Kết thúc cuộc đối thoại thần học
giữa Công giáo và Chính thống
Kết thúc cuộc đối thoại thần học giữa Công giáo và Chính thống.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Alessandria (RVA News 10-06-2023) - Ủy ban hỗn hợp quốc tế đối thoại thần học giữa Giáo hội Công giáo và Chính thống đã kết thúc khóa họp thứ 15, từ ngày 01 đến ngày 07 tháng Sáu năm 2023, tại Alessandria, bên Ai Cập, do Tòa Thượng phụ Chính thống Alessandria và toàn Phi châu đón tiếp.
Thông cáo chính thức phổ biến trên trang mạng của Bộ Hiệp nhất các tín hữu Kitô ở Vatican cho biết:
Khóa họp được đặt dưới quyền chủ tọa của hai vị Chủ tịch là Ðức Hồng y Kurt Koch, Bộ trưởng Bộ Hiệp nhất các tín hữu Kitô và Ðức Tổng giám mục Gióp của Giáo phận Pisidia thuộc Tòa Thượng phụ Chính thống Constantinople. Ủy ban đã đạt tới một văn kiện mới với tựa đề: "Công nghị tính và quyền tối thượng trong Ngàn năm thứ hai và ngày nay". Tổng cộng, từ khi hai khối Giáo hội bắt đầu đối thoại thần học hồi năm 1980, đã có tất cả bảy văn kiện chung đã được thông qua. Vấn đề Công nghị tính và quyền tối thượng rất quan trọng và khó khăn, nhất là trên bình diện Giáo hội hoàn vũ. Quyền tối thượng bao gồm những vấn đề liên quan đến quyền bính của Ðức Giáo hoàng, một vấn đề gây chia rẽ giữa Chính thống và Công giáo.
Tuy nhiên, quyền tối thượng cũng liên quan đến vấn đề: Ðức Thượng phụ Chính thống Constantinople chỉ là một tước vị danh dự, hay cũng có một quyền bính nào đó trên các Giáo hội Chính thống địa phương. Vấn đề này đang gây chia rẽ giữa Chính thống Nga và Chính thống Constantinople.
Thông cáo chung công bố vào cuối khóa họp cho biết: "Cuộc thảo luận tập trung vào Công nghị tính và quyền tối thượng ở Ðông và Tây phương trong ngàn năm thứ hai, cố gắng bao nhiêu có thể cùng đọc lại lịch sử, và cống hiến cho nhau cơ hội đối thoại trong một tinh thần cởi mở để thăng tiến sự cảm thông và tín nhiệm nhau, vốn là những tiền đề thiết yếu để hòa giải với nhau vào đầu ngàn năm thứ ba này".
Trong số các tham dự viên khóa họp, có 18 thành viên Công giáo và các đại diện của 10 Giáo hội Chính thống [trong tổng số 15 Giáo hội Chính thống trên thế giới]. Ðó là các Giáo hội Chính thống thuộc các Tòa Thượng phụ Alessandria bên Ai Cập và toàn Phi châu, Tòa Thượng phụ Chính thống Jerusalem, Rumani, Georgia, Giáo hội Chính thống Cipro, Hy Lạp, Ba Lan, Albani, và Chính thống tại Tiệp và Slovak.
Như vậy là không có sự tham dự của các Giáo hội Chính thống Nga, Ucraina, Serbia, Bulgaria, Antiokia và toàn Ðông phương. Số tín hữu thuộc các Giáo hội này, nhất là Nga, cùng với Ucraina và Serbia chiếm quá nửa tổng số tín hữu Chính thống trên thế giới.
Từ năm 2016, có sự căng thẳng gia tăng giữa Chính thống Nga và Tòa Thượng phụ Chính thống Constantinople đứng đầu Chính thống giáo. Chính thống Nga từ chối tham dự Công đồng Liên Chính thống giáo do Tòa Thượng phụ Constantinople triệu tập tại đảo Creta.
Tình hình đó càng tăng thêm từ năm 2019 khi sự độc lập của Giáo hội Chính thống Ucraina khỏi Chính thống Nga được Ðức Thượng phụ Chính thống Bartolomaios công nhận, rồi thêm chiến tranh hiện nay tại giữa Nga và Ucraina.
(www.christianunity.va 9-6-2023)