Ðức Thánh cha tiếp
Ủy ban Tòa Thánh về Kinh thánh
Ðức Thánh cha tiếp Ủy ban Tòa Thánh về Kinh thánh.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (RVA News 13-04-2024) - Sáng ngày 11 tháng Tư năm 2024, Ðức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến Ủy ban Tòa Thánh về Kinh thánh, nhóm họp thường niên trong những ngày này tại Vatican, về đề tài cho năm nay, là: "Bệnh tật và đau khổ trong Kinh thánh".
Ủy ban này gồm khoảng ba mươi chuyên gia Kinh thánh, có một linh mục Tổng thư ký và vị Chủ tịch là Ðức Hồng y Victor Fernandez, Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin, vì Ủy ban có mục đích hỗ trợ cho Bộ này trong lãnh vực Kinh thánh.
Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, Ðức Thánh cha nhận xét rằng đề tài khóa họp của Ủy ban cũng là điều ngài rất quan tâm: "đau khổ và bệnh tật là những đối thủ cần đương đầu, nhưng điều quan trọng là thực hiện điều này một cách xứng đáng với con người: nếu loại bỏ chúng, biến chúng thành một điều cấm kỵ, tốt hơn không nói đến, thậm chí vì chúng làm thương tổn hình ảnh hiệu năng với bất kỳ giá nào, hình ảnh hữu ích để bán và kiếm lợi, chắc chắn thái độ như vậy không phải là một giải pháp".
Ðức Thánh cha nhắc đến tấm gương của Chúa Giêsu đối với bệnh tật và đau khổ. "Chúa khuyên chúng ta hãy chăm sóc những người ở trong tình trạng bệnh tật, với quyết tâm đánh bại bệnh tật; đồng thời Chúa tế nhị mời gọi hãy kết hiệp những đau khổ của chúng ta với khổ đau cứu độ của Ngài, như hạt giống mang lại hoa trái". Từ tiền đề trên đây, Ðức Thánh cha đề nghị hai thái độ là cảm thương và bao gồm.
Trước hết là cảm thương: đó là thái độ thường thấy và là đặc tính của Chúa đối với những người mong manh và nghèo túng mà Ngài gặp. Khi thấy những khuôn mặt của bao nhiêu người, như những con chiên không người chăn, vất vả tìm hướng đi trong cuộc sống (Xc Mc 6,34), Chúa Giêsu xúc động. Ngài cảm thương đám đông dân chúng đang bị đói và kiệt lực (Xc Mc 8,2) và đón nhận không biết mệt mỏi các bệnh nhân (Xc Mc 1.32) mà Ngài lắng nghe lời xin của họ...
Ðức Thánh cha nhận xét rằng: "Tất cả những điều đó tỏ cho thấy một khía cạnh quan trọng: Chúa Giêsu không bẻ gãy đau khổ, nhưng ngài cúi mình trên những người đau khổ. Chúa không đến cạnh đau khổ với những lời khích lệ chung chung và những lời an ủi vô bổ, nhưng Ngài đón nhận thảm trạng ấy, để cho mình bị đánh động. Kinh thánh soi sáng theo nghĩa này: Kinh thánh không để lại một cuốn sổ tay chứa đựng những lời tốt đẹp và một cuốn công thức những tâm tình, nhưng là những khuôn mặt, những cuộc gặp gỡ và những chuyện cụ thể. Chúng ta hãy nghĩ đến ông Gióp, với cám dỗ của các bạn hữu lý luận về những lý thuyết tôn giáo về đau khổ gắn liền với sự trừng phạt của Thiên Chúa, nhưng lại đi ngược lại thực trạng đau đớn, mà chính cuộc sống của ông Gióp làm chứng. Câu trả lời của Chúa Giêsu là điều rất quan trọng, được thực hiện bằng lòng cảm thương, đón nhận, và khi đón nhận như vậy, Ngài cứu độ con người và làm cho đau khổ được biến đổi... Chúa không đưa ra những câu trả lời dễ dàng cho những thắc mắc "tại sao" của chúng ta, nhưng trên thánh giá, Chúa đã biến thắc mắc lớn của chúng ta thành của Ngài (Xc Mc 15,34) ...
Còn về sự bao gồm (inclusione), một từ tuy không có trong Kinh thánh, nhưng biểu lộ rất rõ nét đặc biệt của Chúa Giêsu: Ngài đi tìm kiếm người tội lỗi, người lạc đường, người bị gạt ra ngoài lề, bị kết án, để họ được đón nhận trong nhà Cha (Xc Lc 15). Chúng ta hãy nghĩ đến những người phong cùi: đối với Chúa Giêsu, không ai phải bị loại trừ khỏi ơn cứu độ của Thiên Chúa (Xc Mc 1.40-42). Nhưng sự bao gồm cũng có một khía cạnh khác, đó là Chúa muốn toàn diện con người được chữa lành, tinh thần, linh hồn và thể xác (Xc 1 Ts 5,23). Thực vậy, sự chữa lành thể xác khỏi một bất hạnh có ích gì nếu không chữa lành con tim khỏi tội lỗi (Xc Mc 2,17; Mt 10,28-29).
Viễn tượng bao gồm này đưa chúng ta đến thái độ chia sẻ: Chúa chữa lành những người bệnh và nhắn nhủ các môn đệ cũng hãy chăm sóc người bệnh và chúc lành cho họ, nhân danh Ngài (Xc Mt 10-8; Lc 10,9).
Và Ðức Thánh cha kết luận: "Vì thế, qua kinh nghiệm đau khổ và bệnh tật, chúng ta, trong tư cách là Giáo hội, được kêu gọi đồng hành với tất cả mọi người, trong tình liên đới Kitô và nhân bản, nhân danh sự yếu đuối chung mở ra những cơ hội đối thoại và hy vọng...
(Sala Stampa 11-4-2024)