Ðức Hồng y Parolin kêu gọi bảo đảm tự do

cho các Kitô hữu Trung Ðông

 

Ðức Hồng y Parolin kêu gọi bảo đảm tự do cho các Kitô hữu Trung Ðông.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

(RVA News 31-07-2023) - Hôm 29 tháng Bảy năm 2023, Ðức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, kêu gọi bảo đảm tự do cho mọi Kitô hữu ở Trung Ðông, và ngài tái tha thiết kêu gọi dùng mọi phương thế để tìm lại cha Paolo Dall'Oglio, bị bắt cóc mất tích cách đây đúng 10 năm.

Cha Paolo Dall'Oglio, người Ý, năm nay 69 tuổi (1954), thuộc Dòng Tên, thụ phong linh mục trong Giáo hội Công giáo nghi lễ Siriac, sáng lập Cộng đoàn Ðan tu Deir Mar Musa, trong sa mạc Syria năm 1991, để đón tiếp các tín hữu, thăng tiến đại kết Kitô, hội nhập văn hóa trong thế giới Arập Hồi giáo và đối thoại với các tín hữu Hồi giáo.

Hồi mùa xuân Arập, năm 2011, cha Paolo Dall'Oglio dấn thân bênh vực hòa bình và dân chủ hóa từ từ, nhưng cũng vì lập trường này, cha bị chính quyền Syria trục xuất hồi tháng Sáu năm 2012. Tháng Bảy năm 2013, cha Paolo trở lại Syria và đến thành Raqqa ở miền bắc Syria do phe đối lập với nhà nước Syria kiểm soát, và tại đây, ngày 29 tháng Bảy năm 2013, cha bị bắt cóc, rồi từ đó người ta không có tin tức gì về cha.

Nhân kỷ niệm đúng 10 năm cha Paolo Dall'Oglio bị bắt cóc, Dòng Tên và Tổng giáo phận Công giáo Siriac ở thành Homs và hai giáo phận khác ở Syria, cũng như Cộng đoàn Ðan tu ở Deir Mar Musa và thân nhân cha đã tổ chức thánh lễ cầu nguyện, tại nhà thờ thánh Ignatio của Dòng Tên ở Roma và mời Ðức Hồng y Parolin chủ lễ tối thứ Bảy, ngày 29 tháng Bảy năm 2023.

Trong bài giảng thánh lễ, Ðức Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh tha thiết kêu gọi dùng mọi phương thế để tìm lại cha Paolo Dall'Oglio và tất cả những người khác bị mất tích, - theo Liên Hiệp Quốc, có tới 120,000 người, trong những năm chiến tranh tại Syria-. Ðức Hồng y cũng đặc biệt nhắc đến một số vị bị cùng thân phận, như cha Paolo, đó là hai vị Tổng giám mục Chính thống Hy Lạp và Chính thống Siriac của Tổng giáo phận Aleppo bên Syria, bị bắt cóc ngày 22 tháng Tư năm 2013, và hai linh mục khác, một vị thuộc Công giáo Armeni và một vị thuộc Chính thống Hy Lạp.

Ðức Hồng y Parolin cũng nhấn mạnh rằng điều thúc đẩy cha Paolo Dall'Oglio dấn thân trong sa mạc Syria và xây dựng những cây cầu đối thoại với người Hồi giáo, chính là niềm tin nơi Chúa Kitô và tình thương đối với các anh chị em Hồi giáo. Ðức Hồng y nói: "Niềm tin ấy không đến từ một sự gắn bó về trí thức với hình ảnh lịch sử của Ðức Giêsu, nhưng từ cuộc gặp gỡ bản thân với Chúa, là nguồn mạch tình thương vô điều kiện đối với mọi anh chị em".

Ðức Hồng y Parolin cũng nhận xét rằng: "Ðể có thể đối thoại trong chân thành đối với những người thuộc các tín ngưỡng khác, như các anh chị em Hồi giáo, chúng ta không bao giờ được che giấu căn tính Kitô của chúng ta, nhưng biểu lộ căn tính ấy trong chiều kích chân thực nhất, nói bằng ngôn ngữ Nước Trời, là ngôn ngữ tôn trọng, quý chuộng người anh em. Chỉ theo cách thức đó, thái độ kiêu hãnh, trịch thượng, việc sử dụng võ khí, kỳ thị và chiến tranh mới, có thể bị thay thế bằng những đường lối hành động theo Nước Trời, nghĩa là lòng bác ái và cảm thương, và cuộc gặp gỡ với tha nhân trở thành tình bạn".

Ðức Hồng y Parolin nhắc đến dự hiện diện của các tín hữu Kitô tại Trung Ðông và mời gọi vượt thắng quan niệm coi họ chỉ là một nhóm thiểu số, cần được bao dung, như các Kitô hữu tại Syria, Palestine, Liban, Israel, Irak và các nước khác. Thực tế, họ là công dân của các nước liên hệ và cần bảo đảm mọi tự do cho họ. Họ là những thành phần của các nước ấy, với trọn danh nghĩa và luôn góp phần vào sự phát triển văn hóa, kinh tế, chính trị với lòng tận tụy và với khả năng".

Trong cuộc gặp gỡ giới báo chí trước thánh lễ, Ðức Hồng y Quốc vụ khanh trả lời câu hỏi về giai đoạn kế tiếp trong sứ vụ của Ðức Hồng y Matteo Zuppi, phái viên của Ðức Thánh cha: liệu Ðức Hồng y có đi Trung Quốc hay không, sau khi đã đi Ucraina và Nga? Ðức Hồng y Parolin nói: "Hiện thời, chúng tôi không biết gì cả và không thể nói gì. Hiện nay, chúng tôi đợi tiến hành Ngày Quốc tế Giới trẻ rồi sẽ tính sau".

(Vatican News 29-7-2023)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page