Lòng khiêm tốn là thuốc chữa đích thực
cho mọi hành vi kiêu ngạo
Tiếp kiến chung của Ðức Thánh cha: Lòng khiêm tốn là thuốc chữa đích thực cho mọi hành vi kiêu ngạo.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (RVA News 06-03-2024) - Sáng thứ Tư, ngày 06 tháng Ba năm 2024, tuy thời tiết còn lạnh, 13 độ, nhưng vì số tín hữu hành hương quá khả năng của Ðại thính đường Phaolô VI, ở nội thành Vatican, nên buổi Tiếp kiến chung của Ðức Thánh cha Phanxicô được dời ra Quảng trường thánh Phêrô.
Lúc gần 9 giờ, Ðức Thánh cha dùng xe mui trần, tiến ra Quảng trường, đi qua các lối đi, để chào thăm các tín hữu. Có bốn em bé được lên ngồi cùng xe với Ðức Thánh cha.
Lên tới bục cao trên thềm đền thờ, Ðức Thánh cha chào thăm tám thông dịch viên trong buổi tiếp kiến. Hiện diện trong dịp này cũng có hơn mười giám mục Ý về Roma thăm Tòa Thánh, cũng như các giám mục từ các nơi khác.
Như thường lệ, mở đầu buổi tiếp kiến là phần công bố Lời Chúa. Mọi người đã nghe đọc đoạn trích từ sách Huấn Ca (Hc 10,7.9.12.14):
"Kiêu ngạo là điều đáng ghét đối với Chúa và con người [...]. Làm sao mà tro bụi lại dám kiêu căng? [...] Khi con người bắt đầu kiêu căng thì xa lìa Chúa; lòng nó xa lìa Ðấng Tạo Thành [...]. Chúa lật đổ ngai cao của người cường quyền, và đặt người hiền lành lên thay".
Trong bài giáo lý tiếp đó, Ðức Thánh cha tiếp tục loạt bài về các nết xấu và các nhân đức. Bài thứ mười này có tựa đề: "Tính kiêu ngạo". Ðức Thánh cha nói ít lời để chào thăm mọi người và cho biết vì bị khàn tiếng do bị cảm, nên cha Pierluigi Giroli, Dòng Rosmiano, đọc thay bài huấn dụ của ngài và các lời chào thăm.
Mở đầu bài huấn dụ, Ðức Thánh cha nói:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Kiêu ngạo là gì?
Trong hành trình giáo lý của chúng ta về các tật xấu và nhân đức, hôm nay chúng ta đi tới tật xấu cuối cùng, đó là tật kiêu ngạo. Người Hy Lạp xưa kia định nghĩa nó bằng một từ mà ta có thể dịch là "Sự sáng ngời thái quá". Thực vậy, kiêu ngạo là tự tuyên dương mình, tự phụ, háo danh. Từ này cũng xuất hiện trong một loạt các tật xấu mà Chúa Giêsu liệt kê để giải thích rằng sự ác luôn đến từ tâm hồn con người (Xc Mc 7,22). Người kiêu ngạo là một người nghĩ mình cao trọng hơn nhiều so với thực tế; một người cố sức để được nhìn nhận là cao trọng hơn những người khác, luôn muốn được công nhận là có công trạng và coi rẻ những người khác, coi họ thấp kém hơn mình.
Ðặc tính của tật kiêu ngạo
Qua sự mô tả đầu tiên này, chúng ta thấy tật kiêu ngạo rất gần với tật háo danh, và nó như gần với tật thích hư vinh, như chúng ta đã trình bày lần trước. Nhưng nếu hư vinh là một cái bệnh về "cái tôi" của con người, nó cũng là một tật ấu trĩ, nếu so sánh với niềm kiêu hãnh mà tật kiêu ngạo có thể gây ra. Khi phân tích những điên rồ của con người, các nhà tu hành xưa kia nhìn nhận có một thứ tự nào đó trong chuỗi các thứ tật: bắt đầu từ những tội lỗi ghê tởm nhất, ví dụ như tật tham ăn, để tiến tới những thứ quái vật đáng lo ngại nhất. Trong tất cả mọi tật xấu, tật kiêu ngạo là thứ tật lớn nhất. Không phải tình cờ mà trong hài kịch thần linh, Divina Commedia, thi hào Dante đặt tật kiêu ngạo trong khung đầu tiên của luyện ngục: ai chiều theo tật xấu này thì xa lìa Thiên Chúa, và việc sửa chữa tật này đòi thời gian và vất vả, hơn mọi thứ chiến đấu khác mà Kitô hữu được kêu gọi thực hiện.
Trong thực tế, trong thứ tật xấu này có ẩn nấp tội căn bản, tự coi mình như Thiên Chúa. Tội của nguyên tổ chúng ta, như sách Sáng Thế thuật lại, hoàn toàn là một tội kiêu ngạo dưới mọi khía cạnh. Tên cám dỗ nói với ông bà: "Khi các người ăn trái này, thì mắt các ngươi sẽ mở ra, và các người sẽ trở nên giống Thiên Chúa" (St 3,5). Các tác giả tu đức rất chú ý mô tả sự tái sa ngã vì tật kiêu ngạo trong đời sống thường nhật, mô tả như nó làm hư hỏng các tương quan của con người, nêu bật tật này như một sự ác làm ô nhiễm tình cảm huynh đệ, lẽ ra phải liên kết con người với nhau.
Các triệu chứng
Ðây là danh sách dài những triệu chứng cho thấy sự chiều theo của một người đối với tật kiêu ngạo. Ðó là một tật với một khía cạnh thể lý hiển nhiên: người kiêu ngạo thì kênh kiệu, cứng cổ, nghĩa là không biết cúi mình. Ðó là một người dễ phán xét, khinh thường: dù chẳng có lý do gì đáng kể, họ đưa ra những phán đoán không thể hồi lại đối với những người khác, đối với họ những người này là bất tài và thiếu khả năng. Trong thái độ ngạo nghễ, họ quên rằng Chúa Giêsu trong Tin mừng đã dạy chúng ta rất ít giới luật luân lý, nhưng có một giới luật mà Chúa tỏ ra rất đòi hỏi, đó là đừng bao giờ phán xét. Bạn nhận thấy phải đối diện với một người kiêu ngạo, khi bạn nói với họ một lời phê bình xây dựng nho nhỏ, hoặc một nhận xét rất tầm thường, thì họ phản ứng một cách thái quá, như thể có ai phạm tội "khi quân" đối với họ: người ấy rất giận giữ, la lối.
Khó sửa chữa người kiêu ngạo
Ðối với người bị thứ bệnh kiêu ngạo, ta ít có thể làm được gì. Không thể nói với họ về điều đó, và càng không thể sửa chữa họ, vì xét cho cùng, họ không hiện diện nữa với bản thân. Ðối với người như thế, điều duy nhất là cần kiên nhẫn, vì một ngày kia tòa nhà sẽ sụp đổ. Một ngạn ngữ Ý nói rằng: "Người kiêu ngạo ra đi cưỡi ngựa và trở về bằng đi bộ". Trong Tin mừng, Chúa Giêsu phải đối đầu với bao nhiêu thứ người kiêu ngạo, và thường khi Ngài phát hiện tật xấu này cả nơi những người che đậy nó rất kỹ lưỡng. Ông Phêrô giương cao lá cờ trung thành trong mọi thử thách: "Cho dù tất cả mọi người bỏ Thầy, con cũng không bỏ Thầy!" (Xc Mt 26,33). Chẳng bao lâu sau ông trải qua kinh nghiệm giống như những người khác. Ông cũng sợ hãi trước cái chết mà ông không ngờ đến gần như vậy. Và thế là ông Phêrô thứ hai, không ngẩng đầu lên, nhưng khóc ròng, và được Chúa Giêsu chữa lành và sau cùng, đủ sức để vách gánh nặng của Giáo hội. Trước đây, ông Phêrô tỏ ra tự phụ, phô trương, điều mà tốt hơn không nên làm; giờ đây, ông là một môn đệ trung thành, như một dụ ngôn đã nói, môn đệ mà ông chủ có thể ủy thác mọi gia sản của mình" (Lc 12,44).
Khiêm tốn chữa kiêu ngạo
Ơn cứu độ tiến qua lòng khiêm tốn, là thuốc chữa đích thực cho mọi hành vi kiêu ngạo. Trong kinh Magnificat, Mẹ Maria chúc tụng Thiên Chúa, Ðấng dùng quyền năng đánh đổ những người kiêu ngạo trong những tư tưởng bệnh hoạn nơi tâm hồn họ. Thật là vô ích khi ăn trộm cái gì đó của Thiên Chúa, như những người kiêu ngạo vẫn hy vọng, vì xét cho cùng, Chúa muốn trao ban mọi sự. Vì thế, thánh Giacôbê tông đồ đã viết cho cộng đoàn của ngài bị thương tổn trường kỳ vì bệnh kiêu ngạo, rằng: "Thiên Chúa chống lại những kẻ kiêu ngạo và trái lại, Chúa ban ơn cho những người khiêm nhường" (Gc 4,6).
Và Ðức Thánh cha kết luận rằng: "Vì thế, hỡi anh chị em, chúng ta hãy tận dụng Mùa chay này để chiến đấu chống lại tật kiêu ngạo của chúng ta."
Chào thăm và kêu gọi
Sau bài giáo lý trên đây là phần tóm tắt và chào thăm bằng các thứ tiếng, kèm theo những lời nhắn nhủ của Ðức Thánh cha.
Khi chào các nhóm tiếng Pháp, Ðức Thánh cha nhắc đến đoàn hành hương từ Giáo phận Saint-Flour, ở miền trung nước này và các thiếu niên mới chịu phép Thêm sức từ Giáo phận Séez. Cả hai đoàn đều được các giám mục giáo phận hướng dẫn. Ðông đảo các học sinh từ Pháp cũng tham dự cuộc hành hương này.
Bằng tiếng Ba Lan, Ðức Thánh cha đặc biệt chào phái đoàn hành hương từ miền Padkarpacia, đến Roma nhân kỷ niệm 80 năm cuộc tử đạo của gia đình Ulma, gồm cha mẹ và sáu người con bị quân Ðức quốc xã sát hại năm 1944, vì đã cứu giúp những người Do thái, cho họ tá túc. Nhân kỷ niệm này, trong Vườn Vatican, sẽ có buổi lễ trồng một cây táo mang tên chân phước gia trưởng Jozef Ulma, vốn là một nông dân.
Sau cùng, Ðức Thánh cha đích thân nói bằng tiếng Ý: ngài đặc biệt nhắc đến các chủng sinh từ Ðại chủng viện liên giáo phận ở Pisa, cùng với ban giám đốc và giảng huấn, các cựu sinh viên Học viện Giáo hoàng thánh Casimir của Lituani ở Roma, cảm tạ Chúa nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Học viện này. Ngài nói: "Ước gì các con ngày càng có thể trở nên đồng hình dạng với Chúa Kitô Mục Tử Nhân Lành và là những người hân hoan loan báo Tin mừng".
Ðức Thánh cha nhắc đến những người trẻ, các bệnh nhân, người cao tuổi và các đôi tân hôn, đồng thời nhắn nhủ rằng: "trong những ngày Mùa chay này, anh chị em hãy can đảm tiếp tục dấn thân giải thoát mình khỏi tất cả những gì là mặt nạ che đậy cuộc sống của mình để hết lòng trở về cùng Thiên Chúa, Ðấng yêu thương chúng ta từ thuở đời đời".
Ðức Thánh cha nói thêm rằng: "Tôi tái mời gọi anh chị em cầu nguyện cho dân chúng đang chịu đau khổ vì kinh hoàng do chiến tranh tại Ucraina và tại Thánh địa, cũng như tại các nơi khác trên thế giới".
Buổi Tiếp kiến chung của Ðức Thánh cha được kết thúc bằng kinh Lạy Cha và phép lành của Ðức Thánh cha.