Bảy lời cuối cùng của Chúa Giêsu
Bảy lời cuối cùng của Chúa Giêsu.
Cha John Taneburgo, Dòng thừa sai Comboni
Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ WorldMission
(I): Một lời cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ Ngài
"Lạy Cha, xin tha cho họ; vì họ không biết việc họ làm." Lời đầu tiên trong "Bảy lời cuối cùng của Chúa Giêsu" nhắc nhở chúng ta rằng sự tha thứ sẽ dẫn đến sự biến đổi thiêng liêng và tình yêu.
"Lạy Cha, xin tha cho họ; vì họ không biết việc họ làm" (Lc 23,34). Theo truyền thống Giáo hội, đây là lời đầu tiên trong "Bảy lời cuối cùng của Chúa Giêsu." Tôi nghĩ đây là một điều do Chúa quan phòng vì nó giúp chúng ta hiểu rằng không thể có một hành trình thực sự trong cuộc đời môn đệ của Chúa Giêsu Kitô và cũng không thể có sự hoàn thiện thiêng liêng nếu không có sự tha thứ. Tha thứ là cửa ngỏ dẫn vào sự thánh thiện.
Hơn nữa, lời đầu tiên này còn cho thấy rằng chúng ta hoàn toàn có thể hướng cả trí óc, con tim và linh hồn lên Chúa Giêsu, chia sẻ những hy vọng và nỗ lực để nên tốt lành, cũng như chia sẻ cả những thất vọng, mong manh và tội lỗi của chúng ta. Vì thế, theo Cha James Martin, S.J, bảy lời cuối cùng, bắt đầu với lời thứ nhất, là lời mời gọi tiến tới tình thân hữu sâu sắc với Ðức Giêsu Kitô. Ngài là vị Thiên Chúa mà chúng ta ước muốn noi theo, và Ngài đã sống một cuộc đời nhân thế đầy đau khổ, đặc biệt là trong tuần cuối cùng [trước khi chịu chết]. Trong thư gửi tín hữu Do Thái, chúng ta đọc thấy rằng: "Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Ðấng không biết cảm thương những nổi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội" (Hr 4,15)
Thiên Chúa muốn tha thứ
Ðiều này có nghĩa là chúng ta không có một Thiên Chúa chỉ đứng nhìn từ trên cao và thương hại chúng ta. Nhưng là một Thiên Chúa tha thứ và vui mừng khi chúng ta trở về, kêu xin sự tha thứ. Ðó là vì ước muốn tha thứ của Ngài dành cho chúng ta lớn hơn vô cùng so với mong muốn chúng ta có thể có hoặc thực sự phải có để được Ngài tha thứ.
Khi trên thập giá, Chúa Giêsu đã tha thứ cho những kẻ mỉa mai chế nhạo và xúc phạm Ngài; Chúa đã tha thứ cho Philatô, Hêrôđê, quân lính, những môn đệ sợ hãi và đám đông dân chúng. Ngài đã tha thứ cho tất cả mọi người. Có lẽ nếu chúng ta hiện diện ở đó thay vì Chúa Giêsu, chúng ta có thể đã trút cơn giận và sự bất mãn của mình lên những con người hung ác đó. Chúng ta có thể tiêu diệt kẻ thù bằng sức mạnh phi thường, buộc họ phải thừa nhận những sai lầm và tàn bạo cũng như nhận ra Thiên Chúa. Nhưng Chúa Giêsu đã không xuống khỏi thập giá như người ta mời gọi. Chúng ta hãy lắng nghe điều ngôn sứ Isaia nói: "Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối của các ngươi không phải là đường lối của Ta. Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối của các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy." (Is 55, 8-9)
Một tình yêu biến đổi
Chúa Giêsu thuyết phục người ta không phải bằng cách triệt hạ nhưng bằng cách tha thứ cho họ. Sự tha thứ là một biểu lộ đẹp nhất của tình yêu và Ngài biết điều đó. Ðó là một tình yêu được đón nhận và cho đi để làm biến đổi một người. Không có gì khác có thể tạo nên sự biến đổi. Ðó là lý do tại sao Chúa khẳng định sứ mạng tình yêu thần linh của Ngài bằng sự tha thứ cả những điều độc ác nhất của con người. Và tình yêu đó sâu đậm đến mức Ngài thậm chí còn tìm cách biện minh cho những kẻ bắt bớ Ngài: "Họ không biết việc họ làm"
Trong cách hành xử của Chúa Giêsu, chúng ta nhận ra những điểm quan trọng dưới đây đối với cuộc đời của mỗi người chúng ta:
Nếu Chúa Giêsu đã tha thứ cho những kẻ hành hạ Ngài trên đồi Canvê, Ngài cũng tha thứ cho chúng ta. Hai điều tuyệt vời làm chúng ta an lòng: việc Chúa Giêsu ước muốn tha thứ cho chúng ta còn lớn hơn rất nhiều so với ước muốn chúng ta có thể có để được Ngài tha thứ. Ngoài ra, chúng ta có thể đoan chắc rằng không có trường hợp nào, dù có vẻ là vô vọng đi chăng nữa, lại nằm ngoài quyền năng cứu độ của Ðức Kitô. Lời của thánh Têrêsa Lisieux thật đẹp đẽ và an ủi biết bao: "Cho dù trong lòng tôi có tội của cả thế gian, tôi cũng sẽ không mất đi niềm tin vào Ðức Kitô Ðấng Cứu độ tôi, nhưng tôi sẽ đến với Ngài và tin rằng mọi tội lỗi của tôi sẽ tan biến trước lòng thương xót của Ngài như một giọt nước trong ngọn lửa lớn."
Nếu Chúa Giêsu đã tha thứ cho những kẻ bắt bớ Ngài và cho toàn thể nhân loại, thì chúng ta cũng phải tha thứ cho nhau. Trong lời Kinh Lạy Cha mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta cầu nguyện, Ngài nêu lên tầm quan trọng và cần thiết của lòng tha thứ mà chúng ta được mời gọi thực hiện cho nhau và chúng ta chỉ có thể học được từ Thiên Chúa. Quả thật, đó là sự phản chiếu lòng tha thứ của Thiên Chúa mà chính nội tâm chúng ta cảm nghiệm được. Ðiều này có nghĩa là nếu chúng ta không cảm nghiệm được sự tha thứ của Chúa Giêsu dành cho chính mình, thì chúng ta cũng chẳng thể thật sự tha thứ cho người khác. Bi kịch của sự thiếu sự tha thứ là dù nó rất đáng lo ngại nhưng lại rất phổ biến. Chúng ta có thể bắt gặp những người chất chứa cảm giác chua xót trong lòng lâu dài, đến nỗi trở thành một phần của chính họ. Họ không bao giờ cầu xin Chúa giúp họ tha thứ. Khi chúng ta không thể tha thứ, thì điều duy nhất chúng ta có thể làm là đặt mình trước thập giá và nhìn lên Chúa Giêsu đang hấp hối. Chính nơi thập giá Chúa vết thương của chúng ta được chữa lành; cũng nơi đó chúng ta học được sự tha thứ vì đó là đỉnh điểm quyền năng chữa lành của Chúa Giêsu.
(II): "Hôm nay, ngươi sẽ ở với Ta trên Thiên đàng"
Chúa Giêsu đã ban tặng Thiên đàng cho một trong hai kẻ trộm chịu đóng đinh với Ngài, kẻ đã cầu xin Chúa Giêsu nhớ đến mình khi Ngài về Nước Chúa. Qua đó, một lần nữa Chúa Giêsu đã cho thấy Thiên Chúa là Ðấng giàu lòng thương xót và tha thứ.
Bối cảnh lời thứ hai của Chúa Giêsu trên thập giá là cảnh tượng đầy kịch tính: một trong hai tù nhân bị đóng đinh bên cạnh Chúa Giêsu đã lăng mạ Ngài rằng: '"Ông không phải là Ðấng Kitô sao? Hãy cứu lấy mình và cứu cả chúng tôi nữa". Nhưng tên kia mắng nó: "Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!". Rồi anh ta thưa [với Chúa Giêsu] "Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!". Và Người nói với anh ta: "Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với Tôi trên Thiên Ðàng" (Lc 23,39-43)
Có lẽ phạm nhân này mà truyền thống gọi là 'kẻ trộm lành', đã nghe được lời cầu nguyện của Chúa Giêsu 'Lạy Cha, xin tha cho họ' và nhận ra nơi Chúa có một sức mạnh thần linh, nên đã cất lên lời cầu nguyện tuyệt đẹp khiến Chúa Giêsu dù đang hấp hối vẫn mau chóng đáp lời.
Lời Chúa đầy uy quyền
Lời hằng sống của Thiên Chúa rất uy quyền đến nỗi khi công bố, Lời ấy tạo ra những điều kỳ diệu như đã diễn ra trên đồi Canvê. Và thật đẹp biết bao khi chúng ta nhận thấy rằng Chúa Giêsu đã đáp lời khẩn nguyện của người trộm lành: ngươi sẽ ở với Ta trên Thiên đàng, không phải sau một năm, không phải sau một tháng mà ngay hôm nay!
Tôi tin rằng việc cầu nguyện theo cách mà người trộm lành đã làm khiến anh được sẵn sàng lên thiên đàng. Truyền thống Kitô giáo đã gọi tên trộm này là 'kẻ trộm lành'. Tôi không biết rằng liệu chúng ta vẫn còn có những kẻ trộm lành hay liệu chúng ta có thể học được gì từ những kẻ trộm này. Tuy nhiên, từ người trộm lành này thật gần gũi đến mức chúng ta xem như một người thầy, chúng ta có thể học hỏi được nhiều điều.
Vì thế, chúng ta hãy hỏi rằng: anh đã làm gì để được ơn cứu độ? Có ba điều: anh đã nhận ra thân phận tội lỗi của mình, nhận ra Chúa Giêsu là Vua và là Ðấng Cứu Ðộ, và anh đã mở lòng mình ra với Chúa Kitô cũng như hành động cứu độ của Ngài. Có lẽ đó là lời cầu nguyện đầu tiên trong cuộc đời của anh, nhưng đủ để anh cùng đi với Chúa Giêsu về Nước Trời. Có phải anh đã đánh cắp Thiên đàng? Không, vì Thiên đàng không thể bị đánh cắp. Thiên đàng đã, đang và sẽ luôn là món quà cao quý từ Thiên Chúa và lòng thương xót của Ngài. Chúng ta được mời gọi noi gương kẻ trộm lành. Giống như anh, chúng ta nhận ra rằng chúng ta cần ơn cứu độ; chúng ta cần tuyên xưng Chúa Giêsu là Ðấng Cứu Ðộ, đón nhận Con Người và hành động cứu độ của Ngài với niềm vui và lòng biết ơn.
Nước Thiên đàng Vinh quang
Chúng ta hãy phân tích sâu hơn lời thứ hai [trong bảy Lời cuối cùng] của Chúa Giêsu vì có nhiều điều chúng ta cần phải học. Trong một xã hội, đối với tôi, dường như có quá nhiều người phủ nhận sự sống vĩnh hằng, lời này của Chúa Giêsu và của chính tên trộm lành nói cho chúng ta về tương lai mà Thiên Chúa dành sẵn cho chúng ta, đó là sự sống trong Nước Trời vinh hiển, sự sống đời đời sau cuộc đời hữu hạn của chúng ta trên trần gian. Chúng ta có thể tự hỏi: đâu là lý do Thiên Chúa ban tặng món quà sự sống đời đời cho chúng ta?
Tôi tin rằng lý do quan trọng nhất là có điều gì đó tuyệt đẹp đã xảy ra khi Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan và sau phép rửa của chính mỗi người chúng ta, cũng vậy "sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, (#) các tầng trời mở ra."
Nước Trời đã mở ra và không một ai có thể đóng lại. Hình ảnh tuyệt đẹp này cho chúng ta biết rằng Nước Thiên Chúa đã mở ra cho toàn thể nhân loại được Chúa Giêsu cứu thoát, khi mà khoảng cách giữa Thiên Chúa và loài người đã được xoá bỏ vĩnh viễn. Ðối với bí tích Rửa Tội, khi mỗi người chúng ta được rửa tội, thì Chúa Cha đã nói với chúng ta cùng những lời mà Ngài đã nói với Chúa Giêsu Kitô: Con là con yêu dấu của Ta. Ðương nhiên, chúng ta tiếp tục là con cái của Thiên Chúa nếu chúng ta lớn lên như vậy, nếu chúng ta bước theo chân Chúa Giêsu Kitô, đặt Tin mừng làm trọng tâm đời sống của chúng ta để Tin mừng trở nên nguồn mạch mọi lời nói, mọi kế hoạch, mọi sự đánh giá của chúng ta.
Giáo hội khích lệ khi mời gọi chúng ta sống cuộc đời trần thế trong đức tin, giữ cho những chân trời của chúng ta luôn rộng mở với cuộc sống trên thiên đàng. Trong Kinh Tin kính, mỗi người tín hữu tuyên xưng rằng: "tôi tin sự sống đời đời".
Một lý do khác để tin vào sự sống đời đời là mối quan hệ tình yêu mà Chúa Giêsu dành cho chúng ta. Gabriel Marcel, một nhà văn và triết gia người Pháp, nói rằng: nói với một người "Tôi yêu bạn" cũng có nghĩa là nói với người đó "Bạn sẽ không bao giờ chết". Ðối với Thiên Chúa, sự tỏ bày này có giá trị vô hạn. Thật tốt khi chúng ta nuôi dưỡng niềm tin vào cuộc sống vĩnh cửu.
Ðể cụ thể hoá, chúng ta có thể tập sống từ bỏ những vật chất trần thế, ngay cả với chính sự sống, coi cái chết như một cuộc gặp gỡ đẹp đẽ, diện đối diện với Chúa nhân từ, và đọc lời cầu nguyện này thường xuyên hơn: "Trong giờ lâm tử, xin Chúa hãy hãy gọi chúng con, để chúng con có thể đến thờ lạy Chúa cùng với tất cả các thánh đến muôn đời." Amen!
(Nguồn: https://stellamaris.edu.vn)