Sứ điệp Tòa Thánh
gửi các Phật tử nhân lễ Vesak
Sứ điệp Tòa Thánh gửi các Phật tử nhân lễ Vesak.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (RVA News 08-05-2024) - Bộ Ðối thoại liên tôn của Tòa Thánh chúc mừng các tín đồ Phật giáo, nhân lễ Vesak và mời gọi các Kitô hữu và Phật tử cùng nhau thăng tiến hòa bình bằng nỗ lực cổ võ sự hòa giải và kiên cường.
Ðối với các tín đồ Phật giáo Nguyên thủy, lễ Vesak mừng cuộc đản sinh, thành đạo và viên tịch của Ðức Phật, năm 2024 vào ngày 23 tháng Năm năm 2024 và các tín đồ Phật giáo Ðại thừa, như tại Việt Nam, đó là Lễ Phật Ðản, năm 2024 được mừng vào ngày 22 tháng Năm năm 2024.
Sứ điệp của Ðức Hồng y Ayuso Guixot, người Tây Ban Nha, Bộ trưởng Bộ Liên tôn và Ðức ông Tổng thư ký Indunil Kodithuwakku, người Sri Lanka mang tựa đề: "Kitô hữu và Phật tử: cùng nhau hợp tác để đạt hòa bình qua hòa giải và kiên cường".
Sau những lời chúc mừng các Phật tử, Sứ điệp của Tòa Thánh trình bày vài suy tư về trách nhiệm chung của các tín hữu Kitô và Phật tử trong việc thăng tiến hòa bình, hòa giải và sự kiên cường, là những giá trị ăn rễ sâu nơi truyền thống của hai tôn giáo.
Hai vị lãnh đạo Kitô nhắc lại lời Ðức Giáo hoàng Phaolô VI nói tại Liên Hiệp Quốc, ngày 04 tháng Mười năm 1965: "Ðừng bao giờ chiến tranh, đừng bao giờ chiến tranh nữa! Chính hòa bình mới hướng dẫn vận mệnh của các dân nước toàn nhân loại!" Lời kêu gọi này đã được lập lại tại nhiều cuộc gặp gỡ liên tôn trong những năm gần đây để lên án sự tàn phá do chiến tranh. Chúng ta cũng đã đề cập đến vấn đề này trong nhiều dịp, nhưng sự tiếp tục leo thang xung đột trên thế giới kêu gọi tái quan tâm đến vấn đề nghiêm trọng là hòa bình và suy tư sâu xa hơn về vai trò của chúng ta trong việc vượt thắng những chướng ngại trên con đường tăng trưởng hòa bình. Ngoài lời cầu nguyện, tình trạng hiện nay còn đòi chúng ta phải cố gắng rất nhiều. Thi hành phần nghĩa vụ của chúng ta là chấm dứt oán ghét và ước muốn báo thù đưa tới chiến tranh, và chữa lành những vết thương mà chiến tranh gây ra cho nhân loại và trái đất, căn nhà chung của chúng ta. Ðể được như vậy, chúng ta cần tăng cường quyết tâm làm việc cho hòa giải và kiên cường".
Sứ điệp Tòa Thánh kêu gọi loại trừ căn cội sâu xa của xung đột và bạo lực, nếu không hòa bình lâu bền chỉ là ảo tưởng, nghĩa là nếu không có công bằng và công lý trong đời sống chính trị, kinh tế và văn hóa.
"Giáo huấn cao quý trong các truyền thống của chúng ta và gương sống của những vị mà chúng ta tôn kính, chứng tỏ những ích lợi của hòa giải và kiên cường. Khi tìm kiếm tha thứ và những tương quan bị thương tổn được chữa lành, thì những người bị ghẻ lạnh sẽ được hòa giải và sự hòa hợp được khôi phục. Sự kiên cường tăng sức mạnh cho cá nhân và cộng đoàn phục hồi từ nghịch cảnh và chấn thương. Nó thăng tiến can cảm và hy vọng một tương lai sáng lạn hơn, vì nó biến đổi cả nạn nhân lẫn kẻ phạm lỗi và dẫn tới đời sống mới."
Ðức Phật dạy một sự khôn ngoan vượt thời gian, theo đó "Hận thù không bao giờ được xoa dịu bằng hận thù trên trần thế này, nó chỉ được thoa dịu bằng lòng nhân ái" (Pháp cú kinh, 5). Còn thánh Phaolô, phản ánh lời kêu gọi của Chúa Giêsu dạy hãy luôn luôn tha thứ (Mt 6,14), dạy các tín hữu Kitô hãy đón nhận sứ vụ hòa giải do Thiên Chúa khởi xướng trong Chúa Kitô" (2Cr 5,11-21).
(Sala Stampa 6-5-2024)