Sứ điệp Ðức Thánh Cha

gửi Tham dự viên Cuộc gặp gỡ Thường niên lần thứ IV

về Nền Kinh tế Phanxicô

 

Sứ điệp Ðức Thánh Cha gửi Tham dự viên Cuộc gặp gỡ Thường niên lần thứ IV về Nền Kinh tế Phanxicô.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP. chuyển ngữ tiếng Việt

Assisi (WHÐ 12-10-2023) - Cuộc gặp gỡ toàn cầu Thường niên lần thứ IV về Nền Kinh tế Phanxicô (The Economy of Francesco - EoF) được tổ chức trực tuyến và trực tiếp tại Assisi, từ ngày mồng 06 - 08 tháng 10 năm 2023. Ðược thành lập vào năm 2019 theo lời mời của Ðức Thánh Cha Phanxicô, Thế hệ EoF hiện bao gồm hàng nghìn người làm việc nghiêm túc và có trách nhiệm để chống lại sự bất bình đẳng và khủng hoảng môi trường, thúc đẩy nền kinh tế bản địa, hòa bình và an toàn thực phẩm. Cuộc gặp gỡ năm nay quy tụ các nhà kinh tế, nhà khởi nghiệp, và doanh nhân trẻ từ khắp nơi trên thế giới. Nhân dịp này Ðức Thánh Cha đã gửi tới các tham dự viên một Sứ điệp.

Sau đây là bản dịchViệt ngữ nội dung Sứ điệp của Ðức Thánh Cha:

 

Sứ điệp Ðức Thánh Cha

gửi Tham dự viên Cuộc gặp gỡ Thường niên lần thứ IV về Nền Kinh tế Phanxicô

Các bạn trẻ thân mến,

Thật vui được gặp lại các bạn một năm sau sự kiện Assisi và biết rằng công việc phục hồi nền kinh tế của các bạn đang tiến triển với thành quả, nhiệt tình, và sự dấn thân.

Các bạn thường nghe cha nói rằng thực tế cao hơn ý tưởng (Tông huấn Evangelii Gaudium, số 217-237). Tuy nhiên, có những ý tưởng truyền cảm hứng và có một ý tưởng đã mê hoặc cha từ khi cha còn là một sinh viên thần học trẻ. Trong tiếng Latin, nó được gọi là coincidentia oppositorum; nghĩa là sự thống nhất của các mặt đối lập. Theo ý tưởng này, thực tế được tạo thành từ các cực đối lập, các cặp đối lập nhau. Ví dụ như: lớn và nhỏ, ân sủng và tự do, công lý và tình yêu, v.v. Người ta làm gì với những cặp đối lập này? Tất nhiên, người ta có thể thử chọn cái này và loại bỏ cái kia. Hoặc, như các tác giả mà cha nghiên cứu đã gợi ý, trong nỗ lực dung hòa các mặt đối lập, có thể thực hiện một sự tổng hợp, tránh loại bỏ cực này hay cực kia, nhằm giải quyết chúng ở một bình diện cao hơn, tuy nhiên, không thể loại trừ sự căng thẳng.

Các bạn trẻ thân mến, mọi lý thuyết đều phiến diện và có giới hạn; không thể tuyên bố kết hợp hoặc giải quyết hoàn toàn những mặt đối lập. Mọi dự án của con người cũng vậy. Thực tế luôn trốn tránh. Vì vậy, là một tu sĩ Dòng Tên trẻ, đối với cha, ý tưởng về sự thống nhất của các mặt đối lập dường như là một mô hình hiệu quả để hiểu vai trò của Giáo hội trong lịch sử. Tuy nhiên, nếu các bạn nghĩ về nó, sẽ rất hữu ích để hiểu được điều gì đang xảy ra trong nền kinh tế ngày nay. Lớn và nhỏ, nghèo đói và giàu có, cũng như nhiều mặt đối lập khác cùng tồn tại trong kinh tế. Có nên kinh tế bao gồm các quầy hàng bé nhỏ và cũng có các trung tâm tài chính quốc tế; có nền kinh tế được tạo nên từ những khuôn mặt, vẻ bề ngoài và những con người cụ thể của các ngân hàng và doanh nghiệp nhỏ và cũng có nền kinh tế lớn đến mức dường như trừu tượng gồm các công ty đa quốc gia, nhà nước, ngân hàng, quỹ đầu tư; có nền kinh tế chuyên về tiền bạc, tiền thưởng với mức lương rất cao, và bên cạnh đó cũng có nền kinh tế chuyên chăm sóc, gìn giữ tương quan giữa con người với mức lương quá thấp để có thể sống tốt. Ðâu là sự thống nhất giữa những mặt đối lập này? Nó được tìm thấy trong bản chất đích thực của nền kinh tế: là nơi dung nạp và hợp tác, liên tục tạo ra giá trị và lưu thông với những thứ khác. Cái nhỏ cần cái lớn, cái cụ thể cần cái trừu tượng, khế ước của sự cho đi, sự nghèo khó trong việc chia sẻ những của cải.

Nhưng, chúng ta đừng quên, có những sự đối lập không hề tạo ra sự hài hòa chút nào cả. Nền kinh tế giết chết không trùng khớp với nền kinh tế tạo nên sự sống; nền kinh tế giàu sang bất lương dành cho một số ít không hòa hợp từ cốt lõi với quá nhiều người nghèo không còn đường sống; ngành kinh doanh vũ khí khổng lồ sẽ không bao giờ có điểm chung với nền kinh tế hòa bình; nền kinh tế gây ô nhiễm và hủy hoại hành tinh không có sự tương hợp với nền kinh tế tôn trọng và bảo tồn nó.

Nhận thức này chính là trọng tâm của nền kinh tế mới mà các bạn đã cam kết thực hiện. Nền kinh tế giết chết, loại trừ, gây ô nhiễm, tạo ra chiến tranh, không phải là nền kinh tế: những người khác gọi nó là nền kinh tế, nhưng nó chỉ là thứ vô giá trị, một sự trống vắng; nó là một căn bệnh, một sự xuyên tạc chính nền kinh tế và thiên chức của nó. Các loại vũ khí được sản xuất và bán cho chiến tranh, lợi nhuận kiếm được từ những người dễ bị tổn thương và không có khả năng tự vệ nhất, chẳng hạn như những người rời bỏ quê hương để tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn, việc khai thác tài nguyên, và những người ăn cắp đất đai và sức khỏe của người khác: tất cả những điều này không phải là kinh tế, nó không phải là trụ cột tốt của thực tế cần duy trì. Nó chỉ đơn thuần là bắt nạt, bạo lực; nó chỉ là một cấu trúc nhằm mục đích cướp bóc mà nhân loại phải thoát ra.

Cha muốn đề xuất một ý tưởng thứ hai mà cha canh cánh trong lòng, liên quan đến điều cha vừa nói với các bạn về những căng thẳng trong nền kinh tế: Nền kinh tế của đất, và nền kinh tế hành trình. Nền kinh tế của đất xuất phát từ ý nghĩa đầu tiên của từ kinh tế, đó là chăm sóc gia đình. Ngôi nhà không chỉ là nơi chúng ta sinh sống mà còn là cộng đoàn, các mối tương quan của chúng ta, là thành phố nơi chúng ta đang sống, cội nguồn của chúng ta. Nói rộng hơn, ngôi nhà là cả thế giới, là thứ duy nhất chúng ta có, và được giao phó cho tất cả chúng ta. Chỉ với việc được sinh ra, chúng ta được mời gọi trở thành những người bảo vệ ngôi nhà chung này và do đó, trở thành anh chị em của mọi cư dân trên trái đất. Thực hành quản lý kinh tế có nghĩa là chăm sóc ngôi nhà chung, và điều này sẽ không thể thực hiện được nếu chúng ta không có đôi mắt được rèn luyện để nhìn thế giới bắt đầu từ những vùng ngoại biên: cái nhìn của những người bị loại trừ, của những người bé mọn. Cho đến nay, quan điểm về ngôi nhà chiếm ưu thế là quan điểm của nam giới, nói chung là người phương Tây, và đến từ miền Bắc Bán Cầu. Trong nhiều thế kỷ, trong số những thứ khác, chúng ta đã loại trừ cái nhìn của phụ nữ: nếu họ hiện diện, họ sẽ khiến chúng ta thấy ít hàng hóa hơn và nhiều mối tương quan hơn, ít tiền bạc hơn và phân phối lại nhiều hơn, quan tâm hơn đến những người có và không có, thực tế hơn và ít trừu tượng hơn, nhiều nội dung hơn và ít huyên thuyên hơn. Chúng ta không thể tiếp tục loại trừ những quan điểm khác nhau khỏi thực tiễn và lý thuyết kinh tế, cũng như khỏi đời sống của Giáo hội. Vì vậy, cha hết sức vui mừng khi thấy có biết bao phụ nữ trẻ là nhân vật chính của Nền kinh tế Phanxicô. Nền kinh tế toàn diện là nền kinh tế được thực hiện với và cho người nghèo - theo mọi cách thức mà ngày nay người ta có thể nghèo - những người bị loại trừ, những người không được nhìn nhận, những người không có tiếng nói để được lắng nghe. Chúng ta phải thấy mình ở đó, trên những ranh giới của lịch sử và sự tồn tại, và đối với những người cống hiến hết mình cho việc nghiên cứu kinh tế học, cũng như ở những vùng ngoại biên của tư tưởng, vốn là những lĩnh vực không kém phần quan trọng. Vì vậy, hãy tự vấn: Ðâu là vùng ngoại biên của khoa học kinh tế ngày nay? Suy nghĩ về và vì người nghèo là chưa đủ, mà còn phải suy nghĩ với người nghèo, với những người bị loại trừ. Ngay cả trong thần học, chúng ta cũng thường "nghiên cứu người nghèo" nhưng lại ít khi nghiên cứu "với người nghèo": từ là đối tượng của khoa học, người nghèo phải trở thành chủ thể, bởi vì mỗi người đều có những câu chuyện để kể, một tư tưởng về thế giới: sự nghèo khó đầu tiên của người nghèo là bị loại khỏi khả năng lên tiếng, khỏi chính khả năng bày tỏ một tư tưởng được coi là nghiêm túc. Ðó là về phẩm giá và sự tôn trọng, cũng thường bị từ chối.

Ðây là nền kinh tế của cuộc hành trình. Nếu chúng ta nhìn vào kinh nghiệm của Chúa Giêsu và các môn đệ tiên khởi thì đó là kinh nghiệm của "Con Người không có chỗ tựa đầu" (Lc 9, 58). Một trong những cách mô tả cổ xưa nhất về các Kitô hữu là "những người đang đi trên đường". Và khi Thánh Phanxicô Assisi, người rất thân thương với chúng ta, bắt đầu cuộc cách mạng kinh tế chỉ nhân danh Tin Mừng, ngài trở lại là một người ăn xin, một người lữ hành: ngài lên đường, rời bỏ nhà của cha mình là Bernardone. Vậy thì hành trình nào dành cho những ai muốn canh tân nền kinh tế từ gốc rễ? Lộ trình của người hành hương luôn đầy rủi ro, đan xen với sự tin tưởng và dễ bị tổn thương. Những ai đảm nhận lộ trình này phải sớm nhận ra sự phụ thuộc của mình vào người khác trong suốt chặng đường: do đó, các bạn hiểu rằng kinh tế học cũng cần đến các ngành và kiến thức khác. Và cũng như người hành hương biết rằng cuộc hành trình của mình sẽ đầy bụi bặm, các bạn cũng biết rằng công ích đòi hỏi một dấn thân khiến đôi tay bạn bị lem luốc. Chỉ những bàn tay bị lấm lem mới biết làm sao để thay đổi trái đất: công lý được thực thi, lòng bác ái được thể hiện, và liên đới trong những thách đố, các bạn kiên trì với lòng can đảm. Trở thành những nhà kinh tế và doanh nhân "của nền kinh tế Phanxicô" ngày nay nhất thiết có nghĩa là trở thành những người nam nữ của hòa bình: không nghỉ ngơi cho đến khi có hòa bình.

Các bạn trẻ thân mến, đừng sợ sự căng thẳng và va chạm; hãy cố gắng sống trong đó và nhân cách hóa chúng mỗi ngày. Cha giao phó cho các bạn nhiệm vụ bảo vệ ngôi nhà chung và can đảm bước đi.

Ðiều đó thật là khó, nhưng cha biết là các bạn có thể làm được, bởi vì các bạn đã và đang làm được rồi. Cha biết là không phải ngay lập tức mà nỗ lực và chia sẻ ước mơ của các bạn trong Giáo hội của các bạn cũng như giữa thực tế kinh tế của những nơi các bạn sinh sống. Thực tế dường như đã được định hình sẵn, thường không dễ xuyên suốt, giống như đất không có mưa trong một thời gian dài. Mong sao các bạn luôn kiên nhẫn và biết cách xoay xở để được mọi người biết đến và dần dần thiết lập những kết nối ổn định và hiệu quả hơn. Ước muốn về một thế giới mới đang lan rộng hơn những gì nó lộ diện. Ðừng khép mình trong đó: ốc đảo trong sa mạc là nơi mà mọi người đều có thể tiếp cận, những ngã tư nơi bạn có thể dừng lại và từ đó bắt đầu lại. Vì vậy, hãy luôn cởi mở và tìm kiếm đồng nghiệp của các bạn, giám mục của các bạn, và đồng bào của các bạn với lòng quyết tâm và nhiệt tình. Và trong điều này, cha nhắc lại, mong sao người nghèo ở bên các bạn. Hãy trao tiếng nói và định hình cho một dân tộc bởi vì tính cụ thể của nền kinh tế cũng như những giải pháp mà các bạn đang nghiên cứu và thử nghiệm đều liên quan đến cuộc sống của mọi người. Ngày nay dường như có nhiều không gian dành cho bạn hơn. Do đó, cha yêu cầu các bạn hãy tích cực đoàn kết, xây dựng những cầu nối thực sự giữa các châu lục trong các vấn đề hoạt động, điều này sẽ đưa nhân loại ra khỏi thời kỳ thuộc địa và bất bình đẳng một cách dứt khoát. Hãy đưa ra những khuôn mặt, nội dung và dự án cho tình huynh đệ đại đồng. Hãy là những người tiên phong trong đời sống kinh tế và doanh nghiệp của sự phát triển con người toàn diện.

Cha tin tưởng các bạn, và xin đừng bao giờ quên điều này: Cha quan tâm đến các bạn rất nhiều.

Phanxicô

 

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP

Dòng Ða Minh Thánh Tâm

Chuyển ngữ từ: press.vatican.va (06.10.2023)

 

(Nguồn: Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page