Thượng Hội đồng về hiệp hành:
Một số điều nên biết xung quanh
khoá họp thứ nhất vào tháng 10 năm 2023
Thượng Hội đồng về hiệp hành: Một số điều nên biết xung quanh khoá họp thứ nhất vào tháng 10 năm 2023.
Roma (WHÐ 14-09-2023) - Khoá họp thứ nhất của Thượng hội đồng Giám mục cấp hoàn vũ sẽ khai mạc vào tháng 10 năm 2023, quy tụ cả giáo sĩ và giáo dân. Dưới đây là một số điều chúng ta nên biết liên quan đến Khoá họp này của Thượng Hội đồng Giám mục về hiệp hành.
1. Vài điểm chính yếu của Thượng Hội đồng về hiệp hành là gì?
Thượng Hội đồng về hiệp hành, do Ðức Thánh Cha Phanxicô khởi xướng vào tháng 10 năm 2021, là một công việc kéo dài nhiều năm, trên phạm vi toàn thế giới, trong đó người Công giáo được yêu cầu gửi phản hồi cho các giáo phận địa phương của mình về câu hỏi: "Thần Khí mời gọi chúng ta thực hiện những bước nào để phát triển trong việc 'bước đi cùng nhau?'"
Tiến trình hiệp hành của Giáo hội Công giáo đã trải qua các giai đoạn cấp giáo phận, quốc gia và châu lục. Tiến trình này sẽ đạt tới đỉnh điểm trong hai Ðại hội mang tính hoàn vũ sẽ được tiến hành tại Roma. Ðại hội lần thứ nhất sẽ diễn ra từ ngày mồng 04 đến 28 tháng 10 năm 2023 và Ðại hội lần thứ hai sẽ vào tháng 10 năm 2024 để tư vấn cho Ðức giáo hoàng Phanxicô về chủ đề "Hướng tới một Giáo hội hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia, và Sứ vụ".
Tính hiệp hành có nghĩa là gì?
Tính hiệp hành được Ủy ban Thần học Quốc tế của Bộ Giáo lý Ðức tin xác định vào năm 2018 là "hoạt động của Thánh Thần trong sự hiệp thông với Nhiệm thể Ðức Kitô và trong hành trình sứ mạng của dân Chúa".
Trong khi Tài liệu chuẩn bị Thượng Hội đồng năm 2021 mô tả tính hiệp hành là "hình thức, phong cách, và cơ cấu của Giáo hội", thì Tài liệu làm việc cho Khoá họp thứ nhất của Thượng hội đồng cho biết thêm rằng, tính hiệp hành cũng có thể được hiểu là một điều gì đó "không bắt nguồn từ việc đưa ra một nguyên tắc, một lý thuyết hay một công thức, nhưng phát triển từ chỗ sẵn sàng bước vào một sự năng động của việc nói, lắng nghe và đối thoại mang tính xây dựng, tôn trọng và cầu nguyện".
"Nền tảng của tiến trình này là sự chấp nhận của cả cá nhân và cộng đoàn, một điều vừa là hồng ân vừa là thách thức: trở thành một Giáo hội gồm các anh chị em trong Ðức Kitô, những người lắng nghe nhau và khi làm như vậy, dần dần được Thánh Thần biến đổi".
Ðức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ngài hình dung Thượng Hội đồng về hiệp hành là "một cuộc hành trình dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần, chứ không phải là một nghị viện để đòi hỏi quyền lợi và các nhu cầu phù hợp với chương trình nghị sự theo kiểu thế gian, cũng không phải là một cơ hội để đi theo bất cứ nơi đâu có gió thổi, mà là dịp để ngoan nguỳ trước hơi thở của Chúa Thánh Thần".
Những câu hỏi chính mà Thượng Hội đồng về hiệp hành sẽ cố gắng trả lời là gì?
Theo Tài liệu làm việc, khoá họp thứ nhất của Thượng Hội đồng tập trung vào 3 câu hỏi bao quát:
- Làm thế nào chúng ta có thể trở thành dấu chỉ và khí cụ hiệp nhất với Thiên Chúa và hiệp nhất toàn thể nhân loại một cách trọn vẹn hơn?
- Bằng cách nào chúng ta có thể chia sẻ một cách tốt hơn các ân ban và các nhiệm vụ phục vụ Tin Mừng?
- Những tiến trình, cơ cấu và định chế nào trong một Giáo hội hiệp hành mang tính sứ mạng?
Mục tiêu chính của khoá họp này là để thiết kế một kế hoạch nghiên cứu theo "phong cách hiệp hành" và cho biết ai sẽ tham gia vào các cuộc thảo luận đó. Việc phân định sẽ được "hoàn thành" trong khoá họp năm 2024 của Thượng Hội đồng.
Một số chủ đề nào có thể được đề cập trong Ðại hội Thượng Hội đồng lần này?
Tài liệu làm việc gợi ý sự phân định về những vấn đề liên quan đến một số chủ đề nóng, chẳng hạn như: nữ phó tế, luật độc thân linh mục, và việc tiếp cận cộng đồng LGBTQ.
Tài liệu cũng nêu bật mong muốn có các cơ quan thể chế mới để cho phép "dân Chúa" tham gia nhiều hơn vào việc đưa ra quyết định. Một trong những câu hỏi được đề xuất để phân định là: "Chúng ta có thể học được gì về việc thực thi quyền bính và trách nhiệm từ các Giáo hội và cộng đồng giáo hội khác?"
Thượng Hội đồng về hiệp hành khác với các Thượng Hội đồng Giám mục trước đây như thế nào?
Thượng Hội đồng Giám mục là một cuộc họp của các Giám mục được quy tụ để thảo luận về một chủ đề có ý nghĩa Thần học hoặc Mục vụ nhằm chuẩn bị một tài liệu mang tính gợi ý hoặc cố vấn cho Ðức giáo hoàng.
Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI này là lần đầu tiên quy tụ các đại biểu có quyền biểu quyết không phải là giám mục. Gần 1/3 trong số 364 đại biểu bỏ phiếu do chính Ðức Thánh Cha trực tiếp lựa chọn, bao gồm giáo dân, linh mục, nữ tu, và phó tế. Số thành viên phụ nữ có quyền bỏ phiếu là 54 người.
Ðại hội Thượng Hội đồng tháng 10 năm 2023 sẽ được tổ chức tại Ðại thính đường Phaolô VI, thay vì New Synod Hall, và các đại biểu sẽ ngồi theo bàn tròn, mỗi bàn khoảng 10 người. Phần kế tiếp của Ðại hội này sẽ tập trung vào việc quyết định các bước tiếp theo của Giáo hội và "các nghiên cứu thần học và giáo luật chuyên sâu cần thiết để chuẩn bị" cho Ðại hội lần thứ hai vào tháng 10 năm 2024.
Những ai đã tham gia Thượng Hội đồng về hiệp hành?
Tổng Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục đã báo cáo rằng giai đoạn lắng nghe cấp giáo phận ban đầu đã kết thúc với sự tham gia của 112 trong số 114 Hội đồng giám mục Công giáo trên thế giới.
Ví dụ, theo một báo cáo từ Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, khoảng 700,000 người đã tham gia vào giai đoạn cấp giáo phận của Thượng Hội đồng ở Hoa Kỳ trong tổng số 66.8 triệu tín hữu Công giáo ở nước này, tương đương khoảng 1%.
Ai là người tổ chức chính của Thượng Hội đồng về hiệp hành?
Không kể Ðức giáo hoàng Phanxicô, thì Ðức Hồng y Jean-Claude Hollerich, Tổng giám mục 64 tuổi của Luxembourg, với tư cách là Tổng tường trình viên của Thượng Hội đồng, là một trong những người tổ chức chính của Thượng Hội đồng. Ngoài ra, phải kể đến Ðức Hồng y Mario Grech, Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục.
2. Thượng Hội đồng Giám mục và việc truyền thông
Trong cuộc họp báo hôm mồng 08 tháng 09 năm 2023 tại Vatican, ông Paolo Ruffini, Bộ trưởng Bộ Truyền thông cho biết: "Cách thức chúng tôi chia sẻ thông tin về Thượng Hội đồng là rất quan trọng đối với tiến trình phân định và đối với toàn thể Giáo hội".
Thông tin cập nhật về Thượng Hội đồng
Theo ông Ruffini, một số "quy tắc liên quan đến truyền thông" xuất phát từ "bản chất của Thượng Hội đồng", điều mà Ðức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần nhấn mạnh đó không phải là một "nghị viện" hay hiệp định mà là một hành trình lắng nghe và cùng nhau bước đi theo Chúa Thánh Thần.
"Việc duy trì tính bảo mật, sự riêng tư và thánh thiêng của một số nơi nhất định dành cho việc thảo luận trong Thánh Thần, là một phần của ước muốn biến những khoảnh khắc này thành cơ hội thực sự để lắng nghe, phân định và cầu nguyện được bắt nguồn từ sự hiệp thông".
Do đó, các cuộc thảo luận tại Ðại hội Thượng Hội đồng Giám mục từ ngày mồng 04 đến 29 tháng 10 năm 2023 sẽ không được mở cửa cho công chúng hoặc cho các phóng viên nhằm "bảo vệ bầu khí Thượng Hội đồng". Tuy nhiên, một số phần của Thượng Hội đồng sẽ được phát trực tiếp và mở cửa cho các phóng viên được Vatican chính thức công nhận, chẳng hạn như:
- Thánh lễ khai mạc Ðại hội Thượng Hội đồng Giám mục tại Quảng trường Thánh Phêrô vào ngày mồng 04 tháng 10 năm 2023.
- Phiên họp khoáng đại đầu tiên sẽ bắt đầu vào chiều cùng ngày với các bài phát biểu của Ðức Hồng y Mario Grech, Tổng thư ký Thượng Hội đồng; của Ðức Hồng y Jean-Claude Hollerich, Tổng tường trình viên Thượng Hội đồng; và của Ðức Thánh Cha Phanxicô.
- Phút cầu nguyện bắt đầu mỗi Phiên họp khoáng đại nhằm tạo điều kiện cho "sự hiệp thông của toàn thể dân Chúa từ khắp nơi trên thế giới".
- Các phiên khai mạc của mỗi phân đoạn trong số năm phần theo các đề tài và vấn đề được trình bày trong Tài liệu Làm việc mà Thượng Hội đồng sẽ được phân chia.
Các phần sẽ được dành riêng cho tính Hiệp hành, Hiệp thông, Sứ mạng và Tham gia và mỗi phần sẽ bao gồm các phiên họp toàn thể được gọi là các Phiên họp khoáng đại cũng như các nhóm làm việc.
Phần kết thúc sẽ tập trung vào việc phê duyệt một Báo cáo tổng hợp sẽ được thảo luận trong một Phiên họp khoáng đại, tiếp đến, các nhóm làm việc bổ sung những nhận xét của mình và sau đó sẽ soạn thảo một bản tóm tắt để "ghi lại các quan điểm và đề xuất mà có sự đồng thuận đáng kể, nhưng cũng có cả những ý kiến bất đồng, nêu rõ những quan điểm và lý do khác nhau".
Ông Ruffini nói thêm rằng: "Các thành viên của nhóm sẽ được yêu cầu thống nhất về việc liệu bản báo cáo có thể hiện đầy đủ công việc được thực hiện cùng nhau hay không, chứ không phải về việc liệu tất cả họ có đồng ý về từng điểm hay không". Sau đó bản báo cáo sẽ được đệ trình lên Phiên họp toàn thể để phê duyệt và sau đó bàn giao cho Ban Tổng thư ký.
Tài liệu cuối cùng của Thượng Hội đồng sẽ không được đề xuất chi tiết mà được trình lên Ðức Thánh Cha cho đến sau phiên họp thứ hai của Thượng Hội đồng vào tháng 10 năm 2024.
Các nhóm làm việc trong Ðại hội Thượng Hội đồng
Như ông Ruffini cho biết, các nhóm làm việc sẽ gồm khoảng 10-12 người và nhóm này sẽ thay đổi trong suốt khoá họp để khuyến khích sự tương tác nhiều hơn với nhiều người hơn.
Các nhóm cũng sẽ được phân chia theo 5 ngôn ngữ chính là Ý, Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha. Ðiều dễ nhận thấy là sẽ không có tiếng Ðức, mà theo ông Ruffini, làm như vậy để những người nói tiếng Ðức sẽ không chỉ "nói chuyện với nhau" nhằm giúp họ tích cực đóng góp trong các nhóm khác "vì chúng tôi biết các tham dự viên nói tiếng Ðức cũng có thể nói được các ngôn ngữ khác".
Mỗi nhóm làm việc cũng sẽ có một chuyên gia để tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc thảo luận "trong Thánh Thần, người sẽ đồng hành cùng cuộc trao đổi từ quan điểm phương pháp luận".
Tính Hiệp hành và Ðại kết
Ðức Thánh Cha Phanxicô cũng đã công bố trước đây, Ðại hội Thượng Hội đồng sẽ bắt đầu bằng cuộc tĩnh tâm 3 ngày dành cho các giám mục Công giáo và các tham dự viên từ ngày mồng 01 đến 03 tháng 10 năm 2023 do Linh mục Timothy Radcliffe, OP, nguyên Bề trên tổng quyền dòng Ðaminh hướng dẫn.
Trong buổi họp báo, Nữ tu Nathalie Becquart, phó thư ký Thượng Hội đồng, cũng thông báo chi tiết về buổi cầu nguyện đại kết, như một phần của Thượng hội đồng, sẽ diễn ra tại Quảng trường Thánh Phêrô vào ngày 30 tháng 9 năm 2023. Buổi canh thức cầu nguyện, do cộng đoàn Taizé tổ chức, nhằm phó thác công việc của Thượng hội đồng cho Thiên Chúa.
Theo Sơ Becquart, như Ðức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh rằng không thể có hiệp hành nếu không có đại kết và không có đại kết nếu không có việc cùng nhau bước đi.
Do đó, những người trẻ, các thành viên và lãnh đạo của các cộng đồng Kitô giáo và Giáo hội khác nhau sẽ hiện diện trong buổi cầu nguyện đại kết này. Các nhà lãnh đạo có thể kể đến: Thượng phụ Bartholomew, Giáo chủ Chính thống Constantinople và là vị đứng đầu Chính thống giáo, Ðức Tổng Giám mục Justin Welby, Giáo chủ Liên hiệp Anh giáo Canterbury và William Wilson, chủ tịch Hiệp hội Ngũ Tuần Thế giới và chủ tịch của Oral Roberts University ở Tulsa, Oklahoma,...
Ngoài ra, Quảng trường Thánh Phêrô cũng sẽ được trang trí bằng những bụi cây, cây xanh, và hoa tươi để tạo cảm giác giống như một khu vườn rộng lớn và tượng trưng cho công cuộc sáng tạo với cây thánh giá San Damiano của Assisi. Chính trước cây Thánh giá này, Thánh Phanxicô đã cảm thức được lời Thiên Chúa kêu gọi "Hãy đi sửa lại ngôi nhà của Ta".
Có lời cầu nguyện nào cho Thượng Hội đồng về hiệp hành chăng?
Có, lời cầu nguyện được tìm thấy trong Cẩm nang cho Thượng Hội đồng Giám mục về hiệp hành như sau:
Lạy Chúa Thánh Thần,
này chúng con đang hiện diện trước nhan Chúa,
khi cùng nhau tụ họp nhân danh Chúa.
Chỉ có Chúa là Ðấng hướng dẫn chúng con,
xin hãy ngự trị trong tâm hồn chúng con;
xin dạy chúng con lối đường phải đi
và cách bước đi trên lối đường đó.
Chúng con yếu đuối và tội lỗi,
xin đừng để chúng con gây xáo trộn.
Ðừng để chúng con u mê sa nẻo đường lầm
cũng đừng để chúng con làm theo thiên kiến.
Xin giúp chúng con tìm thấy nơi Chúa sự hiệp thông giữa chúng con
để chúng con có thể cùng tiến đến cuộc sống vĩnh cửu
và không lạc xa khỏi con đường chân lý và ngay thật.
Chúng con cầu xin Chúa,
là Ðấng hoạt động mọi nơi mọi thời,
trong sự thông hiệp với Chúa Cha và Chúa Con,
mãi mãi đến muôn đời. Amen.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Ða Minh Thánh Tâm
Theo: catholicnewsagency.com (13.09.2023) và
oursundayvisitor.com (09.09.2023)
(Nguồn: Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam)