Thư Ðức Hồng y Mario Grech mời gọi

cầu nguyện cho Thượng Hội đồng

 

Thư Ðức Hồng y Mario Grech mời gọi cầu nguyện cho Thượng Hội đồng.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP. chuyển dịch Việt ngữ

Vatican (WHÐ 16-09-2023) - Trong một lá thư đề ngày 12 tháng 09 năm 2023 gửi tới các Giám mục giáo phận trên toàn thế giới, Ðức Hồng y Mario Grech, Tổng Thư ký Thượng Hội đồng, mời gọi các tín hữu tham gia cầu nguyện cho Ðại hội thường lệ lần thứ XVI của Thượng Hội đồng Giám mục: "Hướng tới một Giáo hội Hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia, và Sứ vụ" sẽ được Ðức Thánh Cha khai mạc vào ngày mồng 04 tháng 10 năm 2023.

Dưới đây là bản dịch Việt nữ nội dung lá thư của Ðức Hồng y:

 

Văn Phòng Thư Ký

Thượng Hội Ðồng

Vatican, ngày 12 tháng 9 năm 2023

Prot. No. 230382

Anh em trong hàng Giám mục thân mến,

"Dân Chúa đã và đang tiến bước kể từ khi Ðức Thánh Cha Phanxicô triệu tập toàn thể Giáo hội trong Thượng hội đồng vào tháng 10. 2021" (Tài liệu làm việc, 1), và giờ đây chúng ta đã đạt được một cột mốc quan trọng khác trong tiến trình này vốn đã khởi sự với việc thỉnh ý Dân Chúa. Trong vài ngày nữa, vào ngày mồng 04. 10, Ðức Thánh Cha sẽ khai mạc phiên họp thứ nhất của Ðại hội thường lệ lần thứ XVI của Thượng Hội đồng Giám mục, "Hướng tới một Giáo hội Hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia, và Sứ vụ".

"Không có cầu nguyện sẽ không có Thượng Hội đồng" (Ðức Thánh Cha Phanxicô, Ý cầu nguyện tháng 10.2022). Thượng Hội đồng trước hết là một biến cố cầu nguyện và lắng nghe không chỉ có sự tham gia của các thành viên Thượng Hội đồng, mà còn của mọi người đã lãnh phép Rửa, và của mọi Giáo hội địa phương. Thật vậy, vào lúc này tất cả chúng ta đều được mời gọi hiệp nhất trong sự hiệp thông cầu nguyện và trong lời khẩn cầu Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta nhận ra điều Chúa muốn nơi Giáo hội của Ngài ngày nay. Vì vậy, tôi viết cho anh em, những người là "nguyên tắc hữu hình và nền tảng của sự hiệp nhất" (LG 23) trong các Giáo hội địa phương của anh em, và là những linh hoạt viên đầu tiên của việc cầu nguyện đối với phần dân Chúa được ủy thác cho anh em, để toàn thể Giáo hội có thể dâng lên Thiên Chúa "một lời cầu nguyện không ngừng" (Cv 12, 5) cho Ðức Thánh Cha - Ðức Giáo hoàng Phanxicô - và cho tất cả các thành viên của Thượng Hội đồng. Do đó, tôi xin anh em hãy cầu nguyện cho Thượng Hội đồng, và khuyến khích mọi cộng đoàn Kitô hữu trong Giáo hội địa phương của anh em, đặc biệt là các cộng đoàn đan viện, hãy đồng tâm nhất trí và không ngừng cầu nguyện. Cầu nguyện là một trong những hình thức tham gia cụ thể của mỗi giám mục vào hoạt động hiệp đoàn và là dấu chỉ nổi bật của sự quan tâm đến Giáo hội hoàn vũ (x. Apostolorum successores, 13).

Cầu nguyện được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau nhằm diễn tả chiều kích đa dạng của đời sống hiệp hành của Giáo hội. Trước hết, cầu nguyện là lắng nghe. Khi mở ra tiến trình Thượng Hội đồng, Ðức Thánh Cha khẳng định: "Thượng Hội đồng mang đến cho chúng ta cơ hội để trở thành một Giáo hội biết lắng nghe, ra khỏi nhịp điệu của thói quen thường ngày, tạm ngừng những lo lắng mục vụ của chúng ta để dừng lại và lắng nghe" (Moment of Reflection, Roma, ngày mồng 09.10.2021). Bước đầu tiên trong việc cầu nguyện là lắng nghe Lời Chúa, lắng nghe Thần Khí. Vì vậy, đóng góp trước hết của mỗi người đã lãnh phép Rửa vào việc khai mạc Ðại hội Thượng Hội đồng sẽ là việc lắng nghe Lời Chúa và Thần Khí với niềm xác tín rằng tiếng nói của Thần Khí là điều thiết yếu đối với sự phân định mang tính giáo hội.

Ðặc tính thứ hai của cầu nguyện là tôn thờ. Ðức Thánh Cha nói rõ: "Ngày nay chúng ta thiếu việc cầu nguyện tôn thờ biết bao; Nhiều người không chỉ mất đi thói quen mà còn cả khái niệm về ý nghĩa của việc thờ phượng Thiên Chúa!" (Roma, ngày mồng 09.10.2021). Vì thế, việc lắng nghe phải được theo sau bằng việc thinh lặng tôn thờ trong sự kính sợ trước những gì Thiên Chúa đang nói với Giáo hội và những gì Thần Khí khơi dậy trong Giáo hội ngày nay. Lộ trình hiệp hành đã đi cho đến nay dẫn chúng ta đến sự ngạc nhiên và kinh ngạc, đến sự chuyển đổi cái nhìn của chúng ta từ nỗi buồn cam chịu (x. Lc 24, 17) sang sứ mạng vui tươi của những người đã khám phá ra sự hiện diện của Ðấng Phục Sinh ở giữa chúng ta (x. Lc 24, 33).

Ðặc tính thứ ba của cầu nguyện là chuyển cầu. Chúng ta phải tin vào hiệu quả của lời cầu nguyện chuyển cầu, vốn không hệ tại việc uốn nắn ý muốn của Thiên Chúa theo ý muốn của chúng ta. Trái lại, là cầu xin Chúa soi sáng tâm hồn chúng ta bằng quyền năng của Thánh Thần ban sự sống để chúng ta có thể phân định và thực thi ý muốn của Ngài. "Chuyển cầu" cũng có nghĩa là chịu trách nhiệm, tuyên bố trước mặt Thiên Chúa về sự tham gia và liên kết của chúng ta. "Chuyển cầu" có nghĩa là nói, "Tôi quan tâm, tôi tham gia, việc đó thuộc về tôi". Cầu bầu cho Thượng Hội đồng, cho tất cả các thành viên và trước hết là cho Ðức Thánh Cha, người thường xuyên xin chúng ta cầu nguyện cho ngài, có nghĩa là thực hiện hành vi tham gia cao nhất.

Cuối cùng, cầu nguyện là tạ ơn, nhìn nhận tính ưu việt của hành động và ân sủng của Thiên Chúa trong mọi công việc của chúng ta cũng như trong đời sống của cộng đoàn Kitô hữu. Theo lời của Ðức Thánh Cha: "Lời cầu nguyện tạ ơn luôn bắt đầu từ đây: từ việc nhận ra rằng chính mình đã được ân sủng đi trước. Chúng ta đã được nghĩ tới trước khi chúng ta học để biết suy nghĩ; chúng ta đã được yêu thương trước khi chúng ta học để biết yêu thương; chúng ta đã được mong muốn trước khi một ước muốn nảy sinh trong tâm hồn chúng ta" (Tiếp kiến chung, ngày 30.12.2020). Lời cầu nguyện tạ ơn là một "liệu pháp" thực sự giúp chúng ta chuyển từ sự thu mình vào chính mình sang sự cởi mở để có thể khám phá những gì Thiên Chúa tiếp tục thực hiện trong Giáo hội của Ngài.

Anh em thân mến, với lời cầu nguyện lắng nghe, tôn thờ, chuyển cầu, và tạ ơn, trong quyền năng của Chúa Thánh Thần, toàn thể cộng đoàn Giáo hội sẽ hiện diện tại Thượng Hội đồng như một sự kiện liên quan đến tất cả những ai đã lãnh phép Rửa. Tôi mời gọi anh em nhấn mạnh đến việc cầu nguyện cho Thượng Hội đồng, đặc biệt là vào ngày mồng 01 tháng 10, Chúa nhật XXVI Thường niên (Năm A), nhắc nhớ việc cầu nguyện trong bài giảng, trong Lời nguyện chung, và trong phép lành cuối cử hành Thánh Thể. Ðể đạt mục đích này, tôi đính kèm một số bản văn có thể được sử dụng cho Lời cầu nguyện chung và phép lành cuối thánh lễ.

Xin cám ơn anh em vì sự quan tâm trong việc hướng dẫn các Giáo hội địa phương của anh em trên hành trình hiệp hành, và tạ ơn Chúa vì những hồng ân hiệp thông và niềm hy vọng vui tươi mà Ngài làm triển nở trên hành trình giáo hội, tôi cũng bảo đảm với anh em về lời cầu nguyện của tôi dành cho anh em và cho thừa tác vụ của anh em nhân danh toàn thể Giáo hội. Xin Thần Khí của Chúa luôn soi sáng và dẫn dắt chúng ta trên con đường thánh ý của Ngài, vì chỉ có Lời Chúa mới làm cho chúng ta sống (x. Tv 119, 50) và chỉ nơi Lời Chúa chúng ta mới tìm thấy niềm vui.

Trong tình huynh đệ,

Hồng y Mario Grech

Tổng thư ký

 

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP, chuyển dịch Việt ngữ

Dòng Ða Minh Thánh Tâm

Chuyển ngữ từ: synod.va (15.09.2023)

(Nguồn: Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page