Diễn từ Ðức Thánh Cha
dành cho Mạng lưới quốc gia
"Trường học vì Hòa bình" Ý
Diễn từ Ðức Thánh Cha dành cho Mạng lưới quốc gia "Trường học vì Hòa bình" Ý, năm 2024 (21/04/2024)
Bản dịch của Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Vatican (WHÐ 21-04-2024) - Sáng thứ Sáu ngày 19 tháng 04 năm 2024, Ðức Thánh Cha đã dành cho hơn 6,000 học sinh và giáo viên của Mạng lưới Quốc gia "Trường học vì Hòa bình" của Ý buổi tiếp kiến riêng tại Thính Ðường Phaolô VI.
Ðược biết Mạng lưới Quốc gia "Trường học vì Hòa bình", bao gồm 137 học viện tại 94 thành phố trên khắp nước Ý, được hình thành sau nhiều nỗ lực thúc đẩy giáo dục lâu dài vì hòa bình và nhân quyền trong chương trình giảng dạy của tất cả các trường học ở mọi cấp độ. Một cách cụ thể, mạng lưới cam kết giáo dục trẻ em về hòa bình, công lý, quyền công dân, nhân quyền và trách nhiệm.
Sau đây là bản dịch Việt ngữ toàn văn bài Diễn từ của Ðức Thánh Cha:
Diễn từ Ðức Thánh Cha Phanxicô
dành cho các học sinh và giáo viên của Mạng lưới quốc gia "Trường học vì Hòa bình" Ý.
Thính Ðường Phaolô VI
Thứ Sáu, ngày 19 tháng 04 năm 2024
Các học sinh nam nữ quý mến, các thầy cô thân mến, xin chào mọi người!
Tôi rất vui được gặp lại mạng lưới quốc gia "Trường học vì Hòa bình". Tôi chào Tiến sĩ Lotti và chào tất cả anh chị em.
Trước hết tôi muốn cảm ơn anh chị em. Xin cảm ơn anh chị em vì cuộc hành trình đầy ý tưởng, sáng kiến, tiến trình và hoạt động giáo dục này nhằm thúc đẩy một tầm nhìn mới về thế giới. Cảm ơn anh chị em đã nhiệt tâm theo đuổi những mục tiêu về cái đẹp và sự thiện giữa những tình huống bi thảm, những bất công và bạo lực làm biến dạng phẩm giá con người. Xin cảm ơn anh chị em, vì với niềm say mê và lòng quảng đại, anh chị em dấn thân làm việc tại "công trường xây dựng" tương lai, vượt thắng cám dỗ của một lối sống chỉ tập trung vào hiện tại, có nguy cơ mất đi khả năng mơ ước lớn lao. Tuy nhiên, ngày hôm nay, hơn bao giờ hết, cần phải sống có trách nhiệm, mở rộng tầm nhìn, hướng về phía trước và từng ngày gieo những hạt giống hòa bình để có thể nảy mầm và sinh hoa kết trái trong tương lai. Cha cảm ơn các con, các học sinh nam nữ yêu quý!
Tháng 9 tới đây, Hội nghị thượng đỉnh về Tương lai do Liên hợp quốc tổ chức sẽ diễn ra tại New York, Hoa Kỳ để đối diện với những thách thức toàn cầu to lớn trong thời điểm lịch sử này, đồng thời ký kết "Hiệp ước vì tương lai" và "Tuyên ngôn về các thế hệ tương lai". Ðây sẽ là một sự kiện quan trọng và cần có sự đóng góp của các con để việc ký kết này không chỉ nằm "trên giấy" mà được cụ thể hóa, hiện thực hóa thông qua những tiến trình và hành động thay đổi.
Các con mang trong mình giấc mơ vĩ đại này: "Chúng ta hãy biến đổi tương lai. Vì hòa bình, với sự quan tâm". Và cha muốn dừng lại một chút để chia sẻ với các con một điều mà cha rất xác tín: Các con được mời gọi - hãy lắng nghe kỹ - các con được mời gọi trở thành những nhân vật chính chứ không phải những khán giả của tương lai. Cha hỏi các con: Các con được kêu gọi trở thành gì? Là gì? (Các bạn trẻ trả lời). Cha không nghe rõ lời các con! (Các bạn trẻ trả lời lớn tiếng). Hô lớn lên nào! Lớn hơn nữa! Thật vậy, việc triệu tập Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới này nhắc nhở chúng ta rằng tất cả chúng ta đều được mời gọi xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn, và trên hết, là chúng ta phải cùng nhau xây dựng tương lai này! Cha hỏi các con: Liệu chúng ta có thể tự mình xây dựng tương lai chăng? (Các bạn trẻ trả lời "Không"). Cha không thể nghe tiếng các con... (Một tiếng "Không" lớn). Chúng ta có phải xây dựng tương lai không? ("Thưa có!"). Ðúng rồi, rất tốt! Chúng ta không thể chỉ giao phó những lo lắng về "thế giới sắp tới" và việc giải quyết các vấn đề của thế giới cho các tổ chức được uỷ quyền và cho những người có trách nhiệm cụ thể về chính trị và xã hội. Ðúng là những thách đố này đòi hỏi những khả năng đặc biệt, nhưng cũng đúng không kém khi những thách đố này ảnh hưởng chặt chẽ đến chúng ta, chạm đến cuộc sống của mọi người và đòi hỏi sự tham gia tích cực cũng như sự dấn thân mang tính cá vị của mỗi chúng ta. Trong một thế giới toàn cầu hóa như hiện nay, trong đó tất cả chúng ta đều phụ thuộc lẫn nhau, do đó không thể tiến hành như những cá nhân đơn lẻ chỉ chăm chú vào "khu vườn" của riêng mình, vun đắp lợi ích của riêng mình: thay vào đó, cần phải kết nối và hình thành mạng lưới. Ðiều gì là cần thiết? Kết nối và hình thành mạng lưới. Ðiều gì là cần thiết? Kết nối và hình thành mạng lưới. Tất cả cùng nhau! (Các bạn trẻ đáp lại lời kêu gọi của Ðức Thánh Cha). Ðúng rồi, tốt lắm, và điều này rất quan trọng: Cần phải kết nối, làm việc trong tinh thần hiệp lực và hòa hợp. Ðiều này có nghĩa là chuyển từ "Tôi" sang "Chúng ta": không phải "Tôi làm việc vì lợi ích của riêng tôi", mà "Chúng ta làm việc vì ích chung, vì thiện ích của tất cả mọi người". Chúng ta làm việc vì lợi ích của tất cả mọi người. Cùng nhau... (Các bạn trẻ nhắc lại). Tốt lắm!
Thật vậy, những thách đố hiện nay, và nhất là những rủi ro, giống như những đám mây đen, kéo đến che phủ chúng ta, đe dọa tương lai của chúng ta, cũng đã mang tính toàn cầu. Chúng ảnh hưởng đến tất cả chúng ta, chúng thách thức toàn bộ cộng đồng nhân loại, và đòi phải có sự can đảm và sáng tạo của một giấc mơ hiệp đoàn, vốn thúc đẩy một sự dấn thân liên lỉ để cùng nhau đương đầu với các cuộc khủng hoảng về môi trường, về kinh tế, về chính trị và xã hội mà hành tinh chúng ta đang trải qua.
Các học sinh quý mến, các thầy cô thân mến, đây là một giấc mơ đòi chúng ta phải tỉnh thức chứ không được mê ngủ! Ðúng vậy, bởi vì giấc mơ này được thực hiện bằng cách làm việc chứ không phải bằng cách ngủ; lang thang trên phố, hoặc nằm ỳ trên ghế sofa; bằng cách sử dụng tốt các phương tiện thông tin, không lãng phí thời giờ trên mạng xã hội; và sau đó - hãy lắng nghe cẩn thận - loại giấc mơ này cũng được thực hiện qua việc cầu nguyện, nghĩa là cùng với Thiên Chúa, chứ không phải chỉ bằng sức riêng của chúng ta mà thôi.
Các học sinh quý mến, các giáo viên thân mến, anh chị em đã đặt hai từ khóa trung tâm trong cam kết của mình: Hòa bình và quan tâm. Hai từ này là 2 thực tại liên kết với nhau: quả thực, hòa bình không chỉ đơn thuần là sự im lặng của vũ khí và sự vắng mặt của chiến tranh; nhưng hòa bình còn là một bầu khí nhân từ, tin tưởng và yêu thương có thể trưởng thành trong một xã hội được xây dựng trên các mối tương quan chăm sóc, trong đó chủ nghĩa cá nhân, sự xao lãng và thờ ơ nhường chỗ cho khả năng lưu tâm đến người khác, lắng nghe những nhu cầu cơ bản của họ, chữa lành vết thương, trở thành khí cụ của lòng trắc ẩn và sự chữa lành cho họ. Ðây là sự quan tâm mà Chúa Giêsu dành cho nhân loại, đặc biệt là cho những người yếu đuối nhất, và là điều mà Tin Mừng thường nói đến. Từ sự "quan tâm" lẫn nhau, một xã hội dung nạp đã ra đời, được thiết lập dựa trên hòa bình và đối thoại.
Trong thời điểm vẫn còn bị ảnh hưởng bởi chiến tranh này, cha yêu cầu các con hãy là những người kiến tạo hòa bình; trong một xã hội vẫn còn bị giam cầm bởi nền văn hóa vứt bỏ, cha yêu cầu các con hãy là những nhân vật chủ đạo của sự dung nạp; trong một thế giới đang trải qua những cuộc khủng hoảng toàn cầu, cha yêu cầu các con hãy là những người xây dựng tương lai, để ngôi nhà chung của chúng ta có thể trở thành nơi của tình huynh đệ.
Cha muốn nói với các con vài phút về chiến tranh... Hãy nghĩ đến những trẻ em đang trong chiến tranh, hãy nghĩ đến những trẻ em Ukraine đã quên mất nụ cười... Hãy cầu nguyện cho những trẻ em này, hãy đặt những trẻ em đang sống trong chiến tranh vào trong tâm hồn các con... Hãy nghĩ đến những trẻ em ở Gaza, phải chịu bom đạn, đói khát... Hãy nghĩ đến trẻ em. Bây giờ chúng ta hãy thinh lặng một chút, và mỗi người hãy nghĩ đến trẻ em Ukraine và trẻ em ở Gaza...
Chúc các con luôn say mê giấc mơ hòa bình! Cha nói điều này với phương châm của Don Lorenzo Milani, bề trên của Barbiana, người phản đối câu "Tôi không quan tâm", điển hình của sự thờ ơ thiếu suy nghĩ, với câu "Tôi quan tâm", nghĩa là "Tôi suy nghĩ nhiều về điều đó", "Tôi thích thú về điều đó". Chớ gì tất cả những điều này trở nên thiết thân với các con, chớ gì các con luôn quan tâm đến số phận của hành tinh và của đồng loại; chớ gì các con quan tâm đến tương lai đang mở ra trước mắt chúng ta, để tương lai này thực sự nên giống như điều Thiên Chúa mơ ước cho tất cả mọi người: một tương lai hòa bình và tươi đẹp cho toàn thể nhân loại. Và chớ gì các con quan tâm đến trẻ em Ukraine, những người quên mỉm cười, và những trẻ em ở Gaza phải chịu đựng làn bom đạn. Cha ưu ái ban phép lành cho các con. Chúc các con học hành vui vẻ và có một hành trình tốt đẹp! Và xin hãy nhớ cầu nguyện cho cha. Cảm ơn rất nhiều!
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Ða Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (19. 04. 2024)
(Nguồn: Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam)