Marseille ráo riết chuẩn bị
nghinh đón Ðức Phanxicô
Marseille ráo riết chuẩn bị nghinh đón Ðức Phanxicô.
Vũ Văn An
Marseille (VietCatholic News 18-09-2023) - Ngay sau khi Tòa Thánh công bố chương trình viếng thăm Marseille của Ðức Giáo Hoàng, Ðức Hồng Y Jean-Marc Aveline, Tổng Giám Mục Marseille, ngày 29 tháng Bẩy năm 2023, đã ra một thông cáo biểu lộ niềm vui "cùng với toàn thể nước Pháp", người dân Marseille hân hoan được nghinh đón Ðức Giáo Hoàng. Vì nhân dịp này, người dân Marseille được "chào đón mọi khách hành hương của nước Pháp và các nước khác đến chia sẻ với họ giờ phút lịch sử này đối với đất nước chúng ta". Ngài cám ơn Ðức Giáo Hoàng "đã chấp nhận lời mời đến tận Marseille để củng cố đức tin của chúng ta, nâng đỡ niềm hy vọntg của chúng ta và khuyến khích chúng ta trên đường đối thoại và hòa bình, trong tình thương xót và đức ái".
Di dân
Dịp đó, Ðức Hồng Y Aveline không nhắc chi đến vấn đề di dân. Tuy nhiên, theo Elise Ann Allen của CruxNow, ngày 18 tháng 9 năm 2023, 4 ngày trước khi Ðức Phanxicô đặt chân lên Mar-seille, Ðức Hồng Y Aveline đặc biệt đề cập đến khía cạnh này trong một cuộc họp báo nói về chuyến viếng thăm của Ðức Giáo Hoàng. Ðối với Ðức Hồng Y, cần phải có một cách tiếp cận cân bằng trong vấn đề này.
Ngài nói: "theo quan điểm của tôi, cần phải tránh hai trở ngại dưới hai hình thức ngôn từ; thứ nhất là ngôn từ chủ hòa chào đón mọi người, không giới hạn", một ngôn từ thường được sử dụng bởi "những người... không sống trong các khu vực phải chịu đựng số dân và hoàn cảnh này". Ngài trưng dẫn hoàn cảnh buôn ma túy.
Thứ hai là "ngôn từ hung hãn... luôn coi các di dân là những người nói chung gây ra đủ mọi vấn đề của đất nước. Ðó là thứ ngôn từ thực sự gieo rắc chiến tranh giữa người ta" để được hậu thuẫn chính trị.
Theo ngài, vai trò của Giáo Hội là "tránh hai thứ ngôn từ đó" và phải có "đường lối cân bằng hết sức tế nhị đối với việc nghinh đón và các vấn đề".
Nhận định trên được phát biểu một ngày sau khi tại Vatican, nhân buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 17 tháng 9 năm 2023, Ðức Phanxicô nhấn mạnh đến khía cạnh di dân trong chuyến đi Marseille của ngài. Ngài nói: "Thứ Sáu tới đây, tôi sẽ đến Marseille để tham gia lễ bế mạc Recontres Méditerranéennes [ác cuộc gặp gỡ Ðịa Trung Hải], một sáng kiến tốt đẹp đang diễn ra tại các thành phố quan trọng ở Ðịa Trung Hải, quy tụ các nhà lãnh đạo giáo hội và dân sự để thúc đẩy các con đường hòa bình, hợp tác và hội nhập xung quanh mare nostrum [biển của chúng ta] nghĩa là Ðịa Trung Hải, với một sự tập chú đặc biệt đến hiện tượng di dân. Nó đại diện cho một thách thức không hề dễ dàng, như chúng ta cũng thấy trong tin tức những ngày gần đây, nhưng phải cùng nhau đối đầu, vì nó cần thiết cho tương lai của tất cả mọi người, một tương lai sẽ chỉ thịnh vượng nếu được xây dựng trên tình huynh đệ, đặt phẩm giá con người và những con người thực sự, đặc biệt là những người cần được giúp đỡ nhất, lên trước hết. Trong khi xin anh chị em đồng hành với cuộc hành trình này bằng lời cầu nguyện, tôi cũng muốn cảm ơn các nhà chức trách dân sự và tôn giáo, cũng như những người đang nỗ lực chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ ở Marseille, một thành phố bao gồm nhiều dân tộc, được kêu gọi trở thành bến cảng của hy vọng. Bây giờ tôi xin chào tất cả cư dân, mong được gặp rất nhiều anh chị em thân yêu."
Gặp gỡ Ðịa Trung Hải
Cuộc gặp gỡ Ðịa Trung Hải dự trù tiếp đón 60 đại diện các Giáo Hội thuộc năm bờ biển của Ðịa Trung Hải (Bắc Phi, Cận Ðông, Biển Aegean, Hắc Hải, Nam Âu Châu) và khoảng 60 người trẻ thuộc vùng này để thảo luận các thách thức chính trị, kinh tế và môi trường của vùng Ðịa Trung Hải. Trong các cuộc gặp gở trước đây tại Bari và Florence, các thị trưởng của các nước trong vùng đã thảo luận các nhu cầu và thách đố của vùng. Ðức Hồng Y Aveline nói rằng sự hiện diện của giới trẻ năm nay là một điều mới mẻ độc đáo nhằm nhấn mạnh tới tương lai. Trong số nhiều vấn đề, môi trường, nghèo đói, tranh chấp bạo lực, vấn đề di dân chắc chắn sẽ nổi bật vì đây là vấn đề "ruột" của Ðức Phanxicô, như đã thấy. Một phần, vì các nước trong vùng đang gặp khhủng hoảng về vấn đề này.
Tuần trước, Pháp ra lệnh gia tăng gấp đôi số binh lính trú đóng tại biên giới với Ý, trong cố gắng chặn đứng các cuộc vượt biên giới của di dân bát hợp pháp vì Ý đang bị vây khốn bởi các di dân từ Bắc Phi tràn qua. Ðức cũng vừa quyết định ngưng thoả thuận với Ý sẽ tiếp nhận di dân.
Tuy nhiên, Ðức Hồng Y Aveline cho hay, "một khía cạnh độc đáo khác của cuộc thảo luận là các nhu cầu của vùng Ðịa Trung Hải cần được lượng giá từ 'năm bờ biển'" để có chung một viễn kiến.
Ngài cho biết thêm: sau cuộc thảo luận bàn tròn khởi đầu, sẽ có các nhóm làm việc nhỏ của các Giám Mục và giới trẻ. Sau đó, các nhóm nhỏ này sẽ họp nhau lại để thảo luận chung nhằm điều Ðức Hồng Y Aveline cho là "một hình ảnh chính xác hơn về các bối cảnh đa dạng của Ðịa Trung Hải".
Theo ngài, vùng Ðịa Trung Hải bị vây khốn bởi 4 vấn đề chính. Ngoài vấn đề di dân, còn có các quan tâm xã hội và kinh tế, các thách thức môi trường và các vấn đề chính trị. Bốn vấn đề này hiện làm cho cuộc sống trở thành bất khả đối với nhiều người và do đó giải pháp duy nhất của họ là di dân.
Tuy nhiên, bầu khí của cuộc gặp gỡ không hẳn hoàn toàn căng thẳng như vậy, nhờ khía cạnh lễ hội của nó. Các tham dự viên sẽ có dịp được "trải nghiệm Ðịa Trung Hải qua nghệ thuật, nấu nướng, cử hành". Họ sẽ viếng thăm các giáo xứ, gặp gỡ và trao đổi với dân chúng Marseille.
Ngài cũng nhấn mạnh tới khía cạnh liên tôn của biến cố này vì Marseille vốn nổi tiếng ở tính đa dạng của nó. Theo Elise Ann Allen, dân số Thành Phố là 800,000 người, trong đó, 250,000 người theo Hồi Giáo; 80,000 người theo Do Thái Giáo; 80,000 người Armenia; 20,000 người Phật Giáo, còn lại là Kitô giáo.
Tổng thống Pháp tham dự Thánh Lễ
Dù Ðức Phanxicô nhấn mạnh ngài chỉ đến Marseille chứ không đến thăm nước Pháp, ngầm cho thấy đây không phải là chuyến viếng thăm cấp nhà nước, nhưng theo chương trình chính thức, do Tòa Thánh công bố, thì Ðức Giáo Hoàng sẽ được Tổng Thống Emmanuel Macron của Pháp đón tiếp khi ngài đặt chân xuống phi trường Marseille ngày 22 tháng 9 năm 2023. Sau đó, ngày 23 tháng 9 năm 2023, lúc 11 giờ 30, ngài lại gặp Tổng thống Pháp một lần nữa tại Dinh Pharo, có chụp hình chính thức, trao quà, và dĩ nhiên thảo luận.
Ðiều gây xôn xao trong công luận Pháp là việc gần đây, Ðiện Élysée chính thức thông báo Tổng Thống Macron sẽ tham dự Thánh Lễ do Ðức Giáo Hoàng cử hành tại vận động trường Vélodrome.
Theo trang mạng https://france3-regions.francetvinfo.fr, khi nghe tin trên, ngay lập tức, giới chính trị có phản ứng. Dân biểu Alexis Corbière của đơn vị Seine-Saint-Denis cho đây là 'một sai lầm, không phù hợp với sự kiện một dân cử, nhất là Tổng thống Cộng hòa, tham dự trong tư cách ấy một lễ nghi tôn giáo". Tổng thư ký Ðảng cộng sản Pháp, Fabien Roussel, nhận định: "đâu có buộc Tổng thống Công Hòa phải tham dự một thánh lễ". Nữ dân biểu Danièle Obono thì cho rằng làm thế không còn gì là chuyện tôn trọng nguyên tắc tách biệt đạo và đời.
Trước các chỉ trích ấy, Ðiện Élysée bồi thêm bằng cách thông báo cả Brigitte Macron cũng sẽ tham dự Thánh Lễ của Ðức Giáo Hoàng. Ðiện này cho hay: "tổng thống có những mối liên hệ với mọi tín phái". Vả lại, theo Élysée, "Ðức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ ngỏ lời với người dân Marseille nhưng cũng ngỏ lời với cả người dân Pháp nữa và với tất cả mọi người của Ðịa Trung Hải".
Élysée cũng thông báo, Tổng Thống Macron còn đích thân tiễn Ðức Giáo Hoàng trở lại Rôma tại phi trường Marignane.
Ngày 15 tháng 9 năm 2023, chính Tổng thống Macron tuyên bố tại Semur-en-Auxois rằng "tôi coi vị thế của tôi phải đến đó. Tôi sẽ không đến như một người Công Giáo, tôi đến trong tư cách Tổng thống Cộng hòa, người vốn là một người thế tục". Ông cho hay tham dự Thánh lễ là "để tôn trọng và lịch sự".
An ninh ngoại hạng
Cũng theo trang mạng trên, 5,000 cảnh sát viên và 1,000 nhân viên an ninh tư sẽ được khai triển trong các ngày Ðức Phanxicô ở Marseille, quanh các địa điểm ngài lui tới và tại các tuyến giao thông chung, để, theo lời cảnh sát trưởng của khu vực, "ngăn ngừa mọi đe dọa khủng bố, các hành vi quấy phá biến cố và các hành vi du đãng". Trang mạng coi việc sắp xếp này là "ngoại thường, vượt qui chuẩn". Cơ quan cảnh sát cũng cho hay mọi nơi Ðức Giáo Hoàng tới và mọi xe cộ được sử dụng đều sẽ được rà mìn. Các địa điểm này đều sẽ được rào. Nhà thờ Notre-Dame-de-la-Garde sẽ đóng cửa từ ngày 20 tới ngày 24 tháng 9 năm 2023. Từ thứ Sáu 22 tháng 9 năm 2023 lúc 15 giờ tới thứ Bẩy 23 tháng 9 năm 2023 lúc 20 giờ việc cấm qua lại ở khu vực này sẽ được thiết lập, cư dân muốn ra vào phải có chứng minh thư cư ngụ.
Ngoại trừ đường đi của giáo hoàng xa tại khu vực Prado, tất cả các biến cố của ngày thứ bẩy 23 tháng 9 năm 2023 chỉ dành cho những người được mời và những người này, ngoài giấy mời, còn phải trình một loại căn cước. Ngoài ra họ còn bị rà máy an ninh nữa. Mọi thiện nguyện viên và nhân viên phục vụ, khoảng 6,000 người, đều bị điều tra lý lịch (có người đạ bị loại).
Cả trên không, việc giám sát cũng ở mức tối đa: không một drone hay máy bay nào được bay trên khu vực có Ðức Giáo Hoàng vào những lúc này. Ngoài biển cũng thế, an ninh nghiêm ngặt ở vùng Vieux-Port, công viên Prado...
Năm con số
Quang Phạm cũng của trang mạng trên liệt kê 5 con số đáng lưu ý trong Thánh Lễ của Ðức Phanxicô tại vận động trường Vélodrome, một cử hành anh coi là "ngoại thường, thách thức mọi kỷ lục".
Trước nhất sẽ có 57,000 tín hữu tham dự, coi như chật ních vận động trường. Những chỗ cuối cùng đã được nhận chỉ trong vài giờ, tuy nhiên, ưu tiên vẫn dành cho người bệnh và giới trẻ, theo lời Ðức Hồng Y Aveline. Con số thứ hai: sẽ có hàng hai chục ca đoàn qui tụ hàng ngàn ca viên hát thánh ca trong Thánh lễ, nhưng các nhà tổ chức cho hay ngoài ra còn có 57,000 ca viên, nghĩa là toàn bộ cộng đoàn phụng vụ tại vận động trường cùng tham gia vào các bài thánh ca này.
Con số thứ ba là sẽ có khoảng 1,000 linh mục và 150 vị Hồng Y cùng tham dự Thánh lễ của Ðức Giáo Hoàng. Giáo phận Marseille cho hay: các vị giáo sĩ và giáo phẩm đến "từ khắp vùng Ðịa Trung Hải. Trong khuôn khổ các cuộc gặp gỡ Ðịa Trung Hải, Ðức Giáo Hoàng muốn qui tụ các tu sĩ của từng quốc gia thuộc Ðịa trung Hải, những người hết thẩy đều đang đương đầu với cùng những vấn đề bất kể là di dân, vì nghèo đói, mãi lực hay quá độ năng lực".
Con số thứ bốn là chi phí tổ chức Thánh Lễ sẽ lên đến 800,000 euro. Chi phí này là chi phí thuê địa điểm, phục hồi thảm cỏ, dựng lễ đài...Và con số sau cùng là số tiền hy vọng nhận được từ tiền quyên trong thánh lễ, hy vọng sẽ đạt được vào khoảng 500,000 euro.