Diễn văn Ðức Thánh Cha
dành cho Hội nghị Thế giới
về Tình huynh đệ Nhân loại lần thứ II
năm 2024
Diễn văn Ðức Thánh Cha dành cho Hội nghị Thế giới về Tình huynh đệ Nhân loại lần thứ II - năm 2024.
Chuyển ngữ: Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Vatican (WHÐ 13-05-2024) - Sáng thứ Bảy ngày 11 tháng 05 năm 2024, Ðức Thánh Cha đã tiếp kiến khoảng 350 tham dự viên Hội nghị Thế giới về Tình huynh đệ Nhân loại (World Meeting on Human Fraternity) lần thứ II với chủ đề #BeHuman, do Quỹ Fratelli tutti tổ chức trong 2 ngày 10 và 11 tháng 05 năm 2024. Trong số các diễn giả và tham dự viên lần này, có khoảng 30 người đoạt giải Nobel Hòa bình đã tham gia các nhóm thảo luận vì hòa bình vào hôm trước.
Ðược biết, Hội nghị Thế giới về Tình huynh đệ Nhân loại lần thứ I được diễn ra tại Quảng trường Thánh Phêrô, và đồng thời tại 8 quảng trường khác trên thế giới với việc ký bản Tuyên bố về Tình huynh đệ Nhân vào ngày 10 tháng 06. Năm 2023.
Sau đây là toàn văn Việt ngữ bài Diễn văn của Ðức Thánh Cha:
Diễn văn Ðức Thánh Cha Phanxicô
dành cho tham dự viên
Hội nghị Thế giới về Tình huynh đệ Nhân loại
Hội trường Clementine
Thứ bảy, ngày 11 tháng 05 năm 2024
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Tôi hân hoan chào đón anh chị em. Tôi cảm ơn anh chị em hiện diện nơi đây đến từ nhiều nơi trên thế giới, để tham dự Hội nghị Thế giới về Tình huynh đệ Nhân loại. Tôi cảm ơn Quỹ Fratelli Tutti, một tổ chức nhằm thúc đẩy các nguyên tắc được nêu trong Thông điệp, "để truyền cảm hứng xung quanh Vương cung thánh đường Thánh Phêrô và ủng hộ các sáng kiến liên quan đến tâm linh, nghệ thuật, giáo dục và đối thoại với thế giới" (Chirograph, 08.12.2021).
Trong một thế giới đang phải đương đầu với biển lửa xung đột, anh chị em quy tụ với ý hướng tái khẳng định tiếng "không" với chiến tranh và tiếng "có" với hòa bình, làm chứng cho tình nhân loại hiệp nhất chúng ta và giúp chúng ta nhận ra mình là anh chị em, trong món quà chung của những khác biệt văn hóa tương ứng của mình.
Với tâm thức này, tôi nhớ đến bài diễn văn nổi tiếng của Martin Luther King, Jr., trong đó có đoạn: "Chúng ta đã học được bay trên trời như chim và bơi dưới biển như cá, nhưng chúng ta vẫn chưa học được nghệ thuật đơn giản để chung sống với nhau như anh chị em" (Bài diễn văn nhân dịp trao giải Nobel Hòa bình, ngày 11 tháng 12 năm 1964). Ðúng là như vậy. Vì thế, chúng ta hãy tự vấn: Làm sao chúng ta có thể quay trở lại phát triển nghệ thuật chung sống thực sự mang tính nhân bản một cách cụ thể?
Tôi muốn trở lại với thái độ chủ yếu được đề xuất trong Thông điệp Fratelli tutti: đó là Lòng trắc ẩn. Trong Tin Mừng (x. Lc 10,25-37), Chúa Giêsu kể dụ ngôn về một người Samaritanô, đã động lòng trắc ẩn tiến lại gần một người Do Thái bị bọn cướp bỏ dở sống dở chết bên vệ đường. Chúng ta hãy nhìn vào hai người này. Văn hóa của họ thù địch nhau, lịch sử của họ khác nhau và xung đột nhau, nhưng người này đã trở thành anh em của người kia ngay khi anh để mình được hướng dẫn bởi lòng trắc ẩn mà anh dành cho người kia. Chúng ta có thể nói rằng, anh đã để mình bị thu hút bởi Chúa Giêsu hiện diện nơi người xa lạ bị thương tích này. Như một nhà thơ đã đề cập tới câu nói của Thánh Phanxicô Assisi trong một tác phẩm của mình: "Chúa hiện diện nơi mà người anh em của bạn là" (É. Leclerc, La sapienza di un povero).
Chiều nay, anh chị em sẽ gặp nhau tại 12 điểm trong Thành Vatican và Roma để thể hiện ý hướng tạo ra một phong trào huynh đệ hướng ngoại. Trong bối cảnh này, các nhóm làm việc đã được chuẩn bị trong những tháng vừa qua sẽ đưa ra cho xã hội dân sự một số đề xuất, tập trung vào phẩm giá con người, nhằm xây dựng những chính sách hợp lý, dựa trên nguyên tắc tình huynh đệ, trong đó "mang lại điều gì đó tích cực hơn cho tự do và bình đẳng" (Thông điệp Fratelli tutti, 103). Tôi đánh giá cao sự lựa chọn này và khuyến khích anh chị em hãy tiếp tục công việc gieo hạt trong thầm lặng của mình. Từ đó có thể hình thành một Hiến chương của Nhân loại, trong đó, cùng với các quyền, còn có những hành vi và lý do thực tiễn giúp chúng ta trở nên nhân bản hơn.
Tôi kêu gọi anh chị em đừng nản lòng, bởi vì "Việc đối thoại kiên trì và dũng cảm không đưa tin ồn ào như những bất đồng và xung đột, nhưng âm thầm giúp thế giới có cuộc sống tốt hơn chúng ta nghĩ" (Thông điệp Fratelli tutti, 198).
Ðặc biệt, tôi muốn cảm ơn nhóm các vị đoạt giải Nobel lừng danh đang hiện diện, vì Tuyên bố về Tình huynh đệ Nhân loại được soạn thảo vào ngày mồng 10 tháng 06 năm ngoái, cũng như vì cam kết mà anh chị em đã đề ra năm nay trong việc tái xây dựng một sách mô phạm về nhân văn, làm nền tảng cho những lựa chọn và cách ứng xử. Tôi khuyến khích anh chị em hãy tiến về phía trước, phát triển tinh thần huynh đệ này, và qua hành động ngoại giao của mình, thúc đẩy vai trò của các cơ quan đa phương.
Anh chị em thân mến, chiến tranh là một sự lừa dối - chiến tranh luôn là một thất bại - Cũng vậy, quan điểm về an ninh quốc tế dựa trên sự răn đe bằng nỗi sợ hãi cũng là một sự lừa dối. Ðể bảo đảm hòa bình lâu dài, chúng ta cần quay trở lại với việc nhìn nhận về tình nhân loại chung của chúng ta và đặt tình huynh đệ vào trung tâm đời sống của các dân tộc. Chỉ bằng cách này chúng ta mới thành công trong việc phát triển một mô hình chung sống có khả năng mang lại cho gia đình nhân loại một tương lai. Hoà bình chính trị cần sự bình an trong tâm hồn, để mọi người có thể gặp nhau trong niềm tin tưởng rằng sự sống luôn chiến thắng mọi hình thức của chết chóc.
Anh chị em thân mến, khi chào đón anh chị em, tôi đồng thời nghĩ tới những vòng ôm mà tối nay, giống như năm ngoái, sẽ được nhiều người trẻ trao tặng. Chúng ta hãy nhìn vào người trẻ và học hỏi từ họ, vì, như Tin Mừng dạy chúng ta, "nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời" (Mt 18,3). Tất cả chúng ta hãy biến vòng ôm này thành sự dấn thân trong cuộc sống và một cử chỉ yêu thương mang tính ngôn sứ.
Xin cảm ơn anh chị em về những gì anh chị em thực hiện! Tôi luôn gần gũi với anh chị em và xin anh chị em cầu nguyện cho tôi. Bây giờ, cùng nhau và trong thinh lặng, tất cả chúng ta hãy nài xin và nhận lãnh phúc lành của Thiên Chúa.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Ða Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (11. 05. 2024)
(Nguồn: Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam)