Diễn từ Ðức Thánh Cha

dành cho tham dự viên Ðại hội

của Hàn lâm viện Toà Thánh

về Khoa học xã hội năm 2024

 

Diễn từ Ðức Thánh Cha dành cho tham dự viên Ðại hội của Hàn lâm viện Toà Thánh về Khoa học xã hội năm 2024.

Anna Ngọc Diệp, OP. chuyển ngữ tiếng Việt

Vatican (WHÐ 14-04-2024) - Hôm thứ Năm ngày 11 tháng 04 năm 2024, Ðức Thánh Cha đã tiếp các thành viên Hàn lâm viện Toà Thánh về Khoa học Xã hội nhân Ðại hội thường niên được tiến hành tại Roma từ ngày 09 đến 11 tháng 04 năm 2024 với chủ đề: "Khuyết tật và thân phận con người. Việc thay đổi các định thức xã hội về khuyết tật và xây dựng một văn hóa dung nạp mới".

Sau đây là bản dịch Việt ngữ toàn văn bài diễn từ của Ðức Thánh Cha:

 

Diễn từ của Ðức Thánh Cha Phanxicô

dành cho tham dự viên Ðại hội Thường niên của Hàn lâm viện Toà Thánh về Khoa học xã hội

Hội trường Clementine

Thứ Năm, ngày11 tháng 04 năm 2024

 

Thưa quý vị,

Tôi hân hạnh chào đón quý vị, những thành viên của Hàn lâm viện Toà Thánh về Khoa học Xã hội, được thành lập cách đây 30 năm. Tâm trí của chúng ta hướng về Sơ Chủ tịch Hàn lâm viện, đã trở về nhà vì mẹ Sơ đang hấp hối; chúng ta hãy cầu nguyện cho Sơ và cho mẹ của Sơ. Tôi xin chào vị Chưởng ấn, Phó Chưởng ấn và các nhân viên của Hàn lâm viện, đồng thời tôi xin cảm ơn vì sự phục vụ của tất cả.

Tôi đánh giá cao việc quý vị chọn chủ đề của Ðại hội lần này tập trung vào trải nghiệm của con người về sự khuyết tật, các yếu tố xã hội quyết định nó, và sự dấn thân thúc đẩy một văn hóa quan tâm và dung nạp. Dựa trên mô hình xuyên ngành, Hàn lâm viện Khoa học Xã hội được mời gọi đối diện với một số thách đố cấp bách nhất hiện nay. Ví dụ, tôi nghĩ về công nghệ và những tác động của nó trong nghiên cứu và trong các lĩnh vực như y học và quá trình chuyển đổi sinh thái. Tôi cũng nghĩ đến truyền thông và sự phát triển trí tuệ nhân tạo (đây thực sự là một thách đố lớn!), và cả nhu cầu đưa ra những mô hình kinh tế mới.

Trong thời gian gần đây, cộng đồng quốc tế đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc nhìn nhận quyền của người khuyết tật. Nhiều quốc gia đang đi theo hướng này. Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia khác, sự nhìn nhận này vẫn còn mang tính cục bộ và bấp bênh. Dù vậy, chúng ta thấy ở những nơi đạt được sự tiến triển này, giữa ánh sáng và bóng tối, chúng ta thấy con người có thể phát triển và những hạt giống có thể được gieo trồng cho một xã hội công bằng và liên đới hơn.

Bằng việc lắng nghe tiếng nói của những người nam, nữ khuyết tật, chúng ta nhận thức rõ hơn rằng cuộc sống của họ không chỉ bị ảnh hưởng bởi những hạn chế về chức năng mà còn bởi các yếu tố văn hóa, pháp lý, kinh tế và xã hội vốncản trở các hoạt động và sự tham gia của họ vào đời sống xã hội.

Ðương nhiên, nền tảng cho bất kỳ cuộc thảo luận nào về vấn đề này đều phải là sự nhìn nhận phẩm giá của người khuyết tật, với những hàm ý đa dạng về nhân chủng học, triết học và thần học. Nếu không có nền tảng vững chắc này, có thể xảy ra trường hợp làngay cả khi đề cao nguyên tắc về phẩm giá con người, chúng ta vẫn hành động theo những cách thếcụ thể trái ngược với nguyên tắc ấy. Giáo huấn xã hội của Giáo hội rất rõ ràng về vấn đề này: "Người khuyết tật là nhữngchủ thể con người trọn vẹn, với những quyền lợi và nghĩa vụ" (Tóm lược Giáo huấn xã hội của Giáo hội, 148). Mọi người đều có quyền sống đúng nhân phẩm và được phát triển toàn diện: "Ngay cả đối với người không có khả năng làm việc hoặc được sinh ra và lớn lên với những hạn chế. Thật vậy, điều này không làm giảm phẩm giá cao cả của người ấy xét như một nhân vị, phẩm giá này không dựa trên hoàn cảnh cuộc sống mà dựa trên giá trị nội tại của chính con người ấy. Khi nguyên tắc cơ bản này không được tôn trọng, thì tình huynh đệ cũng như sự sống còn của nhân loại sẽ không có tương lai" (Thông điệp Fratelli Tutti, 107).

Tính dễ bị tổn thương và sự yếu đuối là một phần của thân phận con người chứ không phải chỉ củangười khuyết tật. Một số người trong số họ nhắc nhở chúng tavề điều này trong bối cảnh Thượng Hội đồng gần đây khi họ viết: "Sự hiện diện của chúng tôi có thể góp phần biến đổi những hoàn cảnh thực tế mà chúng tôi đang sống, làm cho những thực tại này trở nên nhân bản hơn và thân thiện hơn. Nếu không có sự dễ bị tổn thương, không có giới hạn, không có trở ngại phải vượt qua thì sẽ không có nhân tính đích thực" (Giáo Hội là nhà của chúng ta, 2).

Sự quan tâm và chăm sóc của Giáo hội đối với những người mắc một hoặc nhiều khuyết tật phản ánh cụ thể nhiều cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với những người khuyết tật, như được thuật lại trong Tin Mừng. Từ những trình thuật này, chúng ta có thể rút ra một vài điểm suy tư mang tính thời sự.

Trước hết, Chúa Giêsu tiếp xúc trực tiếp với những người khuyết tật, bởi vì, giống như bất kỳ hình thức bệnh tật nào, sự khuyết tật không thể bị phớt lờ hoặc phủ nhận. Nhưng Chúa Giêsu không chỉ liên kết với những người khuyết tật mà Người còn thay đổi ý nghĩa trải nghiệm của họ. Thật vậy, Chúa Giêsu đã cho thấy một cách tiếp cận mới về tình trạng của người khuyết tật, cả trong xã hội lẫn trước mặt Thiên Chúa. Ðối với Chúa Giêsu, mọi thân phận con người, kể cả những thân phận bị ảnh hưởng bởi những khiếm khuyết nghiêm trọng, đều là một lời mời gọi đến với mối tương quan độc đáo với Thiên Chúa, vốn giúp con người có thể phát triển. Chẳng hạn, chúng ta có thể nghĩ đến trình thuật Tin Mừng về người mù Batimê (x. Mc 10,46-52).

Thật đáng tiếc, tại nhiều nơi trên thế giới, vẫn còn nhiều người và nhiều gia đình bị cô lập và bị đẩy ra bên lề đời sống xã hội vì khuyết tật. Và điều này không chỉ xảy ra ở những nước nghèo hơn, nơi mà phần lớn người khuyết tật sinh sống và nơi mà tình trạng của họ thường đẩy họ vào cảnh nghèo đói cùng cực, mà còn xảy ra ở những nơi có môi trường thịnh vượng hơn, nơi mà đôi khi sự khuyết tật bị coi là một "bi kịch cá nhân" và người khuyết tật là "những người lưu vong ẩn mặt", bị đối xử như bộ phận ngoại lai trong xã hội (x. Fratelli Tutti, 98).

Trên thực tế, văn hóa vứt bỏ không có biên giới. Có những người cho rằng, dựa trên các tiêu chí mang tính thực dụng và chức năng, có thể xác minh khi nào thì một cuộc sống có giá trị và đáng sống. Một não trạng như thế có thể dẫn đến những vi phạm nghiêm trọng quyền của những người yếu thế nhất, dẫn đến những bất công và tình trạng bất bình đẳng nặng nề, phần lớn xuất phát từ tư duy về lợi nhuận, hiệu quả và thành công. Tuy nhiên, trong nền văn hóa vứt bỏ ngày nay, còn có một yếu tố ít được nhìn thấy hơn và ngấm ngầm làm xói mòn giá trị của người khuyết tật trong mắt xã hội và trong mắt chính họ. Ðó là xu hướng khiến người ta coi sự tồn tại của mình là một gánh nặng cho bản thân và cho những người thân yêu. Sự lan rộng của não trạng này biến văn hóa vứt bỏ thành văn hóa sự chết. Rốt cuộc, "con người không còn được xem như có giá trị tối cao phải được tôn trọng và bảo vệ, nhất là những người nghèo hoặc khuyết tật, 'chưa hữu dụng' (như trẻ sắp ra đời), hoặc 'chẳng còn ích lợi gì' (như người già cả)" (sđd., 18). Ðiều này rất quan trọng khi nó dẫn tới hai thái cực của cuộc sống: thai nhi khuyết tật bị phá thai, và người già vào giai đoạn cuối đời bị đề xuất một "cái chết dễ dàng" (easy death), đó là một kiểu cái chết êm dịu (euthanasia) trá hình, nhưng vẫn là cái chết êm dịu.

Việc đấu tranh chống lại văn hóa vứt bỏ đòi hỏi phải thúc đẩy văn hóa dung nạp - cả hai đi đôi với nhau - qua việc rèn giũa và củng cố các mối liên kết của sự thuộc về trong xã hội. Tác nhân chính của tình liên đới này là những người, khi cảm thức trách nhiệm đối với lợi ích của mỗi cá nhân, hoạt động vì công bằng xã hội hơn và loại bỏ các chướng ngại ngăn cản nhiều người được hưởng các quyền và tự do cơ bản của mình. Thành quả của những hoạt động này hầu hết có thể minh nhiên hơn tại các nước có nền kinh tế phát triển hơn, trong đó, nhìn chung, người khuyết tật có quyền được hưởng sự chăm sóc sức khỏe và trợ giúp xã hội, và mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng họ vẫn được tham gia vào nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, chẳng hạn như giáo dục, văn hóa, nơi làm việc và thể thao. Tại các nước nghèo hơn, những điều này vẫn chưa được thực hiện ở quy mô lớn. Vì vậy, các chính phủ cam kết thực hiện điều này phải được cộng đồng quốc tế khuyến khích và hỗ trợ. Cũng thế, cần phải hỗ trợ các tổ chức xã hội dân sự, bởi vì nếu không có mạng lưới liên đới của các tổ chức này, thì tại nhiều nơi, con người sẽ bị phó mặc cho số phận của mình.

Do đó, điều cần thiết là phát triển một nền văn hóa dung nạp toàn diện. Mối liên kết của sự thuộc về càng trở nên mạnh mẽ hơn khi người khuyết tật không chỉ đơn thuần là người tiếp nhận thụ động mà còn tham gia tích cực vào đời sống xã hội với tư cách là tác nhân tạo ra sự thay đổi. Tính bổ trợ và tham gia là hai trụ cột của sự dung nạp hiệu quả. Và dưới góc độ này, chúng ta có thể hiểu rõ tầm quan trọng của các hiệp hội và phong trào của người khuyết tật nhằm thúc đẩy sự tham gia của họ vào xã hội.

Anh chị em thân mến, "việc nhìn nhận mọi người là anh chị em và tìm kiếm một tình bằng hữu xã hội bao gồm mọi người không hẳn là điều không tưởng. Ðiều này đòi hỏi phải dứt khoát dấn thân để tìm ra các phương thế hữu hiệu đạt mục đích này. Mọi nỗ lực theo hướng này đều trở thành việc thực thi đức ái cao cả. Quả vậy, một cá nhân có thể giúp đỡ một người đang gặp khó khăn, nhưng khi cùng với những người khác xây dựng các chương trình xã hội về tình huynh đệ và công bằng cho mọi người, là họ đã bước vào lĩnh vực bác ái ở bình diện rộng lớn nhất, đó là bác ái chính trị" (sđd., 180).

Tôi cảm ơn anh chị em, vì trong sự dấn thân này có sự đóng góp anh chị em qua việc nghiên cứu và thảo luận trong cộng đồng khoa học, cũng như những nỗ lực nhằm nâng cao ý thức trong các môi trường xã hội và giáo hội khác nhau. Ðặc biệt, tôi xin cảm ơn sự quan tâm cụ thể của anh chị em dành cho các anh chị em khuyết tật. Tôi ưu ái chúc lành cho anh chị em và cho công việc của anh chị em. Xin anh chị em cũng nhớ cầu nguyện cho tôi.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP

Dòng Ða Minh Thánh Tâm

Chuyển ngữ từ: vatican.va (11. 04. 2024)

 

(Nguồn: Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page