Ðức Thánh cha:

Tôi đã đến trung tâm của Á châu,

và điều đó thật tuyệt vời!

 

Tiếp kiến chung của Ðức Thánh cha: Tôi đã đến trung tâm của Á châu, và điều đó thật tuyệt vời!

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 07-09-2023) - Sáng thứ Tư, ngày 06 tháng Chín năm 2023, có khoảng 20,000 tín hữu hành hương đến tham dự buổi tiếp kiến chung hằng tuần của Ðức Thánh cha tại Quảng trường thánh Phêrô.

Như thói quen, trước 9 giờ, Ðức Thánh cha đi xe mui trần tiến ra quảng trường. Có 5 em bé được ngồi chung trên xe, khi ngài đi qua các lối đi để chào thăm các tín hữu, trước khi tiến lên lễ đài ở thềm đền thờ. Bên tay trái lễ, đài có tám giám mục cũng tham dự cuộc tiếp kiến.

Sau khi Ðức Thánh cha làm dấu Thánh giá khai mạc, người ta đã nghe hai câu trong sách ngôn sứ Samuel quyển thứ I (1 Sam 16,6-7): [Khi ấy ngôn sứ Samuel] thấy ông Elias và nói: "Ðúng rồi, đứng trước mặt Chúa có người được xức dầu". Nhưng Chúa nói với Samuel: "Ðừng nhìn diện mạo hoặc vóc người cao lớn của nó. Ta đã gạt bỏ nó, vì điều mà người phàm nhìn thấy không đáng kể: thực vậy, người phàm nhìn bề ngoài, nhưng Chúa nhìn tâm hồn."

Bài huấn giáo

Trong phần huấn giáo tiếp đó, vì mới viếng thăm Mông Cổ trở về nên Ðức Thánh cha tạm gác lại loạt bài về "sự hăng say loan báo Tin mừng: lòng nhiệt thành tông đồ của tín hữu", để trình bày về chuyến tông du ngài mới thực hiện.

Ðức Thánh cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Thứ Hai vừa qua, tôi đã từ Mông Cổ trở về Roma. Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đã đồng hành trong kinh nguyện với cuộc viếng thăm của tôi và tái cám ơn chính quyền đã long trọng đón tiếp tôi: đặc biệt Tổng thống Krasukha, và cả cựu Tổng thống Enkhbayar, người đã trao thư chính thức mời tôi viếng thăm đất nước: một dân tộc cao quý và khôn ngoan, đã chứng tỏ với tôi sự nồng hậu và lòng quý mến. Hôm nay, tôi muốn đưa anh chị em vào trọng tâm cuộc viếng thăm này.

Người ta có thể tự hỏi: tại sao Giáo hoàng đi xa như vậy để viếng thăm một đoàn chiên bé nhỏ? Tại vì chính tại đó, xa những ngọn đèn chiếu, thường có những dấu hiệu sự hiện diện của Thiên Chúa, Ðấng không nhìn những vẻ bề ngoài, nhưng nhìn con tim (Xc 1 Sam 16,7). Chúa không tìm trung tâm của sân khấu, nhưng tìm con tim đơn sơ của người mong ước Chúa và yêu mến Người mà không xuất hiện, không muốn vượt lên trên những người khác. Và tôi đã được ơn gặp thấy tại Mông Cổ một Giáo hội khiêm hạ và vui tươi, ở trong con tim Thiên Chúa và tôi có thể làm chứng với anh chị em về niềm vui được ở trung tâm của Giáo hội trong vài ngày.

Cộng đoàn ấy có một lịch sử cảm động. Nhờ ơn Chúa, cộng đoàn ấy nảy sinh từ lòng nhiệt thành tông đồ của một số thừa sai hăng say đối với Tin mừng - đề tài mà chúng ta đang suy tư trong thời gian này. Các thừa sai ấy, từ khoảng 30 năm nay đã tới Mông Cổ mà họ không biết trước. Các vị đã học ngôn ngữ, và tuy đến từ nhiều nước khác nhau, họ đã khai sinh một cộng đoàn hiệp nhất và thực sự là Công giáo. Thực vậy, đó là ý nghĩa từ "Công giáo", tức là "hoàn vũ". Nhưng đây không phải là một sự phổ quát làm cho đồng nhất, mà là sự phổ quát được hội nhập vào văn hóa. Ðó là đặc tính Công Giáo: một sự phổ quát nhập thể, đón nhận điều tốt tại nơi ta sống và phục vụ dân chúng tại nơi mình sống. Ðó là cách thức Giáo hội sống: làm chứng về tình thương của Chúa Giêsu với sự hiền lành, bằng cuộc sống trước khi bằng lời nói, hạnh phúc về sự phong phú đích thực của mình là phục vụ Chúa và anh chị em.

Hoạt động bác ái

Và thế là Giáo hội trẻ trung ấy được khai sinh trong đó, nhờ lòng bác ái, trở thành chứng tá tốt nhất về đức tin. Khi kết thúc cuộc viếng thăm, tôi đã vui mừng làm phép khánh thành Nhà Thương Xót, là công trình bác ái đầu tiên được thành lập tại Mông Cổ, như một biểu hiện của tất cả các thành phần của Giáo Hội địa phương. Căn nhà ấy là danh thiếp của các tín hữu Kitô, nhưng cũng nhắc nhở cho mỗi cộng đoàn chúng ta là một nhà thương xót: là nơi cởi mở và hiếu khách, nơi những lầm than của mỗi người có thể mang vào mà không xấu hổ, khi tiếp xúc với lòng thương xót của Thiên Chúa, Ðấng nâng dậy và chữa lành. Ðó là chứng tá của Giáo hội tại Mông Cổ, với các thừa sai thuộc nhiều nước, cảm thấy liên kết thành một với dân, vui tươi phục vụ họ và khám phá vẻ đẹp đã có tại đó.

Gặp gỡ liên tôn

Tôi cũng đã có thể khám phá một chút vẻ đẹp này, cả khi được biết vài người, nghe câu chuyện của họ, đánh giá cao sự tìm kiếm tôn giáo của họ. Theo hướng đó, tôi biết ơn vì cuộc gặp gỡ liên tôn và đại kết, hôm Chúa nhật, ngày 03 tháng Chín vừa qua. Mông Cổ có một truyền thống lâu dài về Phật giáo, với bao nhiêu người trong thinh lặng, họ sống đạo một cách chân thành, và quyết liệt, qua lòng vị tha và chiến đấu chống các tham sân si của mình. Tôi nghĩ đến bao nhiêu hạt giống sự thiện ẩn náu, đang làm nảy sinh mảnh vườn của thế giới, trong khi chúng ta thường nghe nói về những tiếng ồn ào của những cây đổ xuống! Ðiều quan trọng quyết định là biết nhận ra và công nhận sự thiện. Trái lại, thường chúng ta quý chuộng những người khác theo mức độ họ đáp ứng những ý tưởng của chúng ta. Trái lại, Thiên Chúa yêu cầu chúng ta hãy có một cái nhìn cởi mở và từ ái, và không rơi vào thái độ trộn lẫn tôn giáo một cách tai hại và chủ trương hòa hợp dễ dàng, luôn có một vẻ đẹp nào có thể khám phá: nơi con người cũng như trong các văn hóa, trong các tôn giáo cũng như trong các quốc gia dân tộc. Vì thế, điều quan trọng, như dân Mông Cổ đang làm, đó là hướng cái nhìn lên cao, hướng về ánh sáng sự thiện. Chỉ theo cách đó, đi từ sự nhìn nhận điều thiện, ta xây dựng tương lai chung; chỉ khi đề cao giá trị người khác mới giúp chúng ta cải tiến. Và điều này xảy ra với những cá nhân và với cả dân tộc. Ðàng khác, Thiên Chúa cũng làm như vậy với chúng ta: Chúa nhìn chúng ta một cách từ nhân, tín nhiệm, và với cái nhìn của con tim.

Các đặc tính của dân Mông Cổ

Tôi đã ở trung tâm của Á châu và điều này thật tốt đối với tôi. Thật là tốt khi đối với đại lục to lớn này, đón nhận các sứ điệp của nó, nhận thức sự khôn ngoan của đại lục này, cách thức nhìn sự vật và đón nhận thời gian và không gian. Thật là tốt cho tôi được gặp gỡ nhân dân Mông Cổ, họ giữ gìn căn cội và các truyền thống, tôn trọng những người già và sống hòa hợp với môi trường: đó là một dân tộc nhìn trời để cảm nhận hơi thở của thụ tạo. Khi nghĩ đến lãnh thổ bao la và thinh lặng của Mông Cổ, chúng ta hãy để mình kích thích vì nhu cầu mở rộng tầm nhìn của chúng ta, để thấy điều thiện nơi những người khác và có thể mở rộng chân trời của mình.

Chào thăm và mời gọi

Bài huấn dụ trên đây được tóm tắt trong nhiều thứ tiếng cho các nhóm tín hữu thuộc các ngôn ngữ khác nhau, cùng với lời chào thăm và nhắn nhủ của Ðức Thánh cha.

Trong số các tín hữu hiện diện, cũng có một đoàn hơn 50 tín hữu hành hương gốc Việt Nam, từ bang Connecticut ở miền Ðông-Bắc Hoa Kỳ.

Ðặc biệt với đông đảo các tín hữu Công giáo Ba Lan đến từ Tổng giáo phận Cracovia, Bielsko, Tarnow và Kielce, cũng như các tín hữu thuộc giáo xứ Ba Lan ở Roma, đến đây để mừng kỷ niệm lễ phong hiển thánh cho vị bổn mạng của Ba Lan và của họ là thánh Stanislaô, giám mục tử đạo được phong thánh tại Assisi cách đây 770 năm. Ðức Thánh cha nói: "Thánh nhân là vị chủ chăn anh dũng và kiên trì của Giáo phận Cracovia, chịu chết dưới lưỡi gươm của vua Ba Lan, trong lúc bảo vệ dân và luật của Thiên Chúa. Với lòng can đảm mạnh mẽ và tự do nội tâm, thánh Stanislao đã đặt Chúa Kitô lên trên mọi ưu tiên của thế gian. Ước gì tấm gương của thánh nhân khích lệ anh chị em hãy trung thành với Tin Mừng, thể hiện trong cuộc sống gia đình và xã hội của anh chị em. Như thế anh chị em, có thể là những chứng nhân rạng ngời cho sự thật, công lý và tình yêu thương huynh đệ.

Sau cùng bằng tiếng Ý, Ðức Thánh cha chào thăm các nhóm giáo xứ và nhiều hội đoàn khác nhau. Ðức Thánh cha nhắc đến những người trẻ, người cao niên và các đôi tân hôn. Ngài nhắc nhở rằng: Ngài 08 tháng Chín này là lễ Sinh nhật Ðức Mẹ Maria, tôi nhắn nhủ anh chị em hay luôn tiến bước như Mẹ Maria, trên những nẻo đường của Chúa. Chúng ta hãy phó thác cho Ðức Mẹ là phụ nữ dịu dàng, những đau khổ và sầu muộn của Ucraina yêu quý đang chịu khổ đau.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page