Ðức Tổng giám mục Ngoại trưởng Tòa Thánh:

Cần thương thuyết sớm hết sức có thể

 

Ðức Tổng giám mục Ngoại trưởng Tòa Thánh: Cần thương thuyết sớm hết sức có thể.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 24-12-2023) - Ngoại trưởng Tòa Thánh, Ðức Tổng giám mục Paul Gallagher, tuyên bố rằng về chiến tranh tại Trung Ðông, cần có một cuộc thương thuyết sớm bao nhiêu có thể.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho tuần báo "Roma Sette", phụ trương của báo Công giáo Ý Avvenire, Tương Lai, số ra ngày 21 tháng Mười Hai năm 2023, Ðức Tổng giám mục Gallagher, người Anh, nói rằng: "Chúng ta đã chứng kiến sự tàn ác kinh khủng, vào ngày 07 tháng Mười vừa rồi, không có biện minh nào có thể đưa ra cho những hành động đó. Nhưng chúng ta cũng chứng kiến những gì xảy ra sau đó. Cần có một cuộc thương thuyết sớm hết sức. Chúng tôi cầu mong rằng cuộc chiến tranh này không là nguyên nhân đưa tới các cuộc xung đột khác về tôn giáo và không lan rộng sang các nơi khác trên thế giới".

Về tình trạng chiến tranh tại Ucraina, từ gần hai năm nay, Ðức Tổng giám mục Ngoại trưởng Tòa Thánh tỏ ra rất lo âu: đây là một giai đoạn đứng yên, bế tắc, trong khi đó cả hai bên đều tiếp tục có thêm các nạn nhân. "Chúng tôi sẵn sàng giúp làm trung gian. Ðiều này chúng tôi có thể giúp về mặt nhân đạo. Chúng tôi tiếp tục dùng những liên lạc, vận động, để giúp trao đổi các tù bình và giúp dự án hồi hương các trẻ em Ucraina ở Nga. Chúng tôi phải nhận rằng kết quả của những cố gắng này thật ít ỏi. Nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục thực hiện".

Về việc Ðức Thánh cha có thể viếng thăm hay không, Ðức Tổng giám mục Gallagher cho biết Ðức Giáo hoàng vẫn rất sẵn sàng đi Ucraina cũng như Nga. Ðó sẽ là một dấu chỉ tiến bộ trong việc bình định. "Rất tiếc là chúng tôi không nghĩ điều đó có thể sớm thực hiện được. Ðiều rõ ràng là cuộc viếng thăm này tùy thuộc hai bên trong cuộc xung đột. Tôi tin rằng một cuộc viếng thăm của Ðức Giáo hoàng là điều được hai bên đồng ý."

Trong cuộc phỏng vấn, Ngoại trưởng Tòa Thánh cũng nhấn mạnh cuộc khủng hoảng sâu đậm của Liên Hiệp Quốc và các tổ chức đa phương. Nhiều cơ quan Liên Hiệp Quốc đóng góp phần quan trọng trong những vùng chiến tranh, nhưng trên bình diện chính trị và ngoại giao, cuộc khủng hoảng thật là sâu đậm. Cần có một cuộc cải tổ mà từ nhiều năm người ta vẫn nói đến, đặc biệt là cải tổ Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc; giờ đây người ta càng xác tín về sự cải tổ cần thiết này. Có lẽ vấn đề ở đây là củng cố vai trò của Ðại hội đồng Liên Hiệp Quốc, nới rộng các thành viên không thường trực của Hội đồng bảo an, hoặc có thể là thay đổi qui luật. Tòa Thánh cho rằng những cơ quan này phải đảm trách nhiều hơn về các vấn đề chủ yếu liên quan tới toàn thể nhân loại".

(Vatican News 22-12-2023)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page