Sứ vụ loan báo Tin mừng

có liên hệ đến mọi tín hữu

 

Tiếp kiến chung của Ðức Thánh cha: Sứ vụ loan báo Tin mừng có liên hệ đến mọi tín hữu.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 14-12-2023) - Sáng thứ Tư, ngày 13 tháng Mười Hai năm 2023, Ðức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến chung khoảng hơn 3,000 tín hữu hành hương, tại Ðại thính đường Phaolô VI ở nội thành Vatican.

Buổi tiếp kiến mở đầu, như thường lệ, với phần lắng nghe Lời Chúa, với một đoạn trích từ chương 7 của Tin mừng theo thánh Marco (7,31-35):

[Chúa Giêsu] ra khỏi miền Tiro, đi qua Sidone, tiến về vùng biển Galilea thuộc lãnh thổ miền Thập Tỉnh. Người ta mang đến cho Người một người câm điếc và xin Người đặt tay. Người đưa đương sự ra chỗ riêng, xa đám đông, đặt những ngón tay vào tai và lấy nước miếng chạm vào lưỡi người ấy; rồi ngước mắt lên trời, Người thở ra và nói: "Effata" nghĩa là "Hãy mở ra!". Tức thì tai người ấy nghe được, lưỡi được tháo cởi và nói rõ ràng".

Bài huấn giáo

Trong phần huấn giáo tiếp đó, Ðức Thánh cha tiếp tục loạt bài về "sự hăng say loan báo Tin mừng: lòng nhiệt thành tông đồ của tín hữu". Bài thứ 30 này, cũng là bài cuối cùng trong loạt bài về chủ đề nói trên, có tựa đề: "Effata, hỡi Giáo hội hãy mở ra!".

Mở đầu bài huấn giáo, Ðức Thánh cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

"Hôm nay, chúng ta kết thúc chu kỳ bàn về lòng nhiệt thành tông đồ, qua đó chúng ta để cho Lời Chúa, cuộc sống của một số chứng nhân và giáo huấn gần đây của Hội thánh hun đúc lòng hăng say loan báo Tin mừng. Tôi lập lại rằng lòng hăng say đó liên quan đến mỗi Kitô hữu, ngay từ đầu. Chúng ta hãy nghĩ đến sự kiện trong bí tích Rửa tội, vị cử hành vừa nói vừa chạm đến tai và môi của người được rửa tội: "Xin Chúa Giêsu, Ðấng đã làm cho người điếc được nghe, và người câm nói được, ban cho con sớm lắng nghe lời Chúa, và tuyên xưng đức tin của con". Chúng ta xin Thiên Chúa làm cho chúng ta trở nên những người nghe và loan báo Chúa Giêsu. Ðó là nghi thức Effatà, hãy mở ra: từ này xuất phát chính từ dấu lạ Chúa Giêsu đã làm, mà chúng ta đã nghe vừa rồi và tôi muốn chia sẻ với anh chị em về điều này (Xc Mc 7,31-35).

Miền dân ngoại

Thánh sử Marco mô tả chi tiết những gì xảy ra: "Hướng về biển Galilea ở giữa miền Thập Tỉnh", sau khi Chúa Giêsu ra khỏi miền Tiro, đi qua miền Sidon" (v.31). Hai nơi này có điểm gì chung? Ðó là miền đa số là dân ngoại. Thực vậy, các môn đệ thân cận của Chúa Giêsu dường như không thích sự "xâm nhập" này của Chúa Giêsu, trái lại chính tại đó, Chúa chữa lành một người câm điếc. Trước đó, trong toàn Cựu ước, không có cuộc chữa khỏi bệnh nào cho người câm và điếc. Chúng ta hãy nhớ rằng ý nghĩa sự câm điếc trong Kinh thánh thường có tính cách biểu tượng và chỉ sự khép kín đối với tiếng gọi của Thiên Chúa. Những người khép kín ở đây là các môn đệ và Chúa Kitô dường như nói với họ: ngài thực hiện cử chỉ "đi ra một nơi riêng" (Xc v.33) và mỗi lần Tin mừng theo thánh Marco dùng thành ngữ này, đều có ý nói về sự thiếu cảm thông của họ. Vì thế, dường như Chúa Giêsu, khi đưa các môn đệ ra khỏi những an ninh của các lãnh thổ quen thuộc và chữa lành một người thuộc dân ngoại để họ có thể lắng nghe Tin mừng, Ngài muốn các môn đệ đón nhận lời mời gọi hãy bỏ các biên giới chật hẹp của một dân tộc hoặc một cái khuôn khổ tôn giáo để loan báo sự hiện diện cứu độ và giải thoát của Thiên Chúa cho tất cả mọi người: người ngoại quốc, người ở xa, người bị điếc trong thân xác và tâm hồn, người không nói cùng một ngôn ngữ.

Một dấu hiệu khác cho thấy rõ: Tin mừng thuật lại lời quyết định của Chúa Giêsu bằng tiếng Aramaico, ngôn ngữ Ngài thường dùng để nói với các môn đệ. Effatà có nghĩa là "hãy mở ra" và là một lời mời gọi không phải cho người câm điếc, họ không thể nghe thấy, nhưng là cho các môn đệ lúc ấy và trong mọi thời. Cả chúng ta, chúng ta đã nhận được lời mời Effata của Thánh Linh trong bí tích Rửa tội. Chúng ta được kêu gọi hãy mở ra. Chúa Giêsu nói "Hãy mở ra" với mỗi tín hữu và Giáo hội của Ngài: Hãy mở ra vì sứ điệp Tin mừng cần đến con người để được làm chứng và loan báo! Hãy mở ra, đừng khép kín trong thứ tôn giáo thoải mái và trong lập trường "Trước đến giờ vẫn làm như vậy!" Hãy mở ra, hỡi Giáo hội, đối với hơi thở của Chúa Thánh Linh, đang thúc đẩy hãy trở nên thừa sai, người loan báo Tin mừng!

Hơi thở

Chúng ta ghi nhận một chi tiết nữa: Chúa Giêsu dùng nước bọt chạm đến lưỡi của người câm điếc. Theo tâm thức thời ấy, người ta nghĩ đó là một một "hơi thở cô đọng": không phải tình cờ mà Tin mừng nhấn mạnh rằng Chúa Kitô, trước khi nói Effatà, "đã thở dài" (Xc v.34). Hơi thở và thở dài: đó là sự thông truyền Thánh Linh, để tái mở ra và lưỡi được gỡ ra. Ðó là một lời mời gọi đối với cả chúng ta hãy tìm lại niềm vui của sứ vụ trong lửa của Thánh Linh. Thực vậy, đà tiến truyền giáo không phải là một sự tuyên truyền để đạt được sự đồng thuận, không phải là chiêu dụ tín đồ, và càng không phải là làm đầy đầu óc bằng những ý niệm, nhưng là thắp lên những tia lửa tình yêu Thiên Chúa trong tâm hồn. Diễn giải một thành ngữ đẹp, chúng ta có thể nói rằng con tim của những người mà chúng ta loan báo "không phải là một chiếc bình cần đổ đầy, nhưng là một ngọn lửa cần khơi lên". Vì thế, lòng nhiệt thành tông đồ không tùy thuộc cách tổ chức, nhưng là lòng hăng say; nó không được đo lường bằng sự đồng thuận mà chúng ta nhận được, nhưng bằng tình yêu mà chúng ta trao ban.

Cả về cuối Tin mừng, Chúa Giêsu ủy thác cho chúng ta ước muốn truyền giáo. Chính trong trang cuối cùng của Tin mừng Gioan (Xc 21,1-18), Chúa trao cho Phêrô sứ mạng chăn dắt các chiên của Ngài, là mục tử đối với tất cả mọi người. Thực vậy, Ngài ủy thác cho thánh nhân trách vụ tại Galilea, trong một miền có nhiều dân tứ chiếng trong lãnh thổ bấy giờ. Chúa Giêsu giao trách nhiệm cho Phêrô tại đó: không phải tại Jerusalem, là nơi tôn giáo tinh tuyền và mang căn tính, nhưng tại miền Galilea của dân ngoại, và ngài làm điều đó sau mẻ cá lạ lùng với 153 con cá lớn, con số gợi lại tất cả các dân tộc hiện diện trên thế giới (Xc v. 11). Sứ điệp thật là rõ: để là những mục tử của Dân Chúa, cần phải là những người đánh cá người, sẵn sàng rời bỏ bờ bến an ninh của mình để ra khơi với Tin mừng trong biển trần thế.

Và Ðức Thánh cha kết luận rằng: Anh chị em, tất cả chúng ta hãy cảm thấy được kêu gọi, trong tư cách là những người đã chịu phép rửa, làm chứng và loan báo Chúa Giêsu. Và chúng ta hãy xin ơn, trong tư cách là Giáo hội, biết thực hiện một sự hoán cải mục vụ và thừa sai. Chúa bên bờ biển Galilea đã hỏi Phêrô xem ông có yêu mến Ngài hay không, rồi bảo ông hãy chăn dắt các chiên của Ngài (Xc vv.15-17). Cả chúng ta cũng hãy tự hỏi: tôi có thực sự yêu mến Chúa hay không, đến độ muốn loan báo Ngài? Tôi có muốn trở thành chứng nhân hay tôi chỉ hài lòng là môn đệ của Chúa? Tôi có quan tâm đến những người tôi gặp gỡ, đưa họ về với Chúa Giêsu trong kinh nguyện hay không? Tôi có muốn làm một cái gì đó để niềm vui Tin mừng, đã biến đổi đời tôi, làm cuộc đời của họ được đẹp hơn hay không?

Chào thăm và kêu gọi

Sau bài giáo lý trên đây là phần tóm tắt ra nhiều thứ tiếng với lời chào thăm của Ðức Thánh cha.

Khi chào bằng tiếng Ý, Ðức Thánh cha nhắc đến nhiều nhóm hiện diện và nói rằng: "Tôi chào thăm các bạn trẻ, người cao tuổi và các bệnh nhân, các đôi tân hôn. Hôm nay, phụng vụ kính nhớ thánh nữ Lucia, trinh nữ tử đạo. Tại một số miền ở Ý và Âu châu có thói quen trao đổi quà tặng Giáng sinh đến gần. Tôi muốn mời gọi tất cả anh chị em hãy trao đổi món quà tình bạn và chứng tá Kitô.

Và chúng ta không quên xin ơn hòa bình cho các dân tộc đang đau khổ vì chiến tranh, nhất là Israel, Palestine và Ucraina đau thương.

Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Ðức Thánh cha.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page