Buổi họp Toàn thể từ ngày 8 đến 13 tháng 10 năm 2023

của Thượng Hội Ðồng:

Các điểm để suy niệm thiêng liêng

 

Buổi họp Toàn thể từ ngày 8 đến 13 tháng 10 năm 2023 của Thượng Hội Ðồng: Các điểm để suy niệm thiêng liêng.

Vũ Văn An

Vatican (VietCatholic News 15-10-2023) - "Các bà nhớ lại những lời Chúa Giêsu nói, nên từ mộ trở về, kể lại mọi chuyện cho mười một tông đồ và những người còn lại." (Lc 24:8)

Phụ nữ và sứ mệnh (Tài liệu Làm việc, B.2.3; Lc 11:15-28; Cv 16:13-15)

Như đã loan tin, tại buổi họp toàn thể lần thứ sáu của Thượng Hội Ðồng về tính đồng nghị, Nữ tu Maria Grazia Angelini O.S.B, đã trình bầy một số điểm để các tham dự viên suy niệm trước khi "đàm luận trong Chúa Thánh Thần". Dĩ nhiên bà nói về sự đóng góp của phụ nữ vào sứ mệnh của Giáo Hội. Vì trình bầy của bà nhằm khai triển việc đóng góp này dựa vào một lối hiểu Kinh Thánh khá độc đáo (phụ nữ khởi diễn hành trình đức tin), chúng tôi xin chuyển trọn bài trình bầy của vị nữ tu này qua tiếng Việt, dựa vào bản Tiếng Anh do văn phòng tổng thư ký Thượng Hội Ðồng cung cấp:

 

Ðồng trách nhiệm trong sứ mệnh: hướng tới một ý thức chung về ý nghĩa và nội dung. Làm thế nào chúng ta có thể chia sẻ tốt hơn những hồng ân và nhiệm vụ trong việc phục vụ Tin Mừng (B 2.3). Làm thế nào Giáo hội thời đại chúng ta có thể hoàn thành tốt hơn sứ mệnh của mình thông qua việc nhìn nhận và cổ vũ hơn nữa phẩm giá rửa tội của phụ nữ? Vấn đề không phải là thăng tiến và công nhận theo nghĩa trần tục, về các quyền lợi và ước muốn, mà là về phúc lợi của Giáo hội. Trong lòng trung thành với Nguồn cội, là Chúa Giêsu, phong cách, lời nói, sự im lặng, lựa chọn của Người.

Tin Mừng đầy linh hứng: trong những ngày diễn ra Thượng Hội đồng này, bắt đầu trước hết bằng Bí tích Thánh Thể. Cử hành trong đức tin là nguồn sinh sản của mọi cuộc cải cách trong Giáo hội. Và vì vậy, vào thời điểm quan trọng trong việc truyền thông của Chúa Giêsu với đám đông, giữa những xung đột về cách giải thích, bài đọc hôm nay (không thể tách rời khỏi bài đọc ngày mai) giới thiệu tiếng kêu của một người phụ nữ-đan xen với những lời của Chúa Giêsu - ("khi Chúa Giêsu nói những điều này..."). Tiếng kêu của một người phụ nữ trong đám đông xúc động trước mặc khải của Chúa Giêsu gây ngưng đọng và nhưng được linh hứng - bởi vì bà không biết rằng bà đang công bố "mối phúc của tử cung", nói theo một kiểu nói bình dân. Nó tương ứng một cách đáng ngưỡng mộ với lời chúc tụng được một người phụ nữ khác công bố ở đầu Tin Mừng, cũng để đáp lại dấu chỉ lấy từ tử cung (Lc 1:45: "Con lòng của Bà gồm phúc lạ...!"), người phụ nữ ấy nói " Phúc thay tử cung...!". Người phụ nữ vô danh trong đám đông cảm nhận được rằng việc phát sinh ra mọi sự sống hệ ở người đàn ông đó, ở Giáo sĩ thành Nadarét đó, người đã khiến người bị quỷ câm nói được. Bà trực giác được mầu nhiệm khởi đầu việc phát sinh. Bà tri nhận được, bà kêu lên, nhưng bà không biết phải nói gì, và vì vậy bà ngầm viện dẫn những gì đã thúc đẩy trực giác của bà.

Và, hiểu được trực giác từ trong ruột gan của bà, Chúa Giêsu khai triển nó bằng cách biến đổi nó và giải mã việc nói ra nó, nhờ đó giải quyết được sự xung đột về các cách giải thích đang bủa vây Người. Người khai triển điều chỉ là một tiếng kêu, một sự kinh ngạc tra vấn: trong nhân tính của Chúa Giêsu, Thiên Chúa lên tiếng, và con người được sinh ra từ tử cung có liên quan đến mầu nhiệm của Người.

"Không phải thịt hay máu" (x. Mt 16:17; x. Lc 8:21), Người từng nói thế với Simon - về một tiếng kêu đức tin khác. không hề bác bỏ người phụ nữ của người dân, người chỉnh sửa bà, dẫn khởi sự thật và do đó làm im lặng lời bóng gió của kẻ thù: đối với Người, hạnh phúc được tìm thấy trong việc lắng nghe, chào đón và sáng tạo. Lắng nghe, hiểu, đem thịt xương cho Lời: Lời đã được sinh ra ngay từ đầu.

Như vậy, cuộc đối thoại nhanh như chớp giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ vô danh trong đám đông mang đầy sức mạnh biểu tượng và linh hứng. Và, từ đó, từ tiếng nói tiên tri khiêm tốn này - được chào đón và phân giải, hay đúng hơn được diễn đạt lại - Chúa Giêsu có thể tiếp tục cuộc hành trình đầy đau khổ của mình đến Giêrusalem, giữa những nghi ngờ ngấm ngầm và sự ngạc nhiên của những kẻ bé mọn.

Nó có phần giống với những gì đã xảy ra ở Cana, với tiếng kêu của người mẹ mà Chúa Giêsu hỏi và biến đổi: "Họ hết rượu" (hoặc với người phụ nữ Samaria, hoặc với người phụ nữ Canaan, hoặc với Maria Magdala).

Tin Mừng này, từ những biên tế sáng chói của nó, đã Phúc âm hóa một cách mạnh mẽ cuộc tập hợp chất vấn của Thượng Hội đồng này về chủ đề truyền giáo và cách nhận ra những biểu thức khác nhau của các thừa tác vụ. Tiếng kêu của người phụ nữ vô danh đó, trong sự khiêm tốn của nó, đã xua trừ chủ nghĩa vụ ngôn từ [verbalism] và chủ nghĩa vụ thủ tục [proceduralism]. Nó đặt ra những câu hỏi hữu ích và mở đường: "Những ai nghe Lời Chúa và tuân giữ".

Và ánh sáng, theo nghĩa hội tụ, đối với tôi dường như đến nếu chúng ta so sánh bài đọc Tin Mừng này với trình thuật về đoạn quan trọng của giáo hội tông truyền (Cv 16), trong đó, trong sự mất phương hướng trong các kế hoạch của các nhà truyền giáo, đã được thực hiện nhờ sự tuôn trào của Chúa Thánh Thần, Tin Mừng đã đi vào Châu Âu. Và nó dẫn sứ mệnh tới chỗ đạt được những thành quả chưa từng có, nhờ vào sự đóng góp khiêm tốn nhưng mang tính sinh sản của phụ nữ. Có phải họ chỉ là những phần bổ sung? Không, đơn giản "được Lời Chúa nắm bắt", họ mở ra những không gian vô hình cho Tin Mừng.

Công đồng Giêrusalem vừa mới diễn ra (Cv 15), những con đường của Tin Mừng bắt đầu lan tỏa ra ngoài lãnh thổ Israel, không phải không gặp những trở ngại trên đường đi. Ngay sau chuyến hành trình truyền giáo đầu tiên, những bất đồng gay gắt đã nảy sinh giữa Phaolô và Banaba, dù họ là bạn thân. Một nhận định gây tranh cãi về sự hiện diện của Máccô trẻ tuổi đã dẫn đến việc họ chia tay nhau (Cv 15:36-40). Chúng ta phải tưởng tượng ra một diễn trình đấu tranh mới hiểu được. Sự khác biệt - thậm chí đến mức xung đột - bất kể cần thiết và hữu hiệu ra sao trong Giáo hội, vẫn khác với sự tranh chấp gây tranh cãi và đầu độc, bởi vì nó không bao giờ coi thường đối phương, nhưng dành chỗ cho đối phương. Theo những nẻo đường riêng biệt, Thánh Phaolô và đồng nghiệp (1) sau này phải đối diện với những trở ngại không lường trước được, hay đúng hơn, như sách Công vụ diễn tả, "Chúa Thánh Thần đã cấm họ rao giảng đạo ở miền Axia" (Cv 16:6). Ðức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhở chúng ta trong bài giảng khai mạc Thượng hội đồng này: "Rất nhiều kế hoạch truyền giáo kết thúc ở những nơi tưởng như là ngõ cụt nhưng trên thực tế lại là cuộc khủng hoảng mở ra những tầm nhìn mới về Giáo hội".

Tại Trôa, một hải cảng, điểm khởi hành để đến Châu Âu, Thánh Phaolô có một thị kiến: một người Maxêđônia nài xin ngài rằng: "Xin ngài qua Maxêđônia và giúp đỡ chúng tôi". Tiếng kêu của người ngoại giáo đã cưỡng đoạt và làm thay đổi kế hoạch của Thánh Phaolô. Ðây không phải là lần đầu tiên sự thay đổi hành trình này là do một Hơi Thở từ trên cao gây ra. Giấc mơ, sự thụ động và bồn chồn của giấc mơ, của tầm nhìn đáng kinh ngạc, mở ra những khung cảnh hoàn toàn mới. Nó dẫn đến xung đột, nó mở ra những chân trời. Thế là bắt đầu cuộc hành trình truyền giáo thứ hai - bắt đầu từ những tiền đề mất phương hướng.

Và thế là, Giáo hội đến Châu Âu, và thực hiện điều đó theo một hình thức mới, đáng ngạc nhiên: bắt đầu từ vùng ngoại biên, từ bờ sông, ngay bên ngoài một thành phố La Mã giàu có. "Phụ nữ đã tụ tập ở đó để cầu nguyện." [*] Ðiều kỳ lạ là Phaolô đã được chào đón bằng một phụng vụ ngoài nghi lễ, giữa những người phụ nữ, ở ngoài trời. Ở đây, Thánh Tông đồ không bắt đầu trong hội đường, như thường lệ (có lẽ vì không có hội đường nào ở Philíppi, thuộc địa của La Mã). Ngài tự lồng mình vào một phụng vụ nữ "không mang tính nghi lễ", can dự vào đó bằng lời Tin Mừng.

Giống như vào buổi sáng Phục sinh, điểm bắt đầu hay ngưỡng cửa này cũng không có đàn ông. Thánh tông đồ được đi trước và được chào đón bởi một koinonia [hiệp thông] bất thường gồm những người phụ nữ đang cầu nguyện dưới bầu trời rộng mở. Ở đây Thánh Phaolô tiếp cận với niềm đam mê Tin Mừng.

Thế là bắt đầu tiến trình Tin Mừng ở Châu Âu. Tại Phi-lippi, sứ mệnh xuất phát từ một lãnh thổ được xác định rõ ràng và tìm thấy những không gian mới. Những ngôn ngữ mới được khai mở bởi những người đàn bà, những người mà Thánh Phaolô không khinh thường, những người mà ngài đã tập hợp lại như một kairos [thời cơ]: ngài rao giảng cho họ, bước vào cuộc đối thoại. Lydia, người khiêm tốn thờ phượng Thiên Chúa và là người bán vải điều, sẽ trở thành tín đồ đầu tiên ở vùng đất Châu Âu.

Lydia được nhận diện qua yếu tính của bà như một "người nghe" Lời Chúa, trong sự ngoan ngoãn đối thoại, tự do và sáng tạo. Bà tuân giữ Lời Chúa bằng cách tìm kiếm sự công nhận từ vị tông đồ, thể hiện lòng hiếu khách: "Nếu các ông đã coi tôi là một tín hữu của Chúa, thì xin các ông đến ở nhà tôi.": chính tính bao gồm tuyệt diệu các hồng phúc đã sinh ra Giáo Hội. Sức mạnh biện phân của Thánh Tông đồ trước một sự mở lòng đơn giản ấy đã mở khung cảnh mới cho sứ mệnh.

Và thế là, Lydia cung ứng nhà mình cho các tông đồ, "thuyết phục" các ngài chấp nhận (16:15). Ở ngưỡng cửa này, Giáo hội ở Châu Âu đã ra đời, qua một cử chỉ xuất hiện như một cách thực hành đức tin ("Nếu các ông đã coi tôi là một tín hữu"), và cung ứng không gian domus [mái ấm] của mình ("đến ở nhà tôi").

Do đó, căn nhà của Lydia được định nghiã lại bởi sự xuất hiện của Tin Mừng. Như Chúa Giêsu đã làm và truyền lệnh: bất cứ vào thành nào, các con hãy tìm một căn nhà (x. Mt 10:11). Không gian được xây dựng bằng sự liên kết chứ không phải bằng những bức tường. Không gian căn bản của giáo hội, "domus" mà ngày nay đang khẩn thiết nài xin cho được tái khám phá và diễn đạt bằng những ngôn ngữ mới, theo sự khôn ngoan nguyên thủy của nó.

Sự ra đời của một nhà thờ ở châu Âu gợi lại câu chuyện độc đáo. Nó gợi lại sự mới lạ - ngày nay điều này đã được nắm bắt và hiểu được đến mức nào? - được Chúa Giêsu khai mở với những phụ nữ đi theo Người, hỗ trợ sứ vụ của Người bằng mọi phương tiện của họ (lại chính Luca kể cho chúng ta điều này: Lc 8:1-3): cho đến tận thập giá, đến ngôi mộ mở, và đến khu vườn. Vào ngày thứ ba...

Phong trào bắt nguồn từ Tin Mừng, và là linh hồn của mọi hành trình đồng nghị thực sự, sinh ra những mối quan hệ mới, mang tính sinh sôi. Và sự đóng góp của phụ nữ, những người vô cùng đa dạng giữa họ với nhau (người phụ nữ của dân, nữ doanh nhân thành Xyrênê...), không ngừng nghỉ thúc đẩy động lực thiêng liêng của cuộc cải cách, khi khuôn mẫu trở nên không phù hợp với mầu nhiệm mà nó truyền tải. Vatican II đã phát động một phong trào cải cách đã bị gián đoạn.

Dưới ánh sáng của những Khởi đầu ấy, phong cách của Chúa Giêsu - dường như hiểu rõ rằng phụ nữ là những yếu tố năng động của sứ mệnh, giống như một sự hiện diện trong những giai đoạn quá độ nhẩy vọt, gián đoạn, gây bất ổn - đã cảm nhận được chuyển động của cuộc sống, dệt nên những mối quan hệ khó có thể xảy ra, kiên nhẫn mang lại và hóa giải những xung đột. Vấn đề không phải là các quyền lợi mà là những hồng phúc nhận được.

Vì thế, đối với sứ mệnh, có những diakonias [phục vụ] khác nhau. Trong mỗi trường hợp, một Giáo hội đồng nghị "ra đi", ngay từ đầu cũng như ngày nay, ngay lập tức gặp gỡ sự hiện diện của phụ nữ, những phụ nữ khác nhau và đa dạng, không phải để được thừa nhận - mà là để được biện phân ("nếu các ông coi tôi là#" ), chắc chắn như thế, và được tích hợp dựa trên tính đặc thù của mỗi người. Ðó là bằng chứng của Lời. Yếu tố được ghi khắc trong cội nguồn sinh sản, như một đặc điểm cấu thành nên tính mới mẻ của Tin Mừng, đã bị làm ngơ trong nhiều thế kỷ. Chúa Giêsu rất sáng tạo, Người đã tạo ra một phong cách táo bạo và mặc khải trong cách liên hệ với phụ nữ, nhưng nét đặc biệt này lại được xác nhận mang tính khiêu khích trong bối cảnh hiện nay. Ngày nay chúng ta thấy mình ở trong hoàn cảnh cụ thể khi nhận ra rằng điều này liên quan đến chúng ta - nó liên quan đến Giáo hội đang tìm cách cải cách.

Ðể ra đi và loan báo Nước Trời đang đến, Chúa Giêsu nói "căn nhà" là điều không thể thiếu trong các bài giảng của Người về sứ mệnh (Lc 10:5-8; Mt 10:11-14). Nó được hiểu là nơi gắn kết đáng tin cậy, nuôi dưỡng. Một nơi cầu nguyện, ở ngoại biên.

Vì vậy, khi Công đồng phác họa Giáo hội truyền giáo tuyên bố: "...đời sống chiêm niệm thuộc về sự hiện diện trọn vẹn của Giáo hội" (Ad Gentes, 18), há điều này không phản ảnh cùng một đặc điểm này hay sao, há nó không vạch ra những tác vụ chưa từng có hay sao?

Chúng ta hãy tự hỏi xem ngày nay, đặc điểm cấu thành tính mới mẻ này của Tin Mừng liên quan đến phong cách của Chúa Giêsu đã kết thúc ở đâu, khi lời công bố đầu tiên về sự phục sinh cho các tông đồ được ủy thác cho một người phụ nữ. Và cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên, cùng với các Tông đồ, có Ðức Maria, Mẹ Người, ở trung tâm.

Câu hỏi này cần được đặt ra: làm thế nào phong cách của Chúa Giêsu - chắc chắn trong một bối cảnh văn hóa, nhân học và xã hội đã thay đổi hoàn toàn - lại hàm chứa sứ mệnh, trong một nền văn hóa hoàn cầu dường như đang mất đi những đường nét, cội rễ và sự khác biệt của nó? Ðặc biệt, nó lên men như thế nào, với sức mạnh sinh sản của các mối quan hệ toàn diện, và các địa điểm của nó, ngôn ngữ cử hành của nó, và của Giáo hội hướng ngoại?

Sự khởi đầu của sứ mệnh truyền giảng Tin Mừng ở Châu Âu mang lại nhiều điều đáng suy gẫm.

Và đối với những ai có tấm lòng nhạy cảm với sự viếng thăm của Người, Chúa Thánh Thần sẽ mặc khải những cách thức và ngôn ngữ để mang lại xác thịt cho Người.

- - - - - - - - - -

(1) Ở đây, trong số những điều khác, câu chuyện Công vụ (16:10) bắt đầu được trình bày ở ngôi thứ nhất số nhiều, bằng chữ "chúng tôi", mà Luca rón rén bước vào với tư cách là người kể chuyện chính (đã có trong Công vụ 11:27). Sự thay đổi quan điểm tường thuật này, khi Thánh Luca đi vào Châu Âu cùng với Thánh Tông đồ, nhấn mạnh hơn đến tính chất "đồng nghị" của hành trình truyền giáo thứ hai - "không bao giờ thiếu người khác".

[*] Nguyên văn: "Ngày sabát, chúng tôi ra khỏi cổng thành, men theo bờ sông, đến một chỗ chúng tôi đoán chừng có nơi cầu nguyện. Chúng tôi ngồi xuống nói chuyện với những phụ nữ đang họp nhau tại đó" (Cv 16:13)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page