Ðức Thánh cha tiếp
Liên hiệp Quốc tế các Ðại học Công giáo
Ðức Thánh cha tiếp Liên hiệp Quốc tế các Ðại học Công giáo.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (RVA News 19-01-2024) - Trong buổi tiếp kiến sáng hôm 19 tháng Giêng năm 2024, dành cho Liên hiệp Quốc tế các Ðại học Công giáo, gọi tắt là FIUC, Ðức Thánh cha Phanxicô kêu gọi các Ðại học này hãy liên kết với nhau và ngài đặc biệt mời gọi các cơ sở giáo dục Công giáo góp phần xây dựng nền văn hóa hòa bình, trong một thế giới bị phân hóa và xung đột như ngày nay.
Hiện diện tại buổi tiếp kiến, có Ðức Hồng y Tổng trưởng Bộ Giáo dục Công giáo, José Tolentino de Mendonca, người Bồ Ðào Nha, và bà giáo sư Gil, Chủ tịch của Liên hiệp. Liên hiệp được Ðức Giáo hoàng Piô XII chính thức thành lập năm 1948.
Ðức Thánh cha ghi nhận rằng trên thế giới hiện nay có gần 2,000 đại học Công giáo: đó là những tiềm năng có thể phát triển một sự cộng tác hữu hiệu và củng cố hệ thống các Ðại học Công giáo. Tiếp đến, trong một thời đại có nhiều phân hóa, chúng ta phải có can đảm đi ngược dòng, hoàn cầu hóa sự hy vọng, hiệp nhất và hòa hợp, thay vì sự dửng dưng lãnh đạm, cực đoan hóa và những xung đột. Cụ thể là trong bối cảnh 'thế chiến thứ III từng mảnh' hiện nay, các đại học Công giáo hãy giữ vai chính trong việc xây dựng nền văn hóa hòa bình, trong các khía cạnh đa diện cần đương đầu bằng sự cộng tác liên ngành".
Ðức Thánh cha cũng đặc biệt "cảnh giác việc biến giáo dục trở thành một doanh nghiệp và hiện tượng những tài nguyên kinh tế lớn, vô danh, đầu tư trong các trường học và đại học, như người ta vẫn làm trong thị trường chứng khoán, các tổ chức của Giáo hội phải tỏ ra có một bản chất khác và tiến bước theo một tiêu chuẩn khác. Trong đại học phải có một sự say mê khác lớn hơn, phải coi sự tìm kiến chung sự thật, một chân trời ý nghĩa và được sống trong một cộng đoàn tri thức, trong đó lòng quảng đại của tình yêu phải là điều cụ thể".
Ðức Thánh cha cũng mời gọi các đại học Công giáo "đừng để cho những lo sợ hướng dẫn, ảnh hưởng trên các hoạt động của mình, tránh nguy cơ khép kín giữa những bức tường, trong một bong bóng xã hội an toàn, tìm cách tránh những rủi ro hoặc thách thức văn hóa, quay lưng lại với thực tế phức tạp và coi đó là một con đường đáng tin cậy nhất. Thái độ như vậy chỉ là ảo tưởng! Anh chị em đừng để cho một đại học Công giáo chỉ lập lại những bức tường tiêu biểu của các xã hội, trong đó chúng ta đang sống: những bức tường của sự chênh lệch, hạ giá con người, vô nhân đạo, bất bao dung, dửng dưng, và bao nhiêu kiểu mẫu nhắm củng cố cá nhân chủ nghĩa và không đầu tư vào tình huynh đệ".
(Rei 19-1-2024)