Hãy kêu cầu và chào đón Chúa

trong những giông bão cuộc đời

 

Kinh Truyền tin với Ðức Thánh cha: Hãy kêu cầu và chào đón Chúa trong những giông bão cuộc đời.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 14-08-2023) - Trưa Chúa nhật, ngày 13 tháng Tám năm 2023, Ðức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền tin với sự tham dự của hơn 5,000 tín hữu, tại Quảng trường thánh Phêrô, dưới trời nắng khá gay gắt. Trong dịp này, ngài tái kêu gọi các vị hữu trách giải quyết nạn vượt biên gây chết chóc tại Ðịa Trung Hải.

Trong huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Ðức Thánh cha diễn giải ý nghĩa bài Tin mừng, thuật lại phép lạ Chúa Giêsu đi trên mặt nước đến gặp các môn đệ.

Huấn từ của Ðức Thánh cha

Ðức Thánh cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tin mừng hôm nay thuật lại một phép lạ đặc biệt của Chúa Giêsu: ban đêm, Ngài đi trên mặt hồ Galilea, đến gặp các môn đệ đang chèo thuyền (Xc Mt 14,22-33). Tại sao Chúa Giêsu làm như vậy? Phải chăng vì một nhu cầu khẩn cấp và bất ngờ, để cứu giúp các môn đệ của Ngài đang bị chặn lại vì gió ngược? Hoặc chính Chúa Giêsu đã có chương trình làm mọi sự như thế, Ngài bảo các môn đệ ra đi ban tối, thậm chí như Phúc âm nói, còn "ép họ" (Xc n.22)? Hoặc là để chứng tỏ cho họ sự cao cả và quyền năng của Ngài? Nhưng điều đó không phải là do Ngài. Vậy tại sao Chúa làm như vậy?

Ðức Thánh cha giải thích rằng: "Ðằng sau việc đi trên mặt nước có một sứ điệp ta không lãnh hội ngay được. Thực vậy, hồi đó, những vùng nước rộng lớn được coi là nơi của những sức mạnh sự ác mà con người không thể thống trị; đặc biệt trong trường hợp nước bị giao động vì sóng gió, các vực thẳm là biểu tượng của xáo trộn và gợi lại những tăm tối của hỏa ngục. Bấy giờ, các môn đệ ở giữa hồ trong tối tăm: họ lo sợ bị đắm chìm, bị sự ác hút mất. Và Chúa Giêsu đến đó, Ngài đi trên mặt nước, nghĩa là vượt lên trên những sức mạnh của sự ác, và nói với các môn đệ: "Hãy can đảm lên, Thầy đây, các con đừng sợ!" (v,25). Ðó là ý nghĩa của phép lạ: quyền lực của sự ác, làm cho chúng ta kinh hãi và không thống trị chúng được, nhưng với Chúa Giêsu, chúng bị định giá lại. Khi đi lên mặt nước, Chúa muốn nói với chúng ta: "Ðừng sợ, Ta đặt dưới chân những các kẻ thù của con": không phải đặt những con người, những kẻ thù, nhưng là sự chết, tội lỗi, ma quỷ: Chúa chà đạp những kẻ thù này vì chúng ta.

Hãy can đảm lên

Ngày hôm nay, Chúa Kitô lập lại với mỗi người trong chúng ta: "Hãy can đảm lên, Thầy đây, đừng sợ!". Nghĩa là hãy can đảm lên, vì con không còn lẻ loi một mình trong sóng gió của cuộc sống. Vậy thì làm gì khi chúng ta ở trên biển cả và bị gió ngược? Làm gì trong sợ hãi, khi ta chỉ thấy tối tăm và cảm thấy bị lạc mất? Hai điều các môn đệ trong Tin mừng đã làm, đó là kêu cầu và đón nhận Chúa Giêsu.

Trước kết là kêu cầu: Ông Phêrô đi trên mặt nước một đoạn đến với Chúa Giêsu, nhưng rồi ông kinh hãi, bị chìm xuống và ông kêu lên: "Lạy Chúa, xin cứu con!" (v.30). Thật là đẹp kinh nguyện này, qua đó có biểu lộ xác tín rằng Chúa có thể cứu chúng ta, Chúa chiến thắng sự ác và những sợ hãi của chúng ta. Cả chúng ta cũng hãy lập lại, nhất là trong những lúc bão tố: "Lạy Chúa, xin cứu con!"

Và rồi các môn đệ đón Chúa Giêsu lên thuyền. Sách Tin mừng ghi: "Vừa khi Ngài lên thuyền thì gió yên" (v.32). Chúa biết rằng thuyền đời, cũng như con thuyền Giáo hội, bị đe dọa vì những gió ngược và biển cả trên đó chúng ta chèo qua, thường bị giao động. Chúa không gìn giữ chúng ta khỏi vất vả vì phải chèo chống. Trái lại, Tin mừng nhấn mạnh, Ngài thúc đẩy các môn đệ ra đi: nghĩa là Chúa mời chúng ta hãy đương đầu với những khó khăn, để những khó khăn trở thành nơi cứu độ, cơ hội để gặp gỡ Chúa. Thực vậy, trong những lúc đen tối của chúng ta, Chúa đến gặp chúng ta, yêu cầu được đón nhận, như đêm ấy trên hồ.

Và Ðức Thánh cha kết luận rằng: "Vậy chúng ta hãy tự hỏi: trong sợ hãi, tôi cư xử như thế nào? Tôi có tiến bước một mình, với những sức mạnh của tôi, hoặc tôi kêu cầu Chúa? và đức tin của tôi ra sao? Tôi có tin rằng Chúa Kitô mạnh hơn những sóng gió ngược chiều hay không? Nhưng nhất là: tôi có cùng chèo với Chúa hay không? Tôi có đón Chúa, dành chỗ cho Chúa trên thuyền đời của tôi, để Ngài cầm lái hay không? Xin Mẹ Maria là Sao Biển, giúp chúng ta tìm kiếm ánh sáng của Chúa Giêsu trong những tối tăm chúng ta trải qua.

Chào thăm và kêu gọi

Sau khi đọc kinh và ban phép lành cho các tín hữu, Ðức Thánh cha nhắc đến vụ đắm tàu của các thuyền nhân vượt biên, tìm đường vào nước Ý. Ngài nói: "Thêm một vụ đắm tàu thê thảm xảy ra cách đây vài ngày tại Ðịa Trung Hải: 40 người bị thiệt mạng. Tôi đã cầu nguyện cho họ. Và tôi đau buồn, tủi hổ mà nói rằng từ đầu năm đến nay đã có gần 2.000 người nam nữ và trẻ em chết trên biển này, khi tìm cách vào Âu châu. Ðó là một vết thương mở rộng của nhân loại chúng ta. Tôi khuyến khích những nỗ lực chính trị và ngoại giao tìm cách chữa lành vết thương đó trong tinh thần liên đới và huynh đệ, cũng như sự dấn thân của tất cả những người hoạt động để phòng ngừa những vụ đắm tàu và cứu giúp các nạn nhân".

Ðức Thánh cha cũng nói thêm rằng: Ngày mai áp lễ Ðức Mẹ hồn xác lên trời, tại Bafoussam bên Cameroon, Phi châu có cuộc hành hương cầu nguyện hòa bình cho đất nước này còn bị bạo lực và chiến tranh. Chúng ta hãy hiệp ý cầu nguyện cho các anh chị em chúng ta tại Cameroon, để nhờ sự chuyển cầu của Ðức Trinh Nữ Maria, Thiên Chúa nâng đỡ niềm hy vọng của dân chúng, từ nhiều năm chịu đau khổ, và mở ra những con đường đối thoại để đạt tới sự hòa hợp và hòa bình".

Tiếp đó, Ðức Thánh cha kêu gọi cầu nguyện cho Ucraina đau thương, cho các nạn nhân hỏa hoạn tại đảo Maui trong quần đảo Hawaii, bên Mỹ. Ngài không quên chào thăm đông đảo các tín hữu đến từ nhiều nước, đặc biệt một số nhóm mới tham dự Ngày Quốc tế Giới trẻ ở Lisboa, Bồ Ðào Nha.

Sau cùng, Ðức Thánh cha cầu chúc mọi người một Chúa nhật an lành, đồng thời xin họ đừng quên cầu nguyện cho ngài.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page