Thói tham lam là một căn bệnh của con tim,

chứ không phải của ví tiền

 

Tiếp kiến chung của Ðức Thánh cha: Thói tham lam là một căn bệnh của con tim, chứ không phải của ví tiền.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

(RVA News 25-01-2024) - Sáng thứ Tư, ngày 24 tháng Giêng năm 2024, đã có hơn 6,000 tín hữu hành hương đến tham dự buổi Tiếp kiến chung của Ðức Thánh cha Phanxicô, lúc 9 giờ sáng, tại Ðại thính đường Phaolô VI ở nội thành Vatican.

Mở đầu, mọi người đã nghe đọc một đoạn thư thứ I của thánh Phaolô tông đồ gửi Timôthê (1 Tm 6,8-10): "Vậy nếu có cơm ăn áo mặc, ta hãy lấy thế làm đủ. Còn những kẻ muốn làm giàu, thì sa chước cám dỗ, sa vào cạm bẫy và nhiều ước muốn ngu xuẩn độc hại; đó là những thứ làm cho con người chìm đắm trong cảnh huỷ diệt tiêu vong. Thật thế, cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé".

Bài huấn giáo

Trong bài giáo lý tiếp đó, Ðức Thánh cha tiếp tục loạt bài về các nết xấu và các nhân đức. Bài thứ năm này có tựa đề là: "sự tham lam".

Ngài nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúng ta tiếp tục các bài huấn giáo về các tật xấu và nhân đức; hôm nay chúng ta nói về tật tham lam, nghĩa là một hình thức gắn bó với tiền bạc khiến con người thiếu quảng đại.

Ðó không phải là một tội chỉ liên hệ tới những người có những gia sản to lớn, nhưng là một tật gián tiếp nhiều khi chẳng liên hệ gì với số tiền trong tài khoản ngân hàng. Ðó là một căn bệnh của con tim, chứ không phải của ví tiền.

Những phân tích của các thánh tu hành trong hoang địa về sự ác lầm than này, dưới ánh sáng của tật tham lam có thể làm chủ cả các đan sĩ là những người sau khi từ bỏ những gia sản to lớn, trong cô tịch của căn phòng, họ lại dính bén với những vật ít có giá trị: họ không cho mượn, không chia sẻ và dần dần họ không sẵn sàng trao tặng. Những vật ấy đối với họ trở thành một thứ họ tôn sùng và không thể rời bỏ. Một loại thoái hóa, trở lại tình trạng trẻ em giữ chặt đồ chơi của chúng, lập đi lập lại: "của tôi! của tôi!" Trong đòi hỏi này có tiềm ẩn một tương quan bệnh hoạn với thực tại. Nó có thể nảy sinh dưới những hình thức bị thúc đẩy chiếm hữu hoặc tích trữ một cách bệnh hoạn.

Ðể chữa lành căn bệnh này, các đan sĩ đề nghị một phương pháp quyết liệt, nhưng rất hiệu nghiệm: đó là suy tư về sự chết. Một điều tuyệt đối chắc chắn về những gì một người tích lũy của cải trong trần thế này là: chúng không thể vào trong quan tài của họ. Ðiều đó cho thấy sự vô lý của tật xấu ấy. Mối liên hệ sở hữu mà chúng ta kiến tạo với các sự vật chỉ có vẻ bề ngoài, vì chúng ta không phải là chủ của thế giới: trái đất mà chúng ta yêu mến, trong thực tế không phải là của chúng ta, và chúng ta đi trên mặt đất như một người qua đường và người lữ hành (Xc Lv 25,23).

Những nhận xét đơn sơ ấy làm cho chúng ta trực giác được sự điên rồ của thói tham lam, và cả lý do kín đáo nhất của nó. Nó là một toan tính xua đuổi nỗi sợ chết: tìm kiếm những an ninh mà trong thực tế chúng vuột mất trong chính lúc chúng ta nắm lấy nó. Hãy nhớ dụ ngôn người ngu xuẩn, cánh đồng của người ấy được mùa gặt rất phong phú, nhưng lúc ấy trong tâm trí họ nghĩ cách làm sao tích trữ những gì mình gặt được. Người ấy đã tính toán mọi sự, hoạch định chương trình tương lai. Nhưng lại không cứu xét một điều chắc chắn hơn của cuộc sống, đó là cái chết. Tin mừng nói: "Hỡi kẻ ngu xuẩn, chính đêm nay mạng sống của ngươi sẽ bị đòi lại. Và điều mà ngươi chuẩn bị, chúng sẽ thuộc về ai?" (Lc 12,20).

Trong những trường hợp khác, chính những kẻ trộm phục vụ cho chúng ta. Cả trong các sách Tin mừng, chúng xuất hiện nhiều lần, và mặc dù hoạt động của chúng đáng bị khiển trách, nhưng chúng có thể trở thành một lời cảnh giác hữu ích. Như Chúa Giêsu đã nói trong bài giảng trên núi: "Các con đừng tích trữ những kho tàng trên trái đất, nơi mà mối mọt làm tiêu hao và nơi những kẻ trộm đào ngạch khoét vách; trái lại, hãy tích trữ những kho tàng trên trời, nơi mà không có mối mọt làm tiêu hao, và không kẻ trộm phá cửa để vào ăn trộm" (Mt 6,19-20). Vẫn trong trình thuật về các thánh tu hành trong hoang địa, có kể chuyện một kẻ trộm bất chợt đến trong lúc đan sĩ ngủ và lấy trộm những gì thầy ấy giữ trong phòng. Khi tỉnh dậy, đan sĩ không hề bối rối vì những gì xảy ra, nhưng tìm vết của tên trộm, và sau khi tìm thấy, thay vì đòi lại của, thầy liền trao hết những gì còn lại cho trộm và nói: "Anh đã quên lấy những thứ này!"

Chúng ta có thể là chủ nhân của những của cải chúng ta sở hữu, nhưng nhiều khi xảy ra điều trái ngược: rốt cục, chính những của cải ấy chiếm hữu chúng ta. Một số người giàu không tự do hơn, và không có thời gian để nghỉ ngơi, họ phải canh chừng vì sự tích trữ của cải cũng đòi phải được gìn giữ. Họ luôn lo lắng vì một gia sản được xây dựng với bao nhiêu vất cả, nhưng có thể biến tan trong chốc lát. Họ quên bài giảng của Tin mừng. Tin mừng không nói rằng của cải giàu sang tự chúng là một tội, nhưng chắc chắn đó là một trách nhiệm. Thiên Chúa không nghèo: Thánh Phaolô viết: Ngài là Chúa Tể của mọi sự, từ giàu sang Chúa trở nên nghèo vì chúng ta, để chúng ta trở nên giàu có nhờ cái nghèo của Ngài" (2Cr 8,9).

Ðó là điều mà người tham lam không hiểu. Họ có thể là nguồn may mắn cho nhiều người, nhưng trái lại họ lại rơi vào con đường cụt bất hạnh.

Chào thăm và kêu gọi

Sau bài giáo lý trên đây, như thường lệ là phần tóm tắt bằng nhiều thứ tiếng cùng với lời chào thăm của Ðức Thánh cha.

Sau cùng, bằng tiếng Ý, Ðức Thánh cha đặc biệt chào thăm các nhà đào tạo của Dòng Capuchino thuộc vùng Âu châu, các nữ tu Dòng Ursuline thuộc Liên hiệp Roma. Cuối cùng là các bạn trẻ, bệnh nhân và các đôi tân hôn. Ngài nói: "Hôm nay phụng vụ kính nhớ thánh Phanxicô đệ Salê, một tôn sư về linh đạo: thánh nhân đã dạy rằng sự trọn lành theo Kitô giáo là điều mỗi người có thể đạt được, dù họ ở trong bậc sống và giai tầng xã hội nào đi nữa. Ước gì cả anh chị em cũng có thể sống những hoàn cảnh hiện nay, trong đó anh chị em tìm được những con đường thánh hiến, tin tưởng tiến bước trong tình yêu Thiên Chúa".

Buổi tiếp kiến chung kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Ðức Thánh cha.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page