Ðức Hồng y Koch:
Có sự phản ứng tiêu cực từ một số Giáo hội Kitô
đối với Tuyên ngôn của Bộ Giáo lý đức tin
Ðức Hồng y Koch: Có sự phản ứng tiêu cực từ một số Giáo hội Kitô đối với Tuyên ngôn của Bộ Giáo lý đức tin.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (RVA News 20-01-2024) - Ðức Hồng y Kurt Koch, Bộ trưởng Bộ Hiệp nhất các tín hữu Kitô cho biết ngài đã nhận được một số phản ứng tiêu cực từ các Giáo hội Kitô khác về Tuyên ngôn "Fiducia supplicans", Lòng tín thác khẩn xin, của Bộ Giáo lý đức tin về việc chúc lành cho các cặp bất hợp lệ, trong đó có các cặp đồng phái.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho Ðài Vatican, hôm 18 tháng Giêng năm 2024, Ðức Hồng y Koch, người Thụy Sĩ, nói rằng các tín hữu Chính thống Ðông phương đã yêu cầu điều này là trong cuộc gặp gỡ tuần tới đây ở Roma, có nói về Tuyên ngôn vừa nói của Bộ Giáo lý đức tin. Ðức Hồng y nói: "Tôi tin rằng trong cuộc đối thoại đại kết, chúng ta cần tái suy nghĩ về điều này: chúc lành là gì, và có tương quan thế nào với đạo lý và mục vụ? Những câu hỏi này, nay trở nên cấp thiết và cần phải nói về vấn đề đó. Ðức Hồng y Koch trả lời là tương quan ấy không thể áp dụng cho vấn đề rước lễ chung, nghĩa là những lý do mục vụ không thể biện minh cho việc cho rước lễ chung. Thật là điều không thích hợp khi đưa viễn tượng mục vụ vào vấn đề các tín hữu Kitô rước lễ chung."
Trong cuộc phỏng vấn, Ðức Hồng y Koch cũng cho biết tương quan đại kết của Công giáo với các Giáo hội Chính thống đang bị ảnh hưởng tiêu cực vì những căng thẳng trong nội bộ Chính thống giáo. "Ví dụ, hồi tháng Sáu năm ngoái, đã có khóa họp toàn thể của Ủy ban đối thoại đối thoại giữa Công giáo và Chính thống tại Alexandria bên Ai Cập, với sự tiếp đón quảng đại của Ðức Thượng phụ Giáo chủ Chính thống Copte, nhưng bốn Giáo hội Chính thống đã không cử đại diện đến dự, đó là Chính thống Nga, Serbia, Bulgari và Antiokia". Tình trạng này làm cho cuộc đối thoại với Giáo hội Chính thống trở thành một thách đố: một đàng chúng tôi không muốn, không thể và không muốn can thiệp vào Chính thống giáo. Ðàng khác, trung lập không có nghĩa là dửng dưng, nhưng dĩ nhiên chúng tôi bị thương tổn vì tình trạng đó".
Về tương quan đại kết giữa Công giáo với Tin lành và các Giáo hội Cải cách, Ðức Hồng y Koch ủng hộ việc khơi dậy chiều kích linh đạo của cuộc đối thoại. Khởi đầu phong trào đại kết có một phong trào cầu nguyện. "Ðức Giáo hoàng Biển Ðức XVI có lần đã diễn tả điều này với một hình ảnh đẹp, theo đó, con tàu đại kết sẽ không bao giờ ra khơi nếu không được một luồng gió kinh nguyện thúc đẩy". Trong Tin mừng theo thánh Gioan, Chúa Giêsu không ra lệnh hiệp nhất cho các môn đệ, vậy chúng ta có thể làm điều gì tốt hơn?
(Katholische.de 18-1-2024)