Nhân đức khiêm nhường
là cửa dẫn vào mọi nhân đức
Tiếp kiến chung của Ðức Thánh cha: Nhân đức khiêm nhường là cửa dẫn vào mọi nhân đức.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (RVA News 22-05-2024) - Sáng thứ Tư, ngày 22 tháng Năm năm 2024, có khoảng 20,000 tín hữu tham dự buổi Tiếp kiến chung của Ðức Thánh cha Phanxicô, tại Quảng trường thánh Phêrô, từ lúc 9 giờ.
Như thường lệ, buổi tiếp kiến được mở đầu với phần lắng nghe Lời Chúa. Hai câu trích từ Tin mừng theo thánh Luca (Lc 1,46-48) được tám giáo dân tuyên đọc bằng các ngôn ngữ khác nhau:
"Bấy giờ, Ðức Maria nói: "Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi mừng rỡ trong Thiên Chúa, Ðấng cứu độ tôi; vì Người đã nhìn đến phận hèn của tôi tớ Chúa. Từ nay, muôn đời sẽ gọi tôi là người có phúc".
Bài huấn giáo
Trong bài huấn giáo tiếp đó, Ðức Thánh cha trình bày bài cuối cùng trong loạt hai mươi bài về các nết xấu và các nhân đức. Bài này mang tựa đề là: "Ðức khiêm nhường".
Mở đầu bài giáo lý, Ðức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Chúng ta kết thúc loạt bài giáo lý này và dừng lại ở một nhân đức không thuộc bốn nhân đức trụ và ba nhân đức đối thần, nhưng nó ở nơi căn bản của đời sống Kitô, đó là đức khiêm nhường. Nhân đức này là đối thủ lớn đối với tật xấu nặng nhất, là tật kiêu ngạo. Trong khi sự tự phụ và kiêu ngạo làm phồng trái tim con người, làm cho chúng ta ra vẻ hơn thực trạng của chúng ta, thì đức khiêm nhường đưa tất cả trở lại chiều kích thực của chúng: chúng ta là những thụ tạo tuyệt vời nhưng có giới hạn, với những ưu điểm và những khiếm khuyết. Ngay từ đầu, Kinh thánh nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta là tro bụi và sẽ trở về với bụi tro (Xc St 3,19). Thực vậy, từ khiêm tốn, "Umile" xuất phát từ chữ "humus", nghĩa là đất. Thế mà trong tâm hồn con người thường nổi lên những thứ mê sảng về sự toàn năng, nguy hiểm dường nào!
Nhận thức thân phận khiêm hạ
Ðể giải thoát chúng ta khỏi thứ quỷ kiêu ngạo, chỉ cần một chút, chỉ cần chiêm ngưỡng một bầu trời đầy sao để tìm lại mức độ đúng đắn, như thánh vịnh dạy: "Khi con ngắm bầu trời của Chúa, công trình ngón tay Ngài, trăng và sao Chúa đã tạo nên, thì con người có là gì mà Chúa phải nhớ đến, con người là chi mà Chúa phải quan tâm?" (8,4-5). Và khoa học hiện đại giúp chúng ta mở rộng chân trời rất xa, và càng cảm thấy mầu nhiệm bao quanh và ở trong chúng ta.
Phúc cho những người giữ trong tâm hồn nhận thức về sự bé nhỏ của mình: họ được gìn giữ khỏi sự kênh kiệu. Trong các Mối Phúc, Chúa Giêsu bắt đầu từ những người ấy: "Phúc cho những người nghèo khó, vì Nước Trời là của họ" (Mt 5,3). Ðó là mối phúc đầu tiên làm nền tảng cho những mối phúc kế tiếp: thực vậy, sự hiền lành, thương xót, tâm hồn thanh khiết nảy sinh từ cảm thức nội tâm về sự bé nhỏ. Khiêm nhường là cửa vào của mọi nhân đức.
Khiêm nhường là căn cội các nhân đức khác
Trong những trang đầu tiên của Tin mừng, sự khiêm nhường và khó nghèo xuất hiện như nguồn mạch của tất cả. Lời loan báo của sứ thần không xảy ra ở cửa thành Jerusalem, nhưng nơi một làng nhỏ hẻo lánh miền Galilea, không có gì là quan trọng, đến độ dân chúng nói: "Từ Nazareth nào có gì là tốt đâu?" (Ga 1,46). Nhưng chính từ đó mà thế giới tái sinh. Nữ anh hùng được ưu tuyển không phải là công nương lớn lên trong nhung lụa, nhưng là Maria, một thiếu nữ vô danh. Người đầu tiên kinh ngạc là chính Maria, khi sứ thần truyền tin của Chúa cho trinh nữ. Trong bài ca chúc tụng Magnificat, nổi bật sự kinh ngạc của Maria: "Linh hồn tôi ngợi khen Chúa và thần trí tôi mừng rỡ trong Thiên Chúa, Ðấng Cứu độ tôi, vì Ngài đã nhìn đến phận hèn tôi tớ Chúa" (Lc 1,46-48). Có thể nói, Thiên Chúa bị thu hút vì sự bé nhỏ của Maria, một sự bé nhỏ nội tâm. Chắc chắn, Maria có bao nhiêu đức tính khác, sẽ xuất hiện dần dần trong Tin mừng, nhưng đức tính duy nhất được nêu danh là lòng khiêm tốn.
Sự khiêm nhường của Mẹ Maria
Từ nay trở đi, Ðức Maria giữ mình khỏi sân khấu. Quyết định đầu tiên của Ðức Maria, sau khi được sứ thần truyền tin là cất bước lên đường để viếng thăm bà Elisabeth, giúp đỡ bà trong những tháng thai nghén cuối cùng. Nhưng ai thấy cử chỉ đó? Không có ai, ngoại trừ Thiên Chúa. Từ sự ẩn dật này, Ðức Trinh Nữ dường như không muốn bao giờ ra khỏi. Cũng như khi từ đám đông có tiếng của một phụ nữ hô lên với Chúa Giêsu: "Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú" (Lc 11,27). Nhưng Chúa Giêsu trả lời ngay: "Ðúng hơn, phúc cho những người nghe và tuân giữ Lời Chúa" (Xc 11,28). Cả chân lý thánh thiêng nhất trong cuộc sống của Ngài - là Mẹ Thiên Chúa - trở thành lý do để hãnh diện trước người đời. Trên trần thế, trong đó người ta chạy đua để phô trương, tỏ ra mình hơn người khác, Mẹ Maria quyết liệt tiến bước theo hướng ngược lại, chỉ cậy dựa vào ơn thánh của Chúa.
Mẹ Maria kiên vững trong khó khăn nhờ khiêm nhường
Chúng ta có thể tưởng tượng rằng cả Mẹ Maria cũng gặp những lúc khó khăn, những ngày trong đó đức tin của Mẹ tiến bước trong tăm tối. Nhưng điều này không bao giờ làm lung lay sự khiêm tốn của Mẹ, đây là nhân đức kiên vững nơi Mẹ: Mẹ luôn bé nhỏ, luôn từ bỏ bản thân, luôn được tự do đối với những tham vọng. Sự bé nhỏ này là sức mạnh kiên vững của Mẹ: chính Mẹ đã ở dưới chân thánh giá, trong khi ảo tưởng về một Ðức Thiên Sai hiển thắng tan biến. Chính Mẹ Maria, trong những ngày trước lễ Ngũ Tuần, đón nhận đoàn các môn đệ, họ không có khả năng canh thức chỉ một giờ với Chúa Giêsu, và đã bỏ rơi Chúa khi bão tố xảy đến.
Ðức khiêm nhường là tất cả. Ðó là điều đã cứu thoát chúng ta khỏi ma quỷ, và khỏi nguy cơ trở thành những người đồng lõa của nó. Ðó là nguồn mạch an bình trên thế giới và trong Giáo hội. Thiên Chúa đã cho chúng ta gương mẫu nơi Chúa Giêsu và Mẹ Maria, vì là phần rỗi và hạnh phúc của chúng ta.
Chào thăm và kêu gọi
Sau bài giáo lý trên đây, buổi tiếp kiến được nối tiếp với phần tóm tắt và những chào thăm, kèm theo những lời nhắn nhủ của Ðức Thánh cha.
Trước tiên là các nhóm tiếng Pháp, Ðức Thánh cha đặc biệt nhắc đến các giáo dân thuộc các giáo xứ, trường học và nhóm cầu nguyện đến từ Pháp và Monaco, đồng thời nhắn nhủ rằng: "Chúng ta chiêm ngưỡng Mẹ Maria, theo học tại trường khiêm tốn của Mẹ và cùng Mẹ tiến bước theo Chúa Kitô, là con đường chắc chắn nhất tiến về Trời".
Bằng tiếng Anh, Ðức Thánh cha đặc biệt chào các nhóm đến từ Nam Phi, Hong Kong, Ấn Ðộ, Hàn Quốc, Philippines và Mỹ, đồng thời cầu xin cho mọi người được niềm an vui của Chúa Giêsu Kitô.
Với các tín hữu Ba Lan, Ðức Thánh cha nhận xét rằng theo truyền thống, tháng Năm là tháng các trẻ em được rước lễ lần đầu tại nước này và nói rằng: "Tôi nghĩ đến tất cả các trẻ em đang sống cuộc gặp gỡ quan trọng này với Chúa Giêsu và khuyến khích các em, trong lúc vui mừng này, cũng biết nhìn thấy những nhu cầu của các bạn đồng lứa tuổi đang đau khổ vì chiến tranh, nghèo đói. Xin Mẹ Maria dạy chúng ta biết khiêm tốn phục vụ, đây là nguồn mạch an bình trên thế giới và trong Giáo hội.
Cuối cùng, bằng tiếng Ý, Ðức Thánh cha chào thăm nhiều nhóm khác nhau, bắt đầu là các nữ tập sinh đang tham dự khóa học do Liên hiệp các nữ Bề trên cấp cao của Ý tổ chức, và cầu mong cuộc gặp gỡ này gợi lên nơi mỗi người ước muốn ngày càng gắn bó hơn với Chúa Kitô và phục vụ tha nhân trong tình bác ái.
Ðức Thánh cha cũng nhắc đến nhiều tổ chức và phái đoàn khác.
Sau cùng, Ðức Thánh cha chào thăm những người cao tuổi, người trẻ, các bệnh nhân và các đôi tân hôn, đồng thời nói rằng: Xin Chúa Thánh Linh mà chúng ta mới nhắc đến sự hiện diện của Chúa trong lễ Hiện Xuống vừa qua, luôn ngự trong tâm hồn anh chị em và giúp anh chị em vững mạnh trong đức tin, quảng đại trong đức mến, và kiên trì trong hy vọng.
Như thói quen từ lâu nay, Ðức Thánh cha không quên mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho hòa bình, đặc biệt cho Ucraina đau thương, cho Palestine và Israel, cũng như cho nhân dân Myanmar.
Buổi Tiếp kiến chung được kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Ðức Thánh cha.