Ðức Hồng y Koch cảnh giác
tín hữu Ðức đừng quá hy vọng cải tổ
Ðức Hồng y Koch cảnh giác tín hữu Ðức đừng quá hy vọng cải tổ.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (RVA News 19-03-2024) - Ðức Hồng y Kurt Koch, Bộ trưởng Bộ Hiệp nhất các tín hữu Kitô, cảnh giác Giáo hội Công giáo tại Ðức đừng quá hy vọng sẽ có các cuộc cải tổ, đặc biệt là vấn đề truyền chức thánh cho phụ nữ hoặc bãi bỏ luật độc thân linh mục.
Ðức Hồng y Koch người Thụy Sĩ. Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây, trong cuộc phỏng vấn dành cho Nhật báo "Kurier", Người đưa tin, số ra ngày 18 tháng Ba năm 2024, tại Áo. Ngài nói: "Ðiều chắc chắn là Ðức Giáo hoàng không khơi lên những hy vọng như vậy. Ðức Giáo hoàng Phanxicô vẫn luôn nói rõ ràng ngài đi đâu. Khi Giáo hội tại Ðức trình bày những mong đợi của mình qua dự án cải tổ với Con đường Công nghị, họ phải tự hỏi: nếu những mong đợi ấy không được đáp ứng thì làm sao vượt thắng chúng?".
Ðức Hồng y Koch nhắc đến lá thư Ðức Thánh cha Phanxicô gửi cho "Dân Chúa lữ hành tại Ðức", hồi năm 2019, vào đầu tiến trình "Con đường Công nghị", trong đó ngài nhắc nhở rằng nghĩa vụ đầu tiên của Giáo hội là loan báo Tin mừng, công bố đức tin. Khi điều này không chiếm chỗ đứng trung tâm, thì sẽ mất mát điều gì đó và Giáo hội phải tự mình xem xét xem sự mất mát ấy là gì".
Ðức Hồng y Koch thấy điều cấp thiết hơn so với các vấn đề nội bộ của Giáo hội, đó là Giáo hội tại Âu châu ngày càng mất ảnh hưởng về mặt xã hội và văn hóa. Ðiều này ta thấy rõ trong những diễn biến mới đây tại tại Pháp, với vụ Quốc hội đưa việc phá thai vào hiến pháp quốc gia, như một nhân quyền và sắp tới đây sẽ thông qua luật cho phép trợ tử, giúp kết liễu mạng sống của người bệnh, người già theo lời yêu cầu của đương sự. Tình trạng đó cho thấy rõ "sự dấn thân bênh vực sự sống, kể cả ở giai đoạn đầu tiên và kết thúc không phải là trách nhiệm riêng của Giáo hội Công giáo, nhưng đó là gia sản của Âu châu. Khi quyền sống bị đặt lại vấn đề đến độ điều ngược lại được đưa vào hiến pháp một nước, thì những căn cội văn minh của Âu châu bị tấn công. Tất cả mọi người Âu châu thức tỉnh cần sát cánh với nhau".
Bênh vực Ðức Thánh cha
Trong cuộc phỏng vấn, Ðức Hồng y Koch cũng bênh vực Ðức Thánh cha trước những lời phê bình vì những câu nói của ngài về chiến tranh Ucraina, khi ngài dùng cụm từ "trương cờ trắng" để nói về sự cần thiết phải thương thuyết để chấm dứt chiến tranh. Ðức Hồng y nói: "khi xét toàn thể những điều Ðức Thánh cha nói về chiến tranh Ucraina, ta thấy Ðức Giáo hoàng luôn nói về Ucraina bị áp bức. Vì thế, người ta không thể nói ngài phò Nga, đúng hơn ngài đứng về phía các nạn nhân".
Ngoài ra, Ðức Thánh cha Phanxicô cũng sẵn sàng làm trung gian: "Ai muốn làm trung gian, thì phải để cửa mở [đối với hai phe], cả khi có thể bị giải thích sai lầm". Trong cuộc phỏng vấn, Ðức Thánh cha trả lời cụ thể cho câu hỏi do ký giả đưa ra về việc "trương cờ trắng" và nói phải "có can đảm 'trương cờ trắng'. Ngài cũng bày tỏ đau khổ lớn lao, vì "chiến tranh kéo dài và gia tăng thêm nhiều nạn nhân", vì thế ngài tự hỏi làm thế nào chiến tranh có thể chấm dứt.
(domradio.de 16-3-2024)