Diễn văn Ðức Thánh Cha

dành cho các Thẩm phán

của Tòa Thượng Thẩm Rota ở Roma, năm 2024

 

Diễn văn Ðức Thánh Cha dành cho các Thẩm phán của Tòa Thượng Thẩm Rota ở Roma, năm 2024.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP. chuyển ngữ tiếng Việt

Vatican (WHÐ 26-01-2024) - Sáng ngày 25 tháng 01 năm 2024, Ðức Thánh Cha đã có buổi gặp gỡ đoàn thẩm phán cùng với các luật sư và viên chức của Tòa Thượng thẩm nhân dịp khai mạc Năm Tư pháp lần thứ 95 của Tòa Rota ở Rôma.

Là nơi cứu xét các đơn xin tuyên bố hôn nhân vô hiệu, từ cấp hai trở lên, hiện nay Toà Rota gồm 22 thẩm phán đến từ nhiều quốc gia khác nhau, với vị Niên trưởng là Ðức Tổng Giám mục Alejandro Arellano Cedillo.

Sau đây là bản dịch Việt ngữ nội dung bài Diễn văn của Ðức Thánh Cha:

 

Diễn văn Ðức Thánh Cha Phanxicô

dành cho các Thẩm phán của Tòa Thượng Thẩm Rota ở Roma

Hội trường Clementine

Thứ năm, ngày 25 tháng 01 năm 2024

 

Kính thưa quý chức của Tòa Thượng thẩm,

Như mọi năm, hôm nay tôi vui mừng được đón tiếp quý vị, cùng quý anh chị em làm việc tại Tòa Thượng thẩm Tông tòa này. Tôi xin cảm ơn vị Niên trưởng và tất cả quý vị vì sự phục vụ quý báu mà quý vị đã cống hiến cho thừa tác vụ Phêrô trong việc thi hành công lý của Giáo hội.

Hôm nay, tôi muốn cùng với quý vị suy tư về khía cạnh quan trọng của việc phục vụ này, một khía cạnh mà tôi thường nhắc lại, ngay cả với một loạt bài giáo lý, tức là chủ đề về phân định. Tôi có ý tập trung vào sự phân định cụ thể mà quý vị cần thực hiện trong lĩnh vực thủ tục hủy hôn, liên quan đến sự tồn tại hay nói cách khác là các lý do để tuyên bố hôn nhân vô hiệu. Tôi nghĩ đến phán quyết mang tính hiệp đoàn của quý vị ở Rota, phán quyết được các tòa án hiệp đoàn địa phương thực hiện, hoặc, khi điều này không thể thực hiện được, bởi một thẩm phán duy nhất có lẽ được hỗ trợ của 2 thẩm định viên, cũng như phán quyết do chính Giám mục giáo phận ban hành, đặc biệt là trong các thủ tục ngắn gọn hơn, có sự tham khảo ý kiến của thẩm tra viên và thẩm định viên.

Ðây là một chủ đề luôn có tính thời sự, vốn ảnh hưởng đến phạm vi cải cách được thực hiện trong các tiến trình huỷ hôn cũng như việc chăm sóc mục vụ gia đình, được gợi hứng bởi lòng thương xót đối với các tín hữu đang gặp phải những tình huống khó khăn. Ðàng khác, việc bãi bỏ yêu cầu đưa ra phán quyết tuân thủ kép trong các trường hợp huỷ hôn, đưa ra phiên tòa ngắn hơn trước Giám mục giáo phận, cũng như nỗ lực sắp xếp hợp lý và làm cho công việc của tòa án trở nên dễ tiếp cận hơn, không được hiểu lầm, cũng như không được lơ là nhu cầu phục vụ các tín hữu với sự chăm sóc mục vụ nhằm giúp họ nắm bắt được sự thật về hôn nhân của mình. Ðó là một sự phục vụ, một sự phục vụ mà chúng ta cung cấp. Như tôi đã đề cập trong lời tựa của Tự sắc Mitis Iudex Dominus Iesus, mục đích nhằm khuyến khích "không phải sự vô hiệu của hôn nhân, mà là sự nhanh chóng của thủ tục, cũng không kém phần đơn giản thích đáng, ngõ hầu tâm hồn các tín hữu đang chờ đợi được biết rõ tình trạng của mình không bị đè nén lâu dài trong bóng tối ngờ vực do phán quyết tòa án bị chậm trễ". Vì vậy, theo chân các vị Tiền nhiệm của mình, tôi muốn "các vụ án vô hiệu của hôn nhân phải được giải quyết bằng con đường tư pháp, chứ không phải con đường hành chánh. Ðiều này không vì do bản chất của sự việc đặt ra cho bằng là do nhu cầu phải bảo vệ tối đa sự thật của dây hôn phối thánh thiêng: và điều này nhất thiết phải được bảo đảm nhờ trật tự pháp lý".

Ðồng thời, việc nhấn mạnh tầm quan trọng của lòng thương xót trong việc chăm sóc mục vụ gia đình, như tôi đã làm một cách đặc biệt với Tông huấn Amoris Laetitia[1], không làm giảm bớt cam kết của chúng ta trong việc tìm kiếm công lý liên quan đến các nguyên nhân hủy hôn. Trái lại, chính trong ánh sáng của lòng thương xót đối với con người và lương tâm của họ, việc phân định tư pháp về vấn đề vô hiệu là rất quan trọng. Nó có một giá trị mang tính mục vụ không thể thay thế và phù hợp một cách hài hòa với việc chăm sóc mục vụ tổng thể dành cho các gia đình. Như vậy, điều Thánh Thomas Aquinas tuyên bố của đã được hiện thực hóa: "Lòng thương xót không làm suy yếu công lý, nhưng là sự viên mãn của công lý"[2].

Như quý vị biết rõ qua kinh nghiệm của mình, việc phán quyết thường không hề dễ dàng. Ðạt được sự chắc chắn về mặt luân lý về tính vô hiệu, vượt qua giả định về tính thành sự trong trường hợp cụ thể, bao hàm việc hoàn thành một sự phân định mà toàn bộ tiến trình, nhất là việc điều tra sơ bộ, phải tuân theo. Sự phân định này là một trách nhiệm lớn lao mà Giáo hội giao phó cho quý vị, vì nó ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống của các cá nhân và gia đình. Cần phải đối diện với nhiệm vụ này với lòng can đảm và sáng suốt, nhưng trước hết, điều cốt yếu là phải trông cậy vào ánh sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Quý thẩm phán thân mến, nếu không cầu nguyện thì chẳng thể thực thi công lý. Nếu có ai đó trong quý vị không cầu nguyện thì tốt nhất người ấy nên từ chức. Trong Adsumus, lời cầu xin tuyệt vời dâng lên Ðấng An ủi được đọc trong các cuộc họp của Tòa án của quý vị, có đoạn: "Lạy Chúa Thánh Thần, này chúng con đang hiện diện trước tôn nhan Chúa, khi cùng nhau tụ họp nhân danh Chúa. Chỉ có Chúa là Ðấng hướng dẫn chúng con, xin hãy ngự trị trong tâm hồn chúng con; xin dạy chúng con lối đường phải đi và cách bước đi trên lối đường đó. Chúng con yếu đuối và tội lỗi, xin đừng để chúng con u mê sa vào nẻo đường lầm cũng đừng để sự cảm thông của con người khiến chúng con làm theo thiên kiến, vì chúng con là một trong Chúa và không có gì làm chúng con lạc xa khỏi chân lý". Chúng ta hãy luôn nhớ điều này: việc phân định được thực hiện "bằng việc quỳ gối" - và nếu một thẩm phán không biết quỳ gối cầu nguyện, thì tốt nhất họ nên từ chức - cầu xin ơn Chúa Thánh Thần: chỉ bằng cách này chúng ta mới có thể đi đến những quyết định hướng tới lợi ích của các cá nhân và của toàn thể cộng đoàn Giáo hội.

Do đó, tính khách quan của việc phân định tư pháp đòi phải thoát khỏi mọi thành kiến, dù là ủng hộ hoặc chống lại việc tuyên bố vô hiệu. Ðiều này bao hàm việc giải thoát bản thân khỏi sự khắt khe của những người luôn đòi hỏi sự chắc chắn tuyệt đối lẫn thái độ lấy cảm hứng từ niềm xác tín sai lầm rằng câu trả lời tốt nhất luôn là vô hiệu, điều mà Thánh Gioan Phaolô II gọi là "nguy cơ của lòng thương xót giả tạo mà... chỉ là mục vụ bên ngoài mà thôi". Ngài nói tiếp, thực ra, "những con đường đi chệch khỏi công lý và sự thật rốt cuộc lại khiến con người xa cách Thiên Chúa, do đó mang lại kết quả ngược lại với những gì được tìm kiếm trong thiện chí"[3].

Sự phân định của thẩm phán đòi hỏi hai nhân đức cao cả: khôn ngoan và công bằng, và hai nhân đức này phải được đức ái hướng dẫn. Có một mối liên hệ mật thiết giữa đức khôn ngoan và công bằng, vì việc thực thi luật pháp cách khôn ngoan nhằm mục đích nhận biết điều gì là công bằng trong từng trường hợp cụ thể. Do đó, sự khôn ngoan không hàm ý một quyết định tùy ý, nhưng là một hành vi tuyên bố về sự tồn tại hoặc mặt khác của thiện ích hôn nhân; vì thế, một sự khôn ngoan về mặt pháp lý, để thực sự có tính mục vụ, phải công bằng. Sự phân định công bằng bao hàm hành vi bác ái mục vụ, ngay cả khi phán quyết là phủ định. Và cũng là một rủi ro.

Việc phân định tính thành sự của mối ràng buộc là một công việc phức tạp, trong đó chúng ta không được quên rằng việc giải thích luật giáo hội phải được thực hiện dưới ánh sáng sự thật về hôn nhân bất khả phân ly, vốn là sự thật mà Giáo hội bảo vệ và truyền bá trong việc rao giảng và sứ mạng của mình. Như Ðức Bênêđíctô XVI đã dạy: "Việc giải thích giáo luật phải được thực hiện trong Giáo hội. Ðây không phải là một hoàn cảnh thuần tuý bên ngoài, tùy thuộc vào môi trường xung quanh nhưng nó là lời mời gọi đến cùng một mảnh đất của Giáo luật và thực tế được nó quy định. Cảm thức với Giáo hội (Sentire cum Ecclesia) cũng có ý nghĩa trong khuôn khổ kỷ luật, vì những nền tảng giáo lý luôn hiện diện và hoạt động trong các quy tắc pháp lý của Giáo hội"[4].

Thưa quý thẩm phán, tôi xin quý vị điều này: hãy cảm thức với Giáo hội. Và tôi xin hỏi từng người trong quý vị: quý vị có cầu nguyện, có cảm thấy là mình đang ở với Giáo hội không? Quý vị có khiêm tốn cầu nguyện, cầu xin Chúa soi sáng để cảm thức với Giáo hội không? Tôi quay lại vấn đề này: lời cầu nguyện của vị thẩm phán là cần thiết đối với nhiệm vụ của ông ấy. Nếu một thẩm phán không cầu nguyện hoặc không thể cầu nguyện thì tốt nhất ông ấy nên đi làm công việc khác.

Cuối cùng, tôi muốn nhắc lại rằng việc phân định về tính vô hiệu được hỗ trợ và bảo đảm bởi tính chất hiệp hành của nó[5]. Khi tòa án mang tính hiệp đoàn, như thường lệ, hoặc khi chỉ có một thẩm phán nhưng ông tham khảo ý kiến của những người có thẩm quyền, việc phân định diễn ra trong bầu khí đối thoại hoặc thảo luận, trong đó sự thẳng thắn và lắng nghe nhau là nền tảng, vì mục đích chung là đi tìm sự thật. Ðây cũng là một nghiên cứu quan trọng và nghiêm túc. Như tôi đã nói, trong việc phục vụ này, điều cần thiết là phải cầu khẩn Chúa Thánh Thần, khi chúng ta cố gắng triển khai mọi phương tiện của con người để xác định sự thật. Ðó là lý do tại sao điều quan trọng là cuộc điều tra sơ bộ phải được tiến hành cẩn thận, để không đưa ra phán quyết vội vàng và tiên nghiệm, cũng như điều cần thiết là, để chu toàn nhiệm vụ, thẩm phán phải trau dồi tiến trình thường huấn của mình qua việc nghiên cứu pháp luật và học thuyết pháp lý. Thưa quý chức của Tòa Thượng thẩm thân mến, quý vị có trách nhiệm đặc biệt trong việc phán quyết: do đó, tôi khuyên quý vị hãy ngoan nguỳ trước Chúa Thánh Thần.

Tôi phó thác công việc của quý vị cho Ðức Maria Rất Thánh, Ðấng cực khôn cực ngoan và Ðấng chỉ bảo đàng lành. Tôi ưu ái ban phép lành cho quý vị. Xin quý vị cũng nhớ cầu nguyện cho tôi, vì công việc của tôi không hề dễ dàng! Ðôi khi công việc này thật thú vị nhưng không hề dễ dàng. Xin cảm ơn.

 

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP

Dòng Ða Minh Thánh Tâm

Chuyển ngữ từ: vatican.va (25. 01. 2024)

- - - - - - - - - - -

[1] X. Tông huấn Amoris Laetitia, Chương VIII, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tong-huan-amoris-laetitia-niem-vui-cua-tinh-yeu-41885#_Toc134738771

[2] Tổng luận Thần học, I, q. 21, A. 3, 2. X. Tông huấn Amoris laetitia, 311.

[3] Diễn văn dành cho Tòa Thượng Thẩm Rota ở Roma, ngày 18.01.1990, số 5.

[4] Diễn văn dành cho Tòa Thượng Thẩm Rota ở Roma, ngày 21.01.2012.

[5] X. Diễn văn dành cho Tòa Thượng Thẩm Rota ở Roma, ngày 27.01.2022

 

(Nguồn: Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page