Tòa Thánh chúc mừng các tín hữu Ấn giáo
Tòa Thánh chúc mừng các tín hữu Ấn giáo.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (RVA News 07-11-2023) - Trong sứ điệp chúc mừng các tín hữu Ấn giáo nhân đại lễ Diwali, Tòa Thánh mời gọi cộng tác vào việc xây dựng hòa bình thế giới, qua việc dấn thân đối thoại liên tôn và các sáng kiến thăng tiến công ích.
Diwali hay cũng gọi là Deepavali, là đại lễ của Ấn giáo, tượng trưng sự chiến thắng tinh thần của ánh sáng trên bóng tối, sự thiện trên sự ác, và tri thức trên u mê. Ánh sáng của Divali có nghĩa là đây là thời điểm phá tan mọi ước muốn và tư tưởng đen đối của chúng ta và mang lại sức mạnh cũng như lòng nhiệt thành thi hành những thiện ý suốt năm. Lễ này kéo dài 5 ngày và năm 2023 bắt đầu từ Chúa nhật, ngày 12 tháng Mười Một năm 2023.
Sứ điệp, mang chữ ký của Ðức Hồng y Miguel Ángel Ayuso Guixot, người Tây Ban Nha, Bộ trưởng Bộ Ðối thoại Liên tôn của Tòa Thánh và Ðức ông Tổng thư ký, Indunil Kankanamalage người Sri Lanka, trong đó nhắc đến năm nay là kỷ niệm 60 năm Thông điệp "Pacem in terris", Hòa bình dưới thế, do Ðức Giáo hoàng Gioan XXIII ban hành giữa lúc thế giới bị xáo trộn cao độ và ở bên vực thẳm chiến tranh hạt nhân. Nhân kỷ niệm này, hai vị lãnh đạo của Tòa Thánh chia sẻ với các tín hữu Ấn giáo vài suy tư về việc xây dựng hòa bình trong sự thật, công lý, tình thương và tự do.
Giáo huấn của Thông điệp "Hòa bình dưới thế" trong 60 năm qua, đã tạo nên ý thức nhiều hơn nơi con người trên thế giới về sự cần thiết phải tôn trọng phẩm giá siêu việt của mỗi người, các quyền hợp pháp và trách nhiệm chung hoạt động để mưu công ích trong tinh thần liên đới. "Tuy nhiên, việc thực hiện lời ngôn sứ về hòa bình vẫn còn là một giấc mơ xa vời, chỉ có thể thực hiện được qua những cố gắng cộng tác giữa con người thuộc mọi truyền thống tôn giáo và mọi lãnh vực của xã hội. Những cố gắng này phải được tiếp tục và tiến triển thêm".
Sứ điệp của Tòa Thánh khẳng định rằng: "Những sáng kiến nhắm thăng tiến hòa bình và công ích phổ quát không được chiều theo thái độ bi quan, nản chí và buông xuôi. Những thái độ này có thể do sự coi rẻ phẩm giá con người, phủ nhận hoặc giới hạn các quyền và tự do cơ bản của các công dân, kể cả quyền tự do tôn giáo, và do sự thiếu bao dung, oán ghét, bất công và kỳ thị, bạo lực và gây hấn chống những người khác biệt về chủng tộc, văn hóa, kinh tế, ngôn ngữ và tôn giáo".
"Trong những cố gắng của chúng ta để góp phần xây dựng một thế giới hòa bình, khi sử dụng những phương thế trong tầm tay, chúng ta phải tăng cường những cột trụ hòa bình. Vì thế các gia đình, được gương của cha mẹ và những người cao niên hướng dẫn, cũng như các tổ chức và phương tiện truyền thông, phải giữ một vai trò trổi vượt trong việc gợi lên ước muốn hòa bình và dạy các giá trị xây dựng an bình nơi những người nam nữ thuộc mọi lứa tuổi".
Sau cùng, hai vị lãnh đạo của Bộ Ðối thoại Liên tôn khẳng định rằng: "Sự đối thoại liên tôn cũng có một tiềm năng lớn trong việc nuôi dưỡng sự tín nhiệm lẫn nhau và tình bạn xã hội giữa các cộng đồng tôn giáo... Vì thế, các tôn giáo và các vị lãnh đạo tôn giáo có nhiệm vụ cố gắng khích lệ các tín hữu thuộc quyền trở thành những người có cuộc sống được ảnh hưởng của sự thật, công lý, tình thương và tự do".
(Sala Stampa 7-11-2023)