Chúng ta hãy nhìn thời đại

và văn hóa chúng ta như một hồng ân

 

Tiếp kiến chung của Ðức Thánh cha: Chúng ta hãy nhìn thời đại và văn hóa chúng ta như một hồng ân.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 30-11-2023) - Sáng thứ Tư, ngày 29 tháng Mười Một năm 2023, Ðức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến chung hơn 6,000 tín hữu hành hương, tại Ðại thính đường Phaolô VI ở nội thành Vatican vì trời lạnh.

Như thường lệ, buổi tiếp kiến mở đầu với phần lắng nghe Lời Chúa.

Mọi người nghe đọc đoạn thư thứ I của thánh Phêrô tông đồ (1 Pr 15-16): "Anh chị em hãy tôn thờ Chúa Kitô trong tâm hồn mình, luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai hỏi lý do tại sao anh chị em hy vọng. Tuy nhiên, điều này được thực hiện trong sự dịu dàng và tôn trọng, với một lương tâm ngay chính, vì trong chính lúc người ta nói xấu anh chị em, thì những kẻ nói xấu cách ăn ở tốt của anh chị em phải xấu hổ".

Bài huấn giáo

Trong phần huấn giáo tiếp đó, Ðức Thánh cha tiếp tục loạt bài về "sự hăng say loan báo Tin mừng: lòng nhiệt thành tông đồ của tín hữu". Bài thứ hai mươi tám này có tựa đề: "Loan báo là cho hôm nay". Vì giọng của Ðức Thánh cha còn yếu sau khi bị cảm, nên Ðức ông Filippo Campanelli, thuộc Phủ Quốc vụ khanh, đã đọc thay ngài bài huấn giáo sau đây:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Những lần trước đây chúng ta đã thấy rằng việc loan báo theo tinh thần Kitô là niềm vui và cho tất cả mọi người. Hôm nay chúng ta xem một khía cạnh thứ ba: loan báo là cho ngày hôm nay.

Người ta hầu như luôn nghe nói về những bất hạnh ngày nay. Chắc chắn, giữa những chiến tranh, thay đổi khí hậu, những bất công trên trái đất và các cuộc di cư, khủng hoảng về gia đình và hy vọng, không thiếu những động lực gây ra lo âu. Nói chung, ngày nay dường như người ta quen với một thứ văn hóa đặt cá nhân lên trên mọi sự và đặt kỹ thuật ở trung tâm tất cả, với khả năng của nó giải quyết nhiều vấn đề và với những tiến bộ vượt bậc trong các lãnh vực. Nhưng đồng thời thứ văn hóa tiến bộ kỹ thuật - cá nhân này làm cho người ta khẳng định một thứ tự do không muốn có những giới hạn và tỏ ra dửng dưng đối với ai bị bỏ lại đằng sau. Và như thế, nó làm cho những khát vọng lớn của con người phải theo những tiêu chuẩn thường là tham lam của kinh tế, với một quan điểm về cuộc sống loại bỏ những ai không sản xuất và khó nhìn xa hơn những gì trước mắt. Thậm chí, chúng ta có thể nói rằng chúng ta đang ở trong nền văn minh đầu tiên của lịch sử, cố tổ chức một xã hội loài người trên toàn cầu mà có sự hiện diện của Thiên Chúa, tập trung vào những thành phố đồ sộ vẫn tiếp tục nằm ngang cho dù chúng có những tòa nhà chọc trời gây chóng mặt.

Ta nghĩ đến trình thuật về thành Babel và cây tháp của nó (Xc St 11,1-9). Tại đó, người ta kể lại một dự phóng xã hội dự kiến hy sinh mọi cá nhân tính cho hiệu năng của tập thể. Nhân loại nói một ngôn ngữ duy nhất - thậm chí chúng ta có thể nói họ có một "ý tưởng duy nhất" - như thể được bọc trong một thứ mê hoặc chung nào đó, hút mất đặc sắc riêng của mỗi người trong một bong bóng đồng nhất. Bấy giờ, Thiên Chúa làm cho các ngôn ngữ hỗn độn, nghĩa là tái lập những khác biệt, tái tạo những điều kiện để họ có thể phát triển những đặc tính riêng, hồi phục sự đa dạng tại nơi mà ý thức hệ muốn áp đặt sự độc nhất. Chúa tước bỏ nhân loại khỏi cơn mê sảng say về sự toàn năng: "Chúng ta hãy tạo cho chúng ta một danh tiếng", dân thành Babel phấn khởi nói như thế (v.4). Họ muốn lên tới trời xanh, đặt mình vào chỗ Thiên Chúa. Nhưng những tham vọng của họ nguy hiểm, làm tha hóa, tàn phá, và Chúa làm xáo trộn những mong đợi đó. Ngài bảo vệ con người, ngăn ngừa một thảm họa đã được báo trước.

Trình thuật này thật là thời sự: cả ngày nay, sự gắn kết, thay vì dựa trên tình huynh đệ và hòa bình, thì thường dựa trên tham vọng, trên những chủ nghĩa quốc gia, trên sự tương hợp, trên những cơ cấu kinh tế-kỹ thuật ghi tạc tin tưởng rằng Thiên Chúa thật là vô nghĩa lý và vô ích: không phải vì người ta tìm cách biết nhiều hơn cho bằng người ta tìm cách có nhiều quyền lực hơn. Ðó là một cám dỗ tràn ngập những thách đố lớn của nền văn hóa ngày nay.

Loan báo Chúa Giêsu bằng chứng tá

Trong tông huấn Evangelii Gaudium, Niềm vui Tin mừng, tôi đã thử mô tả vài trường hợp (Xc nn.52-75), nhưng nhất là tôi đã mời gọi "thực hiện một sự loan báo Tin mừng, soi sáng những cách thức mới tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân, với môi trường, và khơi lên những giá trị cơ bản. Cần đi tới nơi mà những trình thuật và mô thức mới, để nhờ Lời Chúa Giêsu mà đạt tới những nòng cốt sâu xa hơn của linh hồn đô thị" (n.74). Nói khác đi, ta chỉ có thể loan báo Chúa Giêsu ở trong văn hóa thời đại của mình; luôn tâm niệm những lời thánh Phaolô về ngày hôm nay: "Ðây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ!" (2 Cr 6,2). Vì thế, không cần đối nghịch với ngày hôm nay những cái nhìn khác đến từ quá khứ. Và cũng chẳng đủ khi chỉ tái khẳng định những xác tín tôn giáo đã thủ đắc, tuy là chân thực, nhưng trở nên trừu tượng với thời gian qua đi. Một chân lý không thể trở nên đáng tin hơn vì người ta to tiếng khi thông báo nó, nhưng đến từ cuộc sống chứng tá.

Loan báo Tin mừng ngày nay

Lòng nhiệt thành tông đồ không bao giờ chỉ là lập lại một kiểu cách đã thủ đắc, nhưng là làm chứng rằng Tin mừng ngày nay sinh động ở đây cho chúng ta. Ý thức về điều đó, chúng ta hãy nhìn thời đại và văn hóa chúng ta như một hồng ân. Nó là của chúng ta, và loan báo Tin mừng không có nghĩa là phán xét chúng từ xa, và cũng chẳng phải là đứng ở bao lơn hô lớn tên Chúa Giêsu, nhưng là bước xuống đường, đi tới những nơi người ta sinh sống, lui tới những nơi người ta đau khổ, làm việc, học hành và suy tư, ở ngã tư đường, trong đó con người chia sẻ điều có ý nghĩa cho cuộc sống của họ. Có nghĩa là, trong tư cách là Giáo hội, "là men đối thoại, gặp gỡ, hiệp nhất. Vả lại, chính những công thức đức tin của chúng ta là thành quả của một cuộc đối thoại và gặp gỡ giữa các nền văn hóa, các cộng đoàn và cấp độ khác nhau. Chúng ta không được sợ đối thoại: đúng hơn, chính sự đối chiếu và phê phán giúp chúng ta bảo vệ thần học khỏi biến thành ý thức hệ" (Diễn văn tại Hội nghị toàn quốc kỳ 5 của Giáo Hội Ý, Firenza, 10-11-2015).

Ði ra ngoài

Cần đứng ở ngã tư đường thời nay. Ði ra khỏi đó có nghĩa là làm nghèo Tin mừng và thu hẹp Giáo hội vào một giáo phái. Trái lại, lui tới các ngã tư đường, giúp chúng ta, các Kitô hữu, hiểu theo một thể thức mới những lý do tại sao chúng ta hy vọng, để rút ra và chia sẻ từ kho tàng đức tin "những điều mới và cũ" (Mt 13,52). Tóm lại, thay vì muốn hoán cải thế giới ngày nay, chúng ta cần hoán cải mục vụ để nó thể hiện hơn Tin mừng ngày nay (Xc E.V 25). Chúng ta hãy nhận lấy ước muốn của Chúa Giêsu: giúp đỡ những bạn đồng hành đường bị lạc mất ước muốn Thiên Chúa, để mở lòng cho Chúa và tìm thấy điều duy nhất ngày nay và mãi mãi mang lại an bình và niềm vui cho con người".

Chào thăm và kêu gọi

Sau khi Ðức Thánh cha trình bày bằng tiếng Ý, bài huấn dụ trên đây được tóm tắt trong nhiều thứ tiếng cho các nhóm tín hữu thuộc các ngôn ngữ khác nhau. Ðức Thánh cha cầu chúc tất cả một Mùa vọng tốt đẹp.

Có một nhóm các bạn trẻ nam nữ thuộc ngành xiếc đã trình diễn các tiết mục để mang lại niềm vui cho mọi người.

Bằng tiếng Ý, Ðức Thánh cha nhắc đến nhiều nhóm tín hữu hành hương, trong đó có cả các quân nhân thuộc lữ đoàn cơ giới "Aosta", đoàn lính quan thuế, và các tham dự viên lễ hội các tài năng về ngành xiếc của Ý. Ðức Thánh cha không quên chào những người cao tuổi, các bệnh nhân và các đôi tân hôn, cũng như đông đảo người trẻ, đặc biệt là nhóm học sinh. Ngài mời gọi họ hãy xem thời gian đang qua đi với cái nhìn đức tin, luôn tín thác nơi Chúa Quan Phòng, Ðấng hướng dẫn và đồng hành với những bước đường của chúng ta.

Ðức Thánh cha nói thêm rằng: "Chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho tình trạng trầm trọng tại Israel và Palestine. Tôi cầu mong cuộc ngưng chiến được tiếp tục ở Gaza, để tất cả các con tin được trả tự do và các đồ cứu trợ được đưa tới cho dân chúng. Chúng ta đừng quên nhân dân Ucraina yêu quý đang chịu rất nhiều đau khổ. Anh chị em, chiến tranh luôn luôn là một thất bại. Tất cả đều bị mất mát, ngoại trừ một nhóm được lợi rất nhiều, đó là những nhà chế tạo võ khí. Họ kiếm lợi thật nhiều trên cái chết của những người khác.

Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Ðức Thánh cha.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page