Ðức tin là ân ban

trước tiên của đời sống Kitô hữu

 

Tiếp kiến chung của Ðức Thánh cha: Ðức tin là ân ban trước tiên của đời sống Kitô hữu.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 01-05-2024) - Sáng thứ Tư, ngày 01 tháng Năm năm 2024, vì trời u ám và dự báo thời tiết sẽ mưa, nên địa điểm buổi Tiếp kiến chung của Ðức Thánh cha Phanxicô được dời từ ngoài Quảng trường thánh Phêrô vào Ðại thính đường Phaolô VI. Ðã có hơn 6,000 người hiện diện trong hội trường.

Như thường lệ, mở đầu buổi tiếp kiến, mọi người đã nghe một đoạn ngắn, trích từ Tin mừng theo thánh Gioan (9,35-38):

"Khi Chúa Giêsu tìm thấy [người mù mà Ngài đã cho sáng mắt], Ngài nói với anh: "Anh có tin nơi Con Người không?". Người ấy đáp: "Lạy Chúa, Người ấy là ai để con tin?" Chúa Giêsu đáp: "Anh đang thấy Người: đó là người đang nói với anh". Và người đó trả lời: "Lạy Chúa, con tin!" và anh phủ phục trước Ngài".

Bài huấn giáo

Trong bài huấn giáo tiếp đó, Ðức Thánh cha tiếp tục loạt bài về các nết xấu và các nhân đức. Bài thứ mười bảy này có tựa đề là: "Ðức tin".

Mở đầu bài giáo lý, Ðức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

"Hôm nay, tôi muốn nói về nhân đức tin. Cùng với đức ái và hy vọng, nhân đức này được gọi là "đối thần" hoặc hướng thần, vì chỉ có thể sống nhân đức này nhờ ơn Chúa. Ba nhân đức đối thần là những hồng ân Chúa ban cho khả năng luân lý của chúng ta. Nếu không có các nhân đức này, chúng ta có thể là khôn ngoan, công bằng, can đảm và tiết độ, nhưng chúng ta sẽ không có đôi mắt để nhìn thấy cả trong tăm tối, chúng ta sẽ không có một con tim để yêu mến cả khi không được yêu thương, chúng ta sẽ không dám hy vọng nếu không có dấu chỉ nào để hy vọng.

Ðức tin là gì?

Ðức Thánh cha đặt câu hỏi: "Ðức tin là gì? Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, khi trích dẫn Hiến chế Công đồng Vatican II "Dei Verbum", Lời Chúa, giải thích cho chúng ta rằng đức tin là hành vi, qua đó con người tự nguyện phó thác cho Thiên Chúa (n.1814). Trong đức tin này, Abraham là người cha vĩ đại. Khi ông chấp nhận rời bỏ quê cha đất tổ để tiến về phần đất mà Thiên Chúa chỉ cho ông, có lẽ ông bị coi là điên khùng: tại sao bỏ điều đã biết để theo cái gì mình không biết, bỏ điều chắc chắn để tìm điều không chắc chắn? Nhưng Abraham ra đi, như thể nhìn thấy điều vô hình.

Và chính điều vô hình ấy làm cho ông leo lên núi cùng với con là Isaac, người con duy nhất của lời hứa, và chỉ đến lúc chót mới được thoát khỏi sự sát tế. Trong đức tin ấy, Abraham trở thành cha của một hàng ngũ đông đảo các con cái.

Người có đức tin

Một người có đức tin là Môsê, khi đón nhận tiếng Chúa cả trong khi bị ngờ vực nhất vây bủa, ông tiếp tục kiên vững và tín thác vào Chúa, và thậm chí bảo vệ dân, dù bao nhiêu lần dân thiếu tin tưởng.

Một phụ nữ đức tin là Ðức trinh nữ Maria, khi đón nhận lời truyền tin của sứ thần, mà lẽ ra nhiều người từ bỏ vì quá khó khăn và rủi ro, Ðức Maria đã trả lời: "Này tôi là nữ tỳ Chúa: xin xảy ra cho tôi theo lời Ngài" (Lc 1,38). Với tâm hồn đầy tín thác nơi Chúa, Ðức Maria ra đi trên con đường mà mình không biết là đi đâu cũng như không biết những nguy hiểm.

Tác động của đức tin

Ðức tin là nhân đức làm cho ta thành Kitô hữu. Ðể là Kitô hữu, trước tiên không phải là chấp nhận một nền văn hóa, với những giá trị đi kèm, nhưng là đón nhận và cẩn giữ một liên hệ: tôi và Thiên Chúa; con người tôi và tôn nhan đáng mến của Chúa Giêsu.

Liên quan đến đức tin, ta nghĩ đến một giai thoại trong Tin mừng. Các môn đệ Chúa Giêsu đang đi trên hồ và bị bão tố. Họ nghĩ là sẽ thoát được nhờ sức riêng của họ, với những kinh nghiệm, nhưng thuyền bắt đầu đầy nước và họ kinh hãi (Xc Mc 4,35-41). Họ không để ý mình có một giải pháp trước mắt: đó là Chúa Giêsu ở với họ trên thuyền, giữa bão tố và Ngài vẫn ngủ. Sau cùng, họ đánh thức Ngài. Họ sợ hãi và cũng tức bực vì Ngài để cho họ chết, Chúa khiển trách họ: "Tại sao các con sợ hãi? Các con chưa có đức tin sao?" (Mc 4,40).

Kẻ thù của đức tin

Vì thế, kẻ thù lớn nhất của đức tin là: sự không hiểu, không có lý, rất tiếc như nhiều người vẫn ngoan cố lập lại, nhưng chỉ là sự sợ hãi. Vì lý do đó, đức tin là hồng ân đầu tiên cần đón nhận trong đời sống Kitô: đó là một hồng ân cần được đón nhận và cầu xin hằng ngày, để đức tin được canh tân trong chúng ta. Nó có vẻ là một ơn tầm thường, không đáng kể, nhưng ân ban này là điều thiết yếu. Khi chúng ta được đưa tới giếng rửa tội, cha mẹ chúng ta, sau khi thông báo tên mà các vị đã chọn cho chúng ta, thì linh mục hỏi: "Ông bà xin Giáo hội của Chúa điều gì?" và họ trả lời: thưa xin đức tin, xin phép rửa tội!"

Ảnh hưởng của đức tin

Ðối với một người cha, người mẹ là Kitô hữu, ý thức về ơn được ban cho mình, đó là hồng ân đức tin, nên họ cũng xin cho con mình: xin đức tin. Với đức tin, cha mẹ biết rằng, dù giữa những thử thách trong cuộc sống, con mình sẽ không chết đuối trong sợ hãi. Họ cũng biết rằng khi người con ấy không còn cha mẹ trên mặt đất, thì con vẫn tiếp tục có một Thiên Chúa là Cha trên trời, Ðấng không bao giờ bỏ rơi con của Ngài. Tình yêu của chúng ta mong manh, chỉ có tình thương của Thiên Chúa mới chiến thắng sự chết.

Chắc chắn, như thánh Tông đồ dạy, không phải mọi người đều có đức tin (Xc 2 Ts 3,2), và cả chúng ta, tuy là tín hữu, nhưng nhiều khi chúng ta nhận thấy mình chỉ có một chút đức tin. Nhiều khi Chúa Giêsu khiển trách chúng ta, như đã làm với các môn đệ, là những người yếu đức tin. Nhưng đức tin là hồng ân hạnh phúc nhất, nhân đức duy nhất mà chúng ta được mong muốn. Vì ai có đức tin thì có một sức mạnh không phải chỉ là phàm nhân. Thực vây, đức tin "kích hoạt" ơn thánh trong chúng ta và mở tâm trí đối với mầu nhiệm Thiên Chúa. Như Chúa Giêsu đã có lần nói: "Giả sử các con có một đức tin bằng hạt cải, các con có thể nói với núi này: "Hãy nhổ rễ và lao xuống biển" và nó cũng vâng lời chúng con" (Lc 17,6). Vì thế, cả chúng ta, như các môn đệ, chúng ta hãy thưa với Chúa: 'Lạy Chúa xin gia tăng đức tin cho chúng con" (Xc Lc 17,5).

Chào thăm và kêu gọi

Sau bài giáo lý trên đây là phần tóm tắt và chào thăm bằng các ngôn ngữ khác nhau, kèm theo những lời nhắn nhủ của Ðức Thánh cha.

Bắt đầu là tiếng Pháp, Ðức Thánh cha chào thăm đông đảo các tín hữu đến từ các giáo xứ và những người trẻ từ Pháp. Ngài nói: "Giữa lúc chúng ta còn ở trong mùa Phục sinh này, tưởng niệm và vui mừng vì Chúa sống lại, chúng ta hãy cầu xin Chúa ơn được ngày càng tin nơi mầu nhiệm này và gắn bó trong sự dịu dàng với Chúa, để theo Ngài đến bất kỳ nơi nào Ngài dẫn chúng ta tới".

Bằng tiếng Anh, Ðức Thánh cha đặc biệt chào thăm các nhóm đến từ Phần Lan, Malta, Hòa Lan, Na Uy, Uganda, Ấn Ðộ, Malaysia, Canada và Mỹ. Ðức Thánh cha nói thêm rằng: "Tôi muốn chuyển đến nhân dân Kenya sự gần gũi tinh thần của tôi trong lúc nạn lụt trầm trọng làm cho bao nhiêu anh chị em chúng ta bị thiệt mạng thê thảm, cũng như gây ra cho những người khác nhiều thiệt hại. Tôi mời gọi anh chị em cầu nguyện cho tất cả những người đang bị tổn thương vì những hậu quả của thiên tai này. Cả khi ở giữa những nghịch cảnh, chúng ta hãy nhớ đến niềm vui Chúa Kitô Phục sinh. Tôi khẩn cầu trên anh chị em và thân quyến tình yêu thương xót của Thiên Chúa Cha."

Với các tín hữu Ba Lan, Ðức Thánh cha nhắc nhở rằng; "Trong những kinh nguyện tháng Năm này, anh chị em hãy phó thác cho Ðức Mẹ những việc cá nhân và gia đình của anh chị em, cũng như những đau khổ của bao nhiêu nạn nhân chiến tranh. Anh chị em hãy cầu nguyện cho Giáo Hội, cho quê hương, cho hòa bình ở Ucraina và Trung Ðông. Cách đây một trăm năm, Ðức Giáo hoàng Piô XI đã tôn Mẹ Maria là Nữ Vương toàn Ba Lan, xin Mẹ nâng đỡ và dìu dắt anh chị em".

Bằng tiếng Ý, Ðức Thánh cha nhắc đến các dân tộc nạn nhân chiến tranh ở Ucraina, Palestine, Israel và Rohingya ở Myanmar, và mời gọi mọi người hãy cầu nguyện cho hòa bình, hòa bình đích thực cho các dân tộc ấy cũng như cho toàn thế giới".

Ðồng thời, Ðức Thánh cha cũng nói thêm rằng: "Rất tiếc ngày nay, những đầu tư mang lại lợi nhuận nhiều nhất vẫn là công nghệ sản xuất khí giới... Kiếm lợi với cái chết của bao nhiêu người, thật là điều kinh khủng!"

Ðức Thánh cha đặc biệt chào thăm các nữ tu Dòng Ðức Mẹ chuộc kẻ làm tôi, đang cử hành Tổng Tu nghị, và khuyến khích các chị hãy kiên trì trong việc phụng sự Tin mừng và Giáo hội, theo gương vị sáng lập, là nữ tôi tớ Chúa Mẹ Têrêsa Chúa Giêsu.

Sau cùng, Ðức Thánh cha nhắc đến các bệnh nhân, người cao tuổi và các đôi tân hôn và người trẻ. Ngài nhắc nhở rằng hôm nay, ngày 01 tháng Năm năm 2024, toàn Giáo hội kính nhớ thánh Giuse Thợ và cùng bắt đầu Tháng Hoa kính Ðức Mẹ. Ðức Thánh cha nói: "Vì thế, tôi muốn tái đề nghị với mỗi người trong anh chị em suy nghĩ về Thánh gia Nazareth, như mẫu gương của Giáo hội tại gia, cộng đồng sống động, làm việc và yêu thương.

Buổi Tiếp kiến chung của Ðức Thánh cha kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Ðức Thánh cha trên mọi người.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page