kiến tùy theo đa số, được các giám mục Áo và Ðức gửi về Thượng Hội đồng Giám mục. Ðiều này không có nghĩa là chúng ta có thể thực hiện sự thay đổi tùy theo quyết định của đa số, và Ðức Giáo hoàng có thể quyết định như ngài muốn, với quyền bính hoàn toàn tách khỏi Giáo hội. Chính Ðức Giáo hoàng cũng đã nhiều lần lặp lại lập trường của ngài là không có chức phó tế và linh mục cho phụ nữ. Cũng cần phải nói thêm rằng điều này không tùy thuộc ý kiến cá nhân của Ðức Giáo hoàng, nhưng có những tiêu chuẩn khách quan để trả lời cho những câu hỏi cha vừa nêu lên".

Cha Tasiemski cũng nêu nhận xét với Ðức Hồng y Muller, đó là có những tiếng nói từ Ðức nêu rõ: những luận đề, những đề nghị được trình bày trong phúc trình của các giám mục Ðức gửi về Roma không để ý đến ý kiến của mọi tín hữu Công giáo, nhiều nhóm bị gạt ra ngoài.

Ðức Hồng y Muller nhấn mạnh rằng Con đường Công nghị ở Ðức không hề đại diện cho giáo dân, mà chỉ là ý kiến của một nhóm nhỏ các viên chức. Nhưng kể cả trường hợp họ đại diện cho đa số giáo dân, thì điều này cũng không tạo nên sự thay đổi, vì giáo huấn của Giáo hội không phải là kết quả của một cuộc thăm dò các ý kiến của con người, nhưng là một sự diễn tả Lời Chúa và mạc khải, đó là điều quan trọng. Ðức tin không thể sánh ví với một thực đơn trong quán ăn mà người ta có thể chọn món mình thích. Thật là một sai lầm cơ bản. Ðức tin đến từ Lời Chúa và Chúa Kitô đã thiết lập một đoàn các môn đệ gọi là mười hai tông đồ, và đây là kiểu mẫu của chức linh mục bí tích. Giám mục, linh mục đại diện Chúa Kitô, như hôn phu đối với Giáo hội là hôn thê. Biểu tượng này ngụ ý rằng chỉ có người nam thi hành sứ vụ linh mục. Chúng ta hãy nhớ rằng Chúa Giêsu, là Lời của Thiên Chúa, nhận lấy nhân tính như một người nam. Nhưng sự nhập thể của Ngôi Lời chỉ có thể xảy ra qua một người nữ. Chỉ có Mẹ Maria có thể sinh ra Con Thiên Chúa như một người, chứ không phải là người nam."

Ðức Hồng y Muller đặc biệt nhấn mạnh rằng: "Con đường của Giáo hội cũng là con đường của đoàn chiên nhỏ, bị thế gian bách hại, nhưng tiếp tục ở bên Chúa Giêsu Kitô, con đường sự thật. Chính Chúa Kitô là đường, là sự thật và là sự sống. Ðó không phải là con đường công nghị của một số viên chức gặp gỡ nhau trong khách sạn năm sao".

(Ekai 29-5-2024)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page