Mọi chuyện đều có thể

khi ta biết kiên nhẫn trong đức tin

 

Tiếp kiến chung của Ðức Thánh cha: Mọi chuyện đều có thể khi ta biết kiên nhẫn trong đức tin.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 15-02-2024) - Sáng thứ Tư, ngày 14 tháng Hai năm 2024, đã có gần 6,000 tín hữu hành hương đến tham dự buổi Tiếp kiến chung của Ðức Thánh cha Phanxicô, lúc 9 giờ sáng, tại Ðại thính đường Phaolô VI ở nội thành Vatican.

Như thường lệ, mở đầu là phần công bố Lời Chúa với một đoạn Tin mừng theo thánh Matthêu (26,36,40-41), được tám độc viên thuộc các ngôn ngữ khác nhau tuyên đọc:

"Khi ấy, Chúa Giêsu đi với các môn đệ đến một vườn tên là Giệtsimani và Ngài nói với họ: "Các con hãy ngồi lại đây, trong khi Thầy đi cầu nguyện"..[..]. Rồi Ngài trở lại nơi các môn đệ và thấy họ đang ngủ: Ngài nói với Phêrô: "Các con không thể thức với Thầy được một giờ sao?" Hãy tỉnh thức và cầu nguyện, để khỏi sa chước cám dỗ. Tinh thần thì mau mắn, nhưng xác thịt thì yếu đuối".

Bài huấn giáo

Trong bài giáo lý tiếp đó, Ðức Thánh cha tiếp tục loạt bài về các nết xấu và các nhân đức. Bài thứ tám này có tựa đề là: "Tật biếng nhác".

Ðức Thánh cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong số các tật xấu chính, có một tật thường bị im lặng ít được nói tới, có lẽ vì tên của nó khó hiểu đối với nhiều người: đó là tật biếng nhác, "accidia". Vì thế, trong danh sách các tật xấu, từ accidia được thay thế bằng một từ thông dụng hơn nhiều, đó là pigrizia, lười biếng. Trong thực tế, pigrizia là một hậu quả hơn là một nguyên nhân. Khi một người không làm việc, thờ ơ, chúng ta gọi đó là người ươn lười, lười biếng. Nhưng các thánh tu hành khôn ngoan trong sa mạc xưa kia vẫn dạy: thường thường căn cội của biếng nhác là accidia, nghĩa đen theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là "thiếu sự chăm sóc".

Mô tả hậu quả của Accidia

Ðây là một cám dỗ rất nguy hiểm. Ai trở thành nạn nhân của cám dỗ này thì như bị một ước muốn chết chóc đè bẹp: cảm thấy chán ngán mọi sự; tương quan với Thiên Chúa trở nên nhàm chán; và cả những hành vi thánh thiện nhất, những hành vi trong quá khứ đã sưởi ấm tâm hồn họ, giờ đây trở nên hoàn toàn vô ích. Một người bắt đầu nuối tiếc thời gian trôi qua, và tuổi trẻ kể như đã hoàn toàn bị bỏ lại sau lưng.

Tật lười biếng được định nghĩa như "con quỷ ban trưa": nó tóm lấy chúng ta giữa ban ngày, khi mệt mỏi lên tới tột độ và những thời giờ trước mặt chúng ta thấy có vẻ đơn điệu, không sống nổi. Trong một mô tả thời danh, đan sĩ Evagrio trình bày cám dỗ này như sau: "Mắt của người biếng nhác liên tục nhìn ra cửa sổ và trong tâm trí người ấy tưởng tượng về những người viếng thăm [...]. Khi đọc sách, người lười biếng thường ngáp và dễ buồn ngủ, dụi mắt, xoa tay, rồi mắt rời khỏi sách, hướng vào tường; tiếp đó lại nhìn vào sách, đọc tiếp một chút [...], sau cùng cúi đầu, bỏ sách xuống, và chìm vào giấc ngủ nhẹ, cho đến khi cơn đói đánh thức họ và thúc đẩy họ để ý đến những nhu cầu của mình"; tóm lại, "người biếng nhác không ân cần hoàn thành công việc của Chúa".

Qua những mô tả này, người đọc thời nay thấy có cái gì gợi lại tai họa của bệnh trầm cảm, về phương diện tâm lý cũng như triết lý. Thực vậy, đối với người bị bệnh biếng nhác, cuộc sống mất ý nghĩa, cầu nguyện là điều nhàm chán, mọi cuộc chiến đấu dường như vô nghĩa. Cho dù trong thời thanh xuân, chúng ta đã nuôi dưỡng những đam mê, nhưng giờ đây ta thấy chúng không hợp lý, những ước mơ không làm cho chúng ta hạnh phúc. Thế là chúng ta để cho mình buông thả và xao lãng, không suy nghĩ, như thể đó là những lối thoát duy nhất: chúng ta muốn choáng váng, có một tâm trí hoàn toàn trống rỗng... phần nào giống như chết sớm vậy.

Phương dược đối phó

Ðức Thánh cha nói tiếp: "Trước tật xấu này, mà chúng ta nhận thấy là rất nguy hiểm, các tôn sư về linh đạo trù định các phương dược. Tôi muốn nói đến phương thức tôi thấy là quan trọng nhất và tôi gọi đó là "kiên nhẫn trong đức tin". Mặc dù trước sự tấn công của tật biếng nhác, con người ước mong hoặc là chạy đi nơi khác, hoặc trốn tránh thực tại, nhưng cần có can đảm ở lại và đón nhận sự hiện diện của Chúa trong trạng thái của tôi "ở đây và bây giờ", trong thực trạng hiện nay của tôi. Các đan sĩ nói rằng đối với họ căn phòng nhỏ bé của họ là thầy dạy tốt nhất về cuộc sống, vì đó là nơi nói với bạn một cách cụ thể và hằng ngày về chuyện tình của bạn với Chúa. Con quỷ lười biếng muốn phá hủy chính niềm vui đơn sơ ở đây và bây giờ, sự kinh ngạc trong niềm biết ơn về thực tại; con quỷ ấy muốn làm cho bạn tin rằng tất cả đều vô ích, chẳng gì có ý nghĩa, và chẳng bõ công khi chăm sóc cái gì chẳng đáng kể và chăm sóc ai.

Bao nhiêu người, vì lười biếng như thế, bị thúc đẩy vì nỗi lo âu vô danh, đã ngu xuẩn bỏ con đường tốt đẹp đã chọn để đi! Cuộc chiến chống tật biếng nhác là trận chiến quyết liệt, cần phải chiến thắng bằng mọi giá. Và đó là một cuộc chiến cũng chẳng tha các thánh, vì trong bao nhiêu nhật ký của các vị đều có vài trang ghi lại những lúc khủng khiếp, những đêm đen thực sự của đức tin, trong đó tất cả dường như đều là tăm tối. Các vị thánh nam nữ ấy dạy chúng ta tiến qua đêm đó trong kiên nhẫn, chấp nhận sự nghèo nàn của đức tin. Dưới sức ép của tật biếng nhác, các vị nhắn nhủ hãy có dấn thân ở mức độ nhỏ bé hơn, nhắm tới những mục tiêu vừa tầm tay hơn, nhưng đồng thời chống cự, kiên trì dựa vào Chúa Giêsu, Ðấng không bao giờ bỏ rơi chúng ta trong cơn cám dỗ.

Ðức tin, tuy bị thử thách vì tật biếng nhác, không bị mất giá trị. Ðúng hơn, đó là đức tin chân thật, một niềm tin rất nhân bản, dù bất kỳ điều gì, dù tăm tối làm cho nó không thấy, nhưng vẫn tiếp tục khiêm tốn tin tưởng.

Chào thăm và kêu gọi

Sau bài giáo lý trên đây là phần tóm tắt và chào thăm bằng các thứ tiếng, kèm theo những lời nhắn nhủ của Ðức Thánh cha.

Bằng tiếng Pháp, Ðức Thánh cha nồng nhiệt chào mừng các tín hữu đến từ Bỉ và Pháp, đặc biệt nhóm bạn trẻ thuộc Giáo phận Créteil ở mạn nam Paris, được Ðức giám mục giáo phận hướng dẫn. Ngài mời gọi họ, vào đầu Mùa chay này, hãy chiến đấu chống tật lười biếng, tin tưởng nơi sự hiện diện mạnh mẽ của Chúa Giêsu trong chúng ta.

Khi chào bằng tiếng Anh, Ðức Thánh cha nhắc đến các nhóm tín hữu hành hương đến Anh quốc, Nigeria, Hàn Quốc và Mỹ.

Nói với các nhóm Ba Lan, ngài cũng nói rằng: "Ðầu Mùa chay này, trong tất cả các thánh đường ở Ba Lan, có cuộc lạc quyên giúp Ucraina. Ðứng trước bao nhiêu chiến tranh, chúng ta đừng khép kín tâm hồn trước người túng thiếu. Kinh nguyện, chay tịnh và làm phúc là con đường xây dựng hòa bình. Tôi thành tâm chúc lành cho anh chị em và gia đình!"

Sau cùng, bằng tiếng Ý, khi chào thăm các bạn trẻ, nhiều học sinh các trường Trung học, các trẻ em thuộc Viện toàn quốc về ung bướu ở Milano cùng với thân nhân và các nhân viên y tế tháp tùng. Ngài nhắc đến những người cao niên và các đôi tân hôn, đồng thời nhắn nhủ rằng: "Hôm nay, bắt đầu Mùa chay, chúng ta hãy sẵn sàng tiến qua mùa này như cơ hội hoán cải và canh tân nội tâm trong việc lắng nghe Lời chúa, chăm sóc anh chị em cần chúng ta giúp đỡ và gia tăng cầu nguyện, nhất là để được ơn hòa bình trên thế giới.

Cuối buổi tiếp kiến, Ðức Thánh cha đặc biệt chào thăm Ðức Hồng y Ernest Simoni Troshani, 95 tuổi, người Albania, đã từng chịu 28 năm tù dưới chế độ cộng sản tại nước này, bị tra tấn, dọa giết và lao động khổ sai dưới chế của Enver Hoxa. Một năm rưỡi sau khi được bầu làm Giáo hoàng, trong cuộc viếng thăm tại Albani, ngày 21 tháng Chín năm 2014, Ðức Thánh cha đã nghe chứng từ của cha Simoni, và đã khóc vì xúc động. Hai năm sau, ngài đã bổ nhiệm cha làm hồng y, như dấu chỉ biết ơn đối với chứng tá của vị "tử đạo" sống này.

Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Ðức Thánh cha.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page