Tường trình Tổng hợp của Thượng Hội đồng

đề nghị những cách thức cổ vũ

một Giáo hội đồng nghị đã được thông qua

 

Tường trình Tổng hợp của Thượng Hội đồng đề nghị những cách thức cổ vũ một Giáo hội đồng nghị đã được thông qua.

Vũ Văn An

Vatican (VietCatholic News 28-10-2023) - Luke Coppen, trên tạp chí mạng The Pillar, ngày 29 tháng 10 năm 2023, cho hay: Những người tham gia Thượng Hội đồng về tính đồng nghị đã tán thành một báo cáo hôm thứ Bảy, 28 tháng 10 năm 2023, đề nghị những thay đổi có khả năng sâu rộng nhằm cổ vũ một Giáo hội đồng nghị.

"Tường trình tổng hợp" dài 42 trang - "Một Giáo hội đồng nghị trong sứ mệnh" - đã tóm tắt các cuộc thảo luận tại phiên họp đầu tiên của Phiên họp toàn thể thường lệ lần thứ XVI của Thượng hội đồng Giám mục, như tên gọi chính thức của thượng hội đồng về tính đồng nghị. Phiên họp thứ hai và cuối cùng sẽ được tổ chức tại Vatican vào tháng 10 năm 2024.

Theo một lược đồ bỏ phiếu được ban hành ngày 28 tháng 10 năm 2023, tất cả các phần của tường trình đã đạt được 2/3 số phiếu bầu cần thiết để đưa vào tài liệu. Một bản dự thảo, mà The Pillar đã có được một bản sao, được cho là đã thúc đẩy hơn 1,000 yêu cầu sửa đổi.

Hơn 400 người tham gia - những người ngồi tại các bàn tròn trong Hội trường Phaolô VI của Vatican, thay vì trong hội trường thượng hội đồng mới như thông lệ, trong sự kiện phần lớn đóng cửa - bao gồm hơn 300 thành viên bỏ phiếu, một tỷ lệ đáng kể những người "không phải là giám mục."

Tường trìn dài gần 21,000 từ, ban đầu chỉ được phát hành bằng tiếng Ý, đã đưa ra các đề nghị chi tiết nhằm thúc đẩy điều mà nó gọi là "phong cách đồng nghị" trong toàn Giáo hội.

Không phải là tài liệu cuối cùng

Các phiên họp tháng 10 năm 2023 và tháng 10 năm 2024 của thượng hội đồng về tính đồng nghị tạo thành "giai đoạn phổ quát" của một "tiến trình đồng nghị" hoàn cầu chưa từng có, do Ðức Giáo Hoàng Phanxicô phát động vào tháng 10 năm 2021.

Giai đoạn phổ quát theo sau "giai đoạn giáo phận" ban đầu, bao gồm các buổi lắng nghe địa phương và "giai đoạn lục địa", được đánh dấu bởi bảy hội đồng lục địa.

Thượng hội đồng về tính đồng nghị, với chủ đề là "Vì một Giáo hội đồng nghị: hiệp thông, tham gia và truyền giáo", đã được coi là cuộc tụ họp Công Giáo quan trọng nhất kể từ Công đồng Vat-ican II năm 1962-1965 và là trọng tâm trong triều giáo hoàng của Ðức Phanxicô. Thượng Hội Ðồng Giám Mục là một cơ quan cố vấn có thể đưa ra các đề nghị để Ðức Giáo Hoàng

Tường trình tổng hợp trình bày Thượng Hội đồng về tính đồng nghị trong bối cảnh Vatican II, mô tả nó như "một hành động tiếp nhận Công đồng thực sự, nối dài nguồn cảm hứng của Công đồng và khởi động lại sức mạnh tiên tri của Công đồng cho thế giới ngày nay".

Văn bản nhấn mạnh rằng đó không phải là "tài liệu cuối cùng" - tên được đặt cho các văn bản được ban hành vào cuối phiên họp thượng hội đồng bao gồm các khuyến nghị dành cho Ðức Giáo Hoàng - mà đúng hơn là "một công cụ phục vụ cho việc phân định liên tục".

Tường trình tổng hợp bao gồm phần giới thiệu, kết luận và ba phần, có tựa đề lần lượt là "Bộ mặt của Giáo hội đồng nghị", "Tất cả các môn đệ, tất cả các nhà truyền giáo" và "Kết nối các mối liên kết, tạo ra các cộng đồng".

Mỗi phần chứa các chủ đề phụ được chia thành ba tiêu đề: "các hội tụ", trong đó nêu bật các lĩnh vực nhất trí, "Các vấn đề cần xem xét", chỉ ra các chủ đề cần thảo luận thêm và "Ðề nghị", gợi ý các hành động chuyên biệt.

Xác định tính đồng nghị

Tường trình thừa nhận rằng thuật ngữ "tính đồng nghị" là "xa lạ đối với nhiều thành viên của dân Chúa" và gây ra "sự nhầm lẫn và quan ngại" ở một số giới.

Nó viết, "Tính đồng nghị có thể được hiểu là bước đi của các Kitô hữu với Chúa Kitô hướng tới Vương quốc, cùng với toàn thể nhân loại. Ðịnh hướng của nó là hướng tới sứ mệnh, và việc thực hành nó bao gồm việc họp nhau ở mỗi bình diện của đời sống giáo hội".

Nhưng bản văn lưu ý đến sự cần thiết phải "làm rõ ý nghĩa của tính đồng nghị ở các bình diện khác nhau".

Nó kêu gọi một "nghiên cứu đào sâu thuật ngữ và ý niệm về khái niệm và thực hành tính đồng nghị" trước phiên họp thứ hai của thượng hội đồng về tính đồng nghị, dựa trên tài liệu năm 2018 của Ủy ban Thần học Quốc tế "Tính đồng nghị trong đời sống và sứ mệnh của Giáo hội" (*) và tài liệu năm 2014 của Ủy ban Thần học Quốc tế văn bản "Cảm thức đức tin trong đời sống Giáo hội" (**).

Nó cũng nói rằng "một ủy ban đặc biệt liên lục địa gồm các nhà thần học và giáo luật" nên xem xét các ý nghĩa giáo luật của tính đồng nghị.

'Cảm thức đức tin'

Tường trình đã đề cập nhiều đến sensus fidei, hay "cảm thức đức tin", một thuật ngữ thần học mà ý nghĩa và cách áp dụng của nó đôi khi còn gây tranh cãi trong Giáo hội.

Bản văn viết: "Trước khi có bất cứ sự phân biệt nào về các đặc sủng và thừa tác vụ, 'tất cả chúng ta đều đã được rửa bởi một Thánh Linh để trở nên một thân thể' (1 Cr 12:13). Vì vậy, giữa tất cả những người đã được rửa tội, có sự bình đẳng thực sự về phẩm giá và trách nhiệm chung đối với việc truyền giáo."

"Bằng việc xức dầu của Chúa Thánh Thần, Ðấng 'dạy mọi sự' (1 Ga 2:27), mọi tín hữu đều có bản năng tiếp thu chân lý của Tin Mừng, tức sensus fidei (cảm thức đức tin). Nó hệ ở một tính đồng bản tính [connaturality] nào đó đối với các thực tại thần linh và khả năng nắm bắt những gì phù hợp với chân lý đức tin một cách trực giác".

"Các tiến trình đồng nghị làm tăng giá trị của hồng ân này và cho phép xác minh sự hiện hữu của đồng thuận đó của các tín hữu (consensus fidelium), vốn là một tiêu chuẩn chắc chắn để xác định liệu một học thuyết hoặc thực hành đặc thù có thuộc về đức tin Tông đồ hay không."

Ngôn ngữ phụng vụ

Bản văn bản cho biết "có một nhu cầu được tường trình rộng rãi là làm cho ngôn ngữ phụng vụ trở nên dễ tiếp cận hơn đối với các tín hữu và hiện thân rõ hơn trong sự đa dạng của các nền văn hóa".

Nó viết, "Không đặt câu hỏi về tính liên tục với truyền thống nghi lễ và sự cần thiết của việc đào tạo phụng vụ, việc suy gẫm về vấn đề này và việc quy trách nhiệm lớn hơn cho các hội đồng giám mục trong lĩnh vực này được thúc đẩy, theo các đường hướng của tự sắc Magnum Principi-um".

Nhưng bản văn đưa ra lời cảnh cáo liên quan đến các thử nghiệm "các hình thức phân quyền", nhấn mạnh sự cần thiết phải có "một khuôn khổ chung để quản lý và đánh giá" cũng như sự phân định "theo phong cách đồng nghị".

Nó cũng kêu gọi sự tham gia của người Công Giáo bản địa "vào diễn trình ra quyết định ở mọi bình diện", nói rằng điều này "có thể đóng góp cho một Giáo hội sôi động và truyền giáo hơn".

Các Giáo Hội Công Giáo Ðông phương

Chuyển sang 23 Giáo Hội Công Giáo Ðông phương tự trị hiệp thông hoàn toàn với Rôma, tường trình đề cập đến đề nghị thành lập một hội đồng nối kết những người đứng đầu các Giáo Hội Công Giáo Ðông phương với Ðức Giáo Hoàng, cũng như "ủy ban chung gồm các nhà thần học Ðông phương và Latinh, các nhà sử học và các nhà giáo luật" để giải quyết các vấn đề phức tạp.

Nó cũng kêu gọi "sự đại diện thoả đáng của các thành viên các Giáo Hội Công Giáo Ðông phương trong các cơ quan của Giáo triều Rôma".

Lòng hiếu khách Thánh Thể

Trong phần về phong trào đại kết, tường trình kêu gọi xem xét sâu hơn về "lòng hiếu khách Thánh Thể", được biết đến trong tiếng Latinh là communicatio in sacris [hiệp thông trong các bí tích], trong đó các Kitô hữu rước lễ tại các nhà thờ bên ngoài hiệp thông của họ. Nó cho biết sự suy tư này đặc biệt quan trọng đối với các cặp vợ chồng liên giáo hội.

Vai trò của giáo dân

Bản văn lưu ý rằng nhiều thành viên phiên họp đã nhấn mạnh đến mối nguy hiểm của việc "'giáo sĩ hóa' giáo dân, tạo ra một loại tầng lớp giáo dân ưu tú vốn duy trì sự bất bình đẳng và chia rẽ giữa dân Chúa".

Nhưng nó nói rằng những người tham gia cũng kêu gọi "có nhiều tính sáng tạo hơn trong việc thành lập các thừa tác vụ [giáo dân] theo nhu cầu của các Giáo hội địa phương, với sự tham gia đặc biệt của giới trẻ".

Nó nói, "Người ta có thể nghĩ đến việc mở rộng hơn nữa các trách nhiệm được giao cho thừa tác vụ đọc sách hiện tại, những trách nhiệm vốn đã được coi là rộng hơn những trách nhiệm được thực hiện trong phụng vụ. Ðiều này có thể trở thành một thừa tác vụ đầy đủ hơn về Lời Chúa, mà trong những bối cảnh thích hợp, cũng có thể bao gồm cả việc rao giảng."

Bản văn cũng thả nổi ý tưởng về một thừa tác vụ mới "được giao cho các cặp vợ chồng cam kết hỗ trợ cuộc sống gia đình và đồng hành với những người chuẩn bị lãnh nhận bí tích hôn nhân".

Phụ Nữ Trong Giáo Hội

Trong một đoạn quan trọng, tường trình cho biết: "Có một nhu cầu cấp thiết là bảo đảm để phụ nữ có thể tham gia vào diễn trình ra quyết định và đảm nhận các vai trò trách nhiệm trong việc chăm sóc mục vụ và thừa tác vụ".

Nó nói thêm, "Ðức Giáo Hoàng đã tăng đáng kể số lượng phụ nữ nắm giữ các vị trí có trách nhiệm trong Giáo triều Rôma. Ðiều tương tự cũng nên xảy ra ở các bình diện khác của đời sống Giáo hội. Giáo luật phải được điều chỉnh cho phù hợp."

Cuộc tranh luận về nữ phó tế

Dù thừa nhận những khác biệt về ý kiến đối với chủ đề tại phiên họp, bản văn lưu ý rằng "nghiên cứu thần học và mục vụ về khả năng tiếp cận chức phó tế của phụ nữ" sẽ tiếp tục, dựa trên các ủy ban do Ðức Giáo Hoàng Phanxicô thành lập, cũng như công việc của ngành học giả trước đây.

Nó nói rằng "nếu có thể, kết quả sẽ được trình bày tại phiên họp tiếp theo của phiên họp" vào tháng 10 năm 2024.

Tóm tắt nhiều quan điểm về chủ đề này, nó cho biết: "Ðối với một số người, bước này sẽ không thể chấp nhận được vì họ coi đó là sự gián đoạn với Truyền thống. Tuy nhiên, đối với những người khác, việc trao cho phụ nữ chức phó tế sẽ khôi phục việc thực hành của Giáo hội sơ khai".

"Những người khác vẫn coi đây là một phản ứng thích hợp và cần thiết trước những dấu chỉ của thời đại, trung thành với Truyền thống, và là một phản ứng sẽ tìm thấy tiếng vang trong tâm hồn của nhiều người đang tìm kiếm nguồn năng lực và sức sống mới trong Giáo hội".

"Một số người bày tỏ lo ngại rằng yêu cầu này nói lên một sự nhầm lẫn đáng lo ngại về mặt nhân học, mà nếu được chấp nhận, sẽ khiến Giáo hội phải tuân theo tinh thần của thời đại".

Các đoạn đề cập đến các nữ phó tế nhận được nhiều phiếu "không" nhất trong số những người tham gia. Họ lần lượt bị vượt qua với tỷ số 277-69 và 279-67.

Tường trình cũng kêu gọi phụ nữ "được lồng vào các chương trình giảng dạy và đào tạo tại chủng viện," như trường hợp đã xảy ra ở nhiều nước phương Tây.

Nó nói rằng các bản văn phụng vụ và các tài liệu của Giáo hội nên "chú ý hơn không những đến việc sử dụng ngôn ngữ coi nam và nữ như nhau, mà còn bao gồm nhiều từ ngữ, hình ảnh và câu chuyện thu hút sức sống mạnh mẽ hơn trên trải nghiệm của phụ nữ."

Các dòng tu

Ðề cập đến vai trò của các dòng tu trong đời sống Giáo hội, tài liệu kêu gọi sửa đổi Mutuae relationes [các mối liên hệ hỗ tương], một tài liệu năm 1978 về mối liên hệ giữa các giám mục và các tu sĩ, dưới ánh sáng của tính đồng nghị, liên quan đến tất cả những người bị ảnh hưởng bởi chủ đề này.

Các linh mục và phó tế

Bản văn kêu gọi "đặc biệt chú ý" đến việc đào tạo các linh mục và phó tế, "để tránh những nguy cơ của chủ nghĩa hình thức và ý thức hệ dẫn đến thái độ độc đoán".

Nó đề nghị một "sự xem xét kỹ lưỡng về việc đào tạo thừa tác vụ thụ phong" theo quan điểm tính đồng nghị, bao gồm cả Ratio Fundamentalis (lý lẽ nền tảng], một tài liệu đặt ra các nguyên tắc cho việc đào tạo linh mục.

Nó cũng yêu cầu "xem xét thêm" vấn đề độc thân linh mục, đồng thời lưu ý những ý kiến trái ngược nhau giữa các đại biểu. Ðoạn này đã nhận được số phiếu "không" đáng chú ý nhưng đã được thông qua với tỷ lệ 291-55.

Cũng thu được một số lượng đáng kể số phiếu "không" (61) là một đoạn viết: "Những điều không chắc chắn xung quanh thần học về chức phó tế có liên quan đến sự kiện nó chỉ được khôi phục lại cho một thừa tác vụ phẩm phẩm trật riêng biệt và vĩnh viễn trong Giáo hội Latinh." kể từ Công đồng Vatican II. Nghiên cứu sâu hơn sẽ làm sáng tỏ khả năng tiếp cận chức phó tế của phụ nữ."

Các giám mục trong một Giáo hội đồng nghị

Ðề cập đến chủ đề nhạy cảm về vai trò của các giám mục trong một Giáo hội đồng nghị, bản văn đề nghị một tiến trình "để thường xuyên xem xét lại công việc của giám mục, liên quan đến phong cách thẩm quyền của ngài, việc quản lý kinh tế đối với tài sản của giáo phận và hoạt động của cơ quan tham gia, và việc bảo vệ chống lại bất cứ hình thức lạm dụng nào."

Nó cũng lưu ý những lời kêu gọi buộc phải thành lập các hội đồng giám mục và hội đồng mục vụ giáo phận. Ở những chỗ khác, nó kêu gọi phải đặt thành luật "bản chất bắt buộc" của các hội đồng mục vụ.

Phiên họp yêu cầu xem xét lại các tiêu chuẩn lựa chọn giám mục, "cân bằng quyền lực của Sứ thần Tòa thánh với sự tham gia của Hội đồng Giám mục".

Trong một tiếng vang có thể có của một đề nghị được xác nhận bởi Con đường đồng nghị của Ðức, nó kêu gọi "sự tham vấn rộng rãi hơn của dân Chúa, lắng nghe một số lượng lớn hơn các giáo dân nam nữ, những người nam nữ thánh hiến và chú ý tránh những áp lực không phù hợp".

Tường trình cũng tìm cách đánh giá công việc của các sứ thần tòa thánh bởi các Giáo hội địa phương tại các quốc gia nơi họ được cử đến, "để tạo điều kiện thuận lợi và hoàn thiện việc phục vụ của họ".

Nó kêu gọi các bước để "nâng cao và củng cố kinh nghiệm của Hội đồng Hồng Y (C-9) với tư cách là một hội đồng đồng nghị phục vụ thừa tác vụ Phêrô".

Nó cũng cho biết: "Dựa trên giáo huấn của Công đồng Vatican II, cần phải xem xét cẩn thận xem việc phong chức giám mục cho các giáo phẩm của Giáo triều Rôma có phù hợp hay không".

Các câu hỏi bỏ ngỏ

Trong phần có tựa đề "Sự phân định của Giáo hội và những câu hỏi bỏ ngỏ", tài liệu gợi ý rằng, "để tránh việc tìm các ẩn náu nơi sự thoải mái của các công thức có sẵn", cần phải xem xét "các quan điểm từ các khoa học nhân văn và xã hội, suy tư triết học và khai triển thần học."

"Một số vấn đề, chẳng hạn như những vấn đề liên quan đến bản sắc giới tính và khuynh hướng tình dục, việc kết thúc sự sống, hoàn cảnh hôn nhân khó khăn và các vấn đề đạo đức liên quan đến trí khôn nhân tạo, đang gây tranh cãi không chỉ trong xã hội mà còn trong Giáo hội, bởi vì chúng đặt ra những câu hỏi mới", tài liệu cho biết như thế, không sử dụng thuật ngữ "LGBTQ+. như trong tài liệu làm việc của phiên họp".

Trong một tiểu mục có tựa đề "Vì một Giáo hội biết lắng nghe và đồng hành", tường trình khuyến khích Hội nghị chuyên đề của các Hội đồng Giám mục Châu Phi và Madagascar (SECAM) "cổ vũ sự phân định thần học và mục vụ về chủ đề đa thê và về việc đồng hành với những người trong các cuộc kết hợp đa thê đến với đức tin."

Thừa tác vụ lắng nghe

Bản tường trình đề nghị thành lập "một thừa tác vụ rửa tội lắng nghe và đồng hành".

Nó nói, "Cách thức trong đó nó được trao ban sẽ làm rõ rằng nó không được thi hành trong tư cách bản thân mà thay mặt cho cộng đồng".

Các hội đồng giám mục

Bản văn lưu ý rằng các hội đồng giám mục đã đóng một "vai trò quyết định" trong giai đoạn đầu tiên, mang tính địa phương của tiến trình đồng nghị.

Nó nói: "Chúng tôi thấy cần phải nghiên cứu sâu hơn bản chất tín lý và pháp lý của các hội đồng giám mục, thừa nhận khả năng hành động tập đoàn cũng liên quan đến các vấn đề tín lý xuất hiện trong bối cảnh địa phương, do đó mở lại sự suy tư về tự sắc Apostolos suos."

Tường trình đề nghị thành lập các tỉnh giáo hội quốc tế, vì lợi ích của các giám mục không thuộc bất cứ hội đồng giám mục nào và để thúc đẩy sự hiệp thông giữa các Giáo hội vượt ra ngoài biên giới quốc gia.

Nó cũng khuyến nghị rằng tại các quốc gia theo Nghi thức Latinh, nơi cũng có hệ thống phẩm trật của các Giáo Hội Công Giáo Ðông phương, các giám mục Ðông phương nên được đưa vào các hội đồng giám mục quốc gia, mà không mất đi quyền tự chủ cai quản của họ.

Ngoài ra, nó còn kêu gọi "một cơ cấu giáo luật của các hội đồng lục địa", đề cập đến các cuộc họp được tổ chức trong giai đoạn trung gian của tiến trình đồng nghị.

Các đại biểu Thượng Hội đồng đã ban hành tài liệu đầu tiên của họ vào ngày 25 tháng 10 năm 2023. "Thư gửi dân Chúa" dài 1,200 chữ mô tả tiến trình của hội nghị, trong đó nêu bật một phương pháp được gọi là "đàm luận trong Thánh Thần" và bày tỏ hy vọng rằng "những tháng dẫn đến kỳ thứ hai vào tháng 10 năm 2024 sẽ cho phép mọi người tham gia một cách cụ thể vào tính năng động của sự hiệp thông truyền giáo được biểu thị bằng chữ 'thượng hội đồng'".

Trong phần cuối cùng được phát trực tiếp của phiên họp hôm thứ Bảy, Ðức Giáo Hoàng Phan-xicô đã cảm ơn những người tổ chức sự kiện và chủ sự các lời cầu nguyện tạ ơn vì Thượng Hội đồng.

Phát biểu tại một cuộc họp báo buổi tối ở Vati-can, tổng tường trình viên của Thượng Hội đồng, Ðức Hồng Y Jean-Claude Hollerich, S.J, nói rằng một số giám mục ban đầu tỏ ra nghi ngờ về sự kiện này, nhưng đã chấp nhận tiến trình này trong cuộc tĩnh tâm trước Thượng Hội đồng.

Ðức Hồng Y Jean-Claude Hollerich, người đã điều khiển cuộc họp mặt kéo dài bốn tuần cho đến khi kết thúc, nói rằng, "Mọi người đều vui vẻ. Mọi người đều cảm thấy mình là một phần của một điều gì đó lớn lao. Và tôi nghĩ mọi người sẽ rời đi vào ngày mốt với trái tim tràn đầy hy vọng, với rất nhiều ý tưởng, và tôi rất mong được gặp lại họ vào năm tới."

Thượng hội đồng về phiên họp đầu tiên của thượng hội đồng sẽ chính thức kết thúc vào ngày 29 tháng 10 năm 2023 với Thánh lễ tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô lúc 10 giờ sáng giờ địa phương. Ðức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ chủ sự và dự kiến sẽ giảng một bài giảng có thể bao gồm những suy tư về Phiên họp.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page