Ðại diện Tòa Thánh tái khẳng định
phẩm giá con người
Ðại diện Tòa Thánh tái khẳng định phẩm giá con người.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
New York (RVA News 04-04-2024) - Ðại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở New York, Ðức Tổng giám mục Gabriele Caccia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tham chiếu phẩm giá con người, trong hiệp ước tương lai về các tội ác quốc tế và tội chống lại nhân loại.
Trong bài tham luận, hôm mùng 02 tháng Tư năm 2024, tại Ủy ban thứ VI thuộc Ðại hội đồng thứ 78 của Liên Hiệp Quốc, về các tội ác chống lại nhân loại, Ðức Tổng giám mục Caccia, trong tư cách là Quan sát viên thường trực của Liên Hiệp Quốc, khẳng định rằng: cần phải đạt tới "sự ký kết một Văn kiện phổ quát, đa phương và ràng buộc về pháp lý, hệ thống hóa luật theo tập tục hiện nay", về vấn đề "các tội ác chống lại nhân loại như những tội ác quốc tế". Các tội ác này phải bị chống lại một cách tuyệt đối. "Vì thế, việc đề ra một văn kiện phổ quát, đa phương và ràng buộc trong lãnh vực này là điều rất cần thiết..."; "điều này chắc chắn sẽ tạo điều kiện dễ dàng cho sự cộng tác quốc tế trong việc phòng ngừa và bài trừ các hành động tàn ác này".
Ðức Tổng giám mục Caccia trưng dẫn lời Ðức Thánh cha Phanxicô và khẳng định rằng "Hiệp ước tương lai về vấn đề này sẽ giúp cộng đồng quốc tế thực hiện tốt đẹp hơn công ích. Ðiều này chỉ có thể nếu để ý đến nhân vị con người trong mọi lúc. Vì thế, nên thêm việc tham chiếu phẩm giá con người trong phần mở đầu của Hiệp ước, cũng như "mệnh lệnh phòng ngừa". Thực vậy, các mệnh lệnh luân lý liên hệ chặt chẽ tới sự tôn trọng phẩm giá con người và thăng tiến công ích đưa tới kết luận rằng "Những lợi ích liên quan đến chủ quyền không bao giờ có thể biện minh cho các tội ác chống lại nhân loại".
Vì thế, Ðức Tổng giám mục Caccia kết luận rằng, định nghĩa các tội ác ấy "không được tách rời khỏi các quy luật thông lệ hiện có."
Một tuyên ngôn của Bộ Giáo lý đức tin về phẩm giá con người sẽ được công bố vào thứ Hai, ngày 08 tháng Tư năm 2024.
Cũng trong bài tham luận, Ðức Tổng giám mục nhận xét rằng trong Hiệp ước mới về các tội ác này, cần để ý đến "ý niệm về phái tính sinh học" để định nghĩa giống, điều mà bản dự thảo hiệp ước hiện nay bỏ qua, sao y Quy chế của Tòa án hình sự quốc tế. Thực vậy, ngày nay không có nguồn mạch nào được Ủy ban Công pháp quốc tế của Liên Hiệp Quốc (International Law Commission) "hỗ trợ điều gọi là tiến triển ấy về ý niệm giống (Gender) trong các văn kiện ràng buộc mọi người". Ngoài ra, nếu không hiểu rõ và đồng thuận về từ ngữ "giống" - Gender, trong tương quan với phái tính sinh học, thì các nước có nguy cơ làm thương tổn những cố gắng phòng ngừa và truy tố các tội ác chống lại nhân loại, đặc biệt gây thiệt hại cho phụ nữ, nhiều hơn so với nam giới", như nạn hãm hiếp, nô lệ và cưỡng bách mại dâm.
(Vatican News 3-4-2024)