Tĩnh tâm Thượng Hội đồng với cha Timothy Radcliffe, OP
bài V: Quyền bính
Tĩnh tâm Thượng Hội đồng với cha Timothy Radcliffe, OP bài V: Quyền bính.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP. chuyển ngữ tiếng Việt
Roma (WHÐ 08-10-2023) - Vào sáng thứ Ba, ngày mồng 03 tháng 10 năm 2023, Cha Timothy Radcliffe, OP đã gợi ý giúp các tham dự viên Ðại hội Thượng Hội đồng suy tư về ý nghĩa của "Quyền bính".
Anh chị em thân mến,
Sẽ chẳng thể có cuộc đối thoại hiệu quả giữa chúng ta trừ khi chúng ta nhận ra rằng mỗi người nói với thẩm quyền của mình. Tất cả chúng ta đều được lãnh phép Rửa trong Ðức Kitô: Tư tế, Ngôn sứ và Vương giả. Tài liệu về cảm thức đức tin của Ủy ban Thần học Quốc tế trích thư Thánh Gioan: 'Phần anh em, anh em nhận được dầu, do tự Ðấng Thánh, và tất cả anh em đều được ơn hiểu biết... dầu mà anh em lãnh nhận từ Ðức Kitô ở lại trong anh em, và anh em chẳng cần ai dạy dỗ nữa... vì dầu của Người dạy dỗ anh em mọi sự" (1Ga 2, 20. 27).
Nhiều giáo dân ngạc nhiên vì trong tiến trình chuẩn bị Thượng Hội đồng này, lần đầu tiên họ thấy mình được lắng nghe. Họ hoài nghi về thẩm quyền của chính mình và thắc mắc, "Tôi thực sự có thể đề xuất điều gì đó chăng?" (B.2.53). Nhưng không chỉ giáo dân mới thấy mình thiếu thẩm quyền. Cả Giáo Hội cũng đang bị ảnh hưởng bởi một cuộc khủng hoảng về quyền bính. Một vị tổng giám mục Á châu phàn nàn rằng ngài không còn có thẩm quyền. Ngài nói rằng: "Các linh mục đều là những nam tước độc lập, họ không còn lưu tâm đến tôi". Nhiều linh mục cũng nói rằng họ không còn quyền hành gì nữa. Cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục đã làm chúng ta mất uy tín.
Toàn thế giới cũng đang phải chịu một cuộc khủng hoảng về quyền lực. Nhiều tổ chức mất đi thẩm quyền. Các chính trị gia, luật pháp, báo chí đều cảm thấy thẩm quyền của họ đang ngày càng suy yếu. Quyền lực dường như luôn thuộc về người khác: hoặc là nơi những kẻ độc tài đang nắm quyền, hoặc thuộc các phương tiện truyền thông mới, hoặc nơi những người nổi tiếng và những người có tầm ảnh hưởng. Thế giới khao khát những tiếng nói có thẩm quyền về ý nghĩa cuộc đời. Thay vào đó là những tiếng nói nguy hiểm đe dọa lấp đầy chỗ trống. Ðó là một thế giới được hỗ trợ không phải bởi thẩm quyền mà bằng các hợp đồng, được ký kết ngay cả trong gia đình, trường học, và Giáo hội.
Vậy làm sao Giáo hội có thể lấy lại thẩm quyền của mình và nói với thế giới đang khao khát những tiếng nói chân thực? Thánh sử Luca cho chúng ta biết rằng khi Chúa Giêsu giảng dạy, "Họ sửng sốt về cách Người giảng dạy, vì Người nói năng có thẩm quyền" (Lc 4, 32). Người ra lệnh cho lũ quỷ và chúng tuân theo. Ngay cả gió và biển cũng vâng lời Người. Chúa Giêsu thậm chí còn có quyền làm cho người bạn của mình đã chết được sống lại: "Anh Ladarô, hãy ra khỏi mồ!" (Ga 11, 43). Phúc âm Mátthêu được kết thúc bằng những lời này: "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất".
Nhưng trong Tin Mừng Nhất Lãm, tại Cesare Philippi, có một cuộc khủng hoảng lớn về quyền bính, khiến cho cuộc khủng hoảng đương thời của chúng ta dường như chẳng là gì cả! Chúa Giêsu nói với những người bạn thân tín rằng Người phải lên Giêrusalem, ở đó Người sẽ chịu đau khổ, bị giết chết, và sống lại. Các ông không chấp nhận những lời này, do đó, Chúa Giêsu đưa họ lên núi và biến hình trước mắt các ông.
Thẩm quyền của Chúa Giêsu được mạc khải qua lăng kính vinh quang của Người với sự chứng giám của Môsê và Êlia. Ðây là một loại quyền bính chạm vào tai, mắt, con tim và tâm trí họ. Trí tưởng tượng của họ! Cuối cùng các môn đệ đã vâng nghe lời Người!
Phêrô tràn ngập niềm vui đã thốt lên: Thưa Thầy, chúng con ở đây, hay quá! Như Teilhard de Chardin đã nói một câu nổi tiếng: "Niềm vui là dấu chỉ không thể sai lầm về sự hiện diện của Thiên Chúa". Ðây là niềm vui mà Sơ Maria Ignazia đã đề cập sáng nay, niềm vui của Mẹ Maria. Không có niềm vui thì chẳng ai trong chúng ta có bất cứ thẩm quyền nào. Chẳng ai tin nổi một Kitô hữu khốn khổ cả! Trong Cuộc Biến Hình, niềm vui này phát xuất từ ba nguồn: vẻ đẹp, sự thiện, và sự thật. Chúng ta có thể kể đến những hình thức thẩm quyền khác. Tài Liệu Làm Việc (Instrumentum Laboris) nhấn mạnh đến thẩm quyền của người nghèo. Ngoài ra, còn có thẩm quyền của truyền thống, của phẩm trật với sứ vụ hiệp nhất.
Ðiều tôi muốn khai triển sáng nay là về tính đa dạng và hỗ tương của quyền bính. Không cần phải có sự cạnh tranh, như thể giáo dân chỉ có thể có nhiều quyền lực hơn nếu các giám mục có ít thẩm quyền hơn, hoặc những người gọi là bảo thủ cạnh tranh quyền lực với những người cấp tiến. Chúng ta có thể bị cám dỗ để ném lửa vào những người mà chúng ta cho là những kẻ chống đối chúng ta, giống như các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay (Lc 9, 51-56). Tuy nhiên, nơi Ba Ngôi không có sự cạnh tranh. Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần không tranh giành quyền lực, cũng như không có sự cạnh tranh giữa bốn sách Phúc âm.
Chúng ta sẽ lên tiếng với thẩm quyền cho thế giới đã lạc mất của mình nếu trong Thượng hội đồng này chúng ta vượt qua những cách thế cạnh tranh để tồn tại. Khi đó, thế giới sẽ nhận ra tiếng của vị mục tử kêu gọi nó vào sự sống. Chúng ta hãy nhìn vào khung cảnh trên núi, và nhận ra sự tương tác giữa các hình thức khác nhau của quyền bính.
Vẻ đẹp
Trước hết, là vẻ đẹp và vinh quang. Cả hai phạm trù này hầu như đồng nghĩa với nhau trong tiếng Do Thái. Ðức cha Robert Barron đã nói như vậy ở đâu đó - và xin Ðức cha thứ lỗi cho tôi, nếu tôi trích dẫn sai ý của ngài - rằng vẻ đẹp có thể chạm đến những người từ chối các hình thức quyền lực khác. Một tầm nhìn đạo đức có thể được coi là mang tính đạo đức: "Sao bạn dám bảo tôi phải sống cuộc đời của mình như thế nào?" Thẩm quyền của giáo lý có thể bị bác bỏ vì mang tính áp đặt. 'Sao bạn dám bảo tôi phải nghĩ gì?' Nhưng vẻ đẹp có một uy quyền chạm đến sự tự do thâm sâu của chúng ta.
Vẻ đẹp mở trí tưởng tượng của chúng ta cho siêu việt, về quê hương mà chúng ta hằng khát mong. Nhà thơ Dòng Tên Gerard Manley Hopkins gọi Thiên Chúa "chính là vẻ đẹp và là Ðấng trao tặng cái đẹp"[1]. Thánh Tôma Aquino nói rằng cái đẹp mạc khải cho chúng ta cùng đích cuộc đời mình giống như mục tiêu mà cung thủ hướng tới[2].
Chẳng lạ gì mà khi ở trên núi Phêrô không biết phải nói gì. Vẻ đẹp khiến chúng ta chẳng thể thốt lên lời. Người ta nói rằng mọi thanh thiếu niên đều trải qua một số khoảnh khắc trải nghiệm về vẻ đẹp siêu việt. Nếu họ không có người hướng dẫn, như các môn đệ đã có Môsê và Êlia, thì những khoảnh khắc đó sẽ trôi qua. Khi tôi còn là một cậu bé 16 tuổi theo học tại trường Benedictine, tôi đã có một khoảnh khắc như vậy tại ngôi Nhà nguyện tuyệt vời của Ðan viện, và ở đó tôi được những đan sĩ thông thái giúp tôi nhận thức về nó.
Nhưng không phải mọi vẻ đẹp đều nói về Thiên Chúa. Các nhà lãnh đạo Ðức Quốc xã yêu thích nhạc cổ điển. Vào ngày lễ Chúa Biến Hình, một quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima phát ra thứ ánh sáng ghê tởm nhái lại ánh sáng thần linh. Sắc đẹp có khả năng lừa dối và quyến rũ. Chúa Giêsu đã nói: "Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế" (Mt 23, 27).
Nhưng vẻ đẹp thần linh trên núi sẽ tỏa sáng bên ngoài thành thánh khi vinh quang của Chúa được mạc khải trên thập giá. Vẻ đẹp của Thiên Chúa tỏ lộ cách rạng ngời nhất nơi những gì có vẻ xấu xí nhất. Người ta phải đến những nơi đau khổ để thoáng thấy vẻ đẹp của Thiên Chúa.
Etty Hillesum, nhà thần bí Do Thái bị Kitô giáo thu hút đã tìm thấy vẻ đẹp thần linh ấy ngay trong trại tập trung của Ðức Quốc xã: 'Tôi muốn ở đó giữa cái mà người ta gọi là "khủng khiếp" mà vẫn có thể thốt lên: "Cuộc đời thật tươi đẹp'"[3]. Mỗi cuộc canh tân của Giáo hội đều đi kèm với một sự hồi sinh về vẻ đẹp như được thể hiện nơi: các bức icon của Chính thống, nhạc bình ca Gregorian, phong cách baroque Phản Cải cách. Phong trào Cải cách một phần là sự xung đột về tầm nhìn thẩm mỹ. Ngày nay chúng ta cần sự canh tân trong cách nhìn về cái đẹp như thế nào để thoáng thấy sự siêu việt, nhất là ở những nơi hoang tàn và đau khổ? Liệu chúng ta có thể bộc lộ vẻ đẹp của thập giá như thế nào?
Khi các tu sĩ Ða Minh lần đầu tiên đến Guatemala vào thế kỷ XVI, vẻ đẹp đã mở đường cho họ chia sẻ Phúc Âm với người dân bản địa. Họ từ khước sự bảo hộ của thực dân Tây Ban Nha. Các tu sĩ đã dạy cho các thương nhân bản xứ tại địa phương hát những bài thánh ca Kitô khi đi lên núi bán hàng hóa. Ðiều này đã mở đường cho những anh em sau đó có thể tiến vào khu vực vẫn được gọi là Vera Paz, Hòa bình đích thực một cách an toàn. Nhưng cuối cùng binh lính đã đến và giết hại không chỉ người dân bản địa mà cả những anh em Ða Minh đang cố gắng bảo vệ họ.
Những bài hát nào ngày nay có thể xâm nhập vào châu lục mới của giới trẻ? Những nhạc sĩ thi sĩ của chúng ta là ai? Vì thế, cái đẹp mở ra trí tưởng tượng vô biên cho đích điểm của cuộc hành trình. Nhưng, giống như Phêrô, chúng ta có thể bị cám dỗ là muốn ở lại. Cần phải có những hình thức dấn thân giàu trí tưởng tượng khác để đưa chúng ta xuống núi tham dự Thượng Hội đồng đầu tiên trên hành trình lên Giêrusalem. Các môn đệ đã được hai nhân vật giải thích về những gì họ nhìn thấy, Môsê và Êlia, Lề Luật và các ngôn sứ. Hoặc của Sự Thiện và Sự thật.
Sự Thiện
Môsê đã dẫn dân Israel ra khỏi cảnh nô lệ để được tự do. Dân Israel không muốn ra đi. Họ khao khát sự an toàn của Ai Cập. Họ sợ sự tự do của sa mạc, giống như các môn đệ sợ phải thực hiện cuộc hành trình lên Giêrusalem. Trong truyện Anh em nhà Karamazov của Dostoevsky, viên Ðại pháp quan khẳng định rằng "chưa bao giờ có gì khiến nhân loại và xã hội khó chịu hơn tự do... Cuối cùng, họ sẽ đặt tự do của mình dưới chân chúng ta và nói với chúng ta: 'Tốt hơn là hãy bắt chúng tôi làm nô lệ nhưng hãy cho chúng tôi của ăn'.''
Các Thánh có thẩm quyền của lòng can đảm. Các ngài thách thức chúng ta dám lên đường. Các ngài mời gọi chúng ta cùng đi với các ngài trong cuộc phiêu lưu mạo hiểm của sự thánh thiện. Thánh Têrêsa Bênêđicta Thánh Giá sinh ra trong một gia đình Do Thái mộ đạo, nhưng lại trở thành người vô thần khi còn ở tuổi niên thiếu. Một hôm, tình cờ nhặt được cuốn tự thuật của Thánh Têrêsa Avila, ngài đã đọc suốt đêm. Thánh nữ nói rằng: "Khi đọc xong cuốn sách, tôi tự nhủ: Ðây là sự thật". Chính sự thật này đã dẫn đến cái chết của Thánh nữ tại trại tập trung Auschwitz, đó là thẩm quyền của sự thánh thiện, mời gọi chúng ta trao quyền kiểm soát cuộc đời mình và để Thiên Chúa là Thiên Chúa.
Cuốn sách nổi tiếng nhất thế kỷ XX là tiểu thuyết Chúa tể của những chiếc nhẫn của J.R.R. Tolkien. Ðây là một cuốn tiểu thuyết mang đậm tính Công giáo. Tác giả cho rằng đó là sự lãng mạn của Thánh Thể. Các vị tử đạo là những người có thẩm quyền sớm nhất trong Giáo hội, vì các ngài đã can đảm dâng hiến tất cả. G. K. Chesterton nói rằng: "Lòng can đảm gần như là một sự mâu thuẫn về mặt từ ngữ. Nó có nghĩa là một ước muốn mạnh mẽ được sống dưới hình thức sẵn sàng chết"[4]. Liệu chúng ta có sợ phải đưa ra thách thức nguy hiểm về đức tin của mình không? Herbert McCabe OP đã từng nói: "Nếu yêu, bạn sẽ bị tổn thương, thậm chí có thể bị giết. Nếu không yêu, thì bạn đã chết rồi". Người trẻ sẽ không bị đức tin của chúng ta thu hút nếu đó chỉ là một đức tin bị thuần hoá.
'Tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi.' (1Ga 4, 18). Tu sĩ Michael Anthony Perry OFM, nguyên Tổng Phục vụ Dòng Phanxicô, nhận định: "Khi lãnh phép Rửa, chúng ta đã từ bỏ quyền sợ hãi"[5]. Tôi có thể nói rằng chúng ta đã từ bỏ quyền làm nô lệ cho sự sợ hãi. Người can đảm là người biết sợ hãi. Chúng ta sẽ chỉ có được thẩm quyền trong thế giới đầy sợ hãi này nếu chúng ta được cho là có sự liều lĩnh. Cách đây 400 năm, khi các anh chị em ở châu Âu được sai đi rao giảng Tin Mừng tại châu Á, một nửa trong số họ đã chết trước khi đến nơi vì bệnh tật, đắm tàu, hoặc cướp biển. Liệu chúng ta có được lòng dũng cảm như điên dại của họ chăng?
Tu sĩ Ða Minh Henri Burin de Roziers (1930-2017), là một luật sư người Pháp có trụ sở tại Amazon của Brazil. Anh đưa ra tòa những địa chủ lớn thường nô lệ hoá người nghèo, buộc họ phải làm việc trên những điền trang rộng lớn của mình và thậm chí giết họ nếu họ cố gắng trốn thoát. Henri nhận được vô số lời đe dọa giết chết. Anh được cảnh sát đề nghị bảo vệ, nhưng anh biết rằng rất có thể chính những người trong số họ sẽ là người giết mình. Khi tôi đến thăm anh và ở lại, anh đã đề nghị tôi nghỉ qua đêm tại phòng của anh. Ngày hôm sau anh nói với tôi rằng anh không thể ngủ được vì sợ họ đến tìm bắt anh và vô tình tóm được tôi!
Vậy nên thẩm quyền của cái đẹp nói lên đích điểm của cuộc hành trình, là quê hương mà chúng ta chưa từng thấy. Thẩm quyền của sự thánh thiện nói về cuộc hành trình phải thực hiện nếu chúng ta muốn đến đích. Ðó là thẩm quyền của những người dám hiến trao mạng sống mình. Pádraig Pearse, thi sĩ người Ireland bộc bạch: "Tôi đã lãng phí những năm tháng tuổi trẻ huy hoàng mà Chúa là Thiên Chúa ban chỉ để cố thử những điều không thể, vì nghĩ rằng chỉ có chúng mới đáng để tôi bỏ công sức. Lạy Chúa, nếu con còn nhiều năm tháng, con sẽ lại phung phí chúng nữa thôi. Con ném chúng ra khỏi mình"[6].
Sự thật
Cuối cùng là ngôn sứ Êlia. Ngôn sứ là những người nói lên sự thật. Êlia biết rõ sự ảo tưởng của các nhà tiên tri của thần Ba'al, đồng thời vị ngôn sứ cũng nghe được tiếng tĩnh lặng êm ái trên núi. Veritas - Sự Thật, khẩu hiệu của Dòng Ða Minh. Khẩu hiệu này đã thu hút tôi đến với các tu sĩ Ða Minh ngay cả trước khi tôi gặp họ, điều này có lẽ là do Chúa quan phòng!
Thế giới của chúng ta đã không còn mặn mà với Sự thật: Tin giả, những tuyên bố hoang đường trên internet, những thuyết âm mưu điên rồ. Tuy nhiên, ẩn sâu trong mỗi người là một bản năng không thể xóa bỏ đối với sự thật, và khi sự thật được công bố, nó lưu lại một số dấu ấn cuối cùng của thẩm quyền. Tài Liệu Làm Việc không ngại thành thật nêu lên những thách đố mà chúng ta phải giải quyết. Tài Liệu công khai nói về niềm hy vọng và nỗi buồn, sự giận dữ và niềm vui của Dân Chúa. Làm sao chúng ta có thể thu hút mọi người đến với Ðấng là Sự Thật nếu chúng ta không thành thật về chính mình?
Tôi xin đề cập đến 2 cách thức mà trong đó việc nói lên sự thật là cần thiết trong truyền thống ngôn sứ. Trước hết, đó là thành thật nói lên niềm vui và nỗi khổ của nhân loại. Bartolome de Las Casas đã sống một cuộc đời tầm thường ở Hispaniola trước khi đọc bài giảng của Antonio de Montesinos, OP thuyết giảng vào Mùa Vọng năm 1511. Bài giảng chống lại những kẻ đô hộ bằng việc họ bắt người dân bản địa làm nô lệ: "Hãy nói cho tôi biết, bằng quyền nào hoặc bằng cách giải thích công lý nào mà các người bắt những người da đỏ này phải làm nô lệ một cách tàn nhẫn và khủng khiếp như vậy? Bằng thẩm quyền nào mà các người tiến hành những cuộc chiến tranh ghê tởm như vậy chống lại những người từng sống rất thanh thản và bình yên trên chính mảnh đất của họ?". Khi đọc được điều này, Las Casas nhận ra đó là sự thật và đã hoán cải. Do đó, trong Thượng Hội đồng này, chúng ta hãy lắng nghe những người sẽ nói một cách trung thực về "những niềm vui và hy vọng, nỗi đau buồn và thống khổ của con người trong thời đại chúng ta" (Gaudium et Spes 1).
Ðối với sự thật, chúng ta cũng cần những kỷ luật mang tính học thuật có để chống lại cám dỗ trong việc sử dụng Lời Chúa và những giáo huấn của Giáo hội cho mục đích riêng của mình. 'Chắc hẳn Thiên Chúa đúng vì Ngài đồng ý với tôi!'. Chẳng hạn, các học giả Kinh thánh đưa chúng ta trở lại với các văn bản gốc trong tính xa lạ và khác biệt của chúng. Khi tôi nằm trong bệnh viện, một y tá nói với tôi rằng anh ấy ước gì biết tiếng Latinh để có thể đọc Kinh Thánh bằng ngôn ngữ gốc. Tôi chẳng biết nói gì! Các học giả chân chính chống lại bất kỳ nỗ lực nào nhằm sử dụng Kinh thánh hoặc Truyền thống cho các chiến dịch cá nhân. Lời Chúa thuộc về Chúa. Hãy vâng nghe Lời Người. Chúng ta không sở hữu sự thật. Sự thật sở hữu chúng ta.
Mọi tình yêu đều mở ra cho chúng ta sự thật về người khác. Theo một nghĩa nào đó, chúng ta khám phá ra sự thật vẫn có đó theo cách thức chúng ta không thể biết được. Chúng ta không thể chiếm hữu sự thật và sử dụng sự thật cho mục đích của mình. Chúng ta yêu mến người khác trong sự khác biệt, sự tự do không thể kiểm soát của họ.
Vì vậy, trên núi Biến Hình, chúng ta thấy nhiều hình thức quyền bính khác nhau được viện dẫn để dẫn dắt các môn đệ vượt qua cuộc khủng hoảng lớn về quyền lực của Caesarea Philippi. Tất cả những quyền lực này và những quyền lực khác đều cần thiết. Không có sự thật, vẻ đẹp có thể trở nên trống rỗng. Như ai đó đã nói, "Vẻ đẹp ở nơi sự thật, cũng như sự thiện ở nơi món ăn". Không có sự thiện thì cái đẹp có thể là sự lừa dối. Sự thiện mà không có sự thật sẽ rơi vào sự đa cảm. Sự thật mà không có sự thiện sẽ dẫn tới Tòa án dị giáo. Thánh John Henry Newman đã nói rất hay về nhiều hình thức quyền lực, quản trị, lý trí, và kinh nghiệm.
Tất cả chúng ta đều có thẩm quyền, nhưng khác nhau. Thánh Newman viết rằng nếu quyền lực của chính phủ trở nên tuyệt đối thì chính phủ sẽ trở nên độc tài chuyên chế. Nếu lý trí trở thành quyền lực duy nhất, chúng ta sẽ rơi vào chủ nghĩa duy lý khô khan. Nếu kinh nghiệm tôn giáo là thẩm quyền duy nhất thì sự mê tín sẽ chiến thắng. Thượng Hội đồng giống như một dàn nhạc, với các nhạc cụ khác nhau có âm thanh riêng. Ðây là lý do tại sao truyền thống phân định của Dòng Tên rất hiệu quả. Sự thật không đến bằng đa số phiếu bầu, nếu không, nó chẳng khác gì một dàn nhạc hay một đội bóng được dẫn dắt bằng các lá phiếu!
Thẩm quyền của các vị lãnh đạo chắc chắn đảm bảo rằng việc đối thoại của Giáo hội mang lại thành quả, để không có tiếng nói nào thống trị và lấn át tiếng nói khác. Thẩm quyền cần nhận ra sự hòa hợp tiềm ẩn. Jonathan Sacks, đại giáo trưởng của Vương quốc Anh, viết rằng: "Trong thời kỳ hỗn loạn, có một cám dỗ gần như áp đảo đối với các nhà lãnh đạo tôn giáo là đối đầu. Không những sự thật phải được công bố mà sự giả dối cũng phải bị tố cáo. Các lựa chọn phải được đặt ra rõ ràng. Không lên án đồng nghĩa với bỏ qua". Tuy nhiên, ông khẳng định, "một ngôn sứ không chỉ nghe một mà là hai mệnh lệnh: Quy tắc và lòng trắc ẩn, yêu mến sự thật và tình liên đới bền vững đối với những người mà nơi họ sự thật đó bị lu mờ. Bảo tồn truyền thống và đồng thời bảo vệ những người bị lên án là nhiệm vụ khó khăn nhưng cần thiết của giới lãnh đạo tôn giáo trong thời đại phi tôn giáo"[7].
Mọi quyền bính đều đến từ Ba Ngôi, Ðấng mà trong Ngài mọi quyền bính đều được chia sẻ. Leonardo Paris, Thần học gia người Ý, khẳng định rằng: "Chúa Cha thông chia quyền lực của Ngài". Với tất cả mọi người. Và Ngài định hình cho mọi quyền lực như được chia sẻ... Chúng ta không còn có thể trích thư Thánh Phaolô - "Không còn chuyện phân biệt Dothái hay Hylạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Ðức Kitô" (Gl 3, 28) - và kêu gọi tính hiệp hành mà không thừa nhận rằng chính điều này có nghĩa là tìm ra những hình thức lịch sử cụ thể để mỗi người đều được nhìn nhận là có thẩm quyền mà Chúa Cha đã muốn giao phó cho họ"[8].
Nếu Giáo hội thực sự trở thành một cộng đoàn trao quyền cho nhau, chúng ta sẽ có thể lên tiếng với thẩm quyền của Chúa. Trở thành một Giáo hội như thế sẽ là điều gây đau đớn nhưng cũng thật tốt đẹp. Ðây là những gì chúng ta sẽ xem xét trong cuộc hội thảo cuối cùng.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Ða Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vaticannews.va (03.10.2023)
- - - - - - - - - - - - -
[1] 'The Golden Echo'
[2] ST III. 45
[3] An Interrupted Life: The Diaries and Letters of Etty Hillesum 1941 - 43, Persephone Books, London, 2007, p. 276
[4] Orthodoxy London 1996 p.134
[5] Benotti p.66
[6] Quoted by Cardinal Murphy-O'Connor, 'Fiftieth Anniversary of Priesthood', in Daniel P. Cronin, Priesthood: A Life Open to Christ (St Pauls Publishing, London, 2009), p. 134.
[7] 'Elijah and the Still, Small Voice', www.rabbisacks.org/covenant-conversation/pinchas/elijah-and-the-still-small-voice
[8] Leonardo Paris, L'erede. Una cristologia, Queriniana, 2021, pp. 220-221. Soon to be published in English by Brill, with a Foreword by Massimo Faggioli.