Thánh lễ và Sứ điệp Phục sinh
của Ðức Thánh cha
Thánh lễ và Sứ điệp Phục sinh của Ðức Thánh cha.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (RVA News 01-04-2024) - Lúc 10 giờ sáng, Chúa nhật ngày 31 tháng Ba năm 2024, Ðức Thánh cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ Phục sinh tại thềm Ðền thờ thánh Phêrô và lúc đúng 12 giờ, ngài công bố Sứ điệp Phục sinh và ban phép lành, với ơn toàn xá cho Roma và toàn thế giới. Dưới bầu trời nắng xuân, hơn 80,000 người đã đến tham dự thánh lễ, nhưng phần Ðức Thánh cha công bố sứ điệp và ban phép lành, số người tăng lên khoảng 100,000; dân chúng đứng dọc theo đường Hòa Giải ở cuối Quảng trường.
Thánh lễ Ðức Thánh cha cử hành
Khu vực bàn thờ trước thềm Thánh đường được trang trí như một vườn hoa, do các nhà trồng hoa Hòa Lan thực hiện tặng Tòa Thánh, với 35,000 hoa và cây kiểng.
Ðồng tế với Ðức Thánh cha, có hơn 20 hồng y và 20 giám mục cùng với khoảng 100 linh mục.
Tại khu vực trước thềm Ðền thờ cũng có đoàn vệ binh Thụy Sĩ, và một đoàn đại diện Liên binh chủng của quân đội Ý.
Vì đau đầu gối, không đi lại được, nên Ðức Thánh cha đứng chủ sự thánh lễ tại chỗ, và Ðức Hồng y Giovanni Battista Re, 90 tuổi (1934), Niên trưởng Hồng y đoàn, chủ sự, cử hành các việc tại bàn thờ thay ngài.
Bài Tin mừng, như thông lệ, được hai thầy Phó tế công bố, trước tiên bằng tiếng Ý và tiếp đến bằng tiếng Hy Lạp, để nói lên sự liên kết giữa Giáo hội Tây và Ðông phương. Ðức Thánh cha không giảng vì có Sứ điệp Phục sinh sau thánh lễ.
Kết thúc thánh lễ lúc 11 giờ 20, Ðức Thánh cha đến bắt tay hàng chục hồng y, trước khi lên xe mui trần, đi xuống, tiến qua các lối đi để chào thăm các tín hữu.
Công bố Sứ điệp Phục sinh
Lúc 12 giờ trưa, Ðức Thánh cha tiến ra bao lớn chính của Ðền thờ thánh Phêrô, cùng với hai vị hồng y tháp tùng, là Ðức Hồng y James Harvey, 75 tuổi (1949), người Mỹ, Trưởng đẳng Phó tế, Giám quản Ðền thờ thánh Phaolô ngoại thành.
Buổi công bố sứ điệp bắt đầu với quốc ca của Ý và Vatican, do hai ban quân nhạc liên hệ xướng lên, khi Ðức Thánh cha tiến ra trên bao lơn chính của đền thờ.
Ðức Thánh cha nói:
Anh chị em thân mến,
Hôm nay vang dội trên toàn thế giới lời loan báo cách đây 2,000 năm từ Jerusalem: "Chúa Giêsu thành Nazarath, bị đóng đinh, đã sống lại" (Xc Mc 16,6).
Những tảng đá trong cuộc đời
Giáo hội sống nỗi kinh ngạc của các phụ nữ đến mộ vào tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần. Mộ Chúa Giêsu bị khép kín trước đó với một tảng đá lớn; cũng giống như những tảng đá nặng nề, quá nặng nề khép kín những hy vọng của nhân loại ngày nay: tảng đá chiến tranh, tảng đá những khủng hoảng nhân đạo, tảng đá những vi phạm các quyền con người, tảng đá nạn buôn người, và những tảng đá khác nữa. Cả chúng ta, như những phụ nữ môn đệ Chúa Giêsu, chúng ta hỏi nhau: "Ai sẽ lăn những tảng đá ấy cho chúng ta?" (Xc Mc 16,3).
Và đây sự khám phá sáng ngày lễ Vượt Qua: tảng đá, tảng đá lớn dường ấy, đã bị lăn sang một bên. Sự kinh ngạc của các phụ nữ cũng là của chúng ta: mộ Chúa Giêsu mở toang và trống rỗng! Từ đó mọi sự bắt đầu! Qua ngôi mộ trống ấy con đường sự sống mới đi qua, con đường mà không ai trong chúng ta, ngoại trừ Thiên Chúa, có thể mở ra: con đường sự sống giữa cái chết, con đường hòa bình giữa chiến tranh, con đường hòa giải giữa oán ghét, con đường huynh đệ giữa thù nghịch.
Chúa giải tỏa các tảng đá ngăn chặn
Anh chị em, Chúa Giêsu đã sống lại và chỉ mình Chúa mới có thể lăn những tảng đá chắn con đường dẫn đến sự sống. Ðúng hơn, chính Ngài, là Ðấng hằng sống, là Ðường: con Ðường sự sống, an bình, hòa giải, huynh đệ, chính Ngài mở cho chúng ta lối đi bất khả đối, xét về mặt con người, vì chỉ có Ngài cất đi tội lỗi của thế giới và tha thứ tội lỗi của chúng ta. Và nếu không có ơn tha thứ của Thiên Chúa thì tảng đá đó không lấy đi được. Nếu không có tha thứ tội lỗi thì ta không thể ra khỏi những khép kín, thành kiến, những nghi ngờ lẫn nhau, những thái độ tự phụ tự tha thứ cho mình và cáo buộc người khác. Chỉ có Chúa Kitô Phục sinh, khi ban ơn tha thứ cho chúng ta, mới mở ra con đường dẫn đến một thế giới được đổi mới.
Thành thánh Jerusalem và Thánh địa
Chỉ có Chúa mới mở cho chúng ta những cánh cửa sự sống, những cánh cửa mà chúng ta luôn đóng lại với những chiến tranh lan tràn trên thế giới. Nhất là hôm nay chúng ta hướng nhìn về Thành Thánh Jerusalem, chứng nhân mầu nhiệm khổ nạn, cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu và hướng nhìn tất cả các cộng đoàn Kitô ở Thánh địa.
Nhất là tôi nghĩ đến các nạn nhân của bao nhiêu xung đột đang diễn ra trên thế giới, bắt đầu từ chiến cuộc tại Israel và Palestine, và tại Ucraina. Xin Chúa Kitô Phục sinh mở ra một con đường hòa bình cho những dân tộc đau thương tại các miền ấy. Trong khi tôi mời gọi tôn trọng các nguyên tắc của công pháp quốc tế, tôi cầu mong có một sự trao đổi chung tất cả các tù nhân giữa Nga và Ucraina: tất cả cho tất cả!
Ngoài ra, tôi tái kêu gọi hãy bảo đảm việc đưa các đồ cứu trợ nhân đạo tới Gaza, tái nhắn nhủ hãy mau lẹ trả tự do cho các con tin bị bắt giữ, ngày 07 tháng Mười năm ngoái và ngưng chiến ngay tại dải Gaza.
Chúng ta đừng để cho xung đột hiện nay tiếp tục ảnh hưởng nặng nề trên các thường dân, nay đã kiệt quệ, và nhất là trên các trẻ em. Bao nhiêu đau khổ chúng ta thay nơi đôi mắt các em. Qua cái nhìn, các em hỏi chúng ta: tại sao? Tại sao bao nhiêu chết chóc như thế? Tại sao bao nhiêu tàn phá? Chiến tranh luôn luôn là một sự vô lý và là một thất bại! Chúng ta đừng để luồng gió chiến tranh ngày càng mạnh mẽ thổi trên Âu châu và Ðịa Trung hải. Chúng ta đừng chiều theo lô-gíc của võ khí và tái võ trang. Hòa bình không bao giờ được xây trên võ khí, nhưng bằng cách giơ tay và mở rộng tâm hồn.
Thảm cảnh Syria
Chúng ta đừng quên Syria từ 13 năm nay chịu đau khổ vì những hậu quả của một cuộc chiến tranh dài dẵng và tàn phá. Bao nhiêu người chết, mất tích, bao nhiêu nghèo đói và tàn phá đang chờ đợi những câu trả lời từ phía mọi người, kể cả từ cộng đồng quốc tế.
Liban
Ngày hôm nay, tôi đặc biệt nhìn tới Liban, từ lâu chịu tình trạng bế tắc về cơ chế và một cuộc khủng hoảng trầm trọng về kinh tế và xã hội, nay lại trở nên nặng nề hơn nữa vì những xung đột ở biên giới với Israel. Xin Chúa Phục sinh củng cố nhân dân Liban quý yêu và nâng đỡ toàn thể đất nước này trong ơn gọi là một miền đất gặp gỡ, sống chung và đa nguyên.
Miền tây Balkan
Tôi đặc biệt nghĩ đến miền Tây Balkan, nơi đang hoàn thành những bước tiến quan trọng để hội nhập trong dự án Âu Châu: ước gì những khác biệt về chủng tộc, văn hóa và tôn giáo không phải là nguyên nhân chia rẽ, nhưng trở thành một nguồn mạch phong phú cho toàn thể Âu Châu và toàn thế giới.
Armeni và Azerbaijan
Cũng vậy tôi khích lệ các cuộc nói chuyện giữa Armeni và Azerbaijan, để với sự hỗ trợ của Cộng đồng quốc tế, họ có thể tiếp tục đối thoại, giúp đỡ những người di tản, tôn trọng các nơi thờ phượng thuộc các tôn giáo khác nhau và sớm đi tới một hiệp định hòa bình chung kết.
Haiti
Xin Chúa Phục Sinh giúp đỡ nhân dân Haiti, để chấm dứt càng sớm càng tốt những bạo lực xâu xé và làm đẫm máu Ðất nước này và có thể tiến trên con đường dân chủ và huynh đệ.
Rohingya
Xin Chúa an ủi nhân dân Rohingya, phải chịu một cuộc khủng hoảng nặng nề về nhân đạo và mở ra con đường hòa giải tại Myanmar bị xâu xé từ nhiều năm nay vì nội chiến, để từ bỏ vĩnh viễn mọi lô-gíc bạo lực.
Phi Châu
Xin Chúa mở ra con đường hòa bình tại đại lục Phi châu, nhất là cho các dân tộc bị thử thách tại Sudan và toàn miền Sahel, tại Vùng Sừng Phi châu, tại miền Kivu thuộc Cộng hòa dân chủ Congo và tại tỉnh Cabo Delgado bên Mozambique, và xin Chúa làm cho chấm dứt tình trạng hạn hán kéo dài tài trên những vùng rộng lớn gây ra hạn hán và đói kém.
Khó khăn kinh tế
Xin Chúa Phục sinh chiếu tỏa ánh sáng rạng ngời của Ngài trên những người di dân và trên những người đang trải qua một giai đoạn khó khăn về kinh tế, ban cho họ an ủi và hy vọng trong lúc cần thiết. Xin Chúa Kitô hướng dẫn tất cả những người thiện chí liên kết với nhau trong tình liên đới, để cùng nhau đương đầu với nhiều thách đố trên các gia đình nghèo nhất đang tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn và hạnh phúc.
Tình thương vô biên của Thiên Chúa
Trong ngày này, chúng ta cử hành sự sống được ban cho chúng ta trong cuộc phục sinh củ Chúa Con. Chúng ta hãy nhớ đến tình thương vô biên của Thiên Chúa đối với mỗi người chúng ta: một tình thương vượt lên trên mọi ranh giới và mọi yếu đuối. Thế nhưng hồng ân sự sống quý giá thường bị coi rẻ dường nào. Bao nhiêu hài nhi cũng chẳng được thấy ánh sáng? Bao nhiêu người chết vì đói hoặc thiếu những săn sóc thiết yếu hoặc là nạn nhân của những lạm dụng và bạo lực? Bao nhiêu sinh mạng trở nên đối tượng buôn bán vì nạn buôn người đang bành trướng?
Chống nạn buôn người
Trong ngày Chúa Kitô đã làm cho chúng ta được giải thoát khỏi nô lệ sự chết, tôi nhắn nhủ những người có trách nhiệm chính trị đừng từ nan cố gắng nào trong cuộc chiến chống nạn buôn người, làm việc không biết mệt mỏi để phá vỡ những mạng bóc lột và mang lại tự do cho các nạn nhân tệ nạn này. Xin Chúa an ủi gia đình họ, nhất là những gia đình đang lo âu chờ đợi tin tức của những người thân yêu, ban cho họ an ủi và hy vọng.
Ước gì ánh sáng phục sinh soi sáng tâm trí chúng ta và hoán cải tâm hồn chúng ta, làm cho chúng ta ý thức về giá trị của mỗi sự sống con người, phải được đón nhận, bảo vệ và yêu mến.
Chúc tất cả anh chị em lễ Phục Sinh tốt đẹp!
Phép lành toàn xá
Sau khi Ðức Thánh cha kết thúc Sứ điệp Phục sinh, Ðức Hồng y Trưởng đẳng Phó tế thông báo chủ ý của Ðức Thánh cha ban ơn toàn xá cho tất cả các tín hữu lãnh nhận phép lành qua các phương tiện truyền thông, theo hình thức đã được Giáo hội thiết định.
Rồi Ðức Thánh cha đọc công thức xin hai thánh tông đồ Phêrô Phaolô, chuyển cầu cho chúng ta trước tòa Chúa, và nhờ lời chuyển cầu của Ðức Mẹ, thánh Micae Tổng Lãnh thiên thần, thánh Gioan Tẩy Giả, thánh Phêrô, Phaolô Tông Ðồ và toàn thể các thánh, xin Thiên Chúa toàn năng tha thứ mọi tội lỗi cho các tín hữu và xin Chúa Giêsu Kitô dẫn đưa các tín hữu đến sự sống đời đời.