Diễn từ Ðức Thánh Cha

dành cho Ðại hội toàn thể

của Bộ Loan báo Tin Mừng

 

Diễn từ Ðức Thánh Cha dành cho Ðại hội toàn thể của Bộ Loan báo Tin Mừng, 2024

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP. chuyển dịch Việt ngữ

Vatican (WHÐ 16-03-2024) - Tại Dinh Tông Tòa sáng hôm 15 tháng 03 năm 2024, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến các tham dự viên Ðại hội toàn thể của Bộ Loan báo Tin Mừng, Phân bộ về các vấn đề cơ bản trên thế giới. Vì lý do sức khoẻ, nên Ðức Thánh Cha đã trao bản văn được soạn sẵn của ngài để Ðức Tổng Giám mục Filippo Ciampanelli đọc giúp.

Sau đây là bản dịch Việt ngữ toàn văn bài Diễn từ của Ðức Thánh Cha:

 

Diễn từ Ðức Thánh Cha Phanxicô

dành cho tham dự viên Ðại hội toàn thể của Bộ Loan báo Tin Mừng

Dinh Tông Toà

Thứ Sáu, ngày 15 tháng 03 năm 2024

 

Anh chị em thân mến!

Tôi vui mừng chào đón các quý Bề trên, quý Thành viên và Cố vấn của Bộ loan báo Tin Mừng - Phân bộ về các vấn đề cơ bản trên thế giới, tham dự Ðại hội toàn thể. Ðây là thời điểm quan trọng để thảo luận xung quanh vấn đề Phúc âm hoá đòi hỏi, nhất là khi chúng ta nhìn vào nhiều khu vực trên thế giới, rất khác nhau về văn hóa và truyền thống.

Ý nghĩ đầu tiên của tôi hướng đến tình trạng mà một số Giáo hội địa phương đang phải đối diện, nơi chủ nghĩa thế tục trong nhiều thập niên gần đây đã tạo ra những khó khăn to lớn: từ việc mất đi cảm thức thuộc về cộng đoàn Kitô hữu, đến sự thờ ơ đối với đức tin và nội dung đức tin. Ðây là những vấn đề nghiêm trọng mà nhiều anh chị em phải đối diện hàng ngày, nhưng chúng ta không được nản chí. Chủ nghĩa thế tục đã được nghiên cứu và có rất nhiều trang viết về nó. Chúng ta biết những tác động tiêu cực mà chủ nghĩa này đã tạo ra, nhưng đây là thời điểm thích hợp để nhận thức đâu là câu trả lời hiệu quả chúng ta được mời gọi đưa ra cho các thế hệ trẻ, để họ có thể khôi phục ý nghĩa của cuộc sống. Lời kêu gọi quyền tự chủ của con người, được đưa ra như một trong những tuyên bố của chủ nghĩa thế tục, không thể được lý thuyết hóa như sự độc lập khỏi Thiên Chúa, bởi vì chính Thiên Chúa là Ðấng bảo đảm quyền tự do hành động cá nhân. Và đối với nền văn hóa kỹ thuật số mới, nơi thể hiện rất nhiều khía cạnh thú vị cho sự tiến bộ của nhân loại - hãy nghĩ đến y học và việc bảo vệ thiên nhiên - nó cũng mang đến một tầm nhìn về con người có vẻ có vấn đề khi đề cập đến nhu cầu về sự thật vốn ngự trị trong mỗi người, gắn liền với nhu cầu tự do trong các mối tương quan liên vị và xã hội.

Vì vậy, vấn đề lớn đặt ra trước mắt chúng ta là phải biết làm thế nào để vượt qua sự rạn nứt đã xảy ra trong việc truyền tải đức tin. Ðể đạt được mục tiêu này, điều cấp thiết là phải khôi phục mối tương quan hiệu quả với các gia đình và với các trung tâm đào tạo. Ðể được truyền tải, niềm tin vào Chúa phục sinh, vốn là trọng tâm của việc Phúc âm hoá, đòi hỏi một kinh nghiệm quan trọng được sống trong gia đình và trong cộng đoàn Kitô hữu như một cuộc gặp gỡ, làm thay đổi cuộc đời, với Chúa Giêsu Kitô. Nếu không có cuộc gặp gỡ thực sự và hiện sinh này, chúng ta sẽ luôn bị cám dỗ biến đức tin thành lý thuyết chứ không phải chứng tá cuộc sống.

Vẫn liên quan đến vấn đề ưu tiên trong việc truyền bá đức tin, tôi xin cám ơn anh chị em vì sự phục vụ mà anh chị em cống hiến trong lĩnh vực dạy giáo lý. Và anh chị em thực hiện điều này bằng việc sử dụng bản Hướng dẫn mới mà anh chị em đã biên soạn vào năm 2020. Ðây là một công cụ có giá trị và có thể hữu hiệu, không chỉ đối với việc đổi mới phương pháp giáo lý, mà trên hết, tôi muốn nói đến sự tham gia của toàn thể cộng đoàn Kitô hữu. Trong sứ vụ này, một vai trò cụ thể được giao phó cho những người đã và sẽ tiếp nhận thừa tác vụ Giáo lý viên, để họ được củng cố trong sự dấn thân phục vụ việc loan báo Tin Mừng. Tôi hy vọng rằng các Giám mục sẽ có thể nuôi dưỡng và đồng hành với các ơn gọi thực hiện thừa tác vụ này, đặc biệt là nơi giới trẻ, để thu hẹp khoảng cách giữa các thế hệ và việc truyền bá đức tin không trở thành một nhiệm vụ chỉ được giao phó cho những người lớn tuổi. Theo nghĩa này, tôi khuyến khích anh chị em tìm cách để Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo tiếp tục được biết đến, nghiên cứu và đánh giá cao, nhờ đó, có thể đáp ứng những nhu cầu mới nảy sinh trong nhiều thập niên qua.

Chủ đề thứ hai mà tôi muốn chia sẻ với anh chị em là linh đạo của lòng thương xót, như một nội dung nền tảng của công cuộc Phúc âm hoá. Lòng thương xót của Thiên Chúa không bao giờ thiếu, và chúng ta được kêu gọi làm chứng cho lòng thương xót đó, có thể nói, lưu chuyển trong huyết mạch của thân thể Giáo hội. Thiên Chúa thương xót: thông điệp bất diệt này đã được Thánh Gioan Phaolô II khởi động lại với sức mạnh và phương thức mới dành cho Giáo hội và nhân loại vào đầu thiên niên kỷ thứ III. Việc chăm sóc mục vụ tại các Ðền thánh, vốn là trách nhiệm của anh chị em, đòi phải thấm nhuần lòng thương xót, để những ai đến những nơi này có thể tìm thấy ốc đảo của sự bình an và thanh thản. Các Thừa sai của Lòng Thương xót, với sự phục vụ quảng đại đối với Bí tích Hòa giải, đưa ra một chứng tá giúp tất cả các linh mục tái khám phá ân sủng và niềm vui được trở thành thừa tác viên của Thiên Chúa, Ðấng luôn tha thứ và tha thứ không giới hạn. Những thừa tác viên của Thiên Chúa không chỉ chờ đợi chúng ta mà còn đến với chúng ta, và tìm kiếm chúng ta, bởi vì Thiên Chúa là Người Cha nhân hậu chứ không phải là ông chủ; là Mục Tử nhân lành chứ không phải là người làm thuê, và Ngài tràn đầy niềm vui khi có thể chào đón con chiên trở về, hoặc con chiên mà Ngài tìm thấy đang đi lang thang trong hoang vắng (x. Ga 10; Lc 15). Khi việc Phúc âm hoá được thực hiện với sự xức dầu và lòng thương xót, thì việc Phúc âm hoá này sẽ được lắng nghe tốt hơn, và tâm hồn sẽ cởi mở với sự hoán cải hơn. Thật vậy, chúng ta được đánh động trước điều chúng ta cảm thấy cần nhất, đó là tình yêu trong sáng, được trao ban một cách quảng đại, và là nguồn mạch của sự sống mới.

Chủ đề thứ ba tôi muốn đề nghị với anh chị em là việc chuẩn bị cho Năm Thánh Thường lệ vào năm tới. Ðây sẽ là một Năm Thánh trong đó sức mạnh của niềm hy vọng sẽ nổi lên. Trong một vài tuần nữa, tôi sẽ ban hành Tông thư để thông báo chính thức: Tôi hy vọng rằng Tông thư này sẽ có thể giúp nhiều người suy tư, và trên hết, trải nghiệm niềm hy vọng một cách cụ thể. Nhân đức thần học này được nhìn một cách thi vị như một "người em gái nhỏ" ở giữa đức tin và đức ái, nhưng không có nhân đức này thì hai nhân đức kia không thể phát triển, và không thể hiện mình một cách tốt nhất. Dân thánh của Thiên Chúa rất cần nhân đức này! Tôi biết nỗ lực to lớn mà Bộ thực hiện hàng ngày trong việc tổ chức Năm Thánh sắp tới. Tôi cảm ơn anh chị em và tôi tin chắc rằng mọi nỗ lực này sẽ mang lại kết quả. Tuy nhiên, việc chào đón những người hành hương phải được thể hiện không chỉ ở những công trình cơ cấu và văn hóa cần thiết, mà còn ở việc giúp họ sống trải nghiệm đức tin, hoán cải và tha thứ, gặp gỡ một cộng đoàn sống động mang lại chứng tá vui tươi và thuyết phục về điều này.

Và chúng ta đừng quên rằng năm nay, là năm trước Năm Thánh, được dành riêng cho việc cầu nguyện. Chúng ta cần tái khám phá cầu nguyện như một trải nghiệm được ở trước sự hiện diện của Chúa, cảm thấy mình được Người thấu hiểu, đón nhận và yêu thương. Như Chúa Giêsu đã dạy, cầu nguyện không phải là nói nhiều lời, mà là dành không gian cho sự thinh lặng để lắng nghe Lời của Người và đón nhận Lời ấy vào cuộc sống của chúng ta (x. Mt 6,5-9). Thưa anh chị em, chúng ta hãy bắt đầu cầu nguyện nhiều hơn, cầu nguyện tốt hơn, trong trường học của Ðức Maria và Các Thánh.

Xin cảm ơn anh chị em vì công việc của anh chị em trong những ngày này, và vì sự phục vụ của anh chị em dành cho Giáo hội. Tôi ưu ái ban phép lành cho anh chị em, và cầu nguyện cho anh chị em. Và xin anh chị em cũng nhớ cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn!

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP

Dòng Ða Minh Thánh Tâm

Chuyển ngữ từ: vatican.va/content (15. 03. 2024)

 

(Nguồn: Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page